CHỢ ĐÓN, CHỢ ĐI .
Trước đây, tôi cứ nghĩ chỉ có vùng sông nước kinh rạch như Đồng Bằng sông Cửu Long thì mới có chợ sông. Nay có dịp lên Tây Bắc mới biết chợ sông trên này cũng có nhiều nét đặc sắc chẳng kém.
Ông Ngô Nhân, chủ thuyền cho tôi đi nhờ, vừa có dáng bệ vệ của một ông chủ; vừa có vẻ bề ngoài lọc lõi, từng trải của dân sông nước. Từ khi chưa làm thuỷ điện Hoà Bình, sông Đà còn lắm ghềnh nhiều thác, ông Nhân đã từng là một tay chèo có hạng. Tôi thầm nhủ: mình số may vì được đi nhờ thuyền của một lão làng sông nước.
Thuyền buôn trên sông Đà có hai tuyến: vòng ngắn và vòng dài. Dù là tuyến nào đi nữa thì thuyền cũng đều phải tập trung ở đầu kênh (thị xã Hoà Bình) đón dân buôn, lấy hàng và trả hàng. Thuyền vòng ngắn chỉ đến chợ Sáy thuộc huyện Mộc Châu - Sơn La, bên này sông là Phù Yên rồi quay về. Thuyền vòng dài lên tận Tạ Bú thuộc Mường La - Sơn La. Mỗi chuyến đi mất một tuần, quay về kênh nghỉ 3 ngày rồi lại đi tiếp sao cho 19 điểm chợ ven sông cứ 10 ngày lại có một phiên.
Nếu trước kia buôn bán trên sông chỉ bằng thuyền gỗ một hai chục tấn thì nay được thay bằng thuyền sắt tải trọng lên tới 50-100 tấn. Mỗi thuyền có từ 60 - 80 khoang. Tôi đã xuống một hầm thuyền như thế. Mỗi khoang được chừng 2 mét vuông là một quầy hàng. Người, hàng hoá, lợn, chó, gà nằm chen chúc nhau không có lấy một chỗ đặt chân. Kể ra với giá 60-70 chục ngàn cho một khoang trong cả chuyến đi như thế cũng được. Dân buôn mắc cái võng toòng teng, ngắm trời mây sông nước qua cái lỗ bằng bàn tay, nghe nhịp phành phành của bốn cái động cơ công nông dùng làm máy tàu rồi thiếp đi lúc nào cũng chẳng biết.
Kể cũng thú! Thấy rùng mình một cái biết ngay thuyền đã cặp bờ. Nếu là chợ to, chợ chính, thuyền đến từ chiều hôm trước gọi là chợ đón. Sáng hôm sau họp tiếp vài tiếng rồi nhổ neo gọi là chợ đi. Những đêm thuyền neo lại, đàn bà con gái lên lều chợ ngủ trông hàng; đám thanh niên làm bạn với tá lả, chắn cạ ầm ĩ cả đêm. Được cái đài kêu, điện sáng cả một khúc sông nên bà con ở cái vùng làm ra điện mà không có điện này cũng bớt tủi.
Thuyền vừa đến chợ, chục anh cửu vạn thân hình lực lưỡng da đỏ như đồng hun, tay vác vai gánh những thùng to, thùng nhỏ của dân buôn lên các lều được dựng sẵn ở sát mép sông. Một cửu vạn tên Dục quê Vĩnh Phúc trông chẳng khác gì danh thủ Rudd Gulid nhưng hơn cái có trong tay thêm nghề cơ bắp giọng hiền khô, khoe: "Tháng cũng được ngót triệu, mỗi tội ít được gần vợ con". Hàng hoá ùn ùn gánh lên các sạp nhưng được cái trật tự, lều của người nào người ấy ngồi, không tranh giành, không cãi vã.
Chợ đón thường đông hơn chợ đi. Chợ đi chủ yếu phục vụ bà con ở tận trong rừng sâu chưa kịp ra vào chiều hôm trước để mua bán ở phiên chợ đón. Hàng hoá của chợ trên sông Đà khá phong phú. Hàng lương thực thực phẩm, dược phẩm, xăng dầu, hàng sắt, hàng nhôm, hàng tạp hoá, hàng ăn... thôi thì đủ cả những mặt hàng thiết yếu cho bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa. Chỉ tính riêng thuyền của ông Nhân đây đã có tới 24 tấn gạo, 2 tấn lợn... Theo ước tính của các chủ thuyền, số tiền hàng bán được của 5 thuyền vòng ngắn trong một tháng khoảng 1 tỷ đồng. Đó là chưa kể tới khoảng 10% dân buôn trên thuyền chuyên thu mua, đổi chác các sản vật của địa phương. Tôi hỏi ông Nhân: " Thế thì khá quá ?" - "Trừ chi phí đi cũng chẳng còn được bao nhiêu, tao , chủ thuyền cũng vậy mà dân buôn cũng thế." - " Có gỗ lạt gì thêm được không ?" - " Cũng có, nhưng qua kiểm lâm, cảnh sát luật lá hết, cũng chẳng còn lãi mấy".
Vợ chồng anh Khanh, chị Hương nhà ở Ứng Hoà, Hà Tây kể: "Có mỗi hai sào ruộng khoán, không đủ ăn, bọn em phải đi hơn chục năm nay rồi, trừ tất cả các khoản cũng đủ sống". Dân buôn ở đây phần lớn là dân buôn nghèo từ Hà Tây, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Hưng Yên... Sau mỗi chuyến, họ lại quay về trả tiền hàng cho chủ rồi lại cất hàng cho chuyến đi mới.
Tôi ở trên thuyền đến ngày thứ ba thì đột nhiên lũ ở thượng nguồn kéo về. Dòng sông Đà trước đó vài tiếng hiền hoà là vậy, bây giờ bỗng sục sôi, cuộn mình như muốn đổ cả khối nước khổng lồ về xuôi. Nước lên nhanh đến chóng mặt. Khoảng cách từ mặt nước đến cái vạch mà thiên nhiên tự tạo ở vách núi bên sông cứ ngắn dần. Cứ nhìn vào cái vạch do cây cỏ tạo thành đó, người ta biết được mức nước cao nhất của hồ sông Đà. Ông Nhân chỉ tay về phía những cây gỗ đang lao ầm ầm từ thượng nguồn về nói: "Hồi bọn này còn đi thuyền gỗ, mùa lũ sợ nhất va phải đám gỗ ngược dòng. Sơ xẩy một tý là thủng thuyền như chơi".
Rừng bị phá nhiều, nước xồng xộc đổ về kéo theo cả những cây gỗ còn tươi. Mới bắt đầu mùa lũ mà đã tập hợp được cả một đám gỗ lớn quẩn lại phía bến phà Tạ Khoa khiến nhà phà phải ngừng hoạt động. Trên triền núi, một dẫy dài xe ô tô đang xếp hàng đợi phà sang Phù Yên. Hai bên sông, núi cứ đứng phơi mình trong mưa trông u tịch, lạnh lẽo, gợi cảm giác buồn đến nao lòng. Cho tới giờ tôi mới thấm cái cảnh chợ chiều. Tan phiên chợ ở cái vùng heo hút này còn buồn hơn. Bởi vì chợ đối với người dân tộc thiểu số có nhiều ý nghĩa lắm! Nó không chỉ là nơi trao đổi vật chất, mà quan trọng hơn, là nơi giao lưu về tinh thần. Cứ suy từ cái cách người dân tộc ở vùng sông Đà này gọi tên chợ (đón, đi) cũng đủ thấy tầm mức ý nghĩa của nó. Chợ đối với họ là nỗi khắc khoải mong chờ, là niềm vui và cảm giác hụt hẫng lúc chia tay. Trộm nghĩ, vì một lý do nào đó đoàn thuyền ngừng chạy, không biết bà con dân tộc mua dầu, muối ở đâu? Tôi đang lan man suy nghĩ thì đột nhiên ông Nhân giật tay tôi kéo vào khoang. Còn đang ngơ ngác chưa hiểu gì thì ông nói: "Tao ngửi thấy mùi người chết trôi...".
Dưới thuyền, anh Dục đang lôi xềnh xệch một con lợn lên bờ để hoá kiếp. Lợn ôi, lợn bệnh, lợn chết bán được tuốt. Được cái bán rẻ, dân nghèo cũng mua. Trong số 5 thuyền thì 4 thuyền có "quầy dược phẩm". Ấy là gọi quầy cho oai chứ đúng ra chỉ có vài cái mẹt, bán các thứ thuốc thông thường. Có khá đông người mua. Mấy chị người Mông, người Dao giơ vỉ thuốc tây lên săm soi kỹ lắm. Tuyệt chẳng thấy ai hỏi bà chủ "quầy dược phẩm" học trường lớp nào ra mà dám bán "cái thứ chữa chết người" này. Đi vài vòng quanh cái chợ nghiêng 23 độ 5 cũng thấm mệt và đói. Tôi đi tìm cái gì cho vào bụng. Bà hàng phở đang nhóm lửa và chế thêm nước. Ôi! Hai can nước sông Đà đặc quánh phù sa “lên ngôi” thành nước dùng. Trên bàn, bà hàng phở bày la liệt những tiết canh, lòng, dồi. Cái thứ nước phù sa ấy đun sôi có lởn vởn tý chút thì "thượng đế" cũng cho là nước luộc lòng, càng béo, càng ngon.
Có lẽ đông khách nhất phải kể đến cánh hàng thuốc lào. Cái bộ dạng ngồi xếp bằng trước một dãy điếu ục to, cặp môi tim tím, giọng khê đục mời khách của mấy tay bán hàng đã thấy mê. Khách ngồi xuống xem hàng được rót mời một chén trà đặc sánh. Nhấp một ngụm, rít một hơi thuốc rồi chiêu nốt ngụm trà còn lại, ngọt giọng phải biết! Chẳng anh nào phải đứng lên tay không cả.
Đêm đó, tôi không ngủ lại trên thuyền mà xuống nghỉ tại một nhà bè cách đó không xa. Chủ nhà bè là hai thanh niên một nam, một nữ. Họ từ đâu đến? Họ có phải vợ chồng không? Tôi không biết. Gặp trên chợ, họ biết ngay tôi không phải dân đi chợ và rủ tôi về nhà chơi. Và thế là tôi theo thuyền độc mộc của họ đến đây. Căn nhà bè chỉ độ chục mét vuông, mong manh và đơn độc, hoang dã và cô tịch. Liên hệ với thế giới văn minh duy nhất chỉ có chiếc đài bán dẫn. Chủ bè sống bằng nghề thu mua các sản vật của bà con dân tộc rồi bán lại cho dân buôn trên thuyền đem về xuôi. Đêm đó có vài người lạ chèo thuyền tới cùng uống rượu. Rượu nhắm với rau rừng, lạc rang và rất nhiều cá. Sông Đà mùa lũ cá nhiều vô kể. Có nhiều loại cá, song phần lớn là cá da trơn. Trong cuộc rượu, đương nhiên tôi phải là người say trước. Tai tôi ù đi, mắt hoa lên. Một lúc sau chỉ nghe láng máng bên tai rặt nhưng chuyện trộm cướp, chém giết, tù tội...
Sáng hôm sau, tôi tỉnh giấc khi nghe tiếng mấy chị buôn gạo loang dài trên mặt sông: "Mua gạo đi cu tỷ ơi! Cu Tỷ ơi, gạo ngon này !". Mời thế nhưng đừng tưởng bán cho mấy anh chàng người Mông mà dễ đâu. Họ chần chừ, suy đi tính lại cả buổi chợ mới mua được món hàng, cho dù rất nhỏ. Tôi hỏi một thanh niên người Mông ở Kìa Mòn - Mộc Châu đang bán một con dao tự rèn:
- Bao nhiêu?
- 30 nghìn.
- Làm bằng gì?
- Zik đấy ( nhíp ô tô đấy).
- Không phải đâu quá?
- Ô, người Mông mình không nói dối mà.
Ở chợ vùng lòng hồ sông Đà này, một số dân buôn lợi dụng tính thật thà của người dân tộc làm trò điêu chác, lừa lọc khiến họ mất dần lòng tin. Nhưng khổ nỗi, biết mua ở đâu, bán ở đâu khác nữa; cũng chẳng biết mặc cả mặc lẽ ra làm sao nên cuối cùng tan chợ đành quay lại mua liều, bán vội.
Ấy thế nhưng bà con dân tộc thiểu số dọc sông, nhất là người Mông, cũng phóng khoáng chịu chơi ra trò. Năm nào được mùa, họ mua hết bán hết, ăn uống thả cửa không cần biết đến hôm sau, vụ sau. Gặp những năm thất bát, họ phải đem cả con gà đang đẻ, bắp ngô non, vài cân vỏ dướng bán lấy tiền mua dầu, muối. Nói chung. đời sống của bà con còn vất vả lắm! Trẻ trong bản đi chợ ngẩn mặt nhìn hàng kem. Đứa nào may mắn được mẹ mua cho cái bánh thì giữ dịt ở trong túi, chỉ dám đưa lên mũi hít hà vẻ phấn khích và kiêu hãnh tột cùng.
Người đi chợ ở ven sông toàn "dân di vén ". Bản làng của họ hiện nay đang nằm dưới lòng sông Đà. Họ phải đi ngược lên núi cao để sinh sống, nhường chỗ cho công trình thuỷ điện thế kỷ của quốc gia. Sắp tới, sẽ có một công trình thuỷ điện nữa trên dòng sông Đà này - thuỷ điện Sơn La. Lại sẽ có nhiều bản làng di vén? Lại sẽ có những chợ đón, chợ đi ?
Tôi choãi chân chèo cùng mấy anh cửu vạn đẩy chiếc thuyền rời bến. Ngày mai, thuyền lại trở về kênh. Trên bờ, anh chàng người Mông say rượu cứ hát. Đoàn thuyền te tái rời bến này để về bến mới cho sớm chợ. Vài phút sau, tôi chỉ kịp nhìn thấy tay anh thanh niên người dân tộc Mông kia huơ huơ lên trời như một cử chỉ tạm biệt rồi mất hút phía bãi sông./.
Ngô Thiệu Phong
1 Nhận xét:
Oa, ngót hơn 20 năm có lẻ, nay mới được đọc tác phẩm của chú trong chuyến 2 anh em mình về với vùng hồ sông Đà thủy điện Hòa Bình. Hay, xúc tích, nhưng còn thiếu nhiều địa danh anh em ta đã đến Tà Phù (xã Liên Hòa), bến Khủa (xã Song Khủa), Chợ phiên bến Vạn (Tân Phong)...
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ