Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Tiếng thời gian ( bài cũ, nhặt được trên mạng)

VOV Online - 25 tháng trước 171 lượt xem

(VOV) - Mỗi chiếc đồng hồ nhạc đều có thân phận, linh hồn và cá tính. Với đồng hồ nhạc, tích tắc là nhịp đập trái tim, tiếng đàn là lời thủ thỉ tâm tình của người tri âm tri kỷ.

Đồng hồ nhạc cổ không chỉ nhìn để biết giờ, để mê đắm vẻ đẹp cổ kính mà còn để nghe, nghe cái tiếng thời gian từ cách đây hàng trăm năm vọng về để chiêm nghiệm, nghĩ suy về sự hữu hạn của kiếp người.

Để có nhiều đồng hồ cổ không khó, chỉ cần đam mê, thời gian và tài chính. Nhưng sở hữu một chiếc đồng hồ cổ nhạc hay thì không phải ai cũng có, bởi một lẽ: Người chơi phải có đôi tai biết thẩm âm và cái đầu biết về âm học.

Như nhiều thú chơi khác, chơi đồng hồ nhạc cũng lặn ngụp trong đam mê, hy vọng, thất vọng rồi lại trăn trở, ham muốn. Đồng hồ nhạc mỗi cái một vẻ và tiếng đàn không bao giờ giống nhau. Dân chơi bị quyến rũ, mê hoặc rồi bỗng dưng “xuống tiền” như bị “ma làm” cũng vì thế.

Tiếng đàn hay phụ thuộc nhiều vào gông. Đồng hồ nhạc loại thường cho tiếng chua và nông. Không kể những đồng hồ mới nhập về Việt Nam, cho đến khoảng mươi năm trước vẫn còn sót lại ở nước ta một số đồng hồ tạ (đồng hồ tủ, dùng quả nặng chạy bằng thế năng) chuông xích lô. Tiếng anh này vô duyên kinh khủng. Cùng kiểu chuông xích lô này có đồng hồ đá, đồng hồ tượng. Đặc trưng của kiểu chuông xích lô là tiếng lanh lảnh, đơn điệu và lạnh lẽo, tựa tiếng kim khí chạm nhau. Bù lại, chúng đẹp và tuổi thọ khá cao.

Tiếng đồng hồ nhạc gông vòng nghe hơi tối và âm u nhưng rất đặc trưng nên nhiều dân chơi đồng hồ rất khoái.

Đáng kể nhất (và phổ thông nhất) là gông (côn) dài, từng thanh như nan hoa xe máy. Nếu quan niệm: Một bộ âm thanh Hi-end có chất lượng khi tái hiện tác phẩm âm thanh một cách trung thực. Người thưởng thức như đứng trước dàn nhạc hoặc ca sỹ rồi để mặc những nốt nhạc diệu kỳ cuốn tâm hồn vào phiêu diêu, thì việc thẩm định đồng hồ nhạc khó hơn vì không có “vật chuẩn” để so sánh. Tất cả phụ thuộc vào trình độ thẩm âm của người chơi.

Về chất liệu, tạm chia thành hai loại: gông đồng và gông thép. Từ xa xưa, dường như nhà chế tạo đã bị mê hoặc bởi chất âm đặc biệt của gông đồng nên đã phát huy tối đa thế mạnh của mỗi loại bằng cách cài lẫn gông đồng với gông thép trong cùng một bộ gông ở một số loại đồng hồ. Với đồng hồ nhạc, người ta có thể gia công y chang toàn bộ máy móc, duy nhất bộ gông là... chịu. Gông đồng cho thứ âm thanh tuyệt hảo, ngọt mà không chua, mềm nhưng chắc khỏe, ấm áp mà tự tin, sâu lắng. Gông đồng bền vững cùng thời gian. Nếu gông thép tiếng vang, lảnh, hơi ồn ào và phô trương thì gông đồng có chất âm đặc trưng: Độ ngân sâu hơn, tiếng mượt mà, vang nhưng ấm, nghe có hồn và chững chạc. Với gông thép loại to, dài thường để trong đồng hồ tạ phát huy được tiếng trầm, nhưng trầm theo kiểu ùm ùm mà mất đi sự tinh tế. Hình như gông đồng ở đồng hồ cổ tiếng hay hơn gông đồng của các loại đồng hồ kiểu cổ đang được sản xuất? Mặc dù cũng dùng gông đồng, nhưng tiếng nhạc của hàng mới thường chua và hèn. Chưa ai lý giải được nguyên nhân của sự khác nhau đó. Phải chăng chất liệu, phụ gia và cách thức chế tác gông đồng cổ đã thất truyền?

Một yếu tố liên quan trực tiếp đến tiếng đàn. Đó là vồ. Da vồ phải đều, gọn, độ cứng vừa phải, chưa lão hóa. Da vồ cứng quá làm cho tiếng nhạc cứng, thô và chói, vừa nghe đã nhận rõ sự va chạm thô kệch giữa vồ và gông; da vồ mềm quá thì tiếng bẹt. Một số đồng hồ nhạc đời mới dùng vồ nhựa. Nhưng vồ nhựa ra tiếng bì, thiếu sự phóng khoáng. Đó là chưa kể khi nhựa lão hóa, tiếng nhạc trở nên khô, làm mất đi sự lịch lãm vốn có của gông đồng.

Đàn đồng hồ ODo (loại thường) nghe vang, tiếng thanh nhưng lạnh và hơi chói. Ngược lại đồng hồ J (Junghans) nhẩn nha, trầm hùng và sâu lắng, không ồn ào phô trương, tiếng đàn vang nhưng dịu và ấm.

Chơi đồng hồ nhạc quý nhất bộ đàn. Đàn trước hết phải đúng nhạc, tiếng phải ngân, dịu và sang trọng; thánh thót nhưng không chói và chua ở “nốt cao”, đồng thời trầm hùng ở những “nốt thấp”. Hệ thống cơ khí phải làm việc chuẩn xác sao cho bộ vồ da búng vào gông rồi nảy ra đều đặn mới làm cho đàn chơi đúng nhịp, bất kể cót căng hay chùng. Có như vậy, tiếng nhạc mới tinh tế, khoan thai; người nghe có cảm giác như đàn đang nhẩn nha nhả từng tiếng, từng tiếng rơi vào không gian.

Chơi đồng hồ nhạc đàn không hay chẳng khác gì ở cạnh người hàng xóm lắm điều. Tiếng đàn tồi nghe hèn, tức tưởi và tăm tối. Đã không ngân thì chớ lại thiếu sự thanh thoát .

Vài năm trước, do nhu cầu của người chơi, các nhà sản xuất trình làng loại đồng hồ tạ kiểu cổ chạy pin. Tiếng đàn loại này do mạch điện tử phát qua loa nên nghe sạn và đục. Đó là chưa kể lúc pin yếu thì những người có đôi tai chân chính, thêm chút tự trọng về cái sự nghe, không thể chấp nhận. Với loại đồng hồ nhạc “giả cầy” này, cho dù có lắp hệ thống âm thanh Hi-end, thì tiếng nhạc cũng không thể nào sánh được với âm thanh “nguyên chất” tạo ra từ những chiếc gông kỳ diệu. Đơn giản vì nó thiếu mất cái hồn, vì nó không phải tiếng của thời gian.

Trong cái tĩnh lặng, thiêng liêng của thời khắc chuyển giao năm cũ, những chiếc đồng hồ cổ tung vào không gian tiếng nhạc trầm hùng rồi đĩnh đạc điểm 12 tiếng báo hiệu xuân sang. Nó đang nhẩn nha kể một câu chuyện cổ tích về thời gian đấy. Hãy lắng nghe!
Ngô Thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ