Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Internet, báo chí và mạng xã hội.

Năm 2000 mình làm một chương trình về văn hóa chợ, có nói tới việc mua bán trên mạng. Thực ra nói thế thôi chứ cũng chưa hình dung nó như thế nào.

Seagame 21 năm 2001, khi làm việc ở Trung tâm báo chí Kuala Lumpur, Malaysia, mình còn gà mờ chuyện mạng mẽo lắm. Hồi đó chuyển tin về nhà vẫn dùng Reportophone trong khi máy tính nối mạng để không.


Bây giờ thì mạng đã phổ biến. Sức mạnh của internet không dừng lại ở đây. Nó tiếp tục làm thay đổi thế giới.

Các khái niệm về chợ, về tiền tệ, về truyền thông, xuất bản… chắc chắn sẽ được bổ sung cho đầy đủ hơn khi có sự tham gia không thể chối bỏ của Internet. 

Khái niệm chợ bây giờ chỉ còn là nơi giao dịch bán mua chứ không giới hạn  bởi một phạm vi không gian, thời gian, gắn liền với cơ sở vật chất cùng những hoạt động cụ thể; tiền tệ đã có Bitcoin làm điên đảo thế giới, làm đau đầu các nhà tài chính; còn xuất bản thì không giới hạn ở những cơ sở duyệt bài, sắp chữ và in ấn, truyền thông (xét ở một góc độ nào đó) không còn là độc quyền của bất cứ cá nhân và tổ chức nào.

Với một chiếc máy tính nối mạng, mọi người vừa sắm vai tác giả, vừa là người biên tập, chủ nhà in. Xuất bản trong vài giây, cả thế giới đọc, chẳng cần nộp lưu chiểu.

Từ vụ hôi bia bị cộng đồng mạng ném đá dữ dội, gần đây, các vụ hôi của giảm dần. Vụ lật xe xoài ở Quảng Nam, người dân giúp lái xe thu dọn. Không hôi của.

Nếu không có mạng xã hội cùng lên tiếng với các tờ báo chính thống, sự việc chưa chắc đã được cải thiện một cách nhanh chóng đến vậy. Rõ ràng tẩy chay cái xấu cũng được xem như biểu dương việc làm tốt.

Nói điều này bởi gần đây người ta kêu gọi tuyên truyền gương người tốt việc tốt như một hành động để làm đối trọng với cái xấu, cái ác đầy rẫy trên báo. Biểu dương rất cần thiết, nhưng cứ nặn ra người tốt việc tốt hoặc đẻ non người tốt việc tốt một cách thô thiển và gượng ép thì hiệu quả chắc gì đã bằng nêu ra cái xấu để dư luận vào cuộc?  Trong báo chí không có khái niệm cân bằng thông tin để ưu và nhược, tốt và xấu, tích cực và tiêu cực cứ phải 50-50. Người dân, đến một lúc nào đó quá ngán ngẩm với những món ăn tinh thần đã được tinh luyện, thiếu hẳn hơi thở cuộc sống, thì họ tự khắc tìm đến với thông tin trên mạng xã hội - nơi mà cuộc đời thực ở ngay bên cạnh.

Mới sáng nay thôi, nhiều báo đều đăng tải lại một đoạn clip có nguồn gốc từ facebook, ghi lại cảnh chiếc xe 29u - 4036 đâm nữ sinh rồi bỏ chạy. Sự phẫn nộ của cộng đồng mạng trước sự việc này chứng tỏ mạng xã hội đã có nguồn tin và tạo ra dư luận, kém gì báo chí chính thống đâu.  Đừng coi thường!  







0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ