Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Chúng ta sắp bò.





Chúng ta là ai, đến từ đâu, đang làm gì… tưởng như câu hỏi vớ vẩn của trẻ nít nhưng kỳ thực rất nghiêm túc.

Có người hỏi, không hiểu sao mấy ngàn năm rồi không thấy con khỉ nào thành người. Khi cô giáo trình bày quá trình đứng thẳng của loài vượn - một bước tiến quan trọng để chuyển thành người - là do phải vươn lên cao để hái quả. Có học sinh hỏi cắc cớ rằng sao con vượn ấy không leo lên cây hái có phải nhanh hơn không. Câu này cô chịu, không giải thích được.


Chính vì thế hiện có vài giả thuyết về sự xuất hiện của loài người. Mình thì vẫn tin vào Thuyết tiến hóa của ông Darwin hơn cả. Đại khái là lao động đã giúp con vật thành người. Có lẽ thế nên Bác Hồ hưởng ứng nhiệt liệt, nói “lao động là vinh quang”.

Nhưng nếu công nhận cái mệnh đề lao động là tác nhân hình thành loài người trên trái đất này thì quả thực mình thấy lo.

Dạo này đi ăn tiệm đến múi bưởi họ cũng lột chỉ còn múi, còn tom, chỉ việc thả vào mồm, có một vài chỗ nghe đâu còn đại lãn hơn, chỉ cần há miệng, “chân dài” đút hộ.

Hôm rồi đi nhậu ở quán ba khía - quán Tuyết Phong - đúng tên hai vợ chồng mình, chỗ này Nhật Minh hay ngồi ngày xưa,  thằng Thanh Tùng mua hộp bắp, mở ra hóa ngô nướng. Trời ạ, ngô nướng ngày xưa đưa lên miệng cạp cạp, khai thác hết chức năng của răng cửa, giờ người bán tận tình tẽ ra thành từng hạt, khách chỉ việc ăn.

Với sự hỗ trợ của đủ thứ máy móc và công nghệ hiện đại, dường như con người đang giảm tối đa các hoạt động thể chất. Chiếu theo Thuyết tiến hóa của Darwin với lao động là cơ sở để loài vượn đứng thẳng thành người, thì có lẽ chúng ta đang còng xuống và chuẩn bị đi bằng 4 chi?          

   

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Linh tinh.



Dạo này hay xem “Người giấu mặt”, hay phết! Cứ mỗi thành viên trong ngôi nhà của Người giấu mặt phải ra đi, cùng với nước mắt buổi chia tay lã chã rơi trên màn ảnh, mình lại tự đặt ra cho mình bao câu hỏi.

Các thành viên trong ngôi nhà của Người giấu mặt lần lượt phải đề cử những thành viên phải rời khỏi ngôi nhà, để người còn lại cuối cùng sẽ giành được phần thưởng là căn hộ trị giá 2 tỷ đồng. Đây là quyết định khó khăn. Nhưng thực tế cuộc sống vẫn thế mà. Có khác chăng là sự đào thải trong đời thực đôi khi nghiệt ngã hơn và cũng có thể nhẹ nhàng, mơ hồ hơn.


Bạn là một tài năng, nhưng liệu bạn có trụ lại được trong một tập thể với nhiều tính cách và phẩm chất khác nhau, nếu như bạn thể hiện tính độc đoán, mục hạ vô nhân, coi mình bằng giời còn mọi người đều là cỏ rác?

Bạn muốn lấy lòng tất cả để không lọt vào danh sách bị loại khỏi cuộc chơi? Bạn sẽ cố gắng chiều tất cả 12 thành viên? Chắc chắn đấy sẽ là phương thức đầu tiên lóe lên trong đầu bạn.

Nhưng ngạn ngữ phương Tây có một câu đại loại thế này: Không biết chìa khóa thành công ở đâu, nhưng có một điều chắc chắn, chìa khóa dẫn tới sự thất bại là cố làm vừa lòng tất cả mọi người.

Một câu nói sâu sắc đấy chứ? Tất nhiên ở VN có một vài điểm khác biệt  với thế giới. Mẫu người “biết chiều” có thể tạm thời sống khỏe, nhưng không bền và cái giá phải trả cũng “chẳng sung sướng gì” so với những danh lợi đem về.

Trong một tập thể, bạn có thể sống đúng là bạn với đầy đủ những cá tính cha mẹ sinh ra. Bạn có thể lớn tiếng bảo vệ quan điểm riêng và lợi ích cá nhân.  Nhưng đừng, đừng bao giờ để những cá tính ấy, những lợi ích ấy ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích chung của cả nhóm, của tập thể.

Bạn giỏi, bạn tài thì bạn hãy chứng minh bằng công việc và thuyết phục người khác làm theo bạn. Được thế mới là tài. Còn bạn lúc nào cũng ngộ nhận mình tài để rồi dè bỉu, châm chích, thậm chí nổi đóa lên với những sai hỏng vụn vặt của đồng nghiệp, để làm gì cơ chứ?  Để chứng tỏ bạn tài hơn người khác à?

Nếu bạn giỏi giang thực thì điều ấy cũng chẳng cần thiết. Còn bạn thuộc loại làng nhàng thì việc làm ấy đưa bạn xuống hố tử thần nhanh hơn HIV giai đoạn cuối.

Mọi người đứng nhìn bạn từ xa, thậm chí tránh mặt bạn thì bạn lầm tưởng rằng họ hèn kém tự ti, còn bạn xứng mặt anh tài xuất chúng.

Mọi người không thể chấp nhận bạn, lắc đầu với bạn thì bạn nghĩ rằng họ mang trong lòng tính đố kị và sự ganh ghét, vì mình giỏi, mình tài mà?! Thế là sự ngộ nhận lại có cơ hội tăng số, cộng điểm một cách chủ quan và mù quáng.

Hãy bình tĩnh dừng lại, tự hỏi xem tại sao mọi người không ưa mình. Mình đã làm gì để xung quanh cứ thấy mình là…chẳng buồn nói. Câu trả lời là ở bạn. Nếu bạn trả lời trúng, đúng và nhận thức được những điều ấy thì bạn đang kéo mọi người xích dần về phía bạn. Nếu là thành viên trong ngôi nhà của Người giấu mặt, bạn đang đi những bước đi vững chắc đến cổng ngôi nhà 2 tỷ.



Đừng bao giờ lẽo đẽo chạy theo chiều lòng tất cả nhưng cũng đừng bao giờ để tất cả phải khó chịu về mình. Cái lẽ giản dị ấy nhưng khó đấy. Cuộc sống nếu không biết sẻ chia và cảm thông thì mời bạn lên mặt trăng xum họp cùng chị Hằng trong cổ tích.

"Bạn" không phải là bạn mà có thể là tôi. Xem TV xong,  nghĩ linh tinh trong đầu nên viết vội để tự răn mình là chính, không có ý lên lớp dạy bảo ai. 

 

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Nhìn thẳng vào sự thật.



Thi thoảng mình quen miệng rống lên: Hãy nhìn thẳng vào sự thật! Anh em  ngẩng lên ngó mình ngơ ngác.

Nói thì nói vậy chứ đâu có dễ. Để minh chứng, mình kể chuyện này, thật 100%.


Hồi học cấp 3, mình lẽo đẽo theo ông anh con ông bác đi tán gái. Trời tối mò. Thời đó xóm chưa có điện. Hai anh em chào bố mẹ cô bé rồi rón rén bẽn lẽn ghé đít ngồi vào bộ xa lông Lào.

Những năm 80 có bộ ghế làm bằng gỗ lát như này thuộc hàng nhà giàu, chẳng bỡn.  Không điện, không đài, cũng chẳng TV, chỉ có tiếng côn trùng rả rích và tiếng thở. Không gian tĩnh lặng càng làm cho hai anh em lúng túng, ngồi đực ra, chẳng biết nói gì.

Đúng lúc ấy mình nghe dưới ghế của ông anh phát ra TĨN… ĨN…ĨN…N…N  một tiếng, rõ dài, nhỏ dần rồi mất hút.

Thôi! Xong! Ông anh lỡ rắm một phát rồi. Mình cắm mặt nhìn xuống đất. Biết là “thiếu kiềm chế”, “chót dại”, ông anh bèn sửa sai bằng cách miết mạnh ngón tay trỏ lên cái tay ghế bóng lộn vec-ni để tạo âm thanh ngụy trang.

Khổ nỗi cái tiếng miết tay nó không thể nào giống với cái tĩn…ĩn...ĩn...n…n có “đuôi” kia được. Kế hoạch tán gái của ông anh thất bại sau đại thảm họa ở cái đêm “định mệnh” ấy.

Cũng vào thời gian đó, mình học cùng khối với thằng Vũ dê. Gọi là Vũ dê bởi thằng này cứ thấy gái là mắt tít lên, xán vào ve vãn, tán tỉnh.

Nhiều cô thấy thằng này sàm sỡ nên mắng vỗ mặt, nhưng cũng ối đứa thích vì nghe nó tán hươu tán vượn, bốc lên tận mây xanh cũng thấy khoái cái lỗ nhĩ. Thằng này chửi nó vẫn sáp vô.  Cái “võ” này hiệu quả phết. Hơn nữa, “đồ đạc” thằng này hàng khủng luôn.

Hồi đó nó có “con” cúp DD đỏ, đương nhiên vào hàng thiếu gia. Một hôm nó phóng xe đến, ngoắc mình ra bảo anh đi với em. Đi một đoạn nó nói là đi ra mắt con bồ mới. Mình chẳng muốn nhưng không lẽ về.

Đến nhà bồ nó, nó lại ngoắc ra, bảo đi ăn ốc. Hồi này phần lớn mọi người đi xe đạp, xe máy cực hiếm nên đành zin 3, nó ngồi giữa cầm lái, mình ngồi sau, bồ nó ngồi trước.   

Lúc về nhà, nó kéo mình lại cười híc híc, nói anh Phong ơi, hôm nay nó ngồi vào của em. Hóa ra lúc cái thằng hàng khủng này ngồi lên yên thì cái của nợ kia nó nằm thều lều dọc yên (hồi đó chưa có sịp nhé). Cô bé  e thẹn ghé lên thì vô tình “nó” lại lọt đúng khe mông của nàng. Rồi cựa, rồi va, rồi đập, rồi chạm, rồi hơi thở, rồi mùi tóc… khiến “thằng mất dạy” kia nó hung hăng vùng dậy.

Hẳn nào mình ngồi sau thấy cái cần cổ con bé thẳng căng, ngồi im như tượng.  Mình hỏi với lên, cả phút sau mới thấy nàng trả lời, mà chẳng ăn nhập gì cả. Lúc đó nghĩ nó kiêu, nhưng không phải, chắc là căng thẳng, phân tán tư tưởng.

Còn hai chuyện này thì cách đây chừng dăm năm thôi. Đó là dịp Hệ 2 đi Cửa Lò nghỉ. Hệ đã mua cả toa, nhưng chẳng biết thế nào lại lẫn vào mấy ông bà tây, chừng 50 tuổi.

Một bà tây loạng choạng từ toa-lét bước ra. Cả hội tây chỉ trỏ, xì xồ, xì xồ rồi cười ồ.  Mình ngoái lại thấy cái váy bà tây ướt lỗ chỗ, chắc là tè vào. Bà tây chẳng những không ngượng mà còn ngồi xổm xuống, nhỏm mông lên sàng qua sàng lại, ý nói tàu lắc lư khiến bà ngồi không vững. Cả hội tây ta cười ồ. Sự ngượng ngùng được hóa giải, thay vào là sự cảm thông.

Hồi cụ Thanh Tùng (nhà báo quen thuộc của Chương trình CLB Người cao tuổi) đi Mỹ về, kể chuyện hứng chí tác nghiệp ở bên Mẽo. Cụ phỏng vấn vài người cao tuổi mà cụ gặp, rằng nước Mỹ, con cháu, gia đình… có mong muốn gì ở người cao tuổi Mỹ.

Nghĩ rằng sẽ nhận được câu trả lời kiểu như, tuổi cao chí khí càng cao; với kinh nghiệm tích lũy cả cuộc đời, chúng tôi tham mưu cho cấp ủy, chủ động tích cực hưởng ứng các phong trào; động viên, dạy bảo con cháu…, nhưng cuối cùng, mấy ông già Mỹ hô hố cười, nói họ muốn chúng tôi CHẾT, chúng tôi vô tích sự rồi!

Đấy! Dũng cảm nhìn vào sự thật chẳng dễ.

       

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Tam đoạn luận .



Xưa cũng có học Logic, trong đó có thuyết tam đoạn luận, nhưng lười quá, cứ đến môn này là trốn hoc nên hiểu không đến nơi đến chốn.

Đại loại chỉ nhớ, nếu  mô hình hóa theo kiểu toán học thì nó  như vầy: A =B, B=C => A=C.

* PISA được dùng trong khối các nước OECD. Kết quả PISA cao thì nước đó có nền GD phát triển. Việt Nam có kết quả PISA cao => VN có nền GD phát triển?!

* VN thắng Mỹ. Mỹ là cường quốc => VN ngang ngửa cường quốc?!

* Mình được Giải báo chí quốc tế. Phải cực siêu mới được Giải báo chí quốc tế  => mình là nhà báo siêu của siêu. Bố khỉ! Điên!   

Khó mà có thể lấy sự chính xác trong toán học làm thước đo cho các hiện tượng, sự vật mang tính xã hội.

Luận lý, dưới hình thức đơn giản của nó là tam đoạn luận, chỉ có thể dùng để huyễn hoặc chính bản thân cá nhân sử dụng nó, chứ không khiến người ta tin được.

Tư pháp Hoa Kỳ sang Việt Nam mà học!




Mình đang theo dõi sóng gió trong quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ. Nguồn cơn “rất chi là giời ơi”.   

Trên Blog anh Hiệu Minh (đang làm việc ở NY) thông tin bà Devyani Khobragade, 49 tuổi, Phó Tổng lãnh sự tại Lãnh sự quán Ấn Ðộ ở New York, vừa bị cảnh sát bắt. Các công tố Hoa Kỳ (kiểu như Viện Kiểm sát bên VN) cho biết, bà Khobragade đã trả công cho người giúp việc, bà Sangeeta Richard, thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu theo qui định của Bộ Lao Động Hoa Kỳ.



Dân Ấn Độ cực kỳ giận dữ khi biết nữ ngoại giao này bị còng tay công khai, sau đó bị kiểm tra thân thể và giam giữ ngắn hạn trong tù cùng với những kẻ nghiện ma túy. Quan chức Ấn Ðộ đã mô tả việc đối xử với nhà ngoại giao trên là “hạ nhục, hèn hạ và dã man”;  họ đã hủy cuộc gặp đại biểu Quốc hội Mỹ tại Delhi để phản đối.

John Kerry lấy làm tiếc. Nhưng phía công tố lại tuyên bố thẳng thừng “uphold the rule of law, protect victims, and hold accountable anyone who breaks the law — no matter what their societal status and no matter how powerful, rich or connected they are – Dựa vào luật pháp, bảo vệ nạn nhân và trừng phạt bất kỳ ai phạm luật, cho dù họ ở giới nào, giầu cỡ nào và có mối quan hệ ra sao. Ghê răng!



Thẩm phán ở Manhattan, ông Preet Bharara, cũng là người gốc Ấn, sinh ở Mỹ, nhưng nhất định không bênh nước mẹ India mà quyền lợi của Mỹ vẫn là trên hết.

New Delhi yêu cầu Mỹ bắt giữ người giúp việc, bà Sangeeta Richard. Mỹ không những chẳng bắt mà còn đưa cả gia đình bà Richard ra khỏi Ấn Độ (theo Reuters). Nói theo cách của dân báo chí là “bảo vệ  nguồn tin”.

Qua vụ này mình đánh giá thấp cao bồi. Chỉ vì mỗi chuyện lương bổng của  Osin mà làm ảnh hưởng đến bang giao. Nếu ở VN thì lãnh đạo nhà ta chắc chắn sẽ nghĩ tới “đại cục” mà linh động giải quyết. Mấy cái đồng bọ của maid mà om sòm. Cao bồi sang Hà Giang mà học! Lỡ bỏ túi gần 200 triệu của trẻ tàn tật nhưng “vì đại cục” nên định "làm êm". May mà có quyền lực thứ 4 lên tiếng không thì "chìm xuồng".



Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Trả giá.


Hồi còn làm chương trình “Giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt” ở Hệ VOV2, mình có cơ hội được làm việc với một số nhà ngôn ngữ học, trong đó có nhà giáo Đình Cao, người để lại cho mình nhiều ấn tượng tốt đẹp.


Mình phục bác Cao ở cách sử dụng từ giản dị mà vẫn diễn đạt trọn vẹn suy nghĩ và hành vi phức tạp.



Để nói được như bác Đình Cao cần phải có đủ và hiểu cặn kẽ một số lượng từ vựng nhất định.



Hồi bố mình bị tai biến nằm liệt giường, mọi người tới thăm, nhiều người khóc, được thể mẹ mình ngồi kế bên, vừa vỗ lưng cho chồng, vừa cảm thán: “Đấy, bệnh hoạn nó khổ thế đấy các bác ạ.”



Mình đứng ngoài đang rơm rớm nước mắt cũng không nhịn được cười. Khách về, mình bảo bà là bố bị bệnh tật chứ không bệnh hoạn. Thế nhưng lần sau bà lại quên.



Với người phụ nữ nông dân chỉ học lớp 3 như mẹ mình thì nói vậy chẳng ai chấp. Nhiều người còn cảm thông nữa. Thế nhưng trên đài, báo mà nói sai như vậy thì ngượng chết.



Mình vào Cần Thơ công tác, có cơ hội được tiếp xúc với anh chị em biên dịch tiếng Khơ Me, mới hiểu câu người ta thường nói: có giỏi tiếng Việt, hiểu tiếng Việt mới dịch hay dịch tốt được.



Một trong những thiệt thòi của anh chị em biên dịch là vốn kiến thức về từ ngữ Hán – Việt còn hạn chế. Các em mà dịch “Biển Hoa Đông” thành “biển Đông của người Trung Hoa”  thì có bận anh đi tù mất.



Tương tự “lục quân” không phải “sáu quân” cho dù “lục” có một nghĩa là sáu. Lẽ ra lúc đó phải suy luận tại sao có từ “lục địa” chứ nhỉ?



“Tiêu thụ” không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với “sử dụng”. Dịch: Nhà máy sử dụng (tiêu thụ) 100 tấn mía /ngày thì được chứ câu “buồn cho cảnh người dân tiêu thụ nông sản một cách bấp bênh” mà dịch tiêu thụ thành sử dụng thì bố tây nó hiểu.



Hồi trẻ, có lần đi tán gái mình đã ti toe nói chữ. Thay vì nói “bộ hạ” mình nói ngược thành “hạ bộ” trong khi chẳng biết hạ bộ là cái gì. Mình tặc lưỡi, nhìn xa xôi, thả nhẹ một câu: “Thằng Hãn xóm Chùa là hạ bộ của anh í mà”.



Khoái chí và hí hửng ra mặt vì cú “dìm hàng”, nhưng mình đâu biết rằng cái giá phải trả cho vụ lòe chữ ấy là đến trên 30 mình mới lấy được vợ. Mừng húm!

       

Hồi đó chưa có “ông” Google. Còn giờ các bạn cứ chịu khó gõ - kiểm tra. Chắc chắn không sa vào thảm cảnh như mình. Chúc thành công!    

     Hạ bộ đây







Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Ai giải thích hộ tôi?





Vụ xử Dương Chí Dũng sao làm ngặt với báo chí thế nhỉ?  Anh em phóng viên có đủ giấy tờ tác nghiệp mà tòa chỉ cho vào phòng coi ti vi với tập giấy trắng và cây bút thì quả thật độc nhất vô nhị, không đâu trên trái đất này như thế.

Mình sống với Hai Lúa, nhậu tối ngày, sáng ra rung đùi cà phê nhạc sến vốn dĩ ít đau đầu về thời cuộc song cũng phát bực và nghi ngờ khi nghe tin này.

Nếu đúng vậy thì họ coi anh em báo chí chẳng khác gì “thế lực thù địch”. Kiểm tra người ta thấy không đem theo chất nổ, vũ khí thì thôi, hà cớ gì thu cả máy ghi âm, ghi hình, láp tóp?

Trước đây B52 không thể biến Hà Nội thành thời kỳ đồ đá, nhưng bây giờ ông tòa dư sức tiễn anh em báo chí trở lại thời kỳ đồ xưa - hành nghề với cây bút và tập giấy. Tình hình này anh em chắc phải học lại môn tốc ký.

Mình cú vụ này bởi cách nay hơn chục năm, trong lần về chùa Đậu- Hà Tây làm phóng sự về mất cổ vật, sư trụ trì ở đó mắt trợn tay vung, nói làm việc thì được nhưng cấm ghi âm, chụp ảnh. Sôi máu! Sau này lão sư ở đây còn kiện mình lên tận Văn phòng Chính phủ.

Lần thứ hai đi làm thi ĐH-CĐ tại 1 điểm thi của Trường Đại học Nông nghiệp I. Mình đã tuân thủ mọi quy định như không bén mảng đến phòng thi, không chụp ảnh…, thế mà lúc làm việc xong, mấy ông thầy bắt mình phải ngồi lại cho tới hết thời gian thi mới thả cho về. Điên máu! Hết thời gian thi thì thành tin thiu tin thối, bố ai ngửi được.

Các thầy dạy mình báo chí là quyền lực thứ 4. Để đúng là thứ 4 chắc gian nan? Thôi! Chỉ biết nói câu này: Làm báo ở mình khổ lắm, khó lắm!

Ai biết thêm thông tin gì về vụ cấm đem phương tiện hành nghề vào phòng  xét xử,  thực chất là phòng coi ti vi, thì comment để Hai lúa mở rộng tầm mắt.        




Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Một góc nhìn về vụ cướp bia.





Nhìn cảnh cướp bia cứ liên tưởng tới hình ảnh phá kho thóc của Nhật năm 1945, thế kỷ trước.

Cướpphá là hai từ được dùng nhiều từ sau 1945 cho tới tận khi đất nước giải phóng 1975: cướp chính quyền, phá kho thóc, phá đồn bốt giặc...

Lẽ ra hai cái từ sặc mùi chiến trận, chẳng đẹp đẽ hay ho gì ấy phải bớt dần đi trong thời bình.

Theo suốt lịch sử đau khổ của dân tộc, cái ước muốn lấy của người giàu chia cho người nghèo từng được xem như hành động nghĩa hiệp. Ở tầm mức cao hơn, phạm vi rộng hơn, trở thành chủ trương đường lối cho một giai đoạn nhất định. Công cuộc cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp đầy nước mắt ở cả hai miền Nam, Bắc minh chứng điều này. 

Cũng ở đó, cái khái niệm tập thể luôn to đùng lấn át và đè bẹp hoàn toàn cá nhân. Tập thể - đám đông - đã làm cái gì thì ắt đúng. Cái luận điệu ấy hỗ trợ thêm với tâm lý bầy đàn để tạo ra một đám đông xô bồ và mất kiểm soát.

Phong trào có nhiều điểm tích cực, nhưng ở một khía cạnh nào đó phong trào (là đám đông) thực hiện một mục tiêu được mặc định là đúng, các cá nhân hưởng ứng (theo cái phong trào ấy) mà không phải bận tâm suy nghĩ, cứ theo những gì người bên cạnh đang làm mà thực hiện, mà hô hào, như một cái máy.

Trong cuộc sống, có những điều xấu xa, sai trái, nhưng nhiều người vi phạm thì bỗng dưng cái xấu, cái sai ấy trở thành bình thường. 

Cho nên không phải ngẫu nhiên phương tây đề cao bản ngã, cái tôi; một cái tôi có lý trí, có tình cảm, có phán xét…, đủ sức mạnh để không bao giờ bị quyến rũ, mụ mị bởi đám đông vô thức, bởi những hoạt động nằm ngoài nhận thức của bản thân.

Điều đó chỉ có khi mỗi người được giáo dục từ tấm bé. Giáo dục để chung sống thân thiện với môi trường, xã hội; giáo dục để làm người chứ không phải để giải nhanh, giải thành công các bài toán khó.     


Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Breaking News



Một hãng sản xuất điện thoại nổi tiếng cùng nhà mạng đang thử nghiệm một phần mềm để biết chủ thuê bao đang làm gì, nói gì trong vòng 10 giây trước khi nhấn phím Ok (chấp nhận cuộc gọi) và 10 giây sau khi gác máy (kết thúc cuộc gọi).

Kế hoạch này nằm trong một chương trình nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Bakeyley - Mỹ, và nó đang được triển khai tại Việt Nam.

Bước đầu, các con số thống kê đã chỉ ra người Việt có hành vi, thái độ thiếu nhất quán nhất thế giới. Nghĩa là 10 giây trước khi nhấn phím OK, chủ thuê bao có thái độ hoàn toàn khác với lúc đàm thoại. 10 giây sau khi gác máy lại xuất hiện thêm những hành vi, biểu hiện, trạng thái tình cảm… mâu thuẫn tệ hại với những gì vừa trao đổi trước đó với đầu dây bên kia.

Nếu phân chia cuộc gọi theo đối tượng thì vợ là đối tượng đầu tiên gây ra những biểu hiện mâu thuẫn và thiếu nhất quán cao nhất, kế đến là sếp và các đối tác làm ăn.  



Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Cà phê sáng.




Xét trên góc độ hàng hóa, đặc sản bây giờ không còn là vật sở hữu riêng cho từng vùng, nhưng cách ăn cách uống thì mỗi vùng vẫn còn nhiều khác biệt.

Vào quán cà fe ở trong Nam chỉ cần gọi "cho ly cà phê" là người ta ngầm hiểu cà phê đen đá. Có lẽ đây là xứ nóng nên cà phê cho rất nhiều đá và uống bằng ống hút, về độ đậm đặc thì không bằng cà phê ở Hà Nội. Cũng có thể trong này nhậu nhiều, tối hôm trước nhậu, sáng hôm sau háo, khát nước nên một cốc to cà phê nhiều đá là sự lựa chọn hợp lý.

Sau khi uống gần hết cốc cà phê đá, người ta rót nước trà vào chính cốc cà phê ấy và uống đến bao giờ... thích về thì về. Dân Hà Nội thì lại muốn cái gì ra cái đó. Cà phê là cà phê, phải đặc sánh. Cà phê uống xong mới uống trà, và thường là trà mạn nóng, uống chén riêng, không lẫn với cốc cà phê.

Trong Nam phổ biến một loại trà, có lẽ trồng ở Đà Lạt, nước đỏ, cọng trà dài và hương vị do hóa chất tạo nên chứ không phải do trà tiết ra.

Trong Nam, bạn có thể ra tiệm cà phê từ 6 giờ, ngồi đến 9 giờ cũng OK. Hết trà thì kêu trà, hết đá thì gọi "cho một cái tẩy".  Cà phê nhiều sữa trong này gọi là bạc xỉu (sỉu). Tìm trên mạng thấy giải thích chữ “bạc xỉu” là gọi tắt của “bạc tẩy xỉu phé”. Mấy chữ đó phiên âm từ tiếng Quan Thoại. Bạc (bạch)  là màu trắng, Tẩy là cái ly không, Xỉu là một chút, và Phé là cafe.


Chẳng biết đúng không nhưng tóm lại, khi gọi "tẩy" thì chủ quán đưa ra một cốc đá không, còn gọi bạc xỉu thì bạn có ngay một cốc cà phê sữa đá. Nếu gọi "cho cốc nâu đá" thì trong này không hiểu. Gọi nâu đá, có lẽ người Bắc gọi tên dựa vào màu sắc, thậm chí dùng phép đối lập màu để đặt tên, nghe cho có vẻ sành điệu. Đã gọi cái này là đen đá, đen nóng thì cái kia là nâu đá, nâu nóng. 

Tên gọi và kiểu cách uống cà phê (và ẩm thực nói chung) mỗi vùng mỗi khác, thể hiện tính cách và điều kiện sống của người dân từng khu vực. Đấy là điều bình thường, chẳng quan trọng. Trong ẩm thực, cứ thấy ngon là được.


     

    

 




Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Còn hơn cả lá cải.


Lâu lâu rồi có nghe một vị lãnh đạo nói Việt Nam không có báo lá cải nhưng có một số bài báo lá cải. Không nhớ nguyên văn nhưng đại khái thế.

Chuyện có lá cải hay không đã được tranh luận nhiều, vả lại mỗi người, nếu quan tâm tới báo chí, đều có thể trả lời theo những cách hiểu khác nhau.


Hôm nay liếc qua cái tít "thầy giáo tự tử vì trầm cảm"  trên một tờ báo mạng, tôi giật mình vì thấy hình ảnh một người (chụp 2/3 thân dưới) treo lủng lẳng trên cầu thang. Chẳng biết có phải xác người xấu số không nhưng nhìn cảnh ấy thấy rất phản cảm, cho dù tác giả cố tình  cắt cúp để che đi cái cổ bị thòng lọng thít chặt ngoẹo sang một bên.

Tôi không nhớ đã xem ở đâu, một tờ báo nước ngoài đã phải xin lỗi độc giả vì đưa lên đoạn clip ghi lại hình vụ tai nạn mà nạn nhân được nhìn thấy rất rõ nét.

Còn ngay ở Philippin, một quốc gia có số dân tương tự như Việt Nam, mức sống cũng tương đương, thế nhưng mỗi khi truyền hình chiếu cảnh phòng the hoặc bạo lực thì nhà đài đều đưa lên màn hình dòng chữ cảnh báo với nhiều mức độ khác nhau để cha mẹ biết, ngõ hầu hạn chế hoặc cấm tiệt trẻ em xem phim.Còn ở ta thế nào chắc các bác đều biết. 

Giả sử hình ảnh treo cổ kia là thực thì chắc chắn người thân của họ sẽ rất đau đớn khi vô tình nhìn thấy.

Nhân đây cũng nói thêm là tôi rất dị ứng với việc đưa ảnh các cô gái bán dâm lên báo. Trưng ảnh chình ình cho cả thế giới biết như thế, chúng ta đã đào một cái hố sâu ngay sau lưng họ, thích lên mặt họ hai chữ CON ĐĨ thì làm sao "hoàn lương" được. 

Cái nghề của họ pháp luật không cho phép nhưng vẫn còn đáng trọng hơn ối kẻ khoác bên ngoài bộ cánh thơm tho và sắm một bộ mặt đáng kính.

Khi đăng những bức hình sốc như thế, báo có thể thu hút được nhiều người hiếu kì, view tăng vọt,vẫn lách được luật, thế nhưng  nhìn ở khía cạnh đạo đức liệu có nên không?

Những chuyện như thế đáng bận tâm hơn lá cải nhiều.       

     



  
  



Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Ôi PISA!




Hồi còn trực tiếp theo dõi mảng GD, tôi rất mê Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International Student Assessment-PISA), nhất là khi được trò chuyện điều này với GS Lâm Quang Thiệp, một người nghiên cứu khá sâu về khoa học đánh giá.



Thế nhưng hôm nay biết học sinh nhà mình xếp hạng 17 trong số 65 quốc gia thì lại thấy nó không còn hấp dẫn nữa. 






Thoạt đầu thì cái điều “khiến Bộ GD - ĐT cũng bất ngờ” này chỉ làm tôi nghi ngờ. Nhưng sau lại tự nhủ: cứ nghi ngờ như thế có mà nghi cả ngày. Bởi chúng ta rất "tài" trong việc biến mọi sự bài bản, nghiêm túc, chuẩn mực… thành cái gì đó qua loa, đại khái, xuê xoa; chúng ta thừa mẹo mực, độ tinh quái và sự ma lanh để hóa giải và vô hiệu tất cả sự can gián, thậm chí thủ tiêu từ trứng nước bất kỳ những phản biện tích cực nào ảnh hưởng tới mục tiêu đen tối. 

Tôi từng tự hào cái lũy tre, cái đình làng đã kiên gan chặn đứng sự đồng hóa của ngoại bang sau hàng ngàn năm nô lệ. Thế nhưng bây giờ tôi lại rùng mình khi khả năng đồng hóa ấy trở mặt. Nghĩa là cái xấu, cái hạn chế của dân tộc đang gặm nhấm, xâm lăng và đè bẹp sự văn minh, tiến bộ của nhân loại.

Rất có thể những nhận định trên đây thiếu sự tỉnh táo và chừng mực. Nếu vậy thì xin kể thêm câu chuyện này.

Cái chuông báo cháy ở cơ quan tôi không hiểu trục trặc kiểu gì mà thỉnh thoảng  réo ầm, mặc dù không cháy, cũng chẳng khói. Hồi đầu nhiều người còn nhổm đít hốt hoảng nhìn quanh, sau nghe mãi quen với báo động nên mặc kệ. Trộm nghĩ: cháy thật chết cả nút.

Đấy! Khi mà sự giả dối trở thành cơm bữa thì cho dù sự thật mười mươi cũng đâu dễ để xác lập lại lòng tin. 

   














  


Tượng giống người - người giống tượng.


Cách đây lâu lâu rồi anh bạn rủ  ra Hàng Khay- Hà Nội tìm mua quà lưu niệm tặng một đối tác nước ngoài. Cơ quan mình ở Bà Triệu, gần đó nên ra xem cho vui chứ mấy thứ đó mình không sành.

Tiền nong có hạn nhưng sếp của anh bạn lại yêu cầu chọn quà có ý nghĩa.  Ngắm mãi cuối cùng anh bạn chỉ bức sơn mài giả cầy  "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân", hất hàm về phía mình, hỏi được không. Mình nheo nheo mắt nhìn, nói không giống Bác mày ơi,  trông giống... Nó lườm mình, nói ông chẳng hiểu gì về hội họa. Nghệ thuật phải hư cấu chứ.

Cấu véo gì không biết, tranh lãnh tụ thì người xem phải nhận ra lãnh tụ, không thể nhầm sang Tôn Hành Giả được. Quà kỷ niệm mà tạp nham như thế thì quá bằng bôi nhọ danh nhân, làm xấu hình ảnh đất nước.

Hôm trước, không nhớ nhìn ở đâu, thấy có cơ quan còn vứt nguyên bức tượng lãnh tụ to tướng ở chân cột điện, cạnh xe rác.

Trông chướng quá! Thế nhưng nếu có một quy định nào đó về việc sản xuất (và cả tiêu hủy) tranh tượng lãnh tụ nghe cũng kỳ kỳ thế nào.

Mình tâm sự điều này với thằng bạn. Nghe xong nó cười cái hậc, nói mày sợ tranh tượng không giống người à. Mày về Hà Tây mà xem, dân người ta còn đang điên tiết người giống tượng kia kìa.

Mình nhớ ngay ra vụ thầy chùa tạc tượng chính mình nên chửi cho nó một trận, đang nói lãnh tụ lại đi so sánh lung tung.