Vì sao phải học trước chương trình?
Mấy năm nay các chuyên gia ra rả nói
học trước chương trình là phản khoa học, là tạo tâm lý chủ quan cho học sinh,
các em (vì biết rồi) nên vào lớp sẽ nghịch phá .v.v và v.v.
Chuyên gia nói vậy thì chắc chắn
đúng rồi, nhất trí rồi, thông lắm rồi. Nhưng xin thưa với các giáo sư rằng sách
vở, lý thuyết và thực tế khác xa nhau lắm!
Một lớp 40 cháu mà 30 cháu đã
biết đến chữ H thì phần lớn giáo viên sẽ dậy từ chữ I, J, K… trở đi chứ không
bắt đầu từ chữ A đâu ạ.
Có thầy là sếp mắt trợn tay xua,
nói anh chẳng biết gì, phải dạy theo kế hoạch giảng dạy, dạy trước chương trình
làm sao được (đại ý không được dạy từ chữ I). Nói thật, thanh tra có xộc vào
lớp, mở vở học trò kiểm tra, vẫn đúng phóc chương trình luôn, chẳng chậm mà
cũng chẳng nhanh tí nào. Cái này dễ ợt các thầy ơi! Ai mà chẳng biết!
Còn tại sao phải dạy trước chương
trình ư? Hỏi các Thầy ở phòng, ở sở, ở Bộ rằng quá nửa lớp biết rồi thì học tới
hay học lui? Để cái phần ít cố đuổi theo hay để già phân nửa lớp kia ngồi ngáp?
Nhưng cái này quan trọng hơn,
quyết định hơn: Học trước để còn trừ hao những ngày lễ lạt, tham quan, thi cử,
họp hành, lũ lụt... Cái này khi lên chương trình học các sếp có tính hết cho
đâu? Cũng có một tuần dự phòng nhưng nhiều khi đâu có đủ? Vì thế, tâm lý chung
của giáo viên, thậm chí cả trường nữa, là kết thúc càng sớm càng tốt. Cuối năm
học thảnh thơi củng cố kiến thức, ôn thi, chấm điểm, họp phụ huynh..., khoẻ re!
Tôi không cổ suý cho việc học
trước chương trình nhưng nó có một thực tế như vậy. Từ vài ba người lo lắng cho
các cháu học trước nay đã thành “phong trào sâu rộng” rồi.
Còn về học thêm hè? Với nhiều gia
đình, hè không biết cho con đi đâu, làm gì, nên học thêm hè là giải pháp tối
ưu. Trước thực tế như thế các sếp nên nghĩ cách gì cho nó hài hoà, linh hoạt
chứ đừng vội lên án học thêm là tội.
Tôi rất lấy làm lạ là nhiều thầy,
cô trực tiếp dạy ở trường, biết tỏng tong tong cái thực tế nó như thế nhưng
chẳng thấy có nhiều ý kiến phản biện. Trên truyền thông hoặc trong các cuộc
họp, cấp trên bảo “như thế là sai” thể nào các thầy cũng ậm ừ, “vâng vâng, là
sai là sai” mà chẳng dám nói lên suy nghĩ thực của lòng mình, của đồng
nghiệp.
Vì thế, tôi nghĩ cái sự học của
nước mình chưa khá khẩm lên được vì rất nhiều lý do, trong đó có một lý do là thầy,
cô và cán bộ ở cơ sở ít người dám phản biện mà thay vào đó là thái độ miễn
cưỡng thực hiện (những chủ trương không phù hợp) trong sự khổ tâm và dằn vặt
của người trí thức.
1 Nhận xét:
thầy giáo ngồi rất thân thiện với học sinh
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ