Bạo hành là do… xã hội hoá?
Hình ảnh trong clip bạo hành trẻ em ở Bình Dương
(VOV) - Những bất cập trong việc công nhân không tìm được chỗ gửi con một phần do Quyết định số 20 của Bộ GD-ĐT?
>> Nhức nhối clip bảo mẫu bạo hành trẻ em
Liên quan tới những vụ bạo hành trẻ, trao đổi với VietNamNet (30/11/2010), bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết “những bất cập trong việc công nhân không tìm được chỗ gửi con một phần do Quyết định số 20 của Bộ GD-ĐT ngày 24/6/2005 phê duyệt đề án quy hoạch phát triển xã hội hoá giáo dục giai đoạn 2005-2010: Khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở thành phố. Tiến đến đưa 70%-80% tỷ lệ trẻ mầm non học ở các cơ sở ngoài công lập.
Từ nghị quyết này, trường công đã giảm đi và các trường tư thục mọc lên như nấm. Học phí trường công chỉ khoảng 100.000 đồng/tháng (chưa tính tiền ăn). Trong khi đó, trường dân lập lại rất nhiều khoản thu, khó quản lý, học phí cao ngất ngưởng. Những trường tư thục dần trở thành nơi học của con, em các gia đình khá giả. Suy cho cùng, người chịu thiệt vẫn là con dân nghèo”
Nói đầy đủ, Quyết định 20/2005 của Bộ GD-ĐT là quyết định về Phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển xã hội hóa giáo dục giai đoạn 2005-2010”. Theo nội dung của đề án thì không chỉ mầm non mà các bậc học khác cũng có những tỷ lệ học sinh nhất định phải chuyển ra ngoài công lập (1% , 3,5% và 40% tương ứng với các cấp tiểu học, THCS và THPT). Quyết định 20/2005 của Bộ GD-ĐT yêu cầu đến năm nay – 2010, tỷ lệ học sinh học ở các trường mầm non ngoài công lập phải đạt 70% - 80% .
Với yêu cầu như vậy thì đương nhiên địa phương sẽ cân đối trong việc quy hoạch mạng lưới các trường mầm non. Phải chăng đây cũng là một trong những nguyên nhân làm thiếu các trường mầm non công lập, đặc biệt là ở các khu công nghiệp?
Nếu quả thực vấn đề phát sinh như bà Thanh nói, nếu không có những thay đổi về chính sách, thì không chỉ thiếu trường mầm non công lập mà việc triển khai phổ cập mần non cho trẻ 5 tuổi - một nhiệm vụ lớn của ngành trong năm nay - sẽ gặp nhiều khó khăn. Đây phải chăng là những hệ luỵ của chính sách xã hội hoá giáo dục trong bối cảnh người dân còn nghèo, năng lực giám sát của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo như hiện nay?./.
Ngô Thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ