Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Một góc nhìn về vụ cướp bia.





Nhìn cảnh cướp bia cứ liên tưởng tới hình ảnh phá kho thóc của Nhật năm 1945, thế kỷ trước.

Cướpphá là hai từ được dùng nhiều từ sau 1945 cho tới tận khi đất nước giải phóng 1975: cướp chính quyền, phá kho thóc, phá đồn bốt giặc...

Lẽ ra hai cái từ sặc mùi chiến trận, chẳng đẹp đẽ hay ho gì ấy phải bớt dần đi trong thời bình.

Theo suốt lịch sử đau khổ của dân tộc, cái ước muốn lấy của người giàu chia cho người nghèo từng được xem như hành động nghĩa hiệp. Ở tầm mức cao hơn, phạm vi rộng hơn, trở thành chủ trương đường lối cho một giai đoạn nhất định. Công cuộc cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp đầy nước mắt ở cả hai miền Nam, Bắc minh chứng điều này. 

Cũng ở đó, cái khái niệm tập thể luôn to đùng lấn át và đè bẹp hoàn toàn cá nhân. Tập thể - đám đông - đã làm cái gì thì ắt đúng. Cái luận điệu ấy hỗ trợ thêm với tâm lý bầy đàn để tạo ra một đám đông xô bồ và mất kiểm soát.

Phong trào có nhiều điểm tích cực, nhưng ở một khía cạnh nào đó phong trào (là đám đông) thực hiện một mục tiêu được mặc định là đúng, các cá nhân hưởng ứng (theo cái phong trào ấy) mà không phải bận tâm suy nghĩ, cứ theo những gì người bên cạnh đang làm mà thực hiện, mà hô hào, như một cái máy.

Trong cuộc sống, có những điều xấu xa, sai trái, nhưng nhiều người vi phạm thì bỗng dưng cái xấu, cái sai ấy trở thành bình thường. 

Cho nên không phải ngẫu nhiên phương tây đề cao bản ngã, cái tôi; một cái tôi có lý trí, có tình cảm, có phán xét…, đủ sức mạnh để không bao giờ bị quyến rũ, mụ mị bởi đám đông vô thức, bởi những hoạt động nằm ngoài nhận thức của bản thân.

Điều đó chỉ có khi mỗi người được giáo dục từ tấm bé. Giáo dục để chung sống thân thiện với môi trường, xã hội; giáo dục để làm người chứ không phải để giải nhanh, giải thành công các bài toán khó.     


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ