Đem lại niềm vui cho mọi người, nên không?
Nên quá đi chứ, nhưng chắc nó
không nên cho tất cả. Suy xét kỹ thì mệnh đề trên thuộc triết học, mà món này
mình dốt nên minh họa bằng câu chuyện cụ thể.
Mình chưa bao giờ được đi xem đua
bò ở An Giang. Kỳ này vào làm việc ở Đồng bằng sông Cửu Long, định đi nhưng lại
phải họp sơ kết online với Hà Nội. Mấy anh em phóng viên lắc đầu tiếc hùi hụi,
nói anh không đi, uổng!
Biết thế! Đành để dịp khác vậy.
Đua bò ở An Giang nhằm đúng ngày lễ Sen Đon ta – cúng ông bà, nên càng vui, đối
với mình còn lạ nữa.
Đang ngẩn ngơ tiếc thì Thạch Sang
Cosol, người Khơ Me bước vào đưa gói chè, nói anh Nhật Minh gửi anh. Chuyện trò
một hồi sang chuyện đua bò. Cosol kể nó là môn thể thao của dân tộc em, nhưng
em thấy thương con bò quá.
Hóa ra để con bò chạy nhanh, người
điều khiển (tài xế) phải thúc cây gậy đầu cắm một vật nhọn bằng kim loại vào
thân con bò. Khi đó đôi bò đau đớn phải lồng lên. Sự đau đớn ấy thường được tài
xế chia đều cho cả đôi. Tuy nhiên, để đôi bò luôn chạy song song, đúng đường và
nhanh nhất thì con nào chạy chậm sẽ bị đâm dùi nhiều hơn. Và cứ thế, sự nỗ lực
của đôi bò luôn tỷ lệ thuận với những cú chích dùi không nương tay của tài xế.
Trước nay mình cứ nghĩ đấy là cái
roi thông thường, ai ngờ lại là cái dùi nhọn. Đôi bò lao lên phía trước vì đau
đớn chứ đâu phải vì tiếng cổ vũ váng trời của đám người xem.
Hàng ngàn người sung sướng, hạnh
phúc, thậm chí bị kích động trong sự đau đớn đến tột cùng của con vật. Nghĩ tới đây tự dưng mình lại chẳng muốn xem đua bò nữa.
Trên cả quả đất này, từ cổ chí
kim, từ Đông sang Tây, thiếu gì những trò tương tự. Đấu trường La Mã từng rung
chuyển cùng niềm vui man rợ khi chứng kiến cảnh nô lệ tử chiến với thú dữ; Tây
Ban Nha còn đó vẻ kiêu hùng của các matador (dũng sỹ đấu bò) với tấm vải đỏ
chết chóc; ở ta thì có chém lợn, đâm trâu...
Thế mà ai đó nói “hạnh phúc là
đem lại niềm vui cho mọi người.” Đem lại niềm vui, tìm kiếm cái lợi cho số đông
chưa chắc đã là một việc làm đúng. Vì thế mình phải cảnh giác với những cái
được khái quát tào lao (hoặc có thể mình chưa hiểu thấu đáo), và cũng nên thận
trọng với những thứ chỉ căn cứ vào những định đề cổ lỗ kiểu “chuồn chuồn bay
thấp thì mưa...”
Khó ghê! Xưa lười học nên giờ
đụng đâu cũng thấy tối om om. Hối cũng đã muộn. Thôi, đi làm cốc cafe!
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ