Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Cảm xúc trong nghề báo.



Mình có dịp được mấy anh chị Tây dạy nếu phỏng vấn thì cố gắng xuống tận nơi, gặp từng người, chơi luôn face - to- face, hãn hữu lắm mới được sử dựng phương thức phỏng vấn (gián tiếp) qua điện thoại hoặc email. Còn viết phóng sự thì khỏi bàn, có lúc phải ăn dầm ở dề tại cơ sở cả tuần, thậm chí lâu hơn thì may ra mới làm được cái phóng sự ra hồn.



Hồi đó mình vừa vào nghề báo, thấy Tây dạy thế thì biết thế. Họ cũng phân tích, giải thích thế này thế kia, nhưng nói thật, chưa có thực tiễn, chưa thấm. Sau này đi làm mới nghiệm ra họ nói…chuẩn.

Nhớ khoảng năm 2003, tôi, anh Trần Nhật Minh (nay là PGĐ VOV2), anh Phạm Mạnh Hùng (nay là TBT báo điện tử VOV) có chuyến công tác tới một huyện của tỉnh Yên Bái. Hôm đó huyện có hội nghị gì đó, đông lắm, mãi gần trưa mới mời được ông phó chủ tịch ra ngoài phỏng vấn. Đang hỏi dở thì thấy ông này cứ nhấp nhổm, nhớn nhác. Một lát sau, dường như không thể kiềm chế, ông phó chủ tịch buột miệng: “Thôi, th…ôi, th...ôi…! Chúng nó đi ăn hết rồi kia kìa”. 

Hoá ra là ông phó chủ tịch thấy thấp thoáng bóng người từ hội nghị đi ra, lại về phía nhà ăn nên sốt ruột. Đấy! Nếu phỏng vấn từ xa chắc chẳng bao giờ “bắt” được nhưng chi tiết như thế. Hôm đó mấy anh em vừa ăn trưa vừa bấm bụng cười.

Lần khác đến một trường tiểu học của huyện Đà Bắc (Hoà Bình), xa lắm, giáp với Phù Yên của Sơn La. Tôi nhớ hồi đó thay chương trình và sách giáo khoa mới nên dư luận rất quan tâm. Vì biết trước là có nhà báo đến nên nhà trường rất tinh tươm, các cháu ăn mặc gọn gàng, khăn quàng đeo cổ chỉnh tề một cách bất ngờ so với vẻ lam lũ thường thấy của học sinh vùng sâu.

Cô trò ngồi sẵn đợi đoàn đến từ bao giờ. Đàon chưa yên vị, cô giáo đã nhoáy nhoáy treo bảng chữ cái lên, chỉ vào từng chữ, yêu cầu con đọc theo. A, ă, â, b, c  còn đọc đúng tay cô chỉ; đến d, đ, e, ê thì bắt đầu lộn xộn, thước trên tay cô không rê theo kịp lời trò. Cuối cùng mới chỉ được có nửa bảng chữ  nhưng trò đã rào rào đọc hết 29 chữ cái tiếng Việt.

Mấy nhà báo nhìn nhau tủm tỉm cười. Bởi vì các cháu học thuộc lòng mà không biết mặt chữ. Nhưng thôi, ở cái nơi vừa chăn trâu vừa đi học thì thuộc vẹt được như thế cũng thuộc diện “đội tuyển” rồi! Chắc là lọc lựa cả trường mới được hơn chục em như thế nên chúng tôi cũng lốp bốp vỗ tay khích lệ sự bạo dạn và tự tin của cô và trò.

Không ngồi tại lớp để chứng kiến nhưng sự việc như thế thì chẳng thể thấm cái bệnh thành tích của ngành.

Các cụ xưa nói “trăm nghe không bằng một thấy”. Với nghề báo tôi thấy lại càng đúng. Cái việc “thấy” để xác minh thực hư là cần thiết, đã đành, nhưng quan trọng hơn, nó tạo cho tôi cảm xúc.

Hình như nhà báo Thái Phong Sương có lần nói nhà báo phải có cái đầu lạnh và trái tim nóng. Gần hai chục năm cầm bút, với nghề báo chẳng là cái gì, nhưng tôi cũng phần nào hiểu được “trái tim nóng” kia chỉ có thể nóng được khi nó chan chứa cảm xúc. Cảm xúc đó có thể là căm ghét, phẫn nỗ; có thể là day dứt, yêu thương...

Trang viết mà không có cảm xúc thì các con chữ cứ chuội đi, rời rạc như cơm nguội. Ngược lại, một bài viết tràn trề cảm xúc thì chữ nghĩa là gươm đao, là nước mắt; nó có hồn, nó cựa quậy, nó nhảy múa…; buông bút là ra chữ, chẳng mấy nhọc nhằn.

Người ta thường phàn nàn một số nhà báo trẻ hiện nay thiếu cái nọ cái kia, nhưng theo tôi, cái thiếu nhất vẫn là cảm xúc. Mà cảm xúc ấy chỉ có thể nói gọn trong mấy chữ quen thuộc: đi để thấy, thấy để thấm và thấm để viết. Vậy thôi.  

     

             




     


 

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ