Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Tết nghèo.


Mở mạng ra đọc thấy có bài viết về tết thời trước đổi mới bỗng dưng muốn viết vài dòng.

Mình sống ở quê một tí, thành thị một tí nên tết chỗ nào cũng đáng nhớ. Tuy nhiên kỷ niệm thuở chăn trâu ở cái làng Xóm Lò bên kia cầu Long Biên là khó quên nhất.


Tín hiệu đầu tiên của tết là tiếng pháo và mùi pháo. Nói là tiếng pháo cho oai chứ thực ra là tiếng nổ của các loại súng do đám trẻ trâu chế ra từ van xe đạp. Cũng có đứa không biết làm súng thì chỉ cần nịt cái đầu đạn K44 vào chiếc van xe đạp, nhồi diêm sinh vào trong và tung lên cao, khi rơi xuống đất cũng nổ. Chỉ một vài đứa có điều kiện mới mới có pháo để đốt. Mùi diêm sinh cháy, mùi pháo nổ nhắc nhớ mọi người mùa xuân đang về. 

Cái lạnh se se ở miền Bắc thật hợp với mùi pháo. Tiếng pháo, mùi pháo xua đi cái giá lạnh cuối đông; còn sương mù bảng lảng thì cứ muốn ôm mãi thật lâu cái mùi pháo thơm nồng.

Tết thời bao cấp ở quê hợp tác xã thể nào cũng phải mổ lợn. Tùy làng to hay  nhỏ mà mổ ít hay nhiều. Tất nhiên mỗi nhà cũng chỉ được chia một hai cân, đủ để làm nhân bánh chưng. Thế nhưng những ngày này có thể ví như ngày hội của làng. Vẻ mặt ai cũng háo hức, nhìn thấy nhau từ xa đã hỏi thay chào: “Ra sân kho xem chia thịt chưa”.

Mấy bác được giao nhiệm vụ tay dao tay thớt hôm đó được dịp lên mặt quan trọng. Có con lợn cọc thế mà chia thành trăm phần, phần nào cũng có tí thịt thủ, thịt mông, thịt rọi… Tóm lại, trong một xuất phải có đủ các bộ phận cơ bản của con lợn. Hàng trăm con mắt đứng vòng trong vòng ngoài đang dán vào từng xuất thịt vứt thành từng đống nhỏ trên sân kho sẽ giúp các bác mổ lợn xem phần nào thiếu, phần nào thừa. Dĩ nhiên sẽ không thể chính xác nên phương pháp bốc thăm được tiến hành để cái lỗi chủ quan được quy về may rủi.  Ối vụ lườm nguýt, tết không thèm đến nhà nhau chỉ vì phần thịt của tao thiếu tí dạ dày.

Với lũ trẻ thì hấp dẫn nhất vẫn là cỗ lòng đã được làm chín đựng trong cái rá con lót và đậy bằng lá chuối, trong đó có khúc dồi thơm lừng, lại thêm miếng gan con con, chắc là béo lắm. Lũ trẻ được bố mẹ bắt cầm rá lòng vê trước để họ còn ở lại tìm kiếm sự công bằng trong mỗi xuất thịt. Trên đường về, bọn trẻ không thể kiềm chế sự thèm thuồng nên nhảy chân sáo được dăm bước lại dừng lại, lật miếng lá chuối ra ngắm nghía rồi hít hà, nuốt nước bọt ừng ực.     

Làng mình ngoài làm ruộng còn có thêm nghề đốt lò gạch nên có nhiều ao (do lấy đất đóng gạch). Tết, hợp tác xã cho phép tát ao để kiếm chút cá tôm cải thiện mâm cơm vốn rất lèo tèo của người dân thời đó.

Cũng như chia thịt lợn, cá được bắt về vẫn theo nguyên tắc “làm cùng hưởng chung”, mỗi nhà được vài cân.

Thời đói khổ lấy đâu ra dầu mỡ như bây giờ nên dân làng mình phải kẹp cá vào phên tre, dựng cạnh nồi bánh chưng để nướng. Khi cá đã vàng đều thì đem kho giềng. Tới giờ, dù đã ăn nhiều loại cá, với nhiều cách chế biến,  nhưng nồi cá kho ngày tết thời đó vẫn ngon nhất. Cái vị bùi bùi, beo béo, thơm thơm, ngầy ngậy của miếng cá giờ chưa tìm lại được. Nhất là mùi khói ám một cách rất tự nhiên khiến người ăn rất khó quên.

Tết, nghèo thì nghèo cũng phải có nồi măng bát miến... Hồi đó mình cứ cự nự với mẹ về nồi măng, món mà bà chăm chút chỉ sau nồi bánh chưng. Mình bảo măng khô có chất gì đâu mà mẹ cứ cầu kỳ. Sau này nghĩ lại thấy mình nông cạn.                             


Tết nghèo có niềm vui và hạnh phúc riêng của tết nghèo. Tết đủ đầy có cái sung sướng và thỏa thuê của sự no đủ, chẳng thể so sánh. Những cái tết như thế càng làm cho mỗi người có cơ hội, có lý do để nghĩ và nhớ về tết hơn.   





    

       

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ