Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Phốt nghề .



Nhà báo được xã hội trao cho cái quyền nói cái này cái kia, nhưng mình đồ rằng bây giờ mà có diễn đàn để nói lại nhà báo thì xôm trò phải biết. Bản thân mình cũng dính đầy “phốt”. Kể vài chuyện ra đây trước để tự răn mình, sau anh em nào có nhã hứng tham khảo cho vui.


Cái khổ của nghề báo nói là lủng củng đồ nghề. Cái máy ghi âm ngày trước to và nặng chứ đâu gọn nhẹ như bây giờ. Có lần mình đuổi theo một VIP để phỏng vấn, cho dù VIP nhận lời nhưng thư ký riêng và lái xe cau mặt nhìn. Biết là VIP vội nên mình tác nghiệp nhanh. Hôm ấy trời vừa tạnh, nhìn quanh quất chẳng có chỗ nào sạch để đặt cái cặp nên cực chẳng đã mình kẹp luôn giữa hai gối để rảnh tay cầm míc.

Cái tư thế phỏng vấn VIP chẳng đẹp tẹo nào ấy lọt vào ống kính của một đồng nghiệp báo Tuổi trẻ. Sau này mất mấy chầu café ăn sáng hắn mới xoá cái “dáng đứng VOV”  ấy đi. Nhục thế!

Lần khác mình “chèo kéo” được một VIP để trả lời phỏng vấn nhưng hiện trường quá ồn, không ghi âm được, vì thế mình lôi đại VIP vào…buồng. May quá phòng không có ai, tưởng số hên ai ngờ đang phỏng vấn thì hết tiếng gõ cửa lại đến tiếng chuông điện thoại réo; lát sau chủ nhân của căn phòng kéo về, ồn còn hơn cả ở ngoài. Cú nhưng chẳng làm gì được!

Cái micro chuyên dụng của dân báo nói khá nặng.  Cuộc phỏng vấn nào kéo dài thì cầm mic cũng mỏi phết! Giải pháp là chống khuỷa tay lên bàn. Chống lâu cũng mỏi nên biện pháp tiếp theo là dùng tay kia chống đỡ như một cái chạc. Nhiều khi nhìn mình cứ liên tưởng đến động tác bắn súng của cao bồi bang Texas.  Lấy tay làm chạc đỡ mãi cũng mỏi nên có lần mình vơ tập tài liệu để gác cổ tay. Khoẻ! Vừa nghe trả lời vừa ngắm thạch sùng đuổi nhau trên trần.

Có bận mình phỏng vấn một bác cựu chiến binh, bác này nói hăng, cứ chuẩn bị ngắt lời bác lại trợn mắt gạt phăng đi. Cầm míc mỏi quá mình bèn ngó trước nhìn sau rồi dúi mic vào tay bác, lững thững bỏ ra hành lang hút thuốc. Bác vẫn nói oang oang, tay cầm mic tay kia chém phần phật vào không khí. Hút xong điếu thuốc vào chẳng thấy bác đâu, chỉ còn cái mic chỏng chơ trên bàn, nghe lại băng thấy có đoạn: “Chương trình phỏng vấn đến đây là kết thúc. Chào thân ái và quyết thắng”.  

Hết cái míc đến cái máy ghi âm báo hại mình. Năm 1998, đang là phóng viên thường trú ở Sơn La, mình theo thuyền buôn ngược lên thượng nguồn sông Đà, chỗ Mường La, đoạn giáp với Thuỷ điện Sơn La bây giờ. Mình ghé vào một bản thấy rất đông trẻ mắc quai bị. Phỏng vấn trưởng bản, nói cả bản đều bị. Thế là vội vàng làm cái tin, giật cái tít “cả bản mắc quai bị”.

Không nhớ tin đăng trên Báo Tiếng nói Việt Nam hay phát trên đài nhưng sau đó Sở Y tế Sơn La tức tốc cho đoàn lên kiểm tra và xác nhận chỉ có vài người mắc.

Lãnh đạo tỉnh Sơn La yêu cầu giám đốc Cơ quan thường trú Tây Bắc Hoàng Quách Cầu phải xin lỗi và đính chính. Anh Cầu gọi mình vào, mình trương cổ lên, nói cả nửa tháng sau mới kiểm tra thì cũng có người khỏi rồi chứ. Và để chứng minh, mình lôi máy ghi âm ra, nhưng đến đúng đoạn trưởng thôn chuẩn bị nói “cả bản đều mắc” thì băng cát-sét từ từ chạy vào đoạn trắng ở đầu băng. 

Sau này còn có vụ kiện to, lên tới tận văn phòng chính phủ nữa, nhưng tai nạn ở Sơn La là lần đầu, mình nhớ mãi. 
    
Có những bài học mà chỉ có thực tiễn hoạt động nghề nghiệp mới dạy cho mình biết. Ấy là năm 2001 mình sang Malaixia viết về Seagames21. Lần đầu làm việc ở nước ngoài, lại đi một mình nên lúng túng bỡ ngỡ lắm! Sáng ra thấy đồng nghiệp báo Thể thao tp HCM chuẩn bị đồ nghề ở sảnh khách sạn, mình bộp chộp hỏi nay đi đâu. Vừa dứt lời, nhiều ánh mắt khó chịu nhìn mình từ đầu đến chân. À, ra thế, có thể mời nhau nhậu rồi đi mát-xa tưng bừng tối hôm qua nhưng sáng nay đừng hỏi tác nghiệp ở đâu nhé!

Một tình huống tương tự, đó là lần mình được cử đi “làm” quốc hội. Hồi đó giáo dục “nóng” lắm, mà bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển cứ giải lao là mất hút trong căn phòng ở phía đầu Hội trường Ba Đình. Chẳng biết hôm đó bác Hiển cao hứng thế nào lại lững thững ra sảnh, cánh báo chí “vồ” luôn. Chẳng biết báo nào có công “vồ”, mình đến thì đã có 4-5 em xinh đẹp xúm lại rồi. Vội vàng, hớt hải, chỉ sợ đại biểu “chuông reo là…vào họp” nên mình lanh chanh nhảy bổ vào hỏi. Chưa dứt lời thì cả mười con mắt nhìn mình như thằng vô lại. Mình tẽn tò, nhăn nhó cười ngô nghê. 

Đấy chỉ là một vài trong số hàng tá bài học không có trong giáo trình, để thư thư mình kể tiếp.

          

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ