Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010

Giá trị như nhau nhưng chất lượng không thể giống nhau

(VOV) - Hiện nay, chúng ta vẫn đang quẩn quanh trong cái vòng: học để đi thi, thi rồi lấy bằng, có bằng mới xin được việc. Người ta phản đối lối học ứng thí, nhưng chính cách tuyển dụng lại cổ vũ và ủng hộ cho lối học như vậy.

Luật Giáo dục quy định bằng cấp tại chức và chính quy có giá trị như nhau. “Giá trị như nhau” có nghĩa là bình đẳng về mặt pháp luật, giá trị pháp lý. Việc các nhà quản lý xác nhận bằng cấp tại chức và chính quy có “giá trị như nhau” là nhằm thúc đẩy việc học tập ở mọi loại hình. Còn bằng tốt nghiệp của trường A chắc chắn phải có sự khác nhau về chất lượng so với trường B.

Bằng cấp xác nhận một cá nhân đã được đào tạo một chuyên ngành với hình thức đào tạo nào đó. Việc nhà tuyển dụng muốn đưa ra tiêu chí như thế nào để đáp ứng yêu cầu công việc là quyền của họ. Nếu như có một văn bản nào đó yêu cầu buộc cá nhân hoặc tổ chức phải chấp nhận bằng này bằng kia trong tuyển dụng là không hợp lý, cho dù cái việc bắt buộc ấy xuất phát từ động cơ tích cực. Cách đây 4 năm, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã từng đề xuất buộc tất cả công nhân, nhân viên ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có chứng chỉ nghề. Quy định này nhằm phát triển nguồn nhân lực qua đào tạo, giúp phân luồng, giảm áp lực vào đại học (ĐH)… Tuy nhiên, sau 4 năm, đề xuất ấy vẫn chưa thể thực hiện.

Việt Nam chủ trương tiến đến một nền ĐH đại chúng và phân tầng chất lượng thì mặc nhiên đã thừa nhận có nhiều tầng bậc chất lượng ở ĐH, phục vụ cho nhiều đối tượng với những nhu cầu nâng cao trình độ khác nhau. Khi chất lượng đào tạo không giống nhau thì chất lượng tấm bằng đương nhiên khác nhau, bằng của hệ tại chức là một trong số đó.

Chúng ta không tường minh trong việc này nên dẫn tới nhiều hệ luỵ. Ví như học phí, một mức học phí cào bằng cho tất cả các trường là bất hợp lý. Trường đào tạo tốt, nếu phải đóng học phí, thì mức đóng đương nhiên phải cao để bù đắp chi phí.

Trước đây, khi chưa có sự thay đổi trong tuyển dụng giáo viên, các trường phàn nàn về cách lấy bảng điểm và mức tốt nghiệp (trung bình, khá, giỏi) của sinh viên sư phạm làm căn cứ chính để tuyển dụng. Nhiều trường nhận xét: Sinh viên bằng giỏi trường A chưa chắc đã bằng em tốt nghiệp trung bình của trường B… Chính cách tuyển dụng này đã đẻ ra đủ kiểu “chạy” thầy, lo lót để được điểm cao, bằng khá... Vô hình chung, cách tuyển dụng đã ít nhiều tác động tiêu cực đến quá trình đào tạo.

Hiện nay, chúng ta vẫn đang quẩn quanh trong cái vòng: học để đi thi, thi rồi lấy bằng, có bằng mới xin được việc. Người ta phản đối lối học ứng thí, nhưng chính cách tuyển dụng và cái lô cốt biên chế suốt đời, sống lâu lên lão làng… lại cổ vũ và ủng hộ nhiệt tình cái lối học ứng thí kia.

Cách đây mấy năm, ngành Giáo dục có khẩu hiệu: “Nói không với đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội” thì nay đã có đơn vị dũng cảm lên tiếng. Có bằng tại chức nhưng chưa chắc đã xin được việc cho dù nó được bảo hộ bền vững bằng cái mác “giá trị như nhau”. Cái mắt xích cuối cùng (bằng cấp và việc làm) trong cái vòng tròn luẩn quẩn ở trên đã bị phá vỡ. Đây phải chăng là tiền đề để tiến tới tuyển dụng dựa trên năng lực thực sự của từng cá nhân?./.
Ngô Thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ