Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Trả giá.


Hồi còn làm chương trình “Giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt” ở Hệ VOV2, mình có cơ hội được làm việc với một số nhà ngôn ngữ học, trong đó có nhà giáo Đình Cao, người để lại cho mình nhiều ấn tượng tốt đẹp.


Mình phục bác Cao ở cách sử dụng từ giản dị mà vẫn diễn đạt trọn vẹn suy nghĩ và hành vi phức tạp.



Để nói được như bác Đình Cao cần phải có đủ và hiểu cặn kẽ một số lượng từ vựng nhất định.



Hồi bố mình bị tai biến nằm liệt giường, mọi người tới thăm, nhiều người khóc, được thể mẹ mình ngồi kế bên, vừa vỗ lưng cho chồng, vừa cảm thán: “Đấy, bệnh hoạn nó khổ thế đấy các bác ạ.”



Mình đứng ngoài đang rơm rớm nước mắt cũng không nhịn được cười. Khách về, mình bảo bà là bố bị bệnh tật chứ không bệnh hoạn. Thế nhưng lần sau bà lại quên.



Với người phụ nữ nông dân chỉ học lớp 3 như mẹ mình thì nói vậy chẳng ai chấp. Nhiều người còn cảm thông nữa. Thế nhưng trên đài, báo mà nói sai như vậy thì ngượng chết.



Mình vào Cần Thơ công tác, có cơ hội được tiếp xúc với anh chị em biên dịch tiếng Khơ Me, mới hiểu câu người ta thường nói: có giỏi tiếng Việt, hiểu tiếng Việt mới dịch hay dịch tốt được.



Một trong những thiệt thòi của anh chị em biên dịch là vốn kiến thức về từ ngữ Hán – Việt còn hạn chế. Các em mà dịch “Biển Hoa Đông” thành “biển Đông của người Trung Hoa”  thì có bận anh đi tù mất.



Tương tự “lục quân” không phải “sáu quân” cho dù “lục” có một nghĩa là sáu. Lẽ ra lúc đó phải suy luận tại sao có từ “lục địa” chứ nhỉ?



“Tiêu thụ” không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với “sử dụng”. Dịch: Nhà máy sử dụng (tiêu thụ) 100 tấn mía /ngày thì được chứ câu “buồn cho cảnh người dân tiêu thụ nông sản một cách bấp bênh” mà dịch tiêu thụ thành sử dụng thì bố tây nó hiểu.



Hồi trẻ, có lần đi tán gái mình đã ti toe nói chữ. Thay vì nói “bộ hạ” mình nói ngược thành “hạ bộ” trong khi chẳng biết hạ bộ là cái gì. Mình tặc lưỡi, nhìn xa xôi, thả nhẹ một câu: “Thằng Hãn xóm Chùa là hạ bộ của anh í mà”.



Khoái chí và hí hửng ra mặt vì cú “dìm hàng”, nhưng mình đâu biết rằng cái giá phải trả cho vụ lòe chữ ấy là đến trên 30 mình mới lấy được vợ. Mừng húm!

       

Hồi đó chưa có “ông” Google. Còn giờ các bạn cứ chịu khó gõ - kiểm tra. Chắc chắn không sa vào thảm cảnh như mình. Chúc thành công!    

     Hạ bộ đây







0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ