Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Tết nghèo.


Mở mạng ra đọc thấy có bài viết về tết thời trước đổi mới bỗng dưng muốn viết vài dòng.

Mình sống ở quê một tí, thành thị một tí nên tết chỗ nào cũng đáng nhớ. Tuy nhiên kỷ niệm thuở chăn trâu ở cái làng Xóm Lò bên kia cầu Long Biên là khó quên nhất.


Tín hiệu đầu tiên của tết là tiếng pháo và mùi pháo. Nói là tiếng pháo cho oai chứ thực ra là tiếng nổ của các loại súng do đám trẻ trâu chế ra từ van xe đạp. Cũng có đứa không biết làm súng thì chỉ cần nịt cái đầu đạn K44 vào chiếc van xe đạp, nhồi diêm sinh vào trong và tung lên cao, khi rơi xuống đất cũng nổ. Chỉ một vài đứa có điều kiện mới mới có pháo để đốt. Mùi diêm sinh cháy, mùi pháo nổ nhắc nhớ mọi người mùa xuân đang về. 

Cái lạnh se se ở miền Bắc thật hợp với mùi pháo. Tiếng pháo, mùi pháo xua đi cái giá lạnh cuối đông; còn sương mù bảng lảng thì cứ muốn ôm mãi thật lâu cái mùi pháo thơm nồng.

Tết thời bao cấp ở quê hợp tác xã thể nào cũng phải mổ lợn. Tùy làng to hay  nhỏ mà mổ ít hay nhiều. Tất nhiên mỗi nhà cũng chỉ được chia một hai cân, đủ để làm nhân bánh chưng. Thế nhưng những ngày này có thể ví như ngày hội của làng. Vẻ mặt ai cũng háo hức, nhìn thấy nhau từ xa đã hỏi thay chào: “Ra sân kho xem chia thịt chưa”.

Mấy bác được giao nhiệm vụ tay dao tay thớt hôm đó được dịp lên mặt quan trọng. Có con lợn cọc thế mà chia thành trăm phần, phần nào cũng có tí thịt thủ, thịt mông, thịt rọi… Tóm lại, trong một xuất phải có đủ các bộ phận cơ bản của con lợn. Hàng trăm con mắt đứng vòng trong vòng ngoài đang dán vào từng xuất thịt vứt thành từng đống nhỏ trên sân kho sẽ giúp các bác mổ lợn xem phần nào thiếu, phần nào thừa. Dĩ nhiên sẽ không thể chính xác nên phương pháp bốc thăm được tiến hành để cái lỗi chủ quan được quy về may rủi.  Ối vụ lườm nguýt, tết không thèm đến nhà nhau chỉ vì phần thịt của tao thiếu tí dạ dày.

Với lũ trẻ thì hấp dẫn nhất vẫn là cỗ lòng đã được làm chín đựng trong cái rá con lót và đậy bằng lá chuối, trong đó có khúc dồi thơm lừng, lại thêm miếng gan con con, chắc là béo lắm. Lũ trẻ được bố mẹ bắt cầm rá lòng vê trước để họ còn ở lại tìm kiếm sự công bằng trong mỗi xuất thịt. Trên đường về, bọn trẻ không thể kiềm chế sự thèm thuồng nên nhảy chân sáo được dăm bước lại dừng lại, lật miếng lá chuối ra ngắm nghía rồi hít hà, nuốt nước bọt ừng ực.     

Làng mình ngoài làm ruộng còn có thêm nghề đốt lò gạch nên có nhiều ao (do lấy đất đóng gạch). Tết, hợp tác xã cho phép tát ao để kiếm chút cá tôm cải thiện mâm cơm vốn rất lèo tèo của người dân thời đó.

Cũng như chia thịt lợn, cá được bắt về vẫn theo nguyên tắc “làm cùng hưởng chung”, mỗi nhà được vài cân.

Thời đói khổ lấy đâu ra dầu mỡ như bây giờ nên dân làng mình phải kẹp cá vào phên tre, dựng cạnh nồi bánh chưng để nướng. Khi cá đã vàng đều thì đem kho giềng. Tới giờ, dù đã ăn nhiều loại cá, với nhiều cách chế biến,  nhưng nồi cá kho ngày tết thời đó vẫn ngon nhất. Cái vị bùi bùi, beo béo, thơm thơm, ngầy ngậy của miếng cá giờ chưa tìm lại được. Nhất là mùi khói ám một cách rất tự nhiên khiến người ăn rất khó quên.

Tết, nghèo thì nghèo cũng phải có nồi măng bát miến... Hồi đó mình cứ cự nự với mẹ về nồi măng, món mà bà chăm chút chỉ sau nồi bánh chưng. Mình bảo măng khô có chất gì đâu mà mẹ cứ cầu kỳ. Sau này nghĩ lại thấy mình nông cạn.                             


Tết nghèo có niềm vui và hạnh phúc riêng của tết nghèo. Tết đủ đầy có cái sung sướng và thỏa thuê của sự no đủ, chẳng thể so sánh. Những cái tết như thế càng làm cho mỗi người có cơ hội, có lý do để nghĩ và nhớ về tết hơn.   





    

       

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Chuyện nhặt về bà.


 
Nếu lấy nhà làm tâm thì mẹ mình chưa bao giờ đi ra khỏi bán kính 80 cây số. Đi xa nhất là lên Thái Nguyên, tản cư tránh máy bay Mỹ ném bom, những năm 60-70 của thế kỷ trước.

Gần đây, mấy lần mình gợi ý để bà vào Nam chơi nhưng bà ngại chẳng muốn đi. Mình bảo trước khó khăn chứ giờ thuận lợi mẹ nên đi đây đi đó cho biết thế giới nó ra làm sao chứ. Bà dùng ngón trỏ và ngón cái quệt trầu  hai bên mép, dẩu miệng, nói ôi dào ôi, thế giới như lũ trẻ trâu, đứa lớn bắt nạt đứa bé, cá lớn nuốt cá bé…

Mình hơi ngạc nhiên. Với trình độ lớp 3 bình dân học vụ mà có được cách so sánh  thú vị ấy, nói thực mình  “hơi bị sốc”.

Được cái bà chịu khó xem vô tuyến, thích nghe đài nên thời sự còn nắm rõ hơn mình.

Hôm qua lúc ăn cơm mình kể cho con gái nghe về tàu ngầm mang tên Hà Nội. Thấy mình lải nhải, tàu ngầm, tàu ngầm, bà chép miệng, nói ôi dào ôi, ngầm với nghiếc cái gì, vừa thấy cháy nổi lềnh phềnh trên biển kia kìa.

Mình bảo là tàu mới tinh, vừa mới nhận về, cháy thế nào được…Chắc mẹ nghe mấy ông tiếu lâm tào lao nên tưởng thật.

Bà dướn mắt nhìn mình, chỉ thẳng tay vào cái vô tuyến, nói tao vừa xem thời sự hôm qua, cháy nổi dập dềnh trên biển, vô tuyến mà sai à? Đài mà sai à? Mình gân cổ cãi, nói làm gì có chuyện đó. Tàu hiện đại lắm! Mẹ mình tiến gần hơn đến cái vô tuyến, dí tay vào màn hình, nói như đinh đóng cột: Thì hiện đại chứ sao! Vừa kiểm định, hạ thủy được mấy ngày. Cũng may mọi người đều thoát được.
  
Sự quả quyết của bà khiến mình cũng nghi nghi. Biết đâu đấy! Thế lực thù địch đầy rẫy.

Hóa ra bà nhầm sang vụ tàu cánh ngầm bị cháy ở Sài Gòn. Giời ạ! Tàu cánh ngầm, không phải tàu ngầm.



Được mẻ cười vỡ bụng. Lại nhớ có hôm thấy bà lúi húi rờ rẫm trên giường. Mình vào hỏi mẹ tìm gì đấy. Bà chẳng nói gì, tay vẫn cứ tiếp tục lần lần sờ sờ trên chiếu.  Cuối cùng thì bà cũng chìa cái điều khiển điều hòa ra, nói cái số hai nhăm nó vừa ở đây mà giờ không thấy Phong ạ. Rồi bà lại quờ quạng, miệng lẩm bẩm: Chẳng đi đâu, chỉ ngồi trên giường…., lạ thế!

Mình lay lay hộc pin, số 25ºC lại hiện ra. Bà cầm lấy cái điều khiển từ tay mình, mừng như tìm thấy sổ gạo, nói đây rồi, thế mà tao tìm mãi, cái số 25 bé tin hin thế này thì bố ai mà sờ được.

    
   



                   

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Tiền “bánh chưng” hay tiền chống lưng?


Mình từ Cần Thơ về Hà Nội ăn tết nên í ới gọi mấy thằng bạn xem có nhà không để đến trò chuyện cho vui thì đứa nào cũng tắt máy, ò í e. Điên quá văng tục mấy câu nhưng vẫn lên xe phóng tới nhà chúng nó.

Vừa tới nơi chưa kịp chống chân xe mình đã nói dỗi: Sao máy gọi không bao giờ được vậy?

Thằng Hùng làm nghề cho thuê xe tự lái nhe bộ răng xỉn khói thuốc cười hề hề, chẳng nói gì. Tới lượt thằng Toản làm nghề cầm cố cũng thế, chỉ cười trừ. Đến thằng Sỹ, bạn thân mình, khi nghe mình trách móc cũng chỉ mủm mỉm gãi đầu gãi tai rồi… mời vào nhà uống nước. Mình làm mặt giận, nói nước nôi gì! Gọi không thằng nào trả lời!

Thằng Sỹ mở cửa hàng buôn bán gas và bếp ga tại nhà, tạm đủ ăn. Uống xong chén nước, biết mình nguôi giận, nó nói mấy ngày cận tết bọn tôi phải tắt máy, gọi nhiều quá điếc tai. Mệt!

Mới đầu nghĩ chuyện anh em rủ nhau nhậu tất niên hoặc nợ nần ký sổ nhiều quá, chủ hàng cuối năm yêu cầu thanh toán nên phải tắt máy. Thế nhưng không phải.

Chúng nó bảo mấy ông ấy cứ liên tục điện thoại xin tiền. Không cho không được mà cho thì lấy đâu ra, buôn bán năm nay đủ ăn là tốt lắm rồi.

Đầu tiên là mấy ông phường, phường chính quyền, phường công an có cả; rồi đến anh thuế, công an giao thông, phòng cháy chữa cháy. Đấy là chưa kể các hội đoàn thể…

Nhiều ông xin chục triệu cho đơn vị ăn tết. Cuối cùng nói khó mãi thì đưa 500 cũng lấy, dĩ nhiên là kèm theo lời than vãn: Cả năm bọn tôi tạo điều kiện cho ông làm ăn mà ông hỗ trợ có ngần này thôi á… Nói xong đút tụt 500 nghìn vào túi, vẻ thất vọng, nhấc đít đi không một lời cám ơn. Thằng Sỹ hắt toẹt chén nước cặn vào góc nhà, nói cần đ… gì cám ơn, biến mẹ nó đi cho rảnh nợ.    

Hóa ra người dân đóng thuế để trả lương cho một bộ máy (kêu là cồng kềnh những vẫn cứ phình ra) chưa đủ nên họ phải điện thoại “hỏi thăm”, “chúc tết” từng người, từng doanh nghiệp để thu thêm.

Chẳng biết gọi cái thứ tiền ấy như thế nào. Nhưng rất có thể đằng sau nó chứa đựng một thỏa thuận ngầm nào đó mà cả hai bên đều hiểu rất rõ cho dù không ai nói ra. Nó như một cái gật đầu, một tín hiệu đèn xanh, một sự ngó lơ, hoặc ít ra cũng là sự xuê xoa, bỏ qua, linh động… trong công việc làm ăn.

Bạn tôi chưa làm gì phạm pháp. Nhưng liệu cái món tiền núp dưới danh nghĩa hỗ trợ đơn vị “để anh em có thêm cái bánh chưng” kia có làm sống dậy trong suy nghĩ của bạn tôi những việc làm xấu, thôi thúc họ nung nấu những ý đồ đen tối bởi họ cứ đinh ninh đã có hẳn một cơ quan công quyền chống lưng?


Cũng chẳng cần chờ tới lúc đó, ngay bây giờ, họ- những người bạn của tôi- đang có những suy nghĩ rất không đẹp về hình ảnh "người đầy tớ", thậm chí coi thường. Điều đó lý giải tại sao bọn bất hảo, các phe nhóm ngang nhiên qua mặt, thách thức luật pháp diễn ra hàng ngày. Cứ nhìn hình ảnh công an giao thông giằng co kéo xe người vi phạm lại thì đủ biết.   



                           
       

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Khổ vì phương ngữ.



Mình từ Hà Nội vào Cần Thơ làm việc. Vốn lười nấu nướng, sáng nay mình nhờ cô lao công mua hộ ít giò bò. Cố ấy dạ…ạ…ạ rồi đi ngay, tới gần trưa mới về. Ló đầu vào phòng làm việc của mình, quệt mồ hôi, cô ấy nói em mua được rồi, tìm mãi, giờ làm sao anh?

Mình ngờ ngợ chạy lên bếp xem thì ôi mẹ ơi, cô ấy mua về nguyên cái chân con bò còn cả lông. Mình trợn mắt hỏi giò bò cơ mà em. Cô ấy cũng mắt trợn nhìn mình, nói dạ, giò bò đây anh.

Không nhịn được cười! Hóa ra giò thì cô lao công trong này gọi là chả giò, chả lụa.



Lại nhớ mấy hôm trước đi ăn phở, thấy trong ống đũa không còn thìa, mình ngước nhìn cô phục vụ, nói có thìa không em. Cô ngơ ngác một hồi rồi hồn nhiên nhoẻn cười, nói dạ, nhà em có nạm, gầu... Rồi cô rụt rè, nói dạ, không có phở thìa ạ.

Chẳng phải xa xôi như Nam với Bắc mới không hiểu nhau. Ngay như anh Sông Thao (xứ Nghệ) với anh Trọng Điển quê Thái Thụy, Thái Bình mà thiếu chút nữa phải đối thoại bằng cách bút đàm mới hiểu được nhau.

Số là anh Thao hồi mới vào Cần Thơ thường trú được anh Trọng Điển dẫn đi lòng vòng thăm phố. Đến Thành ủy Cần Thơ, anh Điển chỉ tay, nói thành ủy. Anh Thao nhòm qua cửa xe, gật gật nói “ờ ờ thành ủy, thành ủy”. Anh Điển nhắc lại : KHÔNG. MỚI XÂY.  Anh Thao lại nói “ờ ờ mới xây, thành ủy”. Đến lúc này anh Điển gân cổ nói: Đã bảo là mới xây...

Khổ! Anh Thao nói "thành ủy" thì bố Điển nhà ta nghe không ra, cứ tưởng  "thời ngụy". Anh Thao nói đế: “Mới xây hả, thành ủy hả” thì anh Điển tưởng “mới xây thời ngụy hả”. Nghe kể tí đấm nhau, không biết đúng không.           

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

Không thể tin nổi, nhưng thật 100%!


Trên đường từ chỗ tập bóng bàn ở ĐH Cần Thơ về cơ quan mình thấy một chiếc ô tô vèo qua. Trời tối nhưng vẫn nhìn rõ một vật gì đó như chiếc ca táp rơi ra từ phía cửa sau. Không kịp dừng lại xem vật gì, mình vội tăng ga vượt ngang xe ô tô ra dấu bị rơi đồ. Người lái xe nhìn mình giây lát rồi đạp ga, chiếc xe bóng lộn vút đi trong đêm.

Mình bực tức quay lại chỗ chiếc ca táp vừa rơi thì không thấy bóng dáng  đâu nữa. Rõ ràng lúc đó chiếc ca táp lăn mấy vòng vào vệ cỏ, đường vắng không có ai, sao mất nhanh thế nhỉ?


Tết nhất tới nơi rồi, có mấy chai bia họ còn hôi như trẩy hội huống hồ đây là cái cặp, biết đâu lại có tiền thì sao. Thôi về!

Đi được chừng 500m chợt mình lại thấy chiếc ca táp nằm ở ven đường. Xung quanh không một bóng người. Rõ ràng rơi ở tận đằng kia cơ mà? Chẳng lẽ có ma?

Đang băn khoăn thì một chiếc xe máy lao qua rồi phanh kít lại, người ngồi sau nhảy xuống vớ vội chiếc cặp rồi lên xe lao đi. Mình chẳng kịp phản ứng, chỉ ớ ớ mấy câu, mà cũng chẳng biết kêu thế nào trong bối cảnh này.

Đúng là xã hội lắm kẻ tham! Mình cầu mong trong cái ca táp ấy toàn bỉm bẩn, thậm chí khuyến mại thêm hai cái bao cao su dùng dở của anh Cù Huy Hà Vũ cho lũ tham lam kia ăn đủ.

Đang vừa đi vừa lầm bầm rủa xả thì mình lại giật bắn người. Theo phản xạ, chân mình đạp phanh, két một tiếng, tí ngã xe. Trước mặt vẫn là chiếc ca táp ấy. Đúng nó. Màu đen. Có cả dây đeo. Khá đẹp.

Trước nay mình không tin có ma. Nghe kể thì đã nhiều nhưng chưa hề gặp. Năm 1979 mình cùng bố ngủ trong một căn biệt thự ở Đà Lạt mà chủ nhân của nó nghe nói đã treo cổ tự vẫn năm 1975, khi bộ đội tiến vào. Căn biệt thự xinh xắn ấy sau giải phóng trở thanh trạm thu mua rau hoa quả của Công ty rau hoa quả Tp HCM. Nhân viên của bố mình hồi đó không ai dám ngủ trên gác, nơi chủ nhân tự vẫn. Bởi cứ ngủ là giường chiếu lộn tùng phèo. Thế mà mình ngủ ngon lành, chẳng thấy gì.

Mình đang cố liên hệ chiếc ca táp bí ẩn với chuyện ma trêu người thì chợt có hai ba người từ vỉa hè lao ra. Chỗ này hai bên đường lác đác có người ở. Ánh đèn điện hắt ra đủ thấy khá rõ chiếc cặp. Ba kẻ giành nhau, rồi cả bọn  chụm vào hì hục mở khóa. Chắc là chiếc cặp xịn nên chúng phải loay hoay một lúc. Thế rồi cả 3 đứng bật dậy, nhìn thẳng vào mặt nhau, mồm há hốc không nói lên lời.

Chúng đứng như trời trồng như thế một lúc thì cả bọn tá hỏa hè nhau chạy mất, bỏ lại chiếc ca táp trên đường.

Mình cười khùng khục, nói thấy chưa, chắc là toàn bỉm bẩn chứ gì?  Nhưng cái cặp đẹp quá! Đúng lúc ấy một người nhặt rác đi xe đạp trờ tới. Dĩ nhiên chiếc cặp không thể trốn thoát  khỏi ánh mắt luôn sục xạo rất chuyên nghiệp. Người nhặt rác mệt mỏi, hờ hững nhấc cái cặp lên như từng khều hàng trăm hàng ngàn những thứ đồ bỏ đi khác.

Nhưng sau khi kiểm tra bên trong cặp, anh ta quay lại nhìn mình, mắt trợn mồm há, nói không ra hơi: “500.000 đô?” 



Vừa dứt lời, người nhặt rác quẳng luôn chiếc cặp vào người mình, chổng mông lên đạp, chạy mất. Theo phản xạ, mình chụp lấy và ghé mắt nhìn. Đúng là toàn đô la thật. Cặp nặng cỡ 5 kí. Theo Sờ-Lốc-Hôm Nguyễn Như P… “Gia Cát Dự” thì đúng là trọng lượng của 500.000 đô rồi.

500.000 đô. Sao không "hóa vàng" cho nhanh mà phải phi tang tận miền Tây heo hút? Giờ thì mình hiểu vì sao cái đống của ấy cứ bị chối bỏ. Có trong tay của nợ này là oan nghiệt đây. Mình dùng hết sức ném mạnh chiếc cặp ra xa, rồ ga phóng đi. Được một quãng, mình nghe tiếng xe và tiếng gọi í ới phía sau: “Anh ơi! Rơi cặp, rơi cặp anh ơi!” Càng vít ga chạy thì tiếng gọi càng nghe rõ hơn, tựa như sát sau gáy. Trời ơi cái của nợ này. Sao cứ bám lấy tao làm gì, có phải của tao đâu. Ông Dương Chí Dũng ơi, ông hại tôi rồi! Lại có tiếng còi xe cảnh sát tò tí te đuổi theo...

Mình vít mạnh tay ga…chồm dậy. Chiếc điện thoại vợ gọi tò tí te rung bần bật ở đầu giường. Hóa ra mơ. Dạo này đến giấc mơ cũng chẳng còn đẹp nữa!




    



   

    

    

  

  

Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

“Một ông anh”


Khi cùng nhau soạn chương trình với anh em phóng viên mình rất khó chịu với cách dẫn (chương trình) ỡm ờ, lờ mờ, khó hiểu, chung chung như: “Bây giờ mời quý thính giả cùng tới một địa phương để làm quen với một nữ nhà nông giỏi việc nước đảm việc nhà…”, đại loại thế.

Với mấy thằng đàn em thân thiết mình bỗ bã suồng sã: Đến đâu? Bà ấy tên gì? Nói mẹ ra luôn đi, làm gì phải úp úp mở mở như mèo giấu cứt.

Dĩ nhiên với những người khác thì mình chỉ nhẹ nhàng: Cứ viết rõ tên tuổi địa chỉ đi em! Biết đâu cái tên ấy được rao ngay từ lúc dẫn khiến người thân, người quen của nhân vật chú ý lắng nghe chẳng hay hơn à?

Báo chí là cụ thể, chính xác. Cái kiểu phiếm chỉ như thế chỉ có trong các câu chuyện tào lao, trà dư tửu hậu.

Ấy thế nhưng làm báo ở ta vẫn cứ dùng phiếm chỉ đấy, dân tình nghe thế càng thêm tò mò, rồi đoán già đoán non, câu chuyện bàn nước ở đầu đường góc phố lại được dịp rôm rả. Báo hôm sau bán chạy hơn hôm trước. Bậy nhất là thế lực thù địch lợi dụng để mỉa mai. Thế mới đau!

Mình, chắc chắn rồi, không phải thế lực thù địch, không thích dùng từ phiếm chỉ nên kiên quyết không nhắc lại các từ phiếm chỉ ấy. Các bạn tự tìm. Mình chỉ gợi ý, có tính chất minh họa thôi nhé: “Một ông anh”.

Vâng, có “một ông anh” đã báo để Dương Chí Dũng trốn khỏi Việt Nam.         


Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Lời thề của ông bí thư.




 Chuyện làm ăn của người nông dân ở xã Thanh Văn, Thanh Oai, Hà Nội mình đã được Hùng lếch (TBT VOV.VN) kể nghe cách nay vài năm. Nghe đâu cả anh Trần Đăng Khoa cũng đã về thăm mô hình Thanh Văn. Hùng lếch và anh Khoa mê mẩn, kể không biết chán về cách làm của cả quan và dân ở xã này.

Hôm qua thấy vô tuyến tiếp tục phản ánh. Chính vì thế mình mới được nhìn thấy mặt bác Quang Văn Thỉnh, bí thư đảng ủy xã. Cứ như những gì Hùng lếch thuật lại, mình suy đoán qua ý kiến của người dân, thì  bác Thỉnh là linh hồn của cả cái xã Thanh Văn này. Công bộc và đầy tớ như bác Thỉnh ở cái xứ này không biết được mấy người?

Hùng lếch cả quyết cho rằng, trong bối cảnh "phức tạp và nhạy cảm" hiện nay một cán bộ có tỷ lệ thất thoát lương tri vừa đủ  đã  được xem là "trong sạch vững mạnh", huống hồ bác Thỉnh sạch toàn phần.


 Ông bí thư Thỉnh
Đang suy nghĩ lung tung thì trên TV thấy bác Thỉnh thề. Bác bảo “ai mà động tới quỹ lương hưu của nông dân thì trời tru đất diệt.”

Bác Thỉnh hay thật đấy! Mình chắc mẩm thể nào bác cũng ngực ưỡn tay vung “tuyệt đối trung thành…, không ngừng học tập…”, hóa ra bác làm phát “trời tru đất diệt”,  xong!

Tới đây thì mình đã hiểu vì sao bác Thỉnh được người dân tín nhiệm cử làm bí thư trong nhiều năm, vì sao bác là linh hồn của cái xã thuần nông mang cái tên rất chi là nữ tính ấy: xã Thanh Văn.

    


    


Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

TA HƠN TÂY ?

Đọc báo giật mình thấy sinh viên Tây sang ta học y. Hóa ra ta có những bệnh mà Tây không có, bệnh viện ta  xuất hiện những tình huống  mà ở Tây bói cũng chẳng ra. Ví dụ như “phong bì” này, 2-3 bệnh nhân /giường này, vác dao lùa bác sỹ này, hoặc bình quân 10 phút khám xong cho 1 người trong khi Tây phải mất gấp 3-4 lần thời gian ấy. Tóm lại ta hơn Tây.

Trong khi vụ Cát Tường đang đi vào ngõ cụt vì chưa tìm thấy xác, tử tù Nguyễn Thanh Chấn được minh oan nhưng chẳng biết ai gây ra oan trái thì ngành tư pháp tiếp tục đau đầu vì không biết xử vụ em phởn chí xẻo chân chị  như thế nào.







Cứ đà này mấy bữa nữa thể nào cũng đầy sinh viên an ninh và tư pháp của Tây sang ta học cho mà xem. Vì ta có những thứ mà Tây không biết đến bao giờ mới có.
 

Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

Đừng áp đặt!


 
Hôm nay đọc một bài của đồng nghiệp đang cắm ở Yên Bái. Bài viết phản ánh người Mông "phấn khởi" bỏ cái tết truyền thống của dân tộc mình để cùng nhau ăn Tết Nguyên Đán của người Kinh.

Mình nhớ năm ngoái đã có phóng viên nói về điều này. Mình đã trao đổi là lỡ làm rồi thì chỉ nên coi đó như một cái tin, không bình luận gì hết.

Cướp vợ
Ai cũng biết, nếu bà con người Mông cùng chung vui tết cổ truyền của cả dân tộc thì đỡ phiền phức. Vì cái tết truyền thống của người Mông diễn ra trước Tết Nguyên Đán. Hơn nữa, theo tập quán, người Mông ăn tết khá “kỹ” (cả tháng ăn chơi nhảy múa)

Thế nhưng thử đặt lên bàn cân xem sự được mất, thiệt hơn như thế nào. Chẳng lẽ vì một số công chức, nhân viên, học sinh người Mông nghỉ tết, ảnh hưởng đến công việc mà khuyến khích xỏa bỏ cả một cái tết truyền thống ngàn đời của họ thì có nên không?


Dán giấy bản cho nông cụ được nghỉ ngơi chơi tết

Nói cách gì đi nữa cũng đều là ngụy biện khi cổ vũ cho việc này. Sự đa dạng văn hóa luôn có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Đừng bắt bà con dân tộc thiểu số cứ phải làm theo, học theo văn hóa của người Kinh trong khi họ có cả một nền văn hóa truyền thống đầy bản sắc.    

     

Bữa trưa của học sinh ta, học sinh tây.





Con gái mình học lớp 1 ở một trường công quận Long Biên- Hà Nội. Hôm qua hai bố con facetime trên điện thoại, thấy cháu bảo “sợ thức ăn ở trường lắm”.

                                                                       Ảnh minh họa (net)
Đứa đầu cũng học trường này. Và mình cũng nghe câu đó nhiều lần. Nay cháu đầu đã lên cấp II, ám ảnh cơm trường nên buổi trưa đạp xe về nhà ăn.

Thực ra trong thâm tâm ai cũng hiểu mối quan hệ giữa hiệu trưởng với đơn vị chế biến suất ăn trưa cho học sinh nó như thế nào. Cuối cùng thì khay cơm của học sinh phải gánh hết tất cả chi phí do cái quan hệ ấy nó gây ra.

Biết vậy, nhưng đâu chẳng vậy. Điên tiết nói ra chẳng giải quyết được gì, lại khổ con, khổ cháu nên phụ huynh nhà ta ngậm bồ hòn làm ngọt. Thôi thì đành tự cứu mình trước: Sáng đưa con đến trường cố nhồi nhét vào ba lô cái bánh, hộp sữa để nếu chúng không nuốt nổi bữa trưa thì cũng không đói.

Hôm nay đọc trên mạng thấy cái địa chỉ  http://www.fcps.edu, do thầy Bùi Dương Chi, đang dạy học ở Mỹ cung cấp. Đây là trang Web của Các Trường Công Lập Quận Fairfax (Fairfax County Public Schools), bang Virginia-Mỹ.

Trang Web này có cả tiếng Việt, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ả Rập, Urdu, Farsi… cho phụ huynh không biết tiếng Mỹ. Chính vì thế mình mới xem được. Hi hi.

Cách dạy và học thì khỏi nói rồi, riêng chuyện ăn uống thấy nhà mình có thể học được một cách của Fairfax County Public Schools. Đó là học sinh có quyền lên thực đơn cho mình, định kỳ xếp hạng các món ăn của trường. Nếu nhà ta “phát huy tinh thần cách mạng tiến công”, cho cả phụ huynh kiểm tra việc dùng bữa của các con thì chắc chắn đây sẽ là minh chứng hùng hồn về sự ưu việt dưới mái trường XHCN .


 Ảnh minh họa (net)

Trường nào ở ta cũng có khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu”, với quan điểm “học sinh là trung tâm” mà không làm được như họ à?

Ngày xửa ngày xưa- long long ago, hồi mình còn theo dõi họp ở Ba Đình, các đại biểu đã bàn rất hăng chuyện “nâng cao thể chất người Việt”. Nghe đâu cũng có đề án, cũng giao bộ này bộ kia.

Ngày khai giảng, trước khi bàn đến tiền ăn, các cô các thầy cũng trích dẫn “một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể cường tráng”, mình ngồi dưới há mồm nghe, cứ như rót mật vào tai.

Thôi..ôi…ôi…iii!

Hãy “vì tương lai con em chúng ta” bằng chính bữa ăn trưa của ngày hôm nay; “thay đổi căn bản nền giáo dục” trước mắt bằng chính những thứ hữu hình, cụ thể và giản dị như thế đã.