Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

Người Đức ban hàng

Tiếp vụ KhaiSilk bán hàng thiếu minh bạch mình kể chuyện này.
Năm ngoái mình có sang Đức học tập ít ngày. Làm việc với người Đức thì vẫn khoa học, nghiêm túc và kỷ luật như truyền thống của họ. Tuy nhiên bạn cũng đã biết nháy nhau để dành thời gian cho con cháu Vua Hùng đi chộp ảnh và shopping - hai việc không thể thiếu với bất kỳ người Việt nào khi ra nước ngoài.
Hôm đó mình vào một cửa hàng bán đồ may mặc hỏi mua áo khoác. Vì đã biết chất lượng của áo lông thời Đông Đức nên mình quyết tìm một cái được làm tại chính quốc. Mọi người đều biết ở Đức hàng Tàu cũng nhiều lắm, tốt có mà dở dở ương ương cũng có.
Sau một hồi tìm kiếm, nhấc ra nhấc vào toàn đồ của Made in China nên mình mới đi kiếm người bán hàng và nói rằng " tôi không thích sản phẩm được sản xuất ở Trung Quốc, làm ơn tìm cho tôi một cái áo khoác của Đức" .
Trong khi nhân viên bán hàng lục tung dãy quần áo thì mình vớ được một cái không thấy ghi nơi sản xuất nhưng rất đẹp, trông khôn và tinh.
Mình cầm cái áo tiến lại chỗ nhân viên đang nhiệt tình tìm kiếm và hỏi : "Cái này được làm tại Đức chứ?".
Miệng hỏi nhưng mắt mình cứ dán vào cái áo, tay chân cứ xoắn xuýt vồ vập như sợ sắp bị ai giằng mất. Cái bản mặt mình lúc đó ai nhìn cũng đoán ra là kết lắm rồi! Máu lắm rồi! Bình thường mắt nó "dán" vào chỗ khác cơ, thế mà hôm nay... Khổ thân thằng bé Giao Chỉ! Nhìn cái áo mà muốn nổ hai con mắt!
Lúc đó chỉ cần em bán hàng xinh đẹp nói một câu ỡm ờ nước đôi kiểu "I think so/ May be/ Perhaps (có thể đấy) " là mình móc ví ra luôn đấy! Thế nhưng em buông một câu như trời giáng, lạnh lùng đúng chất Đức kèm cái nhún vai và lắc đầu "I'm not sure - tôi không dám chắc đâu" làm mình chán hẳn!
Dù tiếc hùi hụi nhưng trên tàu điện về chỗ ở mình thấy như thế là họ trung thực. Họ nói với khách đúng điều họ nghĩ dù biết thừa cái thằng An Nam đứng trước mặt khó có cơ hội đặt chân đến cửa hàng lần thứ hai; dù biết chắc có thể bán được hàng mà khách không thể phàn nàn gì.
Thật thà là cha mách qué! Thương mại bền vững không có chỗ cho chụp giật và lừa đảo!
Cuối cùng là show hàng. Hot girls nên YÊU những hot boys biết đi chợ như thế này!

Khaisilk & Canifa

Trong khi ầm ĩ vụ Khaisilk - một thương hiệu lớn, một tập đoàn lớn - bán lụa Tàu mà không thèm thông tin rõ ràng thì mình đc chứng kiến chuyện đáng khen, cũng liên quan đến dịch vụ may mặc.
Bạn mình tặng cái áo hiệu Canifa nhân sinh nhật. Trong cái áo có gắn thẻ đổi hàng nếu chủ nhân không thích hoặc mặc không vừa.
Mình thích cái áo nhưng bạn không lường được rằng kể từ khi chuyên biên tập Chương trình Chuyện thầm kín (VOV2) thì mình đã vạm vỡ lên rất nhiều  . Chuyện này đã kể ở những tút trước.
Đem cái áo ra Canifa 29 Bà Triệu (HN) mới coi kỹ lại thì đã quá hạn đổi 5 ngày. Tuy nhiên các bạn trẻ ở đó chỉ nhắc nhở rồi kiểm tra trên hệ thống máy tính để tìm size lớn hơn theo yêu cầu.
Ngoài ra Canifa còn tích điểm cho khách hàng trên toàn hệ thống, không cần thẻ, chỉ cần đọc số phôn, rất tiện.
Bán hàng ở Canifa 29 Bà Triệu đều là các bạn trẻ măng, năng động, xinh đẹp, mặc đồng phục đỏ tươi, đúng tông màu của thương hiệu. Trao đổi của nhân viên giữa các tầng được thực hiện qua bộ đàm, không phải hét lên ông ổng điếc tai. Khách vào/ra được các bạn mở cửa, cúi đầu "Canifa xin chào", rất lịch thiệp. Thượng đế cứ tham khảo thoải mái, không sợ bị đốt vía hoặc bị lườm!
Thấy các bạn ở đó đáng yêu quá, và cũng là để thể hiện sự hối lỗi của bản thân nên mình mua thêm hẳn 1 cái quần ... con để diện cho oách!
Thương mại thời 4.0 phải thế! Có tâm và trung thực. Tất nhiên cũng không được (vô ý) để quá hạn đổi hàng đến những 5 ngày rồi ra cười duyên nói khó như mềnh.
Tóm lại là tút này công khai PR cho cách bán hàng văn minh lịch sự của Canifa 29 Bà Triệu. Chất lượng áo coi hình thì biết. Còn quần thì mời xem trực tiếp! Free to see! Free to touch !


Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

QÙA HỘI NGHỊ


Ở nước mình hội thảo, hội nghị, tọa đàm... đều có ăn nhẹ lúc giải lao và đôi khi có tí qùa cho đại biểu mang về. Mình gọi chung là quà hội nghị.
Có bận đi cùng bác Nguyễn Thiện Nhân đến Hưng Yên làm việc, đúng vụ nhãn. Đất nhãn đã chọn những quả ngon nhất đẹp nhất to nhất để mời tư lệnh ngành GD. Nhãn quý nên mọng nước! Bác Nhân bấu vỏ phát nước phọt tung tóe. Quà quý nhưng bác chỉ dám chén có mỗi quả!
Một lần đi dự hội thảo thấy bầy trên bàn toàn những hồng đỏ chót, trông đẹp và ngon "kinh khủng" nhưng chẳng đại biểu nào dám đụng tay. Ai cũng nhìn rồi suýt soa khen...đẹp vì ăn quả này thì cứ xác định mang theo khăn mặt.
Mình nghiệm thấy tất cả những thứ quả gì phải nhằn nhè hạt thì không nên làm quà hội nghị, ví dụ như quả na, kể cả dưa hấu.
Nhìn đại biểu tay cầm quả na, tay cầm nắm hạt, miệng bận rộn với thao tác nhằn - nhè, mắt thì đảo ra xung quanh để chỉ thị cho cái đầu gật gật mỗi khi nhòm thấy đồng nghiệp... ôi chao sao mà chán! Gặp được tri kỷ là đổ luôn nắm hạt xuống bàn để đưa tay ra bắt.
Có đại biểu nữ áo dài thướt tha cầm miếng dưa hấu lên ngắm nghía rồi ra vẻ tỉa tót gảy gót rút cái tăm trong miệng ra khêu khêu cho hạt dưa bắn ra ai dè trên cái tăm của "thím" còn lỡ vướng nguyên miếng hành xanh lét (sản phẩm lưu cữu của bữa sáng). "Thím" đảo mặt nhìn rất nhanh xem đã bị phát hiện hay chưa rồi vội vàng vẩy vẩy cái tăm hòng phi tang cọng hành bướng bỉnh nhưng nó bất khuất, chẳng chịu tung ra.
BTC hay kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ khoản quà hội nghị. Không đến mức cho đại biểu ăn bánh đa Kế, bim bim hay kẹo dừa Bến Tre nhưng bú sữa thì khá phổ biến. Nhìn các đại biểu com lê ca - la - vat vô cùng đáng kính và trang trọng nhưng lại cầm hộp sữa lên, cắm cái ống hút vào, hút chùn chụt; hay cầm cái thìa nhựa bé tí xíu gẩy gẩy sữa chua vào miệng ..., thấy sao ấy, kỳ lắm!
Hội nghị ở ta đúng theo phong cách "được ăn được nói được gói mang về". Gói mang về phổ biến là "phong bì". Có bận mình để ý thấy một vị khách vừa hé mở tập tài liệu để sẵn trên bàn thì chợt đóng ập lại rồi rụt tay chỉnh lại kính, chỉnh lại tư thế ngồi cho thật nghiêm ngắn và hướng lên bàn chủ tọa, mặt căng thẳng. Từ đó đến hết giờ không thấy anh í mở tài liệu ra xem. Sau mới biết trong tập tài liệu có cái "phong bì". Mình đoán, anh ấy là người có tâm, giống mình 
Quà hội nghị có thể là hàng tự túc tự cấp, doanh nghiệp dệt may thì khách được cái áo, doanh nghiệp trà thì được gói trà... Cũng có khi quà hội nghị là sản phẩm của doanh nghiệp tài trợ. Hơn hai năm thường trú trong Đồng bằng Sông Cửu Long mình hay đi dự hội thảo đầu bờ của bà con nông dân, quà hội nghị tuyền là...phân; hôm nào may mắn thì được chai thuốc trừ sâu! Nhẹ nhàng, đỡ phải khệ nệ vác phân về  .
Ảnh: Đại biểu Phong dự hội nghị bên Tây. Rất chán vì không có quà.

Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

Các thầy ở Nguyễn Gia Thiều

Các bạn lớp 12E Nguyễn Gia Thiều (85-88) đều nhớ thầy Quý dạy sinh vật, dạy mỗi năm lớp 10 rồi thầy chuyển sang trường nào đó bên nội thành.
Thầy Quý người thấp nhỏ, vào lớp như một cơn gió, chẳng câu nệ chúng mày đứng lên chào hay chưa, thầy nhảy pực phát nhẹ nhàng lên bục, cứ như đệ tử chân truyền môn phái khinh công bên Tàu.
Đến bàn giáo viên thầy vơ luôn viên phấn và quay lên bảng. Thầy viết không đẹp nhưng rất ngộ nghĩnh, cứ như thư pháp vậy. Chữ hoa đầu dòng bao giờ cũng là một nét xổ cương quyết, mạnh bạo nhưng bay bướm và phóng túng.
Đang giảng, thậm chí đang viết bảng, nghe thấy đứa nào xì xào là thầy đi xuống, vừa đi vừa giảng cứ như không, bất ngờ dừng lại đá cho nó một phát vào chân, nhẹ thôi, với ý đồ cảnh cáo "Stop" rồi lại quay lên giảng tiếp. Đôi khi thấy lớp yên tĩnh quá thầy cũng đi xuống và đá một phát như vậy.
Thầy đá vậy nhưng mặt thầy vui, hài, miệng vẫn giảng bài như không nên chả đứa nào giận thầy, chỉ thấy thích!
Sau này đọc các tài liệu về giáo dục mình nghĩ "thượng cẳng chân" như thầy Quý cũng là một trong nhiều phương pháp nhằm tương tác tốt hơn, nhiều hơn với học trò. Khối đứa tỉnh ngủ vì cú đá yêu của thầy. Tiếc là thầy dạy mỗi năm!
Các bạn còn nhớ thầy Ngọc ốc dạy Toán? Mình nghĩ chắc thầy thấp bé, lại bị dáng đi còng còng rúm ró nên gọi vậy chăng? Thầy nói năng nhỏ nhẹ và hiền lành, cứ mủm mỉm suốt. Có bận mấy đưa đá bóng vào lớp muộn, thầy không phạt nhưng chầm chậm đi qua đi lại, xoay xoay viên phấn rồi thủng thẳng nói, kiểu nói chữ của các cụ đồ xưa, rằng anh chị có thể ôm trái bóng lăn vào cuộc đời được không?
Biết rằng thầy thương trò mới mắng vậy, và có thể ở thời của thầy thì điều đó là đúng chứ cởi mở thông thoáng như giờ thì làm cầu thủ, nhất là dạng sao là hơi bị nhiều tiền
Cách nghĩ như thầy Ngọc ốc hình như là suy nghĩ của GV thời đó. Nhẽ ra các thầy/cô cứ mạnh dạn phá toang nếp nghĩ cũ và bảo mỗi đứa chúng mày đều có những khả năng, năng khiếu, sở trường sở đoản riêng. Có đứa làm tóc, có em đá bóng, có thằng tỉa cây... Xã hội đều trân trọng và các em có quyền kiêu hãnh bước vào đời bằng chính những khả năng riêng đó.
Tất nhiên ở những năm cuối 80 thì suy nghĩ như thế "hơi bị" vượt rào và khó hiểu, thậm chí khó chấp nhận nhưng ít ra thì cũng giúp lớp học trò đầu 6 có chút khái niệm về "khai phóng".
Thầy Đào Công Vĩnh là GV chủ nhiệm lớp 12E. Thầy dạy văn. Kỷ niệm với thầy thì nhiều nhưng mình nhớ cái bữa đến cái bài nghị luận gì của đồng chí Trường Chinh thầy lại toàn đi kể Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng... Đến bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ thì thầy giảng sôi và hùng hồn lắm! Giọng thầy đọc thơ mà ngỡ như chúa sơn lâm đang gầm lên mong được thoát cũi sổ lồng để về với đại ngàn hùng vĩ! Hi hi, thôi không kể nữa, nhạy cảm!
Khác với thầy Ngọc ốc, thầy Long dạy toán có dáng vẻ hiện đại hơn, thị trường hơn. Nhà thầy ở phố cổ bên nội thành. Thầy đi "con" cup DD đỏ, thời đó như thầy là vô cùng phong lưu thời thượng. Thầy béo hơn, bụng thầy to hơn, nói năng mạnh bạo dứt khoát hơn. Hồi đó ai bụng phệ đều được nhìn với ánh mắt thèm thuồng và kính nể vì chắc chắn họ thuộc tầng lớp ...no đủ.
Thầy Long ít nói, vào lớp là đốt thuốc và rung đùi. Thầy vừa hút thuốc vừa nhìn bâng quơ ra cái ao tù sau trường, một khoảng trống duy nhất đáng nhìn qua cửa sổ từ lớp học. Nhiều lúc mình nghĩ thầy đang ủ mưu để muốn vượt thoát ra khỏi bảng đen phấn trắng, mưu cầu một cái gì đó "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" .
Da mặt thầy xám, môi thầy thâm xì vì nghiện thuốc lá. Thời gian với thầy được tính bằng số lần hút. Ví dụ như hút hết bao nhiều điếu thì tàn một tiết. Sau khi viết bài kiểm tra 15' lên bảng thầy quay ra ghế rút một điếu châm. Và hút xong là thầy đứng dậy thu bài, không cần xem đồng hồ, không sai một giây! Tài!
Hồi đó mình thi khối D, có đi học thêm toán ở ngoài nên có nhiều cách giải toán khác thầy. Bữa đó mình tinh tướng đem bài kiểm tra lên khiếu nại vì thầy không tính điểm cho một phần có cách giải lạ. Thầy xem lại rồi tỉnh queo cho mình đủ điểm. Không nói năng giận dỗi cau có gì!
Sau này nghĩ lại thấy làm vậy dễ khiến thầy tự ái. Rất thiếu tế nhị! Nhưng dù sao thì hành động của thầy càng làm mình kính trọng. Nghe các bạn học ở phương Tây kể ở bển GV vào lớp là khẳng định không phải điều gì họ (GV) nói/làm cũng đúng, ngược lại rất có thể sai... Họ rào trước vậy để khuyến khích phản biện và tranh luận.
Thầy Long của mình thì không nói được câu ấy vì... bận hút thuốc chứ thầy biết thừa, he he.

Ảnh : Thầy Vĩnh với mình 


Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Bạn cũ lớp 12 E

Bạn tôi, Ngân- Ngan Van Nguyen - vừa từ Ba Lan về nước chơi nên cả lớp 12 E Nguyễn Gia Thiều lại tụ tập.
Ngân hiền lành, ít nói, cả 3 năm cấp III hình như có độc cái cặp màu da bò thì phải? Mình vẫn nhớ cái cách hắn cắp cặp, toàn cắp phía sau mông. Ngân học hành cũng làng nhàng như mình. Học xong phổ thông năm 1988, nó sang Nga, chẳng rõ theo con đường nào, rồi thế thời thay đổi lại long đong lận đận chạy sang Ba Lan sinh sống lập nghiệp với nghề làm quán.
Thấy Ngân kể đận này về sẽ sang Thái, vừa xem cách họ làm du lịch vừa tham khảo thêm một vài món ăn Thái. Không biết bên Ba Lan Ngân buôn bán thế nào nhưng đã đi tìm hiểu món ăn xuyên lục địa như thế thì cái tầm, cái trí của Ngân hơn ối người cùng trang lứa.
Mình biết đang ở Âu châu văn minh lịch sự mà về cái xứ này, lại vào quán bia cỏ, chắc cũng khó mà “hội nhập”, nhất là sự ồn ào. Thế nhưng lần trước về nước Ngân cũng ngồi với lớp. Lần này dù rất bận nhưng lớp ới phát là tới liền. Mà đến thì cũng có ăn uống gì đâu, cứ ngồi đó lặng nhìn và nghe mọi người chuyện trò hò hét. Tính Ngân xưa nay vẫn vậy. Quý ở chỗ đó!
Mấy hôm trước khi Ngân về thì Sơn ( Cao Sơn Đặng ) từ Đô Lương ra, cũng ngồi một chặp, cả lũ say mèm, Sơn say trước. Sơn say vì vui và xúc động. Nó uống với từng người như muốn dành trọn vẹn tình cảm cho người đó.
Cách đây gần chục năm nó ra đúng dịp tết thì phải. Còn nhớ tối hôm đi thăm thầy Đào Công Vĩnh, thầy giáo chủ nhiệm, nó đóng nguyên bộ lễ phục trắng toát của quân đội, trông cực kỳ trang trọng. Lần này nó ra lại đóng bộ phủi, đeo cái nanh hổ dài ngoẵng, sợi xích trông cũng “khủng bố”, đầu đội cái mũ vải rất anh chị. Mình hơi ngờ ngợ hỏi vẫn trong quân đội chứ, nó bảo vâng. Tính Sơn vậy! Nó thuộc tuýp người tình cảm, sống nội tâm, luôn muốn tạo bất ngờ cho người khác, luôn muốn sống cho người khác.
Hôm sau nhắn hỏi có mệt không. Nó bảo em say quá! Chưa bao giờ uống nhiều như thế. Mãi hơn 12 giờ đêm mới về đến Đô Lương.
Bạn bè mình mỗi người mỗi tính, mỗi hoàn cảnh. Có đứa bay nhảy khắp thế giới như Ngân, lại có kẻ lam lũ lủi thủi trông kho súng trong rừng sâu như Sơn, nhưng gặp nhau là vui, là vứt bỏ cái hiện tại để tìm lại và sống với những “thằng”, những “con” hồn nhiên, vô tư, trong trẻo thuở cấp II, cấp III năm nào.

Người Việt thèm khát được tôn trọng

http://vov.vn/blog/ong-chu-nguoi-nhat-cui-chao-khach-hang-va-su-them-khat-duoc-ton-trong-684171.vov

Chuyện thật 100%, không PR tí nào!


Mình được anh chị em giao nhiệm vụ biên tập nên được nghe hết các chương trình Chuyện thầm kín của VOV2. Bất ngờ thú vị "kinh khủng"! Mình đồ rằng bất cứ ai nghe cũng sẽ thấy hình bóng mình trong đó!
Có bác "to quá", "lâu quá" cũng muốn tư vấn làm cách nào cho "bé đi" và "nhanh hơn", nhưng phần đông là tự ti, mặc cảm với kích cỡ "khiêm tốn" của mình. Họ luôn hỏi chuyên gia làm thế nào để to ra, dài ra để khi lâm trận nó trông hùng dũng & hiên ngang.
Bác sỹ bảo không có thuốc nào làm to lên được ngoài phẫu thuật. Chớ mua thuốc linh tinh mà rước bệnh! Và cũng đừng quá băn khoăn chuyện to-nhỏ. Trèo đc lên đỉnh núi cao đâu phải vì chân to!
Mọi người nghe bác sỹ khuyên thế thì cũng hơi yên tâm rồi cảm ơn chương trình. Tuy nhiên nghe ngữ điệu câu cảm ơn thấy có vẻ như chưa thỏa mãn.
Tình cờ hôm qua nghe được cú phôn lạ! Anh nói từ khi có chương trình chưa bốc máy hỏi bác sỹ nhưng chưa bỏ bất kỳ một chương trình nào. Anh đọc chính xác họ tên của tất cả các bác sỹ tham gia với chương trình.
Anh tâm sự trước đây của anh bé lắm, buổi tối vợ cứ đưa tay phẩy qua phẩy lại ở bụng dưới của anh rồi cười sằng sặc, anh đau lắm! Từ khi nghe chương trình không hiểu sao anh thấy nó phổng phao hẳn lên, tuyệt nhiên không dùng thuốc men gì. Vợ vui lắm, tung tăng suốt ngày, ra ca vào hát. Anh hỏi có phải do nghe Chuyện thầm kín mà được vầy hay không?
Ở buồng kỹ thuật nhìn vào phòng thu mình thấy mặt BS tái nhợt, nhiệt độ studio mặc định 23 độ C mà mồ hôi anh rịn ra trên trán. Đúng lúc đó ngẩng lên anh nhìn thấy mình đang tươi cười vô cùng thanh tú phía ngoài nên mừng húm, nói câu hỏi này xin nhường cho anh Phong, ngày nào anh í cũng nghe mấy lần...
Mình nói với thính giả rằng bên cạnh anh là 1 BS rất giỏi về nam học, tôi không thể trả lời gì hơn ngoài việc xác nhận là có chung niềm vui như anh…
Rất lạ! Chẳng hiểu sao lại thế !

Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017

Mình là người có tâm

Nghe tiếng thị khua khoắng chổi ở cầu thang, mình ngồi trên lầu, dù đang đắm đuối canh còm và đếm like sẽ tức tốc bật dậy, ném cái đi động vào giỏ, nhớn nhác tìm cái chổi lông gà phe phẩy đâu đó.
Thường thì những hành động ngô nghê ấy không qua nổi mắt thị nhưng làm vậy dường như thị thấy thỏa mãn hơn.
Khi thị rửa bát thì mình không thể ngồi vểnh râu lên xỉa răng mà phải lăng xăng đi lau mấy giọt nước bắn ra rơi dưới chân thị, xoa tay mò mẫm lần nhặt những hạt cơm rơi quanh đó. Rõ ràng thị làm rơi ra nhưng phải biết nhận lỗi về mình, nói anh vô ý quá...
Những lúc như thế, dù nhà chả có con muỗi con ruồi nào nhưng cũng cố vờ phát nhẹ vào chân thị một cái, chửi một câu: - Tiên sư mày! Dám láo à!
Tất nhiên cái tiếng "à" phải hồ hởi hả hê như vừa dành được một chiến công vang dội.
Nếu là muỗi thật thì chìa ra cho thị xem để báo công; còn vờ vĩnh thì phải "nhận lỗi" một cách chân thành, nói ái chà, con ruồi này gớm thật!
Tóm lại, mỗi khi thị đang làm một việc gì đó thì mình cũng phải cố nặn ra trong đầu một việc làm để tay chân không rảnh rỗi. Ví dụ như cái lồng bàn vừa mua nhưng cứ đem ra kì cọ và đổ tiệt cho nó vô cùng nhiều vi trùng.
Mấy đứa bạn đến chơi ngó bộ dạng vậy đều bảo mình sợ... thị. Không phải! Nhầm! Mình là người có tâm!
PS: Hốt-gơ thời nay nên yêu người có tâm!

Ảnh: Chỉ minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết 


Bán hàng là nghệ thuật


Bán hàng là nghệ thuật, nghệ thuật giao tiếp kết hợp nhuần nhuyễn với nghệ thuật kinh doanh. Cả hai lĩnh vực này đều đòi hỏi phải có văn hóa, có kiến thức, nhưng tiếc thay...

Cuối cùng thì mình đã thay được chiếc ti-vi cổ lỗ để mua một cái smart TV tân kỳ. Siêu thị điện máy HC cạnh nhà là lựa chọn đầu tiên. Thấy cái Sharp 32 inch rẻ, tầm hơn 3tr, mình nhờ cô nhân viên mặc áo hãng Sharp mở cho xem thì cô nói "quầy này đang bị mất điện". Sang quầy Samsung ngó cái tương tự nhưng đắt hơn tí. Quầy này có điện nhưng thấy mình lựa cái TV dạng cỏ nên cô nhân viên cũng chẳng mấy thiết tha, trả lời chỏng lỏn.
Cũng định mua rồi đấy nhưng có vài thông tin về cấu hình muốn hỏi mà cô ấy cứ nhấm nhẳng khó chịu nên mình bảo "để tôi sang bên Media Mart xem giá có cạnh tranh hơn không, nếu bằng giá thì tôi quay ... "
Chưa hết câu, em nhân viên đánh mặt đi chỗ khác, "vâng" một tiếng gọn lỏn rồi ngoảy đít đi thẳng, dù HC hôm đó vắng teo.
Thật tình là chỉ cần cô ấy nói một câu gì đó, đại loại như "giá của bọn em tốt nhất rồi đấy! Bọn em có chế độ hậu mãi abcde v.v.v. là mình mua rồi đấy, nhưng đằng này... cô ấy lại khinh khỉnh nên mình ghét, đi luôn!
Media Mart Long Biên cách đó mấy bước chân , ra xuống tiền làm luôn "con" Panasonic hình sâu thăm thẳm, tiếng mở max vo-lu-me không hề vỡ, nhé! Đừng tưởng mua TV cỏ mà nghèo, vừa bán đất đấy!
He he! Khùng lên nói vậy thôi chứ mấy em bán hàng nên nán lại thuyết phục, giải thích thêm vài câu với khách, mất mát gì đâu!
Những lúc như thế khách hàng rất cần các em bên cạnh. Ngược lại, những bận anh đi nhà hàng, các em đưa cho anh quyển menu thì lại cứ đứng kè kè bên cạnh như có ý giục "gọi nhanh đi cha nội!", chậm tí là các em thở dài, chép miệng, cau có!
Giá như các em chạy đi đâu đó chừng 1-2 phút rồi lại đáo qua, cúi xuống hỏi nhỏ "cô chú đã chọn món xong chưa ạ" thì có phải lịch lãm mà tiện cả đôi đường không?
Đấy! Lúc nào cần đứng gần, lúc nào nên đứng xa khách hàng cũng phải rất tinh tế. Mấy hôm nữa anh sẽ ra chạy bàn hoặc bán hàng cho tụi em coi! Cầm chắc là chủ sẽ mê tít thò lò, tăng lương liên tục, hứa hẹn thăng tiến các kiểu cho mà xem!

Kể tiếp chuyện bác Toàn bác Ký. Em kể chuyện này bác Ký ở nơi rất rất xa đừng mắng em nha!

Tút trước em nhỡ miệng nói hai bác hay rủ rỉ rù rì với nhau nhưng lại thường dỗi nhau, nhất là sau khi bác Ký uống vài li.
Tối đó thấy mình ngang qua cửa phòng, bác Ký đứng dậy vẫy tay, nói anh Phong zô làm zới tụi tui zài chung gụ (li rượu) đi anh!
Bác Ký bác Toàn ngồi trên giường, trước mặt là cái ghế đẩu làm bàn, trên có 2 li rượu đã vơi một nửa, kế bên là chai Bạch Mã.
Ba chú cháu ngồi kể chuyện Đông chuyện Tây, chuyện Pôn Pốt Yêng Sa Ri rồi thể nào cũng qua chuyện bác Ký đi dịch cho cán bộ học sinh Campốt ở trường đảng trên Sài Gòn...
Khi bác Ký kể tới đoạn này thì đừng có ai ngắt lời hoặc nói sang chuyện khác! Thế mà bác Toàn lại đùng cái bảo phòng ông có mùi gì như mùi sơn. Bác Ký chưng hửng, gắt:
- Tui nói không phải mùi sơn!
- Mùi sơn ông ơi!
Bác Ký nói gằn:
- Tui -nói -hổng -phải...ải ...ải ...i...i..!
Rồi bác Ký đập tay lên ghế trước mặt cái bốp, hét:
- Mùi véc- ni!
Bác Toàn đang uống trà đứng dậy hất chén nước vô nhà tắm cái rẹc...ẹc...ẹc..c...c rồi đi ra khỏi phòng.
Mình cứ ú ớ nhìn theo bác Toàn, rồi lại ngó bác Ký mặt đang bừng bừng. Về tuổi tác mình hàng con cháu, nhưng dù sao thì cũng là sếp của hai ông, thế mà hai ông í lại đưa mình vào thế ...tẽn tò. Chả ra làm sao!
Hôm sau, lúc đang nấu cơm trưa thì nghe tiếng sột soạt ở phòng bên, nơi đặt cái bàn ăn. Mình ghé mắt nhìn sang thấy bác Ký rón rén bước vào, nhấc nhẹ lồng bàn, đút vào mâm cái gì đó, xong cái bác lẹ làng rút êm.
Lúc trở vào thấy trên mâm có thêm mấy con nhộng rang bơ và lọ dưa góp vợ bác trên Sài Gòn làm để bác mang xuống Cần Thơ ăn trong 1 tuần... Mỗi lần từ Sài Gòn xuống bác đều chia thức ăn cho mình như thế. Vừa ăn mình vừa ứa nước mắt!

Bác Toàn bảo vệ

Hôm qua nghe tin bác Toàn, bảo vệ Cơ quan thường trú ĐBSCL không làm việc ở cơ quan nữa thì nhiều kỷ niệm với bác lại ùa về.
Bác hay trực ca tối. Nhiều đêm, buồn, mình thường xuống trò chuyện với bác. Người già vốn ít ngủ mà! Mình đặc biệt thích hỏi chuyện người gìa về quá khứ.
Bác Toàn người Bắc, là bộ đội Trường Sơn. Tuổi trẻ của bác là những trận đánh liên miên ở miền Đông, rồi sông nước miền Tây. Sau 75, bác gắn bó luôn với mảnh đất miền Tây trù phú này.
Mỗi bận về thăm nhà, bác lại nhỏ nhẹ : - Anh Phong zề cho tui gửi lời thăm chị và các cháu nghen. Rồi mấy bữa vào bác lại nhỏ nhẹ: - Anh Phong mới zô à! Chị và các cháu ngoải có khỏe không?
Hôm mình rời miền Tây, bác dúi vào tay mình bịch cá khô, nói gửi về cho chị và cháu! Chả biết nói gì, chỉ biết cảm ơn bác thôi!
Giọng bác đá chút Nam Bộ nhưng tính cách thì vẫn đặc sệt dân Bắc Kỳ. Bác thuộc tuýp người xưa, sống khắc kỷ, chú ý tới từng chi tiết nhỏ một. Nghe đâu sau khi giải ngũ bác còn làm tới trưởng phòng tổ chức của một đơn vị nào đó nên bác rành về hành chính lắm! Ngồi ở cái bàn nhỏ ngay cửa ra vào, phần lớn vào ban đêm, nhưng bác quan sát, nghe ngóng hầu hết mọi công việc cơ quan.
Trò chuyện với bác, mình nghiệm ra ở cơ quan nhà nước, có hai người có thể biết hết thâm cung bí sử: một là cậu lái xe cho sếp, hai là người bảo vệ.
Hồi bác Ký còn làm, đêm, hai ông già-một bảo vệ, một xa nhà- thường ngồi nhâm nhi ly rượu đế Bạch Mã rẻ tiền. Bác Ký hay nổi sung, át vía bác Toàn, được cái bác Toàn chịu nhịn. Hai ông dỗi hờn nhau thường lắm, nhưng chỉ được vài hôm, bác Ký buồn lại lân la xuống phòng bảo vệ làm lành. Mình chứng kiến mấy vụ làm lành này rồi. Vừa thương vừa buồn cười với hai ông già!
Mình ra Bắc được thời gian ngắn thì bác Ký nghỉ hưu rồi mất! Vắng ông bạn già rủ rỉ tâm sự đêm đêm chắc bác Toàn buồn lắm! Không ở Cần Thơ chia tay bá Toàn được, chúc bác khỏe nha. Có dịp vào sẽ ghé bác chơi!