Ngành giáo dục chống “tắc luồng” và lãng phí- Gia Bảo về dạy nghề
(Toquoc) – Tại cuộc hội thảo về các biện pháp phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) được tổ chức mới đây nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại về tình trạng phân luồng học sinh không tốt sẽ gây lãng phí lớn cả về thời gian lẫn tiền bạc và quy mô, chất lượng nguồn lao động Việt Nam.
Phân luồng THCS bị “tắc”
Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho hay, trong khoảng thời gian từ 2002-2007 mỗi năm có khoảng trên 400.000 học sinh tốt nghiệp THCS không vào THPT, một phần trong số đó có thể vào học trong các cơ sở giáo dục thường xuyên để lấy bằng bổ túc văn hóa, một phần vào học trong các trường dạy nghề, hoặc trung tâm dạy nghề, một số học các trường trung cấp chuyên nghiệp, phần còn lại ra thị trường lao động mà chưa được đào tạo lấy một nghề.
Nếu tính cả số học sinh bỏ học THPT, thi trượt tốt nghiệp lớp 12, thi trượt ĐH, CĐ mỗi năm thì con số thanh niên chưa được đào tạo nghề nghiệp hàng năm sẽ lớn tới hàng trăm ngàn người/năm. Đối với THPT, năm học 2006 – 2007 cả nước có khoảng 129.000 học sinh tốt nghiệp THPT nhưng không vào học trong các cơ sở dạy nghề. Năm học 2007 – 2008 con số này là 156 nghìn.
Trong khi đó, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở dạy nghề và TCCN rất thấp, năm 2006-2007 tỷ lệ vào học trong cơ sở dạy nghề chiếm 3,1%, vào học TCCN chiếm 1,4%. Năm 2007-2008 tỷ lệ vào học trong cơ sở dạy nghề là 2,5% và học TCCN chiếm 1,8%. Học sinh tốt nghiệp THCS không đi học gì chiếm một tỷ lệ lớn 19,1% năm 2006-2007 và 17,5% năm 2007-2008.
Phân luồng học sinh sớm sẽ tránh được lãng phí cho xã hội (Ảnh: T.Nghị)
Phân luồng tại các tỉnh khó khăn do học nghề khó xin việc, nhưng ở các đô thị lớn cũng không đơn giản gì. Theo bà Tạ Song Hà, Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Hà Nội, phân luồng sau THCS ở đây gần như bị “tắc”, các gia đình luôn muốn con em học theo một đường: tốt nghiệp THCS - THPT – ĐH, không học nghề.
“Với học sinh THPT, năm 2008 học sinh trượt tốt nghiệp của Hà Nội lên đến hàng nghìn nhưng tại tất cả các trường TCCN của thành phố chỉ “đón” được 448 học sinh” – bà Hà than thở.
Ông Nguyễn Văn Hiến, Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Thuận thì lo lắng bởi không hề đơn giản và phút chốc thay đổi được thái độ chuộng bằng cấp của xã hội. “Chính các vị cán bộ như chúng ta liệu có để con đi học TCCN hay không? Hay là cứ phải cho con vào ĐH?” – ông Hiến nói và cho rằng, để thay đổi được tư duy cần sự chuyển biến dần dần.
Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận nguyên nhân yếu kém là công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông còn kém, quy mô và điều kiện của các cơ sở dạy nghề và TCCN chưa đáp ứng được nhu cầu phân luồng… Chưa kể các yếu tố như tư tưởng của xã hội vẫn còn chuộng bằng ĐH, việc làm cho học nghề chưa ấn tượng…
Lãng phí
Để đáp ứng được mục tiêu thu hút 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN và học nghề giai đoạn 2010-2020, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, cần phải làm rõ mục tiêu phân luồng là gì.
Hiện nay với bậc THPT, sau khi tốt nghiệp có tới 44% vào ĐH, CĐ, trong khi các nước khác chủ yếu là khoảng 30%. Cách phân luồng này gây lãng phí lớn cho xã hội.
Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT cho hay, hàng năm cục này xử lý dữ liệu kỳ thi THPT và ĐH, CĐ, ở mức độ khái quát, các địa phương có thể nhìn vào các dữ liệu này để phân tích xu hướng của học sinh địa phương đó.
“Tôi thấy ngay cả Hà Nội nơi có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp và đỗ ĐH cao thì vẫn còn nửa số thí sinh đạt dưới điểm trung bình, nhiều em chưa đạt mỗi môn một điểm tức vẫn có vấn đề khi các em chọn vào THPT học, tỷ lệ này chiếm khoảng 15% của Hà Nội” – ông Ngọc cho biết và thực tế, các địa phương khác, rất nhiều phổ điểm lệch hẳn về mức 3-4 điểm thi, như vậy phân luồng có vấn đề, để các em học 3 năm học phổ thông là quá lãng phí.
Ông Ngọc cũng gợi mở hướng suy nghĩ khác khi cho rằng, thực tế có một loại phân luồng tự nhiên. “Chúng ta không thể cứ bắt các cháu phải học trường nghề này, trường nghề nọ nhưng nhà em đó có nghề truyền thống thì việc gì phải đi học ở đâu con số 17-18% ở trên không có gì quá bức xúc. Cả nước đi học thì ai làm nghề truyền thống?” - ông Ngọc hỏi và cho rằng, cần có định hướng về phân luồng tự nhiên.
Ông cũng đề xuất, Bộ có kho dữ liệu video học nghề, học sinh lên mạng tự tải về để học, tiết kiệm cho xã hội.
Trong khi đó, vấn đề liên thông trường nghề lên CĐ, ĐH, có ý kiến cho rằng không nên đặt ra quá nặng nề. Theo ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục dạy nghề, liên thông phụ thuộc vào nhu cầu, anh thợ điện nếu chỉ muốn làm nghề, thì chỉ cần học trung cấp, tới khi anh có khả năng tích lũy thành ông chủ lúc đó mới học về quản lý, lúc đó mới tạo điều kiện cho liên thông. Nhưng về đa số, quan trọng nhất là học nghề xong phải có việc làm chứ không thì chả ai đi học nghề, tạo nhiều cơ hội việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp.
Gia Bảo
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ