Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Tiếng thời gian ( bài cũ, nhặt được trên mạng)

VOV Online - 25 tháng trước 171 lượt xem

(VOV) - Mỗi chiếc đồng hồ nhạc đều có thân phận, linh hồn và cá tính. Với đồng hồ nhạc, tích tắc là nhịp đập trái tim, tiếng đàn là lời thủ thỉ tâm tình của người tri âm tri kỷ.

Đồng hồ nhạc cổ không chỉ nhìn để biết giờ, để mê đắm vẻ đẹp cổ kính mà còn để nghe, nghe cái tiếng thời gian từ cách đây hàng trăm năm vọng về để chiêm nghiệm, nghĩ suy về sự hữu hạn của kiếp người.

Để có nhiều đồng hồ cổ không khó, chỉ cần đam mê, thời gian và tài chính. Nhưng sở hữu một chiếc đồng hồ cổ nhạc hay thì không phải ai cũng có, bởi một lẽ: Người chơi phải có đôi tai biết thẩm âm và cái đầu biết về âm học.

Như nhiều thú chơi khác, chơi đồng hồ nhạc cũng lặn ngụp trong đam mê, hy vọng, thất vọng rồi lại trăn trở, ham muốn. Đồng hồ nhạc mỗi cái một vẻ và tiếng đàn không bao giờ giống nhau. Dân chơi bị quyến rũ, mê hoặc rồi bỗng dưng “xuống tiền” như bị “ma làm” cũng vì thế.

Tiếng đàn hay phụ thuộc nhiều vào gông. Đồng hồ nhạc loại thường cho tiếng chua và nông. Không kể những đồng hồ mới nhập về Việt Nam, cho đến khoảng mươi năm trước vẫn còn sót lại ở nước ta một số đồng hồ tạ (đồng hồ tủ, dùng quả nặng chạy bằng thế năng) chuông xích lô. Tiếng anh này vô duyên kinh khủng. Cùng kiểu chuông xích lô này có đồng hồ đá, đồng hồ tượng. Đặc trưng của kiểu chuông xích lô là tiếng lanh lảnh, đơn điệu và lạnh lẽo, tựa tiếng kim khí chạm nhau. Bù lại, chúng đẹp và tuổi thọ khá cao.

Tiếng đồng hồ nhạc gông vòng nghe hơi tối và âm u nhưng rất đặc trưng nên nhiều dân chơi đồng hồ rất khoái.

Đáng kể nhất (và phổ thông nhất) là gông (côn) dài, từng thanh như nan hoa xe máy. Nếu quan niệm: Một bộ âm thanh Hi-end có chất lượng khi tái hiện tác phẩm âm thanh một cách trung thực. Người thưởng thức như đứng trước dàn nhạc hoặc ca sỹ rồi để mặc những nốt nhạc diệu kỳ cuốn tâm hồn vào phiêu diêu, thì việc thẩm định đồng hồ nhạc khó hơn vì không có “vật chuẩn” để so sánh. Tất cả phụ thuộc vào trình độ thẩm âm của người chơi.

Về chất liệu, tạm chia thành hai loại: gông đồng và gông thép. Từ xa xưa, dường như nhà chế tạo đã bị mê hoặc bởi chất âm đặc biệt của gông đồng nên đã phát huy tối đa thế mạnh của mỗi loại bằng cách cài lẫn gông đồng với gông thép trong cùng một bộ gông ở một số loại đồng hồ. Với đồng hồ nhạc, người ta có thể gia công y chang toàn bộ máy móc, duy nhất bộ gông là... chịu. Gông đồng cho thứ âm thanh tuyệt hảo, ngọt mà không chua, mềm nhưng chắc khỏe, ấm áp mà tự tin, sâu lắng. Gông đồng bền vững cùng thời gian. Nếu gông thép tiếng vang, lảnh, hơi ồn ào và phô trương thì gông đồng có chất âm đặc trưng: Độ ngân sâu hơn, tiếng mượt mà, vang nhưng ấm, nghe có hồn và chững chạc. Với gông thép loại to, dài thường để trong đồng hồ tạ phát huy được tiếng trầm, nhưng trầm theo kiểu ùm ùm mà mất đi sự tinh tế. Hình như gông đồng ở đồng hồ cổ tiếng hay hơn gông đồng của các loại đồng hồ kiểu cổ đang được sản xuất? Mặc dù cũng dùng gông đồng, nhưng tiếng nhạc của hàng mới thường chua và hèn. Chưa ai lý giải được nguyên nhân của sự khác nhau đó. Phải chăng chất liệu, phụ gia và cách thức chế tác gông đồng cổ đã thất truyền?

Một yếu tố liên quan trực tiếp đến tiếng đàn. Đó là vồ. Da vồ phải đều, gọn, độ cứng vừa phải, chưa lão hóa. Da vồ cứng quá làm cho tiếng nhạc cứng, thô và chói, vừa nghe đã nhận rõ sự va chạm thô kệch giữa vồ và gông; da vồ mềm quá thì tiếng bẹt. Một số đồng hồ nhạc đời mới dùng vồ nhựa. Nhưng vồ nhựa ra tiếng bì, thiếu sự phóng khoáng. Đó là chưa kể khi nhựa lão hóa, tiếng nhạc trở nên khô, làm mất đi sự lịch lãm vốn có của gông đồng.

Đàn đồng hồ ODo (loại thường) nghe vang, tiếng thanh nhưng lạnh và hơi chói. Ngược lại đồng hồ J (Junghans) nhẩn nha, trầm hùng và sâu lắng, không ồn ào phô trương, tiếng đàn vang nhưng dịu và ấm.

Chơi đồng hồ nhạc quý nhất bộ đàn. Đàn trước hết phải đúng nhạc, tiếng phải ngân, dịu và sang trọng; thánh thót nhưng không chói và chua ở “nốt cao”, đồng thời trầm hùng ở những “nốt thấp”. Hệ thống cơ khí phải làm việc chuẩn xác sao cho bộ vồ da búng vào gông rồi nảy ra đều đặn mới làm cho đàn chơi đúng nhịp, bất kể cót căng hay chùng. Có như vậy, tiếng nhạc mới tinh tế, khoan thai; người nghe có cảm giác như đàn đang nhẩn nha nhả từng tiếng, từng tiếng rơi vào không gian.

Chơi đồng hồ nhạc đàn không hay chẳng khác gì ở cạnh người hàng xóm lắm điều. Tiếng đàn tồi nghe hèn, tức tưởi và tăm tối. Đã không ngân thì chớ lại thiếu sự thanh thoát .

Vài năm trước, do nhu cầu của người chơi, các nhà sản xuất trình làng loại đồng hồ tạ kiểu cổ chạy pin. Tiếng đàn loại này do mạch điện tử phát qua loa nên nghe sạn và đục. Đó là chưa kể lúc pin yếu thì những người có đôi tai chân chính, thêm chút tự trọng về cái sự nghe, không thể chấp nhận. Với loại đồng hồ nhạc “giả cầy” này, cho dù có lắp hệ thống âm thanh Hi-end, thì tiếng nhạc cũng không thể nào sánh được với âm thanh “nguyên chất” tạo ra từ những chiếc gông kỳ diệu. Đơn giản vì nó thiếu mất cái hồn, vì nó không phải tiếng của thời gian.

Trong cái tĩnh lặng, thiêng liêng của thời khắc chuyển giao năm cũ, những chiếc đồng hồ cổ tung vào không gian tiếng nhạc trầm hùng rồi đĩnh đạc điểm 12 tiếng báo hiệu xuân sang. Nó đang nhẩn nha kể một câu chuyện cổ tích về thời gian đấy. Hãy lắng nghe!
Ngô Thiệu Phong

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Đừng lừa dối trẻ!

Nhìn đứa bé xinh xẻo ngậm ti giả nhiều người bảo đáng yêu nhưng tôi thì không thích một tý nào vì nó là hình ảnh sơ khai (nhưng lại công khai) của sự gian dối. Con người đã bị lừa ngay từ lúc lọt lòng?

Đôi khi chúng còn tiếp tục bị lừa kể cả khi biết thế nào là ti giả ti thật, biết mẹ bảo sinh con ra ở nách là cách nói ý nhị.

Trên truyền hình người ta đố trẻ: Hồ Hoàn Kiếm có con gì? A /thỏ, B/rùa, C/gấu, rồi bắt các em nhắn tin theo cú pháp... Đúng là lừa trẻ một cách công khai, moi tiền một cách thô thiển.

Chuyện lợi dụng con trẻ, bắt chúng nhắn tin để moi tiền hoặc để cố súy cho phong trào nào đó của người lớn thì đầy rẫy, mọi người hẳn đã biết, không cần nói thêm. Đến Vua Hùng 4000 năm còn bị một số người đem ra trục lợi nữa là con trẻ.

Quê vợ tôi mấy năm trước tết đến tiếng pháo râm ran như chưa hề có lệnh cấm. Thế nhưng năm nay, đêm giao thừa chỉ nghe lẹt đẹt đì đùng. Mọi người nói thôn, xã quán triệt ghê lắm, hình như có lệnh của trên. Cũng có người gân cổ cãi lý: Sao nhà nước bắn pháo hoa, rồi có năm nhập cả pháo hoa ngoại tốn bạc tỷ, nổ chết cả người thì được mà chúng tôi bỏ tiền ra mua pháo đốt lại cấm?

Thôi thì chuyện “vĩ mô”, chuyện của mấy ông lý sự cùn không bàn, đằng này chính quyền lại lôi cả con trẻ vào cuộc mới đau xót. Trước tết, công an xã bất ngờ vào trường tiểu học ngon ngọt: Nhà cháu nào năm nay gói nhiều bánh chưng nào? Nhà nào có pháo giơ tay chú xem nào…?

Họ đã áp dụng chiêu “đi hỏi già về nhà hỏi trẻ” để lợi dụng sự thơ ngây hồn nhiên của các cháu. Khổ thân, có em tay xếch quần tay xách cặp hỉ hả dẫn dân quân tồng tộc về nhà khoe pháo.

Tôi chưa rõ biện pháp này có sai về luật không nhưng xét trên phương diện GD thì không thể chấp nhận.

Ở phương Tây chẳng cái gì là không thể không xảy ra. Ví như ở Mỹ có cô gái vòng mông gần 500, bán ảnh chổng mông cũng được 180.000USD /năm. Tuy nhiên cô gái này đã ở tuổi trưởng thành. Còn đối tượng vị thành niên thì chỉ việc dùng hình ảnh các em thôi cũng phải hết sức thận trọng.

Năm ngoái, Cục Tiêu chuẩn quảng cáo Anh (ASA) quyết định cấm một quảng cáo của thương hiệu thời trang Miu Miu vì những hình ảnh "vô trách nhiệm".

Trong mẩu quảng cáo, nữ diễn viên 14 tuổi Hailee Steinfeld - ngôi sao trong phim Báo thù (True Grit) - mặc chiếc váy của Miu Miu ngồi lau nước mắt trên đường ray tàu hỏa. Các nhà chức trách cho rằng hình ảnh này là “vô trách nhiệm vì đã đặt một đứa trẻ tại nơi không an toàn.”

Vâng, chỉ dùng hình ảnh mà đã bị cấm, bị phạt còn câu chuyện tôi vừa kể thì nhà chức trách địa phương đã sử dụng các em như một công cụ liệu có thể chấp nhận, có còn xứng với khẩu hiệu “vì tương lai con em chúng ta”.

Tôi lo các em sẽ mất lòng tin vào người lớn. Rồi việc không vâng lời, thiếu thượng tôn pháp luật… sẽ bắt đầu nhen nhóm từ những hành vi phản GD và thiếu văn hóa như thế.

Ngô Thiệu Phong

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Ba lần gặp Trần Đăng Khoa

(VOV) - Tên tuổi lẫy lừng của anh tôi biết từ lâu, nhiều lần được nghe nói chuyện, nhưng nói chuyện trực tiếp mới chỉ đúng 3 lần.


Lần đầu là khi anh Chu Nhạc mời về thăm trường cũ, thực ra là viết một bài nhân kỷ niệm ngày thành lập trường. Anh Chu Nhạc học cùng Trần Đăng Khoa ở trường đó, mà một người nổi tiếng như Trần Đăng Khoa thì không thể không phỏng vấn khi viết về trường. Khi đó Trần Đăng Khoa đang là Trưởng ban Văn học Nghệ thuật, Đài TNVN.

Trần Đăng Khoa đã khóc khi ôn lại những kỷ niệm về trường cũ. Sau này khi bài phát sóng, gặp lại, anh Trần Đăng Khoa vỗ vai nói bài hay lắm, cảm ơn chú. Anh bận trăm công ngàn việc mà vẫn nghe mình, thực xúc động.

Lần thứ hai gặp anh mới đây thôi. Mình chủ động chào trước. Anh bắt tay mình nói chú thì vĩ đại rồi, chú thì vĩ đại rồi. Vừa nói anh vừa bấm điện thoại. Có lẽ vì thế nên anh cứ lặp lại "chú thì vĩ đại". Mình nhe răng cười định nói câu khiêm tốn thì đột ngột anh hỏi: "Này cái phòng thu B2 ở đâu ấy nhỉ?". Mình chỉ, anh vọt luôn, để lại thằng "vĩ đại" nhăn nhở một cách thảm hại.

Sở dĩ anh khen mình "vĩ đại " vì mình vừa được mấy cái giải thưởng mọn, lại được đăng một vài bài trên blog toà soạn ở vov.vn mà anh phụ trách. Chắc thế nên anh động viên?

Anh quý mình thực. Nghe nói trong một vài cuộc họp, anh có lời khen mình. Mình chưa hẳn đã tài giỏi gì nhưng anh là người biết trọng sự lao động nghiêm túc.

Đêm 30 Tết, lại được gặp anh khi đợi thang máy lên vỗ tay chúc mừng ông Chủ tịch Quốc hội đến thăm Đài. Mình chào và anh bước tới đưa tay ra bắt nói “blog quan trọng đây”. Hình như lúc đó mặt mình hơi vếch lên thì phải. Chuyện, được người nổi tiếng khen sướng củ tỉ. Mấy người xung quanh nhìn mình đầy ngưỡng mộ.

Anh hỏi hôm nay có trực tuyến cái vụ đón ông Chủ tịch Quốc hội trên VOV online không, mình trả lời có, anh giơ ngay ra cái máy tính bảng HTC bảo phải đem cái này đi. Biết anh mê công nghệ, mình hỏi sao không dùng "quả táo", anh bảo ở nhà có nhưng vẫn thích cái này...

Đang hỏi dở sao thích thì NM, PGĐ Hệ VOV2 xuất hiện. Trần Đăng Khoa vội chạy tới bên NM nói cái bài trên hệ VOV 2 sáng nay hay quá nhưng mà... Mình đứng tơ hơ. Những ánh mắt thoáng nhìn mình ngưỡng mộ hồi nãy giờ lim dim cười ruồi. Tẽn tò!

Thực ra anh là người mê việc, biết trọng người làm việc thật nên luôn thấy tiếc thấy xót bất cứ cái gì anh cảm thấy chưa tới, chưa đạt. Và anh cũng chẳng để bụng được cái gì nên gặp là nói ngay, để lâu sợ quên. Do vậy mình rất trân trọng và quý cái chất " hạt gạo làng ta " bên dòng sông Kinh Thầy quê anh. Cái chân chất của dòng sông Kinh Thày khi hoà vào dòng sông Mẹ - sông Cái - sông Hồng nên nó tạo ra đôi ba dòng xoáy vậy thôi. Phải chăng vì thế mà có người bảo anh cuội. Hơi oan. Mà cuội như vậy mới là Trần Đăng Khoa chứ cứ khéo léo sang trọng 100% như người Kẻ chợ thì còn gì là Trần Đăng Khoa nữa. Tôi quý cái chất cuội như vậy ở Trần Đăng Khoa./.

Ngô Thiệu Phong

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

Sợ cô

Vừa có vụ học sinh tự tử do phản ứng lại với cô giáo nên thấy cần phải đăng bài này lên.

Dạy con học toán, tôi giải bằng hai cách, nó quyết không nghe, bảo cô không cho làm hai cách. Học văn, nói con nhìn thấy thế nào tả thế ấy, nó bảo cô không dạy thế.

Trong bài văn của nó, mùa thu bao giờ cũng có lá vàng rơi, nắng đặc quánh như mật; nếu tả bầu trời thì trong xanh vời vợi, xa xa, đàn cò sải cánh bay nơi cuối trời…

Khổ, ở thành phố chẳng biết cò đen hay trắng mà tả nghe lâm li. Chưa nói tới sáng tạo sáng teo làm gì, dạy thế hóa ra dạy sự gian dối à? Mà nó sợ cô thật, bảo thế nào cũng không nghe, cứ một điều cô bảo thế này hai điều cô bảo thế kia. Chẳng lẽ trước mặt con, mình nói cô sai thì còn ra thể thống gì.

Hôm nay, gặp cô ở cổng trường, mình kể câu chuyện trên như một sự góp ý nhẹ nhàng. Cô giáo ra vẻ háo hức vâng vâng dạ dạ, vừa lục túi lấy đồ trang điểm vừa nói, thế hả anh, thế hả anh… Mình bảo đúng đấy, sao học sinh giờ sợ cô vậy? Cô giáo nghiêng bên trái, soi gương, nghiêng bên phải, soi gương, quặp môi lại cho đều son rồi nhướn đôi mày cong vút nói, thế hả anh, thế hả anh, cháu xin học thêm à, lớp đông lắm, em ưu tiên mới nhận đấy nhé. Chán mớ đời.

Bạn cũ của tôi làm trong ngành giáo dục cười ngất khi nghe chuyện. Ông ấy nói cậu lạc hậu, học sinh bây giờ không sợ thì phải có cách bắt chúng nó sợ. Lớp 60 đứa mà không sợ thì dạy sao nổi, có mà gào cả ngày. Không những làm cho chúng nó sợ mà còn bắt bố mẹ chúng sợ nữa mới được.

Hỏi sao, ông ấy nói, cũng giống như cậu đưa người thân vào viện, gặp bác sỹ, họ sẽ lườm từ đầu đến chân, phán một câu xanh rờn: Bệnh nặng đấy! Anh có sợ không, có sợ. Rồi họ vội vã đi. Anh có hỏi với theo không, có chứ gì.

He he, nhiều giáo viên giờ cũng thế. Buổi họp phụ huynh đầu năm, cô giáo sẽ cau mày nói, tôi không hiểu anh chị cho các cháu ôn hè thế nào mà sức học sút đi trông thấy. Đây! Điểm kiểm tra đầu vào đây, mà nói thật với anh chị, đề bài là nhà trường ra, giáo viên khác coi thi và chấm, khách quan đấy.

Nói tới đây cô ngừng lại quét ánh mắt một lượt để đo mức độ âu lo của các ông bố bà mẹ rồi thủng thẳng chuyển sang chuyện thi đua, rằng nhà trường đặt chỉ tiêu năm nay cao lắm, 90% học sinh giỏi, không cố thì không đạt, tôi cũng chỉ làm được những gì trong phạm vi một giáo viên thôi, bởi anh chị biết rồi, giáo dục là sản phẩm giữa nhà trường, gia đình và xã hội ...

Kết thúc cuộc họp, đại diện hội phụ huynh xoa hai tay vào nhau nhìn cô nói, thôi thì trăm sự nhờ cô kèm giúp…, rồi quay sang phụ huynh: Chúng ta có đồng ý không ạ? Tiếng vỗ tay đôm đốp. Nhiều ánh mắt cầu khẩn hướng về phía cô.

Đấy, sợ chưa? Bố mẹ sợ thì mới cho con học thêm, bảo mua quyển gì là mua, hô nộp cái gì là nộp; học sinh có sợ thì nói một câu đã rúm ró lại rồi, đỡ nhọc, hiểu chưa?

Thì ra thế! Nhà trường mình hay thật, dạy học sinh và cả bố mẹ học sinh biết sợ ngay từ buổi đầu đến lớp. Chẳng trách con bé đang học mầm non nhà mình cứ về tới nhà là hỏi bô trước khi chào bố. Tài ?!

Ngô Thiệu Phong

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Dạy trẻ tính đố kị hẹp hòi?

Hôm rồi khi đọc truyện cho cháu nghe, tôi giật mình thấy mấy truyện đều có mô típ kẻ giàu sang thì tham lam, hèn mạt, độc ác; ngược lại, người nghèo bao giờ cũng tốt và cuối cùng chiến thắng kẻ giàu sang để có cuộc sống hạnh phúc.

Tôi tự trách mình sao vô tình tới mức vô duyên khi chọn sách có mô típ đơn điệu thế. Tai hại hơn, nó còn gieo vào lòng con trẻ suy nghĩ trên đời này giàu đồng nghĩa với độc ác, giàu là do dùng mưu ma chước quỷ chứ không phải do trí tuệ và lao động lương thiện mà nên.

Tôi không am hiểu lĩnh vực văn học nên không dám bàn sâu, chỉ băn khoăn nguyên gốc của các câu chuyện cổ tích ấy đúng là như vậy hay các sáng tác dân gian đã hư cấu để lồng vào đó yếu tố giai cấp.

Tự cổ xưa, triết học Phương Đông đã rất biện chứng khi đưa ra biểu tượng âm dương. Nó thể hiện quy luật bản chất và quan hệ giữa các thành tố: trong âm có dương, trong dương có âm; âm dương gắn bó mật thiết, vận động và chuyển hóa cho nhau. Trong một con người được coi là thiện vẫn tiềm tàng cái ác và ngược lại.

Một đứa trẻ tuổi mầm non mà bị đóng đinh vào nhận thức rằng cứ giàu là tồi tệ, xấu xa…thì quá máy móc, cứng nhắc và thiếu nhân bản. Nguy hại hơn, nó làm hỏng phương pháp tư duy của trẻ.

Trong thế giới phẳng, nhiều đứa trẻ sinh ra sau năm 2000 sẽ trở thành công dân toàn cầu. Và biết đâu đấy là xu thế tất yếu cho sự tồn tại? Vì thế các cháu phải có cái nhìn cởi mở và thoáng đãng.

Để sống trong thế giới ấy, con cháu chúng ta không chỉ tuân thủ cái đơn nhất mà còn phải biết chấp nhận cái đa dạng; chúng không thể mãi mãi thân phận làm thuê mà phải có ước mơ làm chủ... Cái quá khứ nực cười (thời bố mẹ ông bà chúng) rằng, hễ ai tóc phi dê, quần phăng, xức nước hoa, biết ăn ngon… là bọn tiểu tư sản đáng ghét, phải được gột rửa.

Hiện nay chẳng mấy người còn suy nghĩ ấy, nhưng cũng không nên chủ quan. Cách giáo dục áp đặt thay vì đàm phán để cùng đi tới sự nhất trí là một dị bản; giáo dục bằng hình mẫu cũng là một dị bản nữa... Kiểu giáo dục này cho dù ít nhiều có tác dụng ở một thời kỳ nhất định nhưng không phải không có hạn chế, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Tôi thích câu: “Bạn có thể trở thành bất kỳ ai”, tiếc rằng câu này chưa phổ biến trong trường học Việt Nam. Ngược lại, về các miền sơn cước, gặp học sinh thiểu số hỏi, sau này làm gì, cháu nào cũng thưa muốn trở thành cô giáo hoặc bộ đội.

Chốn thâm sơn cùng cốc, các em chỉ biết hai đối tượng ấy nên coi như thần tượng cũng là điều dễ hiểu. Nhưng ở đây muốn nói rằng, nếu không cho trẻ nhìn sự vật hiện tượng một cách đa diện, đa chiều thì tư duy của chúng sẽ nghèo nàn, tất sinh đố kị và định kiến.

Nước Mỹ giàu có và tiên tiến nhưng các bộ phận của chiếc máy bay Boeing vẫn được chế tạo ở nhiều quốc gia. Không phải nước Mỹ không làm được mà họ biết tận dụng ưu thế của nhau vì họ biết làm việc nhóm để dẫn tới thành công.

Còn chúng ta, từng cá nhân thực hiện một việc còn tàm tạm, hễ tham gia đông người là rất dễ hỏng. Bởi mỗi người Việt có cái TÔI to đùng mà ít khi đếm xỉa đến cái TA, khác hẳn với quan điểm, “bạn là bạn, tôi là tôi và cả hai làm nên chúng ta.” Cái TÔI không biết hòa cùng cái chung ấy suy cho cùng là do đố kị và định kiến mà ra./.

Ngô Thiệu Phong.

Một chữ NẾU vừa mừng vừa…sợ.

Cuối năm Mão, người ta muốn xử cho xong vụ tên sát nhân Lê Văn Luyện như một cách tống khứ cái quái thai của xã hội để mong đón một năm Thìn nhân văn, bác ái. Thế nhưng đùng một cái, lại nổ ra vụ Đoàn Văn Vươn. Mà vụ này sẽ dây dưa sang cả năm Thìn và nội vụ chắc cũng lắm điều bất ngờ.

Báo chí chính thống sau những loạt bài đầu tiên “giật mình” về tính kích động của sự việc đã lên án hành vi của anh em ông Vươn là “côn đồ” là “giang hồ”…, thì sau đó đã tỏ ra thận trọng và chín chắn hơn khi nhìn nhận sự việc ở căn nguyên của nó.

Một người lao động cần cù, có nhân thân tốt, “gia đình cơ bản” như ông Vươn bỗng chốc biến thành nghi can nã súng vào lực lượng chức năng khiến cho người ta lần lại nguyên cớ của sự việc cũng là điều hợp lẽ.

Đúng – sai rồi cơ quan luật pháp sẽ phán quyết. Nhưng ở đây đặt một chữ NẾU.

Tới đây, nếu tòa án phân xử hành vi của gia đình ông Vươn sai hoàn toàn thì người dân sẽ bất bình trước cách hành xử manh động. Và tất nhiên nhiều người sẽ thất vọng và tiếc cho một người đã ngấp nghé cái tuổi “tri thiên mệnh” chí thú làm ăn như ông Vươn.

Còn nếu có điểm oan sai hoặc chưa thỏa đáng nào đó dẫn tới hành vi phản kháng tới cùng, bất chấp luật pháp của anh em ông Vươn; rồi thì lực lượng chức năng đã sử dụng các biện pháp cứng rắn chưa hợp lý, chưa thật cần thiết… thì chúng ta sẽ mừng. Mừng vì pháp luật công minh đã tìm được sự công bằng cho người dân, nhưng lại lo, thậm chí sợ.

Sợ vì mối quan hệ, ứng xử giữa chính quyền và dân sẽ có tiền lệ: Tìm sự công bằng, minh oan, hoặc giải tỏa nỗi uất ức bằng cách chống đối quyết liệt, cược cả mạng sống của mình. Tức là bất luận đúng sai, để giải quyết mâu thuẫn, người dân thấp cổ bé họng khi bị dồn đến đường cùng có thể “noi gương” những hành vi chống đối quyết liệt như ông Đoàn Văn Vươn.

Tất nhiên chúng ta tin tưởng và hy vọng vào chính quyền, một chính quyền do dân, vì dân và của dân sẽ tự biết điều chỉnh để đi tới lẽ công bằng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân vì họ là công bộc, là đấy tớ của dân. Một chính quyền cơ sở như vậy thì không bao giờ để phát sinh những vụ việc đáng tiếc.

Hãy để những hy vọng đó theo chúng ta bước vào mùa xuân. Nhưng cũng chính vì hy vọng ấy mà nhân dân cả nước đang từng giờ dõi theo vụ việc của Đoàn Văn Vương. Đây chính là một thử thách cho hệ thống hành pháp và tư pháp ở Hải Phòng, nhất là khi cả hệ thống chính trị đang quyết tâm rất cao thực hiện Nghị quyết Ban chấp hành trung ương đảng lần thứ IV./.

Ngô Thiệu Phong

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

Nhà vệ sinh II

Tìm ra những đặc điểm khu biệt chẳng phải chuyện chơi. Minh chứng rõ nhất là biển báo khu nam - nữ trong nhà vệ sinh ( NVS )

Ngôn ngữ là hệ thống ký hiệu hoàn hảo nhất. Tuy nhiên, nó cũng chẳng phát huy được mấy tác dụng với cái biển NVS. Vì sao? Đơn giản: Vì NVS có tính phổ biến toàn cầu và là nhu cầu tất yếu của mọi người.

Người ta không thể đề: Nam - Nữ được vì ngộ nhỡ khách tây vào nhầm thì sao? Cũng chẳng thể viết Men /Gents– Women/Ladies được vì dân ta đâu rành ngoại ngữ. Chưa kể mấy anh nước lớn, coi chữ viết dân tộc mình là nhất, chắc chẳng chịu chui qua cái tiếng Tây kia, thà tè ở gốc cây còn hơn?!

Đến lúc này, ký hiệu biển báo có vẻ đắc dụng. Và thế là người ta vẽ hình người mặc váy, kẻ mặc quần. Nhưng biển báo này ở Việt Nam thì được chứ sang xứ Scôtlen dễ nhầm lắm. Chẳng đâu xa, mấy anh người Khờ-me quanh năm quấn sà-rông bị “lừa” như chơi.

Dường như thấy được điểm yếu này, người ta lại vẽ hình người phì phèo điếu thuốc. Tưởng thế là chắc ăn, nhưng ở xứ Tây – nơi mà người ta đề cao bình đẳng bình quyền, phụ nữ còn hút thuốc ác hơn cả đàn ông.

Những cái biển vẽ kẻ tóc ngắn người tóc dài quá xưa rồi. Bây giờ chị em tóc còn ngắn hơn cả đàn ông, có cô cao hứng còn cạo trọc. Rất nhiều nơi sáng tạo ra hình ảnh anh em thì đứng nghiêm còn chị em thì chân dạng. Ký hiệu này cách điệu hơi nhiều, dáng không… đẹp, châm biếm, vả lại không phản ánh đúng hiện thực.

Để tăng tính khu biệt, người ta đã thông minh kết hợp nhiều yếu tố lại như vừa đội mũ phớt, vừa hút thuốc, kèm theo cây batoong cho chắc. Nhưng khổ nỗi nguyên tắc ký hiệu biển báo phải đơn giản, dễ hiểu, dễ nhận biết… Mấy bác già mắt kém mà nhìn cái biển này dễ vào lộn phòng quý cô.

Vừa rồi xem một cái biển toa let ở bên tây thấy đề: “Dành cho người đứng” (For those who stand) và “Dành cho người ngồi” ( For those who sit). Nhiều người lạc quan chắc mẩm: Thế là ngon lành, giải quyết dứt điểm vụ này. Nhưng xin thưa, mấy bà mấy chị nông dân ở đồng bằng Bắc Bộ giải quyết vụ này theo kiểu… đứng đấy ạ! Quần thâm đất ống rộng mà, chỉ cần vén lên là… xong, đừng có mơ!


Cái việc “nhỏ như con thỏ” này mà đau đầu ra phết. Ngôn ngữ bó tay, ký hiệu cũng không ổn, cực chẳng đã, có nơi còn chụp ảnh nguyên bộ đồ lót của chị em chăng ra cửa, đối lập là chiếc quần sịp của quý ông. Tuy nhiên sự khác biệt của “bộ lòng mề” này đâu có nhiều? Nho nhã thanh lịch như người Hà Nội 1 mà nhòm thấy cái hình đó chắc phải kêu lên thô thiển, thô thiển.

Chuyện thật như bịa chỉ có ở xứ trời tây, nơi mà chẳng có gì cần phải dấu giếm. Ấy là người ta liều lĩnh vẽ cái “ấy” của quý ông lên cửa, to “vật vã”, nói theo ngôn ngữ hiện nay là “hoành tráng”. Chắc chắn là không nhầm được rồi, nhưng vẽ thế thì chị em nào dám… “đi”, ngượng chết! Thẩm mỹ ở đâu? Người nặng lòng với bản sắc văn hoá dân tộc sẽ lắc đầu quầy quậy. Rồi người đồng tính sẽ kéo ra bờ hồ để… “tụ tập đông người” cho mà xem?

Trên giời, có cái hành tinh chết mà người gọi Chị Hằng, kẻ bảo Ông Trăng. Vớ vẩn! Thôi thì xa xôi vời vợi như thế không nhìn ra giới tính đã đành, đằng này phân biệt quý chị quý cô với quý ông sao mà khó thế!

Ngô Thiệu Phong

Nhà vệ sinh I

Nhà tôi ở gần sân bay Gia Lâm. Hồi bé, hễ thấy máy bay bay qua là vẫy, hy vọng chú phi công nhìn thấy. Mấy đứa nghịch ngợm còn tụt quần, chổng đít lên trời, vỗ mông bẹt bẹt gây sự chú ý. Đêm về một mực nghĩ họ đã thấy mình. Đúng là trẻ con ấu trĩ!

Xưa, chưa có hố xí tự hoại. Quê dùng loại hai ngăn. Thủ đô ngàn năm văn hiến dùng hố xí thùng, lại còn dùng chung nữa. Khỏi nói mọi người đều nhớ mùi của nó. Mùi thế nên bọn trẻ có sáng kiến dùng ngón trỏ và ngón cái bịt chặt mũi lại, há mồm ra thở. Một hôm thầy giáo giảng, khi hô hấp, mũi giúp lọc khí độc, bụi bẩn…, còn mồm chỉ để… ăn. Thế mà đứa nào vào nhà xí cũng há mồm ra… thở. Đúng là ngu hơn cả việc tụt quần chổng mông cho mấy chú phi công nhìn!

Bây giờ mùi khó chịu giảm đi nhiều vì có tự hoại. Thế nhưng vẫn có ông cầm theo điếu thuốc vào rít lấy rít để, phun khói mù mịt với hy vọng xua tan uế khí. Cũng là một dạng bịt mũi há mồm ra thở thôi. Ông này chắc chưa kịp chết vì thối thì đã ngoẻo vì khói. Đúng là cái dại không tự dưng sinh ra, mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác (Định luật bảo toàn… sự ngu dại), hê hê.

Cái toa lét ở Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình sao lắm phòng, lại độc lập với nhau. Mình rửa tay sau đó mới vào “đi”. Cùng lúc có thằng Tây vừa “giải quyết” xong cũng tò tò theo mình vào… phòng đái. Khổ! Nó mất phương hướng. Thấy nó ớ ớ tẽn tò, mình bật cười. Đấy, cứ theo cái logic thông thường nhiều khi hỏng. Ngẫm cũng lạ! Sao đấng nam nhi xử tệ với “thẳng nhỏ” thế nhỉ? Sự tồn vong của nhân loại trông chờ vào nó, sung sướng và đau khổ cùng nó... thế mà lại thiếu tôn trọng nó. Lẽ ra, phải rửa tay trước khi “đi” mới phải?

Nói chuyện rửa tay chợt nhớ chuyện này. Hồi 58 Quán Sứ đang xây nên anh em có cơ hội diện kiến các xếp trong…toa let. Văn phòng ý tứ ngăn ra khu VIP nhưng vẫn chung cái chậu rửa. Tạm gọi ba xếp là A, B, C. Một ngày mùa đông giá lạnh, vừa bước vào thấy xếp A đang rửa tay. Không thận trọng, kỹ lưỡng và tỷ mẩn như xếp B, xếp A mở vòi nước, xoe xoe ngón trỏ và ngón cái dưới vòi nước chảy. Ba ngón còn lại chưa kịp ướt trong khi tay trái vẫn đút túi quần, phục chưa? Đố các bạn xếp A và B là ai đấy, he he.

Có lần ai đó hỏi đàn bà và đàn ông khác nhau chỗ nào? Trời đất! Cái chỗ khác nhau rờ rờ ra đó, trẻ con cũng biết. Nói vậy thôi chứ y học tiên tiến thiến cái đó cho thành đàn bà dễ không hà. Còn đàn bà phẫu thuật nối thêm một mẩu lại “hoành tráng” như mày râu. Nhưng có cái này không phẫu thuật được. Đó là chuyện các bà tào lao trong nhà vệ sinh. Các bà các chị, bất luận tuổi tác, chức vị, hễ gặp nhau trong khu phụ là râm ran tâm sự dù cho tay chân đang bận rộn vào việc xử lý mớ áo váy, cho dù đang gồng đỏ cả mặt để “chút bầu tâm sự” cũng vẫn có vài câu làm quà. Họ sôi nổi bàn và kể đủ chuyện, từ Obama xử Binladen thế nào cho tới tương lai Đài TNVN; lan man từ chuyện táo bón mấy hôm không “đi” được đến thở than không biết ăn gì tối nay… Chị em tài thế! Tong tỏng te te lại được phụ họa bằng chuyện phiếm, ngon ơ cứ như hai việc ấy buộc phải song hành.

Riêng chuyện đó cánh mày râu phục lăn. Không hiểu sao mấy ông to mồm hùng hổ thế nhưng khi vào toa lét thì im thít, rắm to một tiếng cũng phải nghe xem bên ngoài có ai không. Nhiều khi gặp bậc cao niên đành ngoảnh mặt vô phép không chào. Đàn ông tập trung cao độ vào việc ấy và tuyệt nhiên không ngó sang thằng “bên cạnh” cho dù cách nhau một khuỷa tay. Gặp bồn tiểu nào không vách ngăn thì nhiều ông cứ moi moi rồi cầm để đấy. Cho dù “buồn” lắm nhưng “cảm xúc đầy vơi” đột ngột bị chặn lại vì nghĩ: Tổ cha cái thằng bên cạnh hình như đang nhìn mình. Các ông thiếu tự tin? Ông nào cũng sợ thằng kia nó… hơn mình hoặc nó thấy cái của mình. Lộ thiên nó khổ thế! Cứ khuất lấp như chị em hóa hay.
Ngô thiệu Phong

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Hỏi bô trước khi chào bố

Hôm qua dạy con học toán, tôi giải bằng hai cách, nó quyết không nghe, bảo cô không cho làm hai cách. Học văn, nói con nhìn thấy thế nào tả thế ấy, nó bảo cô không dạy thế.

Trong bài văn của nó, mùa thu bao giờ cũng có lá vàng rơi, nắng đặc quánh như mật; nếu tả bầu trời thì trong xanh vời vợi, xa xa, đàn cò sải cánh bay nơi cuối trời…

Khổ, ở thành phố chẳng biết cò đen hay trắng mà tả nghe lâm li. Chưa nói tới sáng tạo sáng teo làm gì, dạy thế hóa ra dạy sự gian dối à? Mà nó sợ cô thật, bảo thế nào cũng không nghe, cứ một điều cô bảo thế này hai điều cô bảo thế kia. Chẳng lẽ trước mặt con, mình nói cô sai thì còn ra thể thống gì.

Hôm nay, gặp cô ở cổng trường, mình kể câu chuyện trên như một sự góp ý nhẹ nhàng. Cô giáo ra vẻ háo hức vâng vâng dạ dạ, vừa lục túi lấy đồ trang điểm vừa nói, thế hả anh, thế hả anh… Mình bảo đúng đấy, sao học sinh giờ sợ cô vậy? Cô giáo nghiêng bên trái, soi gương, nghiêng bên phải, soi gương, quặp môi lại cho đều son rồi nhướn đôi mày cong vút nói, thế hả anh, thế hả anh, cháu xin học thêm à, lớp đông lắm, em ưu tiên mới nhận đấy nhé. Chán mớ đời.

Bạn cũ của tôi làm trong ngành giáo dục cười ngất khi nghe chuyện. Ông ấy nói cậu lạc hậu, học sinh bây giờ không sợ thì phải có cách bắt chúng nó sợ. Lớp 60 đứa mà không sợ thì dạy sao nổi, có mà gào cả ngày. Không những làm cho chúng nó sợ mà còn bắt bố mẹ chúng sợ nữa mới được.

Hỏi sao, ông ấy nói, cũng giống như cậu đưa người thân vào viện, gặp bác sỹ, họ sẽ lườm từ đầu đến chân, phán một câu xanh rờn: Bệnh nặng đấy! Anh có sợ không, có sợ. Rồi họ vội vã đi. Anh có hỏi với theo không, có chứ gì.

He he, nhiều giáo viên giờ cũng thế. Buổi họp phụ huynh đầu năm, cô giáo sẽ cau mày nói, tôi không hiểu anh chị cho các cháu ôn hè thế nào mà sức học sút đi trông thấy. Đây! Điểm kiểm tra đầu vào đây, mà nói thật với anh chị, đề bài là nhà trường ra, giáo viên khác coi thi và chấm, khách quan đấy.

Nói tới đây cô ngừng lại quét ánh mắt một lượt để đo mức độ âu lo của các ông bố bà mẹ rồi thủng thẳng chuyển sang chuyện thi đua, rằng nhà trường đặt chỉ tiêu năm nay cao lắm, 90% học sinh giỏi, không cố thì không đạt, tôi cũng chỉ làm được những gì trong phạm vi một giáo viên thôi, bởi anh chị biết rồi, giáo dục là sản phẩm giữa nhà trường, gia đình và xã hội ...

Kết thúc cuộc họp, đại diện hội phụ huynh xoa hai tay vào nhau nhìn cô nói, thôi thì trăm sự nhờ cô kèm giúp…, rồi quay sang phụ huynh: Chúng ta có đồng ý không ạ? Tiếng vỗ tay đôm đốp. Nhiều ánh mắt cầu khẩn hướng về phía cô.

Đấy, sợ chưa? Bố mẹ sợ thì mới cho con học thêm, bảo mua quyển gì là mua, hô nộp cái gì là nộp; học sinh có sợ thì nói một câu đã rúm ró lại rồi, đỡ nhọc, hiểu chưa?

Thì ra thế! Nhà trường mình hay thật, dạy học sinh và cả bố mẹ học sinh biết sợ ngay từ buổi đầu đến lớp. Chẳng trách con bé đang học mầm non nhà mình cứ về tới nhà là hỏi bô trước khi chào bố. Tài ?!

Ngô Thiệu Phong

Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

Hội chứng sợ hãi

Một thời người ta có câu cửa miệng: “Thằng sợ chết!”, “Mày sợ chết à?”. Câu này đậm dấu ấn thời chiến, cái thời mà sự sống và cái chết bủa vây, rình rập từng giờ. Vì thế, cái chết - tột cùng của sự sợ hãi - được đem ra làm thước đo.

Bây giờ, dĩ nhiên, con người ta vẫn sợ chết. Hơn thế, còn sợ nhiều thứ kỳ quặc khác.
Có lần, tới nhà may Bảo Hưng để may comple, thấy tôi tần ngần trước đống vải, ông chủ thẽ thọt: “Quen sợ dạ, lạ sợ quần áo cháu ạ, làm bộ tử tế mà mặc”.

Dân ta “sợ” quần áo thật. Những năm trước đổi mới, anh giai nào mà đóng cả cây ga (gabadin) của Tàu, đội cối Tàu, đi đúc Tàu, tay đút túi quần, dáng khuỳnh khuỳnh thì đích thị là đầu gấu, là tay anh chị. Ai cũng sợ!?

Đến thời đổi mới, kiểu ăn mặc đậm màu lính tráng ấy nhạt dần, thay vào đó là một bộ dạng khác, vật chất và thị trường hơn: đầu cua bụng phệ, tay và cổ trĩu vàng. Anh nào chưa kịp béo thì cố tạo dáng cho bụng phưỡn ra cốt khẳng định sự no đủ. Để cho “đồng bộ” thì trên khuôn mặt phì nộn phải có thêm cái kính gọng vàng, gọi là kính cơn. Gặp mấy tay này, người lương thiện bảo nhau chẳng hơi đâu mà dây vào. Sợ!

Có dạo mấy anh tài xế láu cá để lấp ló cái mũ công an trên xe. Trò trẻ con thế mà hiệu nghiệm, ối anh công an giao thông trực nhét còi vào miệng thấy cái mũ của đồng nghiệp cũng giật mình, chẳng khác gì như thấy Thượng Phương Bảo Kiếm của Bao Chửng.

Trò bịp này đã mất thiêng, nhưng giờ cánh xế lại chuyển sang bàn tán về biển số, ví dụ 6688, 6868 hoặc 9999. Một lái xe trẻ nói, anh ơi, cái biển xe có cước đấy, tránh xa. Chẳng biết cước là cái quái gì, 6868 lại được “dịch” thành “lộc phát lộc phát”, chắc là đọc trại đi của lục bát lục bát. Điên rồ thế mà ối kẻ vung tiền ra mua. Thực ra thì cũng chẳng thiệt khi mà đổi lại, chủ nhân của nó có thể vênh váo trước ánh mắt tò mò sợ sệt của một vài người.

Đi xe đẹp, biển số đẹp, nếu vi phạm giao thông biết sừng sộ lôi ông này bà kia ra dọa thì mới đủ trò. Chẳng biết thực hư thế nào mà nhiều anh công an chết khiếp.
Có dạo một số cá nhân và tổ chức tìm kiếm mọi cơ hội được chụp ảnh với lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Có ảnh rồi họ phóng to treo ở phòng làm việc hoặc chỗ tiếp đối tác làm ăn. Bức ảnh kỷ niệm bỗng biến thành một thứ bùa, một công cụ để hù dọa người yếu bóng vía.

Một hôm đang ngồi trong quán thì thấy một tay khệnh khạng bước vào, mặt cơ bản là hất lên, nếu có chiếu cố nhìn xuống đám khách đang ngồi thì ra cái vẻ bất cần, khinh bạc và ánh mắt như nhìn vào hư không. Vừa đặt đít, hắn ghếch chân móc điện thoại oang oang: “Ông ra cây chuyển khoản cho tôi 1 tỷ trước đi, có vài tỷ mà dây dưa mãi…, mai á, không được, trong chiều nay, nhá!”.

Kinh! Không biết ATM nào chuyển được 1 tỷ? Thế mà vừa nổ xong, mấy em phục vụ đã cười xoe xoe đon đả “Anh uống gì?”, trong khi nãy giờ mình tay vẫy mồm kêu chẳng thấy ai. Chưa hết lộn ruột thì bàn bên có vị khách mới tới, bắt tay một người đã ngồi trước đó, ghé tai hỏi nhưng đủ để mọi người nghe thấy: “Dạo này anh thường đánh sân nào?” Nhiều cặp mắt dè dặt hướng về phía người đối thoại một cách ngưỡng mộ. Sành điệu chưa? Bổn cũ soạn lại mà ối kẻ nể sợ.

Không biết đến khi nào người ta mới hết sợ những thứ vớ vẩn như thế. Nỗi sợ hãi đè nặng khiến con người ta không dám nói tiếng nói của riêng mình để rồi tha hoá đi lúc nào không biết.

Một người có đủ sự lương thiện, tự tin vào năng lực, trí tuệ của bản thân thì không cần phải khoác lên mình bất kỳ thứ trang sức phù phiếm loè loẹt nào. Và dĩ nhiên họ cũng đủ lý trí để không sợ và chẳng thèm ngưỡng mộ ba cái trò mèo kia./.
Ngô Thiệu Phong