Hội chứng sợ hãi
Một thời người ta có câu cửa miệng: “Thằng sợ chết!”, “Mày sợ chết à?”. Câu này đậm dấu ấn thời chiến, cái thời mà sự sống và cái chết bủa vây, rình rập từng giờ. Vì thế, cái chết - tột cùng của sự sợ hãi - được đem ra làm thước đo.
Bây giờ, dĩ nhiên, con người ta vẫn sợ chết. Hơn thế, còn sợ nhiều thứ kỳ quặc khác.
Có lần, tới nhà may Bảo Hưng để may comple, thấy tôi tần ngần trước đống vải, ông chủ thẽ thọt: “Quen sợ dạ, lạ sợ quần áo cháu ạ, làm bộ tử tế mà mặc”.
Dân ta “sợ” quần áo thật. Những năm trước đổi mới, anh giai nào mà đóng cả cây ga (gabadin) của Tàu, đội cối Tàu, đi đúc Tàu, tay đút túi quần, dáng khuỳnh khuỳnh thì đích thị là đầu gấu, là tay anh chị. Ai cũng sợ!?
Đến thời đổi mới, kiểu ăn mặc đậm màu lính tráng ấy nhạt dần, thay vào đó là một bộ dạng khác, vật chất và thị trường hơn: đầu cua bụng phệ, tay và cổ trĩu vàng. Anh nào chưa kịp béo thì cố tạo dáng cho bụng phưỡn ra cốt khẳng định sự no đủ. Để cho “đồng bộ” thì trên khuôn mặt phì nộn phải có thêm cái kính gọng vàng, gọi là kính cơn. Gặp mấy tay này, người lương thiện bảo nhau chẳng hơi đâu mà dây vào. Sợ!
Có dạo mấy anh tài xế láu cá để lấp ló cái mũ công an trên xe. Trò trẻ con thế mà hiệu nghiệm, ối anh công an giao thông trực nhét còi vào miệng thấy cái mũ của đồng nghiệp cũng giật mình, chẳng khác gì như thấy Thượng Phương Bảo Kiếm của Bao Chửng.
Trò bịp này đã mất thiêng, nhưng giờ cánh xế lại chuyển sang bàn tán về biển số, ví dụ 6688, 6868 hoặc 9999. Một lái xe trẻ nói, anh ơi, cái biển xe có cước đấy, tránh xa. Chẳng biết cước là cái quái gì, 6868 lại được “dịch” thành “lộc phát lộc phát”, chắc là đọc trại đi của lục bát lục bát. Điên rồ thế mà ối kẻ vung tiền ra mua. Thực ra thì cũng chẳng thiệt khi mà đổi lại, chủ nhân của nó có thể vênh váo trước ánh mắt tò mò sợ sệt của một vài người.
Đi xe đẹp, biển số đẹp, nếu vi phạm giao thông biết sừng sộ lôi ông này bà kia ra dọa thì mới đủ trò. Chẳng biết thực hư thế nào mà nhiều anh công an chết khiếp.
Có dạo một số cá nhân và tổ chức tìm kiếm mọi cơ hội được chụp ảnh với lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Có ảnh rồi họ phóng to treo ở phòng làm việc hoặc chỗ tiếp đối tác làm ăn. Bức ảnh kỷ niệm bỗng biến thành một thứ bùa, một công cụ để hù dọa người yếu bóng vía.
Một hôm đang ngồi trong quán thì thấy một tay khệnh khạng bước vào, mặt cơ bản là hất lên, nếu có chiếu cố nhìn xuống đám khách đang ngồi thì ra cái vẻ bất cần, khinh bạc và ánh mắt như nhìn vào hư không. Vừa đặt đít, hắn ghếch chân móc điện thoại oang oang: “Ông ra cây chuyển khoản cho tôi 1 tỷ trước đi, có vài tỷ mà dây dưa mãi…, mai á, không được, trong chiều nay, nhá!”.
Kinh! Không biết ATM nào chuyển được 1 tỷ? Thế mà vừa nổ xong, mấy em phục vụ đã cười xoe xoe đon đả “Anh uống gì?”, trong khi nãy giờ mình tay vẫy mồm kêu chẳng thấy ai. Chưa hết lộn ruột thì bàn bên có vị khách mới tới, bắt tay một người đã ngồi trước đó, ghé tai hỏi nhưng đủ để mọi người nghe thấy: “Dạo này anh thường đánh sân nào?” Nhiều cặp mắt dè dặt hướng về phía người đối thoại một cách ngưỡng mộ. Sành điệu chưa? Bổn cũ soạn lại mà ối kẻ nể sợ.
Không biết đến khi nào người ta mới hết sợ những thứ vớ vẩn như thế. Nỗi sợ hãi đè nặng khiến con người ta không dám nói tiếng nói của riêng mình để rồi tha hoá đi lúc nào không biết.
Một người có đủ sự lương thiện, tự tin vào năng lực, trí tuệ của bản thân thì không cần phải khoác lên mình bất kỳ thứ trang sức phù phiếm loè loẹt nào. Và dĩ nhiên họ cũng đủ lý trí để không sợ và chẳng thèm ngưỡng mộ ba cái trò mèo kia./.
Ngô Thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ