Cà phê sáng.
Xét trên góc độ hàng hóa, đặc sản bây giờ không còn là vật sở hữu riêng cho từng vùng, nhưng cách ăn cách uống thì mỗi vùng vẫn còn nhiều khác biệt.
Vào quán cà fe ở trong Nam chỉ cần gọi "cho ly cà phê" là người ta ngầm hiểu cà phê đen đá. Có lẽ đây là xứ nóng nên cà phê cho rất nhiều đá và uống bằng ống hút, về độ đậm đặc thì không bằng cà phê ở Hà Nội. Cũng có thể trong này nhậu nhiều, tối hôm trước nhậu, sáng hôm sau háo, khát nước nên một cốc to cà phê nhiều đá là sự lựa chọn hợp lý.
Sau khi uống gần hết cốc cà phê đá, người ta rót nước trà vào chính cốc cà phê ấy và uống đến bao giờ... thích về thì về. Dân Hà Nội thì lại muốn cái gì ra cái đó. Cà phê là cà phê, phải đặc sánh. Cà phê uống xong mới uống trà, và thường là trà mạn nóng, uống chén riêng, không lẫn với cốc cà phê.
Trong Nam phổ biến một loại trà, có lẽ trồng ở Đà Lạt, nước đỏ, cọng trà dài và hương vị do hóa chất tạo nên chứ không phải do trà tiết ra.
Trong Nam, bạn có thể ra tiệm cà phê từ 6 giờ, ngồi đến 9 giờ cũng OK. Hết trà thì kêu trà, hết đá thì gọi "cho một cái tẩy". Cà phê nhiều sữa trong này gọi là bạc xỉu (sỉu). Tìm trên mạng thấy giải thích chữ “bạc xỉu” là gọi tắt của “bạc tẩy xỉu phé”. Mấy chữ đó phiên âm từ tiếng Quan Thoại. Bạc (bạch) là màu trắng, Tẩy là cái ly không, Xỉu là một chút, và Phé là cafe.
Chẳng biết đúng không nhưng tóm lại, khi gọi "tẩy" thì chủ quán đưa ra một cốc đá không, còn gọi bạc xỉu thì bạn có ngay một cốc cà phê sữa đá. Nếu gọi "cho cốc nâu đá" thì trong này không hiểu. Gọi nâu đá, có lẽ người Bắc gọi tên dựa vào màu sắc, thậm chí dùng phép đối lập màu để đặt tên, nghe cho có vẻ sành điệu. Đã gọi cái này là đen đá, đen nóng thì cái kia là nâu đá, nâu nóng.
Tên gọi và kiểu cách uống cà phê (và ẩm thực nói chung) mỗi vùng mỗi khác, thể hiện tính cách và điều kiện sống của người dân từng khu vực. Đấy là điều bình thường, chẳng quan trọng. Trong ẩm thực, cứ thấy ngon là được.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ