Xã hội học tập hay xã hội bằng cấp. Lạ cái bài này của TS. HN Vinh
11/12/2010 Đưng trên NĐBND
Sau 5 năm thực thi Luật Giáo dục năm 2005, việc công nhận chuyển đổi kết quả từ dạy nghề lên các trình độ cao đẳng, đại học đã được chính thức hóa bởi Thông tư liên tịch số 27/2010/TTLT - BGDĐT - LĐTBX
Việc công nhận kết quả học tập từ trình độ này sang trình độ khác, để miễn trừ cho người học không phải học lại những kiến thức, kỹ năng đã học ở trình độ trước đó là một lẽ tự nhiên vốn có của một hệ thống giáo dục. Song do sự chia cắt trong quản lý nhà nước về dạy nghề đã làm cho việc liên thông không diễn ra theo quy luật và quy trình giáo dục. Liên thông là cái việc đáng ra thuộc thẩm quyền các trường cao đẳng và đại học.
Liên thông từ trình độ thấp lên cao hay ngược lại nhằm tạo điều kiện cho người dân được học suốt đời, bổ sung thêm những giá trị, năng lực còn thiếu của người lao động để có thể thích nghi, đáp ứng với đòi hỏi của thị trường lao động, thỏa mãn nhu cầu phát triển bản thân và nhu cầu xã hội nói chung.
Có thể xem cơ chế liên thông nếu vận hành tốt sẽ tạo điều kiện xây dựng hệ thống giáo dục mở, tạo nhiều điểm vào và ra khỏi hệ thống giáo dục cho người dân trong suốt cuộc đời lao động của mình.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước còn thiếu việc làm so với số lao động dư dôi hàng năm, thiếu đội ngũ giáo viên dạy nghề, thiếu lao động có tay nghề...trong khi các trường nghề được đầu tư mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng vẫn chưa đủ sức hấp dẫn người học nghề, thì liên thông có thể xem là giải pháp cứu cánh cho các cơ sở dạy nghề khỏi lao vào vòng phá sản do không tuyển được người học nghề.
Lẽ ra cơ quan quản lý về dạy nghề phải nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân của việc kém hấp dẫn học nghề một cách khách quan để có thuốc trị hiệu quả (Trị bệnh trị tại căn), thì dường như lại xem “liên thông” là nguyên nhân chủ yếu để thu hút học sinh học nghề.
Xã hội vốn đã thừa bằng cấp đại học “rởm” từ các lò đào tạo tại chức, liên kết, liên thông, giờ đây dư luận lại nghi ngại việc liên thông sẽ làm gia tăng nhanh chóng hơn đội quân “bằng cấp rởm” và các trường đại học vốn cạnh tranh gay gắt về tuyển sinh sẽ trở thành các “xưởng sản xuất bằng cấp” do hạ thấp các tiêu chuẩn đào tạo, để chiều các “thượng đế liên thông”.
Như vậy, Thông tư về đào tạo liên thông từ dạy nghề lên đại học từ chỗ là cơ chế, là phương tiện để góp phần hình thành một xã hội học tập, thì vô hình trung trở thành mục đích cho phát triển dạy nghề để rồi dẫn đến đại học hóa tất cả người lao động – lấy ai làm thợ đây?.
Vấn nạn chất lượng đào tạo đại học hệ vừa làm vừa học vẫn đang như những “ung nhọt” trong hệ thống giáo dục đại học, giờ đây thêm việc liên thông từ dạy nghề lên đại học, liệu Bộ GD - ĐT và Bộ LĐ - TB và XH dùng biện pháp gì và có dám đoan chắc trước xã hội rằng liên thông dạy nghề lên đại học sẽ diễn ra an toàn, hiệu quả và có chất lượng không? Bao giờ mới cân đối được cơ cấu trình độ nhân lực của đất nước?
TS Hoàng Ngọc Vinh
Print this IN
|
Email this Gửi bài này
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ