Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020

Cái móc đeo chìa khóa

Để ý một số thanh niên ưu tú của chúng ta có một thứ trang sức rất đặc biệt. Gọi tên chính xác rất khó, công năng của nó là trang sức hay công cụ cũng chưa rạch ròi. Đấy là cái móc đeo chìa khóa, móc vào con đỉa thắt lưng quần, đeo tong teng bên hông.


Gọi chùm chìa khóa chưa đúng vì ngoài chìa còn có cái đón gót (để đi giày), bấm móng tay, nhíp nhổ râu, dao nhíp, thậm chí có cả dụng cụ… ngoáy tai.

Trong tiến trình lịch sử dân tộc có những giai đoạn chúng ta có rất ít bằng chứng về y phục và trang sức. Tìm trong cuốn “Văn minh vật chất của người Việt”, tác giả Phan Cẩm Thượng, thấy người Đông Sơn (cách nay 2000-2500 năm), đàn ông đã sử dụng trang sức rồi.

Có những giai đoạn gương lược bên mình không phải là độc quyền của chị em mà của cánh mày râu, vì chị em ít phải đi ra đường hơn nam giới. Trâm cài đầu hay xăm trổ cũng là một loại trang sức của đàn ông.

Thời trước đàn ông hay bọc răng vàng. Chắc không phải vì bệnh lý về răng mà là để trang sức? Thời tôi còn làm việc ở Tây Bắc rất muốn anh em làm phóng sự về bọc răng vàng của người Mông nhưng tìm khó quá, người Kinh thì thất truyền rồi.

Có lẽ do biến đổi khí hậu, thiên tai dữ dội, anh em sợ chưa kịp nở nụ cười khoe răng vàng lấp lánh trước hot girls thì sét đánh đùng phát, lăn quay, mồm nghi ngút khói, răng vàng văng mẹ hết ra ngoài😝.

Đùa tí! Quay lại cái móc đeo chìa khóa thần thánh của anh em. Trong xã hội có hai loại công việc sở hữu nhiều chìa khóa nhất là chị thủ kho và ông cai ngục. Chùm chìa khóa của họ có thuộc tính nghề nghiệp và chuyên môn, còn móc chìa khóa đeo hông của anh em chủ yếu cho tiện, khỏi rơi, tập trung một chỗ cho khỏi quên. Đeo miết thành quen! Không có nó bên hông, không thấy nó đung đưa, không nghe nó kêu lóc xóc, lách cách là nhớ, là như thiếu một cái gì đó.

Những lúc rỗi rãi thò tay lấy cái bấm móng ra tỉa tót, hết tay thì co chân lên xử lý, rồi dũa móng cho gọn gàng; cắt móng xong chuyển sang mục ngoáy tai. Vừa trà lá cà phê chuyện trò ba láp với bạn bè vừa ngoáy tai, tôi cam đoan không có gì thú vị và… vô duyên bằng😡.

Thằng ngoáy cứ ngoáy thằng nói thằng hỏi cứ nói cứ hỏi. Nó nói nó hỏi gì mình cũng “ừ” rồi bảo “thế à, thế à”; nó điên tiết chửi “tổ sư mày” mình cũng nói “thế à”. Đến đoạn nhổ râu thì đỡ hơn vì khả năng nghe – hiểu được cải thiện.

Tôi nghiệm ra đàn ông, con cháu vua Hùng, làm mấy việc sau với sự tập trung cực kỳ cao độ. Đấy là ngoáy tai, nhổ râu và làm tình. Giá như chỉ cần san một nửa sự tập trung ấy cho công việc thì phát hiện quả táo rơi không bao giờ thuộc về lão Newton ở cái xứ khỉ ho cò gáy nào đó mà mặc định thuộc về anh em chúng ta - “từ Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái” .

Nay mai thôi, khi cảm biến nhận diện và số hóa trở nên phổ biến thì cái móc đeo chìa khóa cùng một mớ phụ kiện rẻ rách kia sẽ lùi vào dĩ vãng, con cháu chúng ta sẽ chỉ được "chiêm ngưỡng" trong bảo tàng di vật người Việt cổ thế kỷ 21.

Nhưng ngẫm kỹ thấy đàn ông chúng mình khổ anh em ạ! Đeo một mớ trên người thực ra là tận dụng từng chút thời gian nhàn rỗi để chau chuốt, để gia công vẻ đẹp của mình, cũng là để ra vẻ ta đây có quyền lực. Tại sao không dám một lần chơi lớn hả anh em?

Râu có người nhổ,

móng có người cắt,

tai có người ngoáy…

Tại sao không?

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ