Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

Các thầy ở Nguyễn Gia Thiều

Các bạn lớp 12E Nguyễn Gia Thiều (85-88) đều nhớ thầy Quý dạy sinh vật, dạy mỗi năm lớp 10 rồi thầy chuyển sang trường nào đó bên nội thành.
Thầy Quý người thấp nhỏ, vào lớp như một cơn gió, chẳng câu nệ chúng mày đứng lên chào hay chưa, thầy nhảy pực phát nhẹ nhàng lên bục, cứ như đệ tử chân truyền môn phái khinh công bên Tàu.
Đến bàn giáo viên thầy vơ luôn viên phấn và quay lên bảng. Thầy viết không đẹp nhưng rất ngộ nghĩnh, cứ như thư pháp vậy. Chữ hoa đầu dòng bao giờ cũng là một nét xổ cương quyết, mạnh bạo nhưng bay bướm và phóng túng.
Đang giảng, thậm chí đang viết bảng, nghe thấy đứa nào xì xào là thầy đi xuống, vừa đi vừa giảng cứ như không, bất ngờ dừng lại đá cho nó một phát vào chân, nhẹ thôi, với ý đồ cảnh cáo "Stop" rồi lại quay lên giảng tiếp. Đôi khi thấy lớp yên tĩnh quá thầy cũng đi xuống và đá một phát như vậy.
Thầy đá vậy nhưng mặt thầy vui, hài, miệng vẫn giảng bài như không nên chả đứa nào giận thầy, chỉ thấy thích!
Sau này đọc các tài liệu về giáo dục mình nghĩ "thượng cẳng chân" như thầy Quý cũng là một trong nhiều phương pháp nhằm tương tác tốt hơn, nhiều hơn với học trò. Khối đứa tỉnh ngủ vì cú đá yêu của thầy. Tiếc là thầy dạy mỗi năm!
Các bạn còn nhớ thầy Ngọc ốc dạy Toán? Mình nghĩ chắc thầy thấp bé, lại bị dáng đi còng còng rúm ró nên gọi vậy chăng? Thầy nói năng nhỏ nhẹ và hiền lành, cứ mủm mỉm suốt. Có bận mấy đưa đá bóng vào lớp muộn, thầy không phạt nhưng chầm chậm đi qua đi lại, xoay xoay viên phấn rồi thủng thẳng nói, kiểu nói chữ của các cụ đồ xưa, rằng anh chị có thể ôm trái bóng lăn vào cuộc đời được không?
Biết rằng thầy thương trò mới mắng vậy, và có thể ở thời của thầy thì điều đó là đúng chứ cởi mở thông thoáng như giờ thì làm cầu thủ, nhất là dạng sao là hơi bị nhiều tiền
Cách nghĩ như thầy Ngọc ốc hình như là suy nghĩ của GV thời đó. Nhẽ ra các thầy/cô cứ mạnh dạn phá toang nếp nghĩ cũ và bảo mỗi đứa chúng mày đều có những khả năng, năng khiếu, sở trường sở đoản riêng. Có đứa làm tóc, có em đá bóng, có thằng tỉa cây... Xã hội đều trân trọng và các em có quyền kiêu hãnh bước vào đời bằng chính những khả năng riêng đó.
Tất nhiên ở những năm cuối 80 thì suy nghĩ như thế "hơi bị" vượt rào và khó hiểu, thậm chí khó chấp nhận nhưng ít ra thì cũng giúp lớp học trò đầu 6 có chút khái niệm về "khai phóng".
Thầy Đào Công Vĩnh là GV chủ nhiệm lớp 12E. Thầy dạy văn. Kỷ niệm với thầy thì nhiều nhưng mình nhớ cái bữa đến cái bài nghị luận gì của đồng chí Trường Chinh thầy lại toàn đi kể Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng... Đến bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ thì thầy giảng sôi và hùng hồn lắm! Giọng thầy đọc thơ mà ngỡ như chúa sơn lâm đang gầm lên mong được thoát cũi sổ lồng để về với đại ngàn hùng vĩ! Hi hi, thôi không kể nữa, nhạy cảm!
Khác với thầy Ngọc ốc, thầy Long dạy toán có dáng vẻ hiện đại hơn, thị trường hơn. Nhà thầy ở phố cổ bên nội thành. Thầy đi "con" cup DD đỏ, thời đó như thầy là vô cùng phong lưu thời thượng. Thầy béo hơn, bụng thầy to hơn, nói năng mạnh bạo dứt khoát hơn. Hồi đó ai bụng phệ đều được nhìn với ánh mắt thèm thuồng và kính nể vì chắc chắn họ thuộc tầng lớp ...no đủ.
Thầy Long ít nói, vào lớp là đốt thuốc và rung đùi. Thầy vừa hút thuốc vừa nhìn bâng quơ ra cái ao tù sau trường, một khoảng trống duy nhất đáng nhìn qua cửa sổ từ lớp học. Nhiều lúc mình nghĩ thầy đang ủ mưu để muốn vượt thoát ra khỏi bảng đen phấn trắng, mưu cầu một cái gì đó "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" .
Da mặt thầy xám, môi thầy thâm xì vì nghiện thuốc lá. Thời gian với thầy được tính bằng số lần hút. Ví dụ như hút hết bao nhiều điếu thì tàn một tiết. Sau khi viết bài kiểm tra 15' lên bảng thầy quay ra ghế rút một điếu châm. Và hút xong là thầy đứng dậy thu bài, không cần xem đồng hồ, không sai một giây! Tài!
Hồi đó mình thi khối D, có đi học thêm toán ở ngoài nên có nhiều cách giải toán khác thầy. Bữa đó mình tinh tướng đem bài kiểm tra lên khiếu nại vì thầy không tính điểm cho một phần có cách giải lạ. Thầy xem lại rồi tỉnh queo cho mình đủ điểm. Không nói năng giận dỗi cau có gì!
Sau này nghĩ lại thấy làm vậy dễ khiến thầy tự ái. Rất thiếu tế nhị! Nhưng dù sao thì hành động của thầy càng làm mình kính trọng. Nghe các bạn học ở phương Tây kể ở bển GV vào lớp là khẳng định không phải điều gì họ (GV) nói/làm cũng đúng, ngược lại rất có thể sai... Họ rào trước vậy để khuyến khích phản biện và tranh luận.
Thầy Long của mình thì không nói được câu ấy vì... bận hút thuốc chứ thầy biết thừa, he he.

Ảnh : Thầy Vĩnh với mình 


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ