Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Cái tăm


Mình rất ít khi dùng tăm. Đã có lần cô nha sỹ khen mình có "mặt tiền" đẹp. Mình tự hào về điều đó và rất biết ơn bố mình đã không khuyến khích mình dùng tăm ngay từ nhỏ.

Thế nhưng khi vào trong Cần Thơ làm việc, đi mua xôi hay bánh mì đều được "khuyến mãi" thêm cây tăm, được ghim sẵn trong túi. Cái này gần như mặc định vì có lần mình đã xua tay, nói khỏi, không cần em ạ. Thế nhưng lần sau vẫn được cho  tăm.

                                                           Lại còn được cả hai cái tăm.
 Ở Hà Nội các thầy, các thím đi mua bánh mì có tăm kèm theo không? Chắc không có đâu, kể cả bánh mì 30 ngàn nhé.


Nó thể hiện cách phục vụ của người bán hàng phía Nam nói chung, hay mọi người thường nói dịch vụ trong Nam tốt hơn ngoài Bắc. Điều này ai cũng công nhận.

Trả lời cho sự khác nhau ấy chẳng khó, đã có nhiều người bàn. Song theo mình có một lý do chính như thế này.

Người dân miền Nam không chịu cảnh bao cấp kéo dài như ngoài Bắc. Chế độ Sài Gòn cũ hình thành nền kinh tế tự do cạnh tranh nên phương châm khách hàng là thượng đế là điều mặc nhiên. Ai không tuân thủ điều ấy đồng nghĩa với sập tiệm. Người cung cấp dịch vụ không phải để đến lúc khách yêu cầu mới đáp ứng mà họ chủ động tìm hiểu những nhu cầu để thỏa mãn tối đa người sử dụng dịch vụ.

Cũng từ những yêu cầu như thế nên họ tự học hoặc trau dồi thêm các khóa học về thương mại, giao tiếp. Người buôn thúng bán mẹt học cách đối đãi, ứng xử với người mua hàng sao cho thật vừa lòng; kẻ buôn to bán lớn tìm đủ cách để quyến rũ và níu kéo khách hàng, tạo nên các mối làm ăn lâu dài, uy tín.

Ngược lại, miền Bắc bị di chứng của bao cấp, của phân phối theo kiểu bố thí kéo dài khiến cho hình ảnh cô mậu dịch viên, bán gạo theo sổ, bán thịt bằng tem..., vẫn còn ám ảnh cho tới tận hôm nay và hiển hiện ở nhiều nơi.

Một điểm khá thú vị là người Bắc, Bắc Trung Bộ quật cường trong cách mạng là thế, và ngay hôm nay họ vẫn là những ngọn lửa bùng lên bạo liệt và đầy khí phách trong đấu tranh, nhưng kỳ lạ thay, lại rất nhẫn nhục và cam chịu trước những lời mắng nhiếc, thậm chí sỉ vả của mấy con mụ bán hàng kênh kiệu mắc chứng hoảng tưởng, đinh ninh chỉ có mình mình trên quả đất này. Thế nên thủ đô ngàn năm văn vật  mới có bún chửi, cháo quát làm quà đặc sản, làm "vẻ đẹp tiềm ẩn" cho du khách bốn phương   

Chẳng biết có mối liên hệ nào giữa đức tính chịu đựng nhẫn nhục của người phía Bắc với những sự phản kháng vô cùng mãnh liệt trong lịch sử và ngay cả hôm nay?

Mình hỏi thầy giáo của mình điều này thì ông lừ mắt, nói vớ vẩn, "quật cường trong cách mạng" sản sinh ra những người cách mạng quật cường. Họ là những người có tình yêu bao la, đồng cảm và thương mến sâu sắc nhân loại.  Sỉ vả hay cau có khó chịu chính là tàn dư của phong kiến, thực dân, đế quốc; nếu có thì cũng chỉ là bột phát, nhất thời; là những chật vật, gian nan tất yếu trong thời kỳ quá độ tiến lên...phía trước.       

Bla ...bla... bla..., phỉ phui cái mồm, lại lẩn thẩn rồi.  Thôi các thím, các thầy bàn tiếp nhé!            



           

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ