Tiếp thị ở trường học: Nên hay không?
(VOV) - Nhà trường là địa hạt đặc biệt mà ở đó cần phải giám sát chặt chẽ và có những quy định cụ thể cho hoạt động tiếp thị. Bởi môi trường sư phạm cần phải thực sự trong trẻo và thuần khiết.
Gần đây trên báo chí xuất hiện loạt phóng sự viết về bữa cơm của học sinh bán trú tại một số trường ở TP HCM. Báo viết về tỷ lệ phần trăm hay còn gọi là “hoa hồng” mà các nhà cung ứng suất cơm trưa cắt lại cho những người có trách nhiệm rất lớn.
Còn ở Hà Nội, tôi biết có trường tiểu học, nhà thầu gần như cho không cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường bữa trưa. Nói “gần như” là bởi mỗi người chỉ đóng có vài ngàn tượng trưng.
Về bản chất thì việc cắt “hoa hồng” hay bán kiểu cho không xuất cơm trưa là như nhau. Đều là bớt xén xuất ăn của các cháu chứ chẳng doanh nghiệp nào chịu lỗ.
Hiện nay nhiều trường có quyền “kiêu” với nhà cung ứng dịch vụ cơm trưa cho học sinh, chẳng biết vì cung vượt quá cầu hay dịch vụ này hái ra tiền. Một ngày, có trường tiếp đến vài ba đoàn tiếp thị. Mà cũng đúng thôi, “kiêu” thì mới tự cho mình cái quyền ra giá tỷ lệ “hoa hồng” chứ. Có lần đến làm việc với một trường tiểu học, gọi mấy câu mà bác bảo vệ vẫn làm ngơ. Mãi sau bác mới phân trần: Tôi cứ tưởng hội tiếp thị cơm trưa.
Nhiều bậc phụ huynh phàn nàn tại sao các cháu về hay đòi bố mẹ mua các loại bảo hiểm, rồi đòi học võ, học vẽ; mua các loại ấn phẩm khác nhau… Phải chăng cũng vì cái nạn tiếp thị thô bạo này trong trường học?
Tại Hội nghị triển khai đề án trường chuyên, khi chuẩn bị bước sang phần thảo luận thì ban tổ chức cho doanh nghiệp lên quảng cáo sản phẩm. Thời gian hội nghị 1 ngày, rút xuống còn buổi sáng, lại mất 30 phút quảng cáo, thử hỏi đến gần trưa có ai còn muốn thảo luận nữa? Tuy nhiên vấn đề quan trọng hơn ở chỗ nó làm giảm đi không khí trang nghiêm và long trọng của một hội nghị mà Thứ trưởng và nhiều Vụ trưởng chủ trì. Và, sẽ là thiếu tôn trọng nếu như việc nghe quảng cáo không phải là nhu cầu của tất cả đại biểu tham dự.
Cách đây không lâu, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2010-2011 bậc trung học, lãnh đạo Bộ GD-ĐT và đại biểu cũng phải mất khá nhiều thời gian cho một doanh nghiệp máy tính cầm tay: Nào là giới thiệu sản phẩm, trao thưởng, phát động cuộc thi giải toán trên máy tính…
Nhiệm vụ năm học thì bộn bề, đại biểu lên đóng góp ý kiến thì chủ toạ luôn nhắc “phát biểu ngắn gọn thôi” làm cho đại biểu lúng túng, khó xử, cảm thấy như mắc lỗi. Trong khi đó ban tổ chức hào phóng dành thời gian để doanh nghiệp quảng bá cho hoạt động và sản phẩm của mình thì lại chẳng thấy nhắc nhở gì về thời gian?!
Đại biểu ở các địa phương về dự hội nghị ở Bộ còn thấy tiếp thị suồng xã và náo nhiệt như thế, chả trách, về địa phương, họ sẵn sàng mở toang cổng trường đón nhân viên tiếp thị từ giấy vệ sinh cho tới tăm tre, chổi chít của người mù.
Chấp nhận cơ chế thị trường tức là chấp nhận nhiều chiêu thức tiếp thị, quảng cáo. Ngành Giáo dục với số lượng học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên đông đảo vào bậc nhất luôn là thị trường hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp. Nhất là khi giáo dục lại đang được sở hữu nhiều dự án với lượng kinh phí không nhỏ. Bởi thế, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chú ý tới lĩnh vực giáo dục là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, nhà trường là địa hạt đặc biệt mà ở đó cần phải giám sát chặt chẽ và có những quy định cụ thể cho hoạt động tiếp thị. Bởi môi trường sư phạm cần phải thực sự trong trẻo và thuần khiết. Bộ GD-ĐT trước hết hãy làm gương. Đừng để chuyện bán mua sống sượng diễn ra trước đôi mắt thơ ngây, trong trắng của học trò./.
Ngô Thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ