Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Kể tiếp về Trần Đăng Khoa.

Trước nay được gần anh Trần Đăng Khoa nhiều nhưng chỉ viết được mẩu bằng bàn tay, gọi là có liên quan tí chút tới anh, thế mà anh cũng dỗi! Gặp mình, anh ngoảnh đi chỗ khác, mặc cho mình đã toe miệng trong tư thế chào. Anh dỗi nhưng vẫn quý mình và chẳng để bụng bao giờ


Thuộc hàng nhân sỹ, người của công chúng, anh rất giữ gìn hình ảnh. Có nhiều chuyện tuyệt mật về anh Khoa, không ai biết ngoài mình và TBT VOV.VN Phạm Mạnh Hùng. Anh Hùng còn giữ mồm giữ miệng chứ mình “ruột để ngoài da”.
  
Nói không ngoa, người được đặt chân tới nhiều nơi trên thế giới nhất ở Đài TNVN là anh Trần Đăng Khoa.

Ai cũng biết, khu phi quân sự ngăn chia hai miền Nam Bắc Triều Tiên (DMZ) là khu vực được bảo vệ và canh giữ cẩn mật nhất thế giới. Chỉ cần thò ngón tay qua lằn ranh là bị bắn chết tức thì. Thế nhưng duy nhất anh Khoa “có quyền tung tăng” ở đó. Làm gì có ngoại lệ, tất cả chỉ tại con bẹc-giê của lính Nam Hàn. Cả đoàn tham quan gần chục người, chẳng hiểu sao con chó  ấy chọn mỗi mình nhà thơ để rượt đuổi.

Ít ai ngờ anh Trần Đăng Khoa, đầu đội chủ trương vai mang chính sách; tu nghiệp cả chục năm trên quê hương Lênin; thuộc làu làu 2 nguyên lý, 3 quy luật và 6 cặp phạm trù của Duy Vật Biện Chứng… lại  tin vào năng lực siêu phàm.


Ít ai nghĩ rằng anh bỏ tiền túi du lịch Tây Tạng với một nguyện ước cháy bỏng là được đàm đạo về vũ trụ học phật giáo với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Anh chứng minh loài người sinh ra từ THƠ. Phật sống cãi không nổi. Trân quý cái tài của anh, Đức Lạt Ma sai đệ tử tổ chức hẳn một đêm thơ Trần Đăng Khoa. Hy Mã Lạp Sơn đêm ấy đèn đuốc rực trời.

Nếu ai tới Italia có thể biết Nhà nguyện Sistine Chapel, nghệ nhân Giovanni deDolci xây năm 1473, theo lệnh của Giáo hoàng Sixtus IV. Năm 1508, theo lệnh của Giáo hoàng Julius II, nghệ nhân Michelangelo bắt đầu công cuộc trang trí trần nhà nguyện. Sau 4 năm sống trên dàn giáo cao ngất ngưởng, ông đã tạo ra bức bích hoạ khổng lồ 510 m2, mô tả 32 thời khắc quan trọng trong lịch sử hình thành nhân loại. Phủ kín các bức tường là 12 bích họa lớn do các danh họa lỗi lạc nhất thực hiện: Perugino, Pinturicchio, Boticelli, Rosseli, Signorelli. Nổi bật trong các bích hoạ này vẫn là bức Ngày phán xét cuối cùng chiếm diện tích 223 m2 mô tả thời khắc Chúa Giêsu Kitô tái lâm.

Hiện nay Nhà nguyện này là nơi bỏ phiếu chọn Giáo Hoàng, đồng thời là bảo tàng nghệ thuật. Rất ít người có cơ hội bước chân vào chốn này. Anh Trần Đăng Khoa từng có mặt ở đó.

Lo sợ những bức bích họa vô giá bị hư hại do bụi bặm mà du khách mang lại, bảo tàng đã buộc người tham quan phải tẩy trùng trước khi bước vào sảnh.

Anh Trần Đăng Khoa thăm nơi này đã phải đi qua 10 phòng thanh trùng, sau đó lại sang 10 phòng khác với chức năng OTK. Nếu vật nào còn bụi bẩn thì phải bỏ lại vật ấy, bất kể cái gì, thậm chỉ là chiếc nhẫn. Món đầu tiên của anh Khoa không qua nổi OTK là cái khăn mùi soa. Tiếp theo là cái khăn quàng cổ, quần… và đôi tất.

Tới nơi trưng bày thì trên người anh Khoa còn mỗi cái áo may ô ba lỗ. Cũng may phòng này duy trì nhiệt độ, độ ẩm ổn định một cách nghiêm ngặt nên dù không mặc gì cũng không lạnh lắm. Anh Khoa cứ thỗn thệ thả sức ngắm các bức họa nổi tiếng thế giới, còn du khách toàn thế giới được tha hồ ngắm nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam.

Mình hỏi có ngại không, anh bảo chẳng lẽ quay ra? Hơn nữa đời người dễ gì có lần thứ hai. Đâu phải ai cũng có diễm phúc, vinh dự và cơ may vào nơi danh giá ấy. Chú mày hỏi anh thế chứng tỏ chú mày chẳng hiểu thế nào là cháy hết mình với nghệ thuật.  

Có một điều, anh thú thật, là cũng hơi ngượng. Trước khi sang Italia, anh đã “ngâm tẩm” dưới Biển Chết (trên thung lũng Jordan, giáp biên giới với Israel) hàng tháng trời. Biển Chết cực mặn nên chữa bệnh ngoài da cực tốt. Thế nhưng chẳng hiểu sao với anh, Biển Chết bó tay. Những vệt hắc lào từ thời cua cáy trên dòng sông Kinh Thầy vẫn còn nguyên tính thời sự.   

Thảo nào thiên hạ đồn đoán anh có một hợp đồng trị giá 20.000USD với một hãng sữa tắm trị bệnh ngoài da. Hãng này chỉ yêu cầu anh mặc đồ bơi, nằm ườn trên bãi biển, bấm máy 15 giây, có ngay 400 triệu. Thế mà anh thẳng thừng từ chối. Chắc là giữ thể diện quốc gia.

Anh nheo mắt vẻ bí hiểm, nói tớ đang chuẩn bị cho một dự án “kinh hoàng”.  Tớ đang tập nhảy Gang Nam style, giống Psy, để quảng cáo cho một loại thuốc cắt trĩ không đau, còn cao hơn cái giá ấy nhiều. Xong phi vụ này, tớ đếch thèm viết blog cho thằng Hùng VOV.VN nữa. Chú mày cứ chờ xem!


Viết cho Ngày Cá tháng tư
1/4/2014

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Thích lưu danh


Mình để ý thấy nhiều người khoái lưu lại tên ở những nơi đặt chân tới. Nơi đấy càng hoang vu, hẻo lánh càng kích thích, khơi gợi việc lưu lại danh tính bản thân.

Năm 1998, lần vào Trường bán trú Chiềng Nơi (Mai Sơn-Sơn La) làm việc. Sau mấy ngày “3 cùng” với thầy trò ở đó, hôm về, thầy Lò Văn Chiến sai hai học sinh người Mông dẫn đường cho mình vượt đỉnh Đông Vai, đi bộ ra Chiềng Chung, rồi Mường Chanh.

Lên đỉnh Đông Vai bóng nắng đã xiên, mình ngồi nghỉ dưới tán một cây cổ thụ. Gió rít, mây vờn, hứng lên mình rút con dao Mèo sắc lẹm ra khỏi bao, khắc tên vào thân cây. Làm xong công việc “đầy ý nghĩa” ấy, mình chợt xấu hổ vì qua lại lối mòn này có bao lượt thầy cô. Họ cũng nghỉ chân ở cái đỉnh chót vót này nhưng nào có ai nghĩ đến việc lưu danh.

Chuyến đi ấy mình viết được một cái ký be bé, phát trên Văn Nghệ, đăng trên tuần báo. Đấy là cái ký ưng nhất, viết cảm xúc nhất mà ý tưởng xuất hiện khi ngượng ngùng đứng nhìn cái tên vẹo vọ trên thân cây.

Có ông/bà danh thiếp in một lô xích xông các loại “nhà”, các loại học hàm học vị, các đơn vị tham gia điều hành, quản lý…, rồi tới đâu cũng xỉa xỉa ra như chia kẹo cho trẻ con miền núi cho dù người ta không thực sự có nhu cầu. Đấy cũng là một dạng của thích lưu danh.

Những ông này phát danh thiếp quen tay, nhiều khi nhậu sương sương, vào bia ôm cũng hào phóng tặng chân dài vài tấm làm oai.  "Sư tử" mà biết được thì toi đời.

Sơ khai nhất của hiện tượng thích lưu danh (như tôi đã từng làm) là viết tên tuổi mình lên đâu đó, kể cả ở trên mặt bàn, thậm chí trên tường toa lét công cộng.

Thay vì cố gắng tìm hiểu (nơi đã tới) để làm phong phú thêm đời sống tinh thần thì lại chăm chăm muốn thiên hạ biết mình từng đặt chân tới nơi này. Rõ khổ!

Hôm rồi Hiền, Phòng kỹ thuật, lai xe máy đưa mình đi xem khánh thành một ngôi chùa Khmer. Qua cầu Cần Thơ dừng lại ngắm, thấy chi chít trên lan can những tên là tên.



Nhiều bạn trẻ muốn gửi gắm thông điệp yêu thương hoặc khẳng định tình yêu của mình bằng cách khắc lên cái cầu dây văng đẹp nhất VN tên người trong mộng. Dại quá các em ơi!




Muốn mọi người biết tới tên mình có nhiều cách.  Nhà báo, nhà văn thì bằng tác phẩm, nhà khoa học thì bằng công trình, nhà quản lý thì bằng công việc; những người chẳng có nghề nghiệp rõ ràng thì cứ sống tử tế với mọi người ắt có tiếng thơm. Đấy là cách lưu danh bền vững và ít ô nhiễm nhất.






  



   

   



Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Ba sự kiện ở Nhật liên quan đến VN

Liên tiếp 3 sự kiện xảy ra ở Nhật nhưng làm VN dậy sóng.

1-     Nghi án quan chức Việt Nam nhận hối lộ 16 tỷ đồng của Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) để tập đoàn này trúng thầu tuyến đường sắt đô thị Hà Nội.

2-     Sinh viên Nhật từng học ở VN tặng người Việt “ly cà phê ngon, tuy đắng” để giúp người Việt thoát khỏi cơn ngủ gục.  

3-     Lại rộ lên chuyện tiếp viên Vietnam Airline tiêu thụ đồ ăn cắp trong siêu thị ở Nhật.



Cả ba sự việc này chưa có thông tin chính thức hoặc phán xét từ tòa án nên mình không dám bình luận gì cả. Chỉ nói hai điểm mà chắc chắn các bạn sẽ đồng tình.

Thứ nhất, mình đã xem qua bức thư của sinh viên người Nhật kia và thấy về cơ bản bạn í nói đúng tật xấu phổ biến của người Việt. Hãy dũng cảm đón nhận mà sửa chữa. Chẳng nên gân cổ ngụy biện. Đúng là bạn í tặng ta ly cà phê đắng ngắt, nhưng hãy cố cảm nhận cái đắng đót ấy đi, sau đấy mới là vị ngọt.

Thứ hai, cũng như nhiều quốc gia văn minh - dân chủ khác, nước Nhật rất minh bạch. Ở đó không có chỗ cho thói hư tật xấu tồn tại. Bằng chứng là dù cầm tiền đi hối lộ người khác, ở quốc gia khác, để đem lại nguồn lợi cho nước Nhật, thì cũng bị phanh phui, lên án và trừng phạt.

Nếu như cáo buộc của cảnh sát Tokyo về nạn tuồn đồ ăn cắp qua tiếp viên của hàng không Vietnam Airline là đúng, thì rõ ràng nước Nhật rất hiếm chỗ tiêu thụ của gian. Chính vì thế dân ta mới ham rẻ (hoặc có thể câu kết) để tuồn thứ đồ ăn cắp ấy về Việt Nam.

Một nước Nhật như thế thật đáng khâm phục, đáng học tập. Cụ Phan Bội Châu đã rất có lý khi Đông Du hồi đầu thế kỷ. Chỉ tiếc là…thời cuộc khiến cụ không thành công.



      

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Ghế.


Ngồi cái nghế không vừa vặn khổ lắm! Mình “dính” rồi. Vào Cần Thơ làm việc, anh em sắm cho cái ghế. Với suy nghĩ ghế PGĐ phải to hơn ghế nhân viên nên Phòng Hành chính mua cho cái ghế bành, loại rẻ tiền

Ghế hơi to, người mình nhỏ, ngồi lọt thỏm; ghế lại ngật ngà ngật ngưỡng, cứ ngả lưng ra sau là chổng vó lên, ngửa tơ hơ ra, giật bắn mình. Nhiều lúc cái chốt tuột làm mình ngã chổng kềnh, ngượng tím người, may không có chân dài đứng cạnh.

Lấy quyền lãnh đạo, mình đổi lấy cái ghế cũ của cậu Huy, Trưởng Phòng kỹ thuật. Trước đó mình có hỏi ý kiến, nói phét là to quá, anh ngồi không quen. Cậu Huy cứ cười cười, tưởng nói đùa. Nó tập trung nhìn mình phán đoán thực hư nên mắt lác xệch, trông ngộ!

Từ hôm đổi được cái ghế, mình ngồi tự tin hơn, vặn vẹo thoải mái không lo chổng vó hoặc tùng bê. Mỗi lúc khoan khoái như thế lại ngượng, thấy lương tâm cắn rứt vì cái thứ mình biết chẳng ra gì còn cố tình đẩy cho anh em.

Thương anh em. Nhưng loại sếp còi còi như mình quyền gì, "tuổi" gì mà dám đề xuất chuyện ghế. Mặt khác, mới lên phải ra dáng có tầm nhìn chiến lược, lo đại sự đại cục, ba cái vụ lẻ tẻ để ý làm giề. Vì thế nên tinh tướng giả bộ ngó lơ xem như chuyện nhỏ, chuyện vặt.

Cái ghế biết nói.  

Mình từng có ý nghĩ điên rồ là đi chụp ảnh ghế lãnh đạo. Chưa kịp nói hết câu thì thằng bạn thân gạt phắt, trừng mắt, nói ông muốn chết à!

Nguồn cơn của hành động “thiếu tính xây dựng, móc máy”- như cách nói của thằng bạn mình - xuất phát từ việc một chuyên gia quản lý của Đài DW đã rất lúng túng khi kê dọn một căn phòng cho đúng tính chất hội thảo, chỉ vì ghế của VN “khủng” quá.

Từng được thò chân vào một số phòng làm việc của lãnh đạo tỉnh thành phố, mình thấy nhiều bộ ghế rất cầu kỳ; có bộ rồng phượng như ngai vàng, có bộ lại cục mịch, nặng nề vì chế tác bằng cả tảng lớn gỗ quý. Nhìn những bộ ghế ấy, bọn tư bản bóc lột nó phê bình mình ứng xử thiếu thân thiện với môi trường thì bỏ mẹ!

Chẳng dám hỏi chủ nhân có thoải mái trên cái ghế đó không vì sợ bị hiểu lầm, vì chuyện “ghế” ở VN thuộc phạm trù tế nhị, nhưng tin rằng quá nửa sẽ chỉ cười mà không nói gì.

Ghế đúng là chuyện “nhạy cảm” vì người mới lên tiếp quản cơ ngơi của người tiền nhiệm, chẳng lẽ chê, chẳng lẽ tung hê để mua cái mới? Tinh thần Cần-Kiệm của người cộng sản để đâu?

Khi có sếp mới, mấy anh chị ở văn phòng cũng muốn mua bộ ghế “hoành tráng” tí để lấy lòng, mất gì của bọ!  

Mình rất thích nội thất gỗ, đặc biệt nội thất gỗ thời Minh - Thanh. Chữ Hán mình không biết nên sử dụng Google để dịch. Nó dịch “ghế ông chủ” là “cán bộ ghế”, chết cười!

Trao đổi với các nghệ nhân chuyên đóng ghế cho thương lái Tàu, họ bảo ghế thời phong kiến Trung Hoa phân thứ bậc rất rõ. Ghế dành cho người hầu con ở được đóng theo lối đơn giản, và đặc biệt là kích thước làm cho người ta khi ngồi vào đó có cảm giác nhỏ bé, tự ti và hèn mọn đi. Ví dụ như ghế cao hơn chút khiến chân người phải buông thõng, lửng lơ, chẳng bấu víu vào đâu, hàm ý “chân không tới đất, cật không tới trời”.

Thôi, chuyện ghế nhiêu khê lắm! "Chiếc áo không làm nên thầy tu". Tóm lại cứ ngồi cái ghế nào hợp với mình là được, to quá bé quá đều dở. Dĩ nhiên chỉ người ngồi là biết rõ điều đó./.









        



 

     

Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Nghề chụp – nghề viết.



Thằng Hoàng Mạnh, bạn mình - photographer nửa mùa. Trên facebook nó viết rằng con đường đến với nghệ thuật nhiếp ảnh của mấy tay nghiệp dư trải qua những giai đoạn thú vị.

Tập tọe cầm máy thì thấy cái gì cũng chụp. Biết biết một chút thì ti toe chụp...gái,  rồi đến phong cảnh. Sau đó sẽ chuyển sang thời kỳ...không chụp gì mà chỉ thích...chém gió.


Nếu đúng như thằng Mạnh nói thì mình thấy nghề chụp cũng giông giống nghề viết.

Lúc đầu gặp gì cũng viết, ngô nghê lắm! Sau đó viết ít hơn tí nhưng rất chịu khó tìm tòi chọn lựa câu chữ nghe thật kêu, càng loảng xoảng,  càng choang choác càng khoái. Tới nữa thì viết ngắn. Càng ngắn càng tốt, câu chữ càng giản dị càng tốt.  Và “giai đoạn cuối” là viết, rồi xóa, xóa rồi lại viết. Nhiều khi nhấc đít lên mà chẳng được chữ nào.

Giai đoạn lục tìm từ ngữ màu mè để viết thì thường sáo. Hầu như ai cũng vướng. Tỉnh ngộ sớm thì thoát ra nhanh, còn cứ u u mê mê thì nó theo cả đời. Người viết  tưởng hay nhưng kỳ thực làm khổ người đọc.

Đã có thời người viết phải “nấu cháo” mấy chữ “dưới ánh sáng của nghị quyết…”. Báo cáo đã đành, báo chí cũng viết vậy. Buồn cười thế! Nghị quyết thì cũng có cái đúng nhiều đúng ít. Có phải cái nào cũng tỏa ánh sáng chói lòa đâu?

Hồi còn làm việc trên Sơn La, mình cứ thò máy ghi âm ra là y như rằng, từ ông trưởng bản cho tới ông chủ tịch huyện đều bắt đầu bằng “bài ca”: “thực hiện nghị quyết…, chúng tôi đã tham mưu cho cấp ủy…”, cứ thao thao như đứa trẻ đọc thuộc lòng. Có ông bí thư vẫn “tham mưu cho cấp ủy”.


Mình có bà chị, nhà báo hẳn hoi, bài viết nào cũng mở đầu bằng câu: “Nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước…,” hoặc “Nhờ có những chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước”.

Có hôm đọc bài xong, mình chán quá ngẩng lên nói bâng quơ: Đúng là không có đảng, nhà nước thì dân chết chị nhỉ? Chị hất mặt, nói chứ sao. Mình trả chị bài báo, nói không có chủ trương đúng thì dân chết chị nhỉ? Chị gật đầu cái rụp giọng cả quyết, nói còn gì nữa. Đảng, nhà nước mà không biết ban hành chủ trương đúng, không lo được cho dân thì cũng chết chị nhỉ? 
...
Chị không nói gì, cầm xấp bài đi về phòng./.
    

   


  


 

Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

Bể dâu.


Tình cờ sáng nay đọc 3 bài báo, lại toàn nói đến các nhân vật tiếng tăm một thời. Chánh Tín, Thương Tín và con vua Bảo Đại: Bảo Ân.  

Đọc xong buồn quá! Đúng là cõi đời dâu bể! Nay bãi bể, mai nương dâu, chẳng biết đâu mà lần. Vì thế người ta mới tin có mệnh, có số ở cái cõi tạm này.

Ai cũng biết Chánh Tín qua hàng loạt phim đình đám những năm 80-90 của thế kỷ trước mà nổi bật là "Ván bài lật ngửa". Poster phim "Ván bài lật ngửa" vẽ Chánh Tín mặc ba-đờ-xuy, đội mũ phớt đứng giữa rừng hoang ngập lá vẻ phong trần nhưng lịch duyệt và đầy chất lãng tử đã làm mê mẩn lũ trẻ chúng tôi một thời.

Còn Thương Tín với bộ mặt xương xẩu, cái nốt ruồi to vẻ hiểm ác thì luôn vào vai phản diện. Cả hai đều được coi là những lãng tử đào hoa của làng xi-nê thập kỷ 80-90; đều có đủ tiền tài, danh vọng.


Chánh Tín và Thương Tín thời vàng son

Vậy mà giờ đây chỉ thấy một Chánh Tín với khuôn mặt chảy xệ đang phải van xin người ta thư thư hãy tịch thu nhà vì ông ốm nặng. Còn Thương Tín thì hốc hác, tiều tụy, tóc màu muối nhiều hơn tiêu.

Sau những bê bối về cờ bạc, giờ ở cái tuổi trên 60 nhưng Thương Tín vẫn còng lưng nhận các vai phụ để kiếm tiền nuôi đứa con 1 tuổi. Thấy ông nói quỹ thời gian không còn nhiều, thấy ông thẳng thắn nói đời có vay có trả mà nghẹn đắng, ngậm ngùi.

Còn ông Bảo Ân, con bà Phi Ánh, vợ của Bảo Đại thì cuộc đời cũng chìm nổi qua cả hai thời kỳ, trước và sau năm 75. 

Sau 75, trốn vùng kinh tế mới về lại Sài Gòn, ông sống chui lủi, lăn lộn tìm đủ kế sinh nhai ở chợ trời, rồi bỏ mối nước tương, dép cao su... Tiếp đó là cơ man trầm luân khổ ải.

Cuối đời, ông Bảo Ân cùng gia đình cũng được bảo lãnh qua Mỹ. Song điều khiến mình lưu tâm nhất là hình ảnh ngôi mộ của cựu hoàng Bảo Đại ở Paris. Ông vua hào hoa khét tiếng ăn chơi một thời giờ hỏi không ai biết mộ phần ở đâu trong Nghĩa trang Passy. Sau nhiều ngày tìm kiếm thì họ cũng lần ra "lăng" của ông: Không một dòng chữ, chỉ có hai tấm đan bằng xi măng như thế này thôi.


Hoàng tử Bảo Ân bên mộ Bảo Đại (Quê Choa)

Dẫn ra hình ảnh ngôi mộ đơn sơ của cựu hoàng không hẳn mình cổ vũ cho sự lộng lẫy, hoành tráng, xa hoa đầy chất trọc phú của nhiều ngôi mộ quan chức và đại gia hiện nay. Nếu người nằm dưới mồ chẳng ra gì thì sự nguy nga chỉ tổ thiên hạ thêm lời đàm tiếu. Cũng nói thêm là cái sự ăn chơi của ông Hoàng Bảo Đại thấm tháp gì so với một số quan lại hiện nay.
 
Mình từng đến một vài dinh thự nguy nga của Bảo Đại, trong đó có dinh thự ở Đồ Sơn-Hải Phòng. Tại đó, phởn chí mình thuê hẳn một bộ long bào với đủ áo mão cân đai; rồi bệ vệ, chễm chệ tọa trên ngai vàng… chụp một pô ảnh. Để kỷ niệm? Hẳn nhiên, nhưng chắc là hầu hết (những người diện hoàng bào như mình)  đều có tí ước mơ về một đời vương giả?

Giờ chưa già nhưng tuổi tác cũng giúp mình chậm lại để ngẫm ngợi; nhìn người, nhìn đời để thấy mình. Nhớ bức ảnh lụng thụng xiêm y ngày nào…, thấy tuổi trẻ lố quá, chưa thèm biết đến hai chữ phù du và dâu bể ở đời./.          

    


Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Tù mù kiểu này thì chết!

Người dân luôn là nạn nhân của sự tù mù. Vì thế cung cấp đủ thông tin cho người dân là trách nhiệm của một quốc gia văn minh và dân chủ.

Với bất cứ ngành nghề nào, đối tượng nào trong xã hội hiện nay, có thông tin là có cơ hội chiến thắng, hoặc ít nhất cũng giành lợi thế cạnh tranh.

Còn chuyện máy bay mất tích, nếu đủ thông tin, thì các nước đỡ mất công tìm kiếm, tốn kém vài tỷ bạc mỗi ngày, dân chúng cũng đỡ hoang mang.

Vụ máy bay này càng ngày càng tù mù, thông tin nhiễu loạn. Cứ lấy cái kiến thức phổ thông, cóp nhặt của mình mà phân tích, suy luận cũng thấy đủ thứ mâu thuẫn.

Lâu rồi mình có đi một vài đảo, những nơi có quân đội đóng. Cũng được các anh  lính cho vào xem cái màn hình rada nó quay quay, thi thoảng thấy hiện lên các đốm sáng. Mình hỏi cái đốm sáng ấy là gì, lính đáp: tàu thuyền. Mình lại hỏi sao phân biệt được tàu đánh cá, tàu vận tải với “tàu lạ”. Lính cười, nói cũng khó, nhưng tinh ý sẽ thấy đốm sáng hiện lên khác lạ…

Nói thật, các bạn thừa biết mấy cái rada của ta trên đảo đâu có hiện đại gì, toàn từ thế kỷ trước. Vậy mà còn có khả năng phân biệt “tàu lạ” nữa là Boeing 777, tất nhiên là đừng ngủ quên, hoặc nhậu xỉn.

Rồi mình cũng có cơ hội đến một đơn vị phòng không cách Hà Nội không xa. Đơn vị này từng bắn rơi B52 và hiện sở hữu S300- một loại tên lửa mà ông bạn 4 tốt đang rất ngán. Tại đây lính nói “mắt” ra đa nhìn xa vài trăm cây là chuyện bình thường. Mình lại tò mò hỏi, vậy sao phân biệt được các chuyến bay thương mại với các vật thể bay lạ uy hiếp vùng trời. Lính bảo hàng ngày nhận được các bản thông báo của phía hàng không dân sự, trên đó cung cấp thông tin các chuyến bay, giờ bay, đường bay… căn cứ vào đó để bên quân đội phân biệt, tránh phóng hỏa tiễn nhầm.  

Nói vậy thôi chứ khi xác định vật thể bay lạ xâm nhập thì các bước triển khai đều có quy trình, như xả lũ của mình í, hi hi.

Bậy! Quân đội ai làm thế! Bước đầu tiên là hỏi - đáp với phi công. Sau đó bắn luôn hoặc điều máy bay chiến đấu lên tiếp cận khống chế tùy vào máy bay kia loại gì, thằng phi công trên đó trả lời có lễ phép không.

Trở lại với MH 370 đang mất tích. Vị trí mất tín hiệu thuộc vùng ranh giới chuyển giao hướng dẫn bay giữa Việt Nam và Malaisia. Điều này có nghĩa rada hàng không bắt được tín hiệu, vậy hà cớ gì rada quân sự “khủng” hơn cả chục lần lại không bắt được tín hiệu nhỉ.

Cứ cho là MH370 còn cách Thổ Chu hơn trăm cây số, coi như là đã đi vào vùng biển đảo của mình. Thứ tính xem, Mig 21 từ thế chiến thứ II cũng đạt 2500Km/h , vậy thì mình chưa kịp xỏ giày nó đã xuất hiện ngay trên nóc nhà tập thể VOV ở quận Ninh Kiều- Cần Thơ.

Đến đây mình chợt nhớ tới năm 2000, cái thằng cha Lý Tống hống hách lái máy bay từ Thái Lan vào tận Tp HCM rồi lại tinh tướng bay về. Bỏ mẹ! Xuống hầm thôi! Tù mù kiểu này chết !

Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Suy diễn?

Chương trình “Chào buổi sáng”  phỏng vấn chị nhà văn nào đó, nói đại ý nếu người phụ nữ hào hứng và vui mừng với ngày 8/3 bao nhiêu thì chứng tỏ họ bị hắt hủi, thiệt thòi và âm thầm chịu đựng điều đó suốt cả năm bấy nhiêu.

Không biết nghe có chuẩn không, nhưng hình như thế. Thấy cũng có lý!

Lấn bấn với câu nói của chị nhà văn này nên sáng nay đọc vài cái tít trên báo, mình cũng bị ảnh hưởng luôn.

Mấy ngày qua báo chí Việt Nam phát sốt với việc Campuchia chế tạo được ô tô. Hôm nay lại có thêm bài “Việt Nam thêm thua kém Campuchia”. Nghe có vẻ dè bỉu, chế diễu ? Không, thấy hợm hĩnh, trịch thượng thế nào í. Việt Nam là cái đinh gì mà không thua kém nước khác? Giả sử mình là người Campuchia, khi đọc nhan đề bài viết ấy cũng có cảm giác bị xúc phạm, bị coi thường chứ chẳng hãnh diện gì.

Thêm bài nữa giật: “Cảnh sát giao thông trả lại tài sản cho người đánh rơi”. Hồi nhỏ bố mẹ mình thường dạy có đi lạc (hay nhặt được cái gì) thì cứ hỏi (hoặc đưa cho) chú công an. Công an mặc định là người luôn giúp đỡ người đi đường và làm đúng pháp luật. Thế nhưng cái tít kia lại tạo cảm giác ngỡ ngàng, ngạc nhiên. Tương tự, có bài: “Bác sỹ không nhận phong bì”.  Hình như người viết muốn chứng tỏ đó là một hiện tượng lạ, khác thường, cần biểu dương? Bác sỹ và công an đọc có giận không nhỉ? Bật mí là báo ngành của các anh các chị đấy nhé!

Mình đặt tít cực dở. Trước có ti toe mấy bài trên VOV.VN, TBT Phạm Mạnh Hùng đều phải chữa lại tít nên cũng chẳng dám bình luận hay dở gì với cách đặt tít như trên. Nhưng qua đây mình thấy BBC coi trọng yếu tố ĐỘC LẬP và KHÔNG THIÊN VỊ  trong khi tác nghiệp cũng có cái lý của nó.  

 Mấy suy nghĩ chợt đến chẳng biết có suy diễn kiểu “tặng em nước hoa chứng tỏ em hôi” không. Các anh chị cho lời bàn tiếp!

Cận cảnh lò thiêu xác trong chùa Khmer.

Người Khmer  theo Phật giáo Nam tông (Phật giáo tiểu thừa) nên  mọi nghi thức lễ hội, đón mừng năm mới diễn ra ở chùa và mang đậm màu sắc lễ hội phật giáo. Ngôi chùa của người Khmer là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hoá, tinh thần của cộng đồng. Chùa được xây dựng bề thế trang nghiêm, chạm khắc rất tinh tế, công phu với mái cong, nóc nhọn, tháp cao vút, nằm giữa khuôn viên rộng để bà con đến làm lễ, vui chơi. Và khi qua thế giới bên kia, người Khmer cũng thục hiện các công việc cuối cùng tại chùa.

Màu vàng, đỏ, hồng là màu chủ đạo trong chùa Khmer. Đây là ngôi chùa Xiêm Cán ở Bạc Liêu. Bạn Thái Minh Lộc ở cơ quan mình trước tu ở đây, tí thì lên sư Cả, nhưng vì yêu Đài quá nên chưa thể thoát tục.

Chùa Xiêm Cán- Bạc Liêu.


Bạn Thái Minh Lộc đứng thứ 5 từ phải sang
Thấy bảo chùa này to và đẹp nhất ĐBSCL. Tuy nhiên điều mình quan tâm hơn cả là  hai cái lò thiêu xác được đặt ngay trong khuôn viên chùa.

Lò thiêu xác.   

Mình nghĩ đây là mô hình mà nhiều nơi cần học tập. Lò thiêu bằng củi, rất vệ sinh. Cũng nói thêm rằng các đám hiếu ở khu vực miền Tây (của cả 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer) đều không quá u ám, não nề, buồn thảm như ở miền Bắc. Có người bảo đám ma trong này không khóc. Mình thì chưa thấy nhưng cứ kêu khóc thảm thiết quá cũng chẳng giải quyết cái gì. 

Trở lại với cái lò thiêu. Thiêu xác sau khi mất là văn minh nhất. Với cách thiết kế như của chùa Khmer thì đâu có nhiều tiền? 

Lò mới toe


Cái lò đôi này mới tinh chưa sử dụng. Hai cửa thông nhau. Toàn bộ phía dưới chất củi. Trên có cái gờ để đặt quan tài. Mình hỏi Thái Minh Lộc liệu bấy nhiêu củi có đủ nhiệt để cháy hết không. "Sư" Lộc nói cháy hết, chỉ cần củi chắc như gốc nhãn, gốc tre là OK, kinh nghiệm ngàn đời của người Khmer rồi. 

Mọi người cứ nói khu vực này tử khí, âm khí  này nọ mình thấy như cái bếp, có gì đâu. Xung quanh các em nhỏ và sư vẫn vui đùa...

Cái này lò đơn, cũ, ngay cạnh cái mới xây. Chắc chạy quá công suất nên phải xây thêm cái mới. Mô hình và cả thiết kế này nữa các địa phương nên học tập.

 Nếu như tháp (mộ) trong chùa miền Bắc chỉ dành cho các nhà sư trụ trì thì chùa Khmer "phục vụ" cho cả cộng đồng. Những ngôi tháp rực rỡ này của dân quanh vùng. Bởi vì chùa Khmer rất hiếm khi có vị sư nào tu cả đời trong chùa. Tu hành với người Khmer như một nghĩa vụ, hết nghĩa vụ lại hoàn tục. Bởi thế mới nói dân tộc và tôn giáo trong cộng đồng người Khmer hòa quyện, gắn chặt với nhau.  



Tháp-mộ

Đây thực chất là các mộ phần nhưng ở trong khuôn viên chùa nên thấy rất gần gũi, ấm áp, không có vẻ hoang lạnh, cô tịch và âm u kiểu nghĩa địa. Gia đình nào có mộ phần người thân ở đây cũng sẽ thấy âm dương đỡ cách trở và ấm cúng  hơn.  Tất nhiên muốn làm được vậy thì phải có mô hình "Đài hóa thân hoàn vũ" rất gọn nhẹ và kinh tế kia mới đảm bảo vệ sinh.






Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Máy bay Malaisia rơi: Thời gian khó hiểu?


Cả sáng nay mày mò trên mạng mỗi chuyện máy bay rơi. Trước hết cầu mong điều kỳ diệu nào đó xuất hiện.


Mình đã từng 2 lần tới Malaisia. Cả hai lần đều xuất phát từ Noibai - Hanoi. Chưa lần nào được đi 777-200. Toàn đi loại “còi” hơn. Không nhớ đi hết mấy tiếng nhưng hình như không lâu. Đại khái lúc ngó xuống thấy miền Tây với những con kênh thẳng tắp đổ ra biển, thấy mỏm đất cuối cùng của tổ quốc, cong cong như ai đó chơi trò nghoéo tay con trẻ thò ra nơi đất Mũi, thì chỉ một tẹo là hạ cánh xuống Kualalumbur, với những rừng cọ thẳng tắp.

Kiểm tra lại thời gian bay giữa Hanoi - Kuala lumbur thì thấy hết khoảng 4 tiếng, chẳng biết máy bay loại gì.

Bởi vậy mình cứ băn khoăn là nếu MH 370 cất cánh sau hai tiếng (tính tới lúc ra-đa lần cuối cùng nhận được tín hiệu)  thì phải đi được phân nửa quãng đường Hanoi - Malaisia rồi chứ nhỉ. Đường bay Malaisia-Bẹijing không khác lắm so với Noibai - Kuala lumbur.

Mà cái thời gian cất cánh của MH 370 mỗi báo nêu một khác, chẳng biết đâu mà lần nữa.

Ai từng ghé sân bay Kuala-lumbur thì biết nó hiện đại thế nào, sân bay Quảng Châu không lại được về độ văn minh đâu. Mình đánh giá cao tính chuyên nghiệp của hàng không Malaisia.     


 Xe bán rau ở Dương Đông-Phú Quốc

Bây giờ người ta dự đoán MH 370 rơi cách Thổ Chu khoảng 300 Km về phía Nam. Thì chỉ biết vậy. Thông tin thêm với bà con Đảo Thổ Chu là một trong những đảo lớn do Vùng 5 Hải Quân kiểm soát, có quân đội đóng giữ. Tuy nhiên để tới được Thổ Chu chẳng mấy dễ dàng.

Nếu đi từ Cần Thơ bằng máy bay ra Phú quốc thì mất khoảng gần tiếng. Tuy nhiên máy bay chỉ đáp xuống thị trấn Dương Đông, huyện lỵ Phú Quốc. Từ đây xuống đại bản doanh của Vùng 5 Hải Quân chắc phải mất 1 tiếng chạy xe ôm vất vả, chẳng biết đường làm xong chưa. Các bạn cứ hình dung rẻo đất cuối cùng của Phú Quốc là chỗ Vùng 5 đóng quân. Từ chỗ này xuôi tiếp về phía Nam sẽ tới Thổ Chu, nghe đâu tàu thuyền bình thường đi mất gần ngày.


Có mấy cái ảnh ở Vùng 5 nhưng nhạy cảm , xóa rồi, đăng hình nhà tù Phú Quốc.

Sau vụ chém người ở nhà ga Trung Quốc liên quan tới khủng bố, mình nghĩ nhiều tới khẳ năng MH 370 cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Giờ đi máy bay có nhiều hành khách TQ hoặc tuyến bay sang đó cũng rờn rợn. Với MH 370 của Malaisia, hy vọng điều thần kỳ xảy ra! 

  

Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Internet, báo chí và mạng xã hội.

Năm 2000 mình làm một chương trình về văn hóa chợ, có nói tới việc mua bán trên mạng. Thực ra nói thế thôi chứ cũng chưa hình dung nó như thế nào.

Seagame 21 năm 2001, khi làm việc ở Trung tâm báo chí Kuala Lumpur, Malaysia, mình còn gà mờ chuyện mạng mẽo lắm. Hồi đó chuyển tin về nhà vẫn dùng Reportophone trong khi máy tính nối mạng để không.


Bây giờ thì mạng đã phổ biến. Sức mạnh của internet không dừng lại ở đây. Nó tiếp tục làm thay đổi thế giới.

Các khái niệm về chợ, về tiền tệ, về truyền thông, xuất bản… chắc chắn sẽ được bổ sung cho đầy đủ hơn khi có sự tham gia không thể chối bỏ của Internet. 

Khái niệm chợ bây giờ chỉ còn là nơi giao dịch bán mua chứ không giới hạn  bởi một phạm vi không gian, thời gian, gắn liền với cơ sở vật chất cùng những hoạt động cụ thể; tiền tệ đã có Bitcoin làm điên đảo thế giới, làm đau đầu các nhà tài chính; còn xuất bản thì không giới hạn ở những cơ sở duyệt bài, sắp chữ và in ấn, truyền thông (xét ở một góc độ nào đó) không còn là độc quyền của bất cứ cá nhân và tổ chức nào.

Với một chiếc máy tính nối mạng, mọi người vừa sắm vai tác giả, vừa là người biên tập, chủ nhà in. Xuất bản trong vài giây, cả thế giới đọc, chẳng cần nộp lưu chiểu.

Từ vụ hôi bia bị cộng đồng mạng ném đá dữ dội, gần đây, các vụ hôi của giảm dần. Vụ lật xe xoài ở Quảng Nam, người dân giúp lái xe thu dọn. Không hôi của.

Nếu không có mạng xã hội cùng lên tiếng với các tờ báo chính thống, sự việc chưa chắc đã được cải thiện một cách nhanh chóng đến vậy. Rõ ràng tẩy chay cái xấu cũng được xem như biểu dương việc làm tốt.

Nói điều này bởi gần đây người ta kêu gọi tuyên truyền gương người tốt việc tốt như một hành động để làm đối trọng với cái xấu, cái ác đầy rẫy trên báo. Biểu dương rất cần thiết, nhưng cứ nặn ra người tốt việc tốt hoặc đẻ non người tốt việc tốt một cách thô thiển và gượng ép thì hiệu quả chắc gì đã bằng nêu ra cái xấu để dư luận vào cuộc?  Trong báo chí không có khái niệm cân bằng thông tin để ưu và nhược, tốt và xấu, tích cực và tiêu cực cứ phải 50-50. Người dân, đến một lúc nào đó quá ngán ngẩm với những món ăn tinh thần đã được tinh luyện, thiếu hẳn hơi thở cuộc sống, thì họ tự khắc tìm đến với thông tin trên mạng xã hội - nơi mà cuộc đời thực ở ngay bên cạnh.

Mới sáng nay thôi, nhiều báo đều đăng tải lại một đoạn clip có nguồn gốc từ facebook, ghi lại cảnh chiếc xe 29u - 4036 đâm nữ sinh rồi bỏ chạy. Sự phẫn nộ của cộng đồng mạng trước sự việc này chứng tỏ mạng xã hội đã có nguồn tin và tạo ra dư luận, kém gì báo chí chính thống đâu.  Đừng coi thường!  







Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Khoe tí, nhể .

Có quan điểm cho rằng không nên đưa hình gia đình mình lên các mạng xã hội. Thực ra thì cũng có vài điều phiền toái, song mình lại nghĩ nên chia sẻ sở thích, quan niệm, gu thẩm mĩ... để mọi người có thể biết về mình, hiểu về mình, qua đó nhận xét đánh giá mình.

Từ chỗ được mọi người nhìn nhận sẽ giúp ta có cái nhìn khách quan, công bằng và nghiêm khắc hơn với bản thân.

Thế giới nay khác rồi, chẳng cái gì là bí mật tuyệt đối. Hãy chia sẻ tất cả những gì mình hiểu biết cho mọi người, thế có khi lại hay. Hình như có ông nào đó nổi tiếng lắm, nói đại ý: Chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức với mọi người là con đường ngắn nhất dẫn tới thành công. Mình thì nghĩ đơn giản, nếu làm được như vậy thì vui sẽ vui hơn, buồn sẽ vợi bớt, cái hay cùng chia để mọi người biết, cái dở sẽ được mọi người góp ý. Lợi đơn lợi kép, việc gì phải giấu nhỉ?

Vì thế, hôm nay khoe chút xíu "góc cảm xúc" nhà mềnh. Nếu cách Decor này vui mắt, mọi người LIKE, còn nó rơi vào gu thẩm mĩ của phú nông vừa bán đất thì cũng lên tiếng báo động giùm. Thanks!

       
Chú thích ảnh trên: 
1-Cái chân máy khâu cũ của Đức, hiệu PFAFF mua lại của một anh chơi xe cổ dòng XHCN. 

2-Màu đen đỏ trắng lấy ý tưởng từ đầu máy xe lửa hơi nước chạy qua làng mình-Xóm Lò. Những chuyến tàu đã đi vào ký ức tuổi thơ của mình, còn  ý nghĩa hơn cả chuyến tàu trong truyện của Thạch Lam ấy chứ.

3-Bức tượng cách điệu đôi trai gái châu Phi vốn nguyên bản bằng bột đá. Mình chuyển xuống cho thợ đục tượng làng Ống làm lại trên chất liệu gỗ trắc. Mình sợ mai mốt các nghệ nhân làm tượng này "teo" hết. Đấy! Nghĩ xa tít mù tắp thế chứ! 

4-Bức tượng Chúa đục nhát cực đẹp (không biết gỗ gì) mua ở Philippin tính ra tiền Việt có 300 ngàn. Quá rẻ với một bức tường có hồn. Một quốc gia lấy Thiên chúa giáo làm quốc đạo nên tình cảm và sự kính chúa hiển hiện trong từng nhát đục. Tuyệt nhiên không thấy một nhát nào thừa. Tài! 

5-Cái đèn dầu bên cạnh của Xí nghiệp cơ khí Thăng Long, một đơn vị có máu mặt thời bao cấp. Lô đèn bằng đồng này ra được một hai lần gì đó là hết vì nguyên liệu quá cao. Cái đèn này mới tinh, một anh bạn tặng. Mình còn hai cái moi lên từ hàng đồng nát. 


Anh em gọi mình là Phong đồng nát (ve chai) vì nhiều thứ trong nhà mình đều từ đống đồng nát mà ra. Thật đấy! Tất nhiên là trừ vợ mình. Khà khà



Ảnh trên: Cái bình hoa Vạn Ninh bị vỡ miệng cũng nhặt ra từ một ông chuyên đi gom ve chai, ở tận gần Đồng Xâm -Thái Bình cơ



Ảnh trên: Đây chỉ là một "miếng" tranh khảm ốc rơi ra từ một cái bàn cổ nào đó. Mình phát hiện ra nó đang bị vứt xó ở nhà người quen của thằng bạn nên ủ mưu bảo thằng bạn mua bằng được. Cuối cùng nó xin. Mặc dù chỉ là một miếng nhưng bố cục tranh chặt chẽ đấy chứ.He he "mù" họa nhưng bình tí.





Mấy cái phù điều gỗ (quả đào, phật thủ ...) cũng đi "nhặt" ở phố Bát Sứ.  Cái tủ gỗ đóng theo phong cách tủ sách Hàn Quốc.      


Quạt Emi của Hà Lan mua của đồng nát.  Bức phù điêu gỗ thợ đục bằng cách nhìn từ tranh. Đồ cũ, điểm lạ là 5 đứa trẻ giống nhau như đúc. 



Đài Phillip anh Mạnh Thắng tặng. Nghe tốt!





Hai con cá chép hóa rồng( bằng gỗ) mua lại từ một anh bạn ở làng nghề Hà Tây . Hôm nào đem thếp vàng chơi. Quạt trần Merelli kia bé tí ti nên gọi là hạt mít.

  

 
Bức tượng này vác về từ Mỹ Sơn. Cảm ơn Hải Sơn- VOV thường trú Đà Nẵng.


Quạt Merreli và điện thoại "vớt" lên từ hàng ve chai. Tất nhiên phải trả tiền, ít thôi. Dùng tốt lắm! Nhưng hơi nguy hiểm nếu có trẻ con.




Đài dùng đèn điện tử hiệu Toshiba. Không nhớ nhặt ở đâu. Nghe vẫn nhận ra tiếng người.