Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

Chuyện ngày thứ 3


Tối nay được DBB Akademie mời cơm. Họ biết đoàn thích ăn đồ Việt Nam nên mời ra Đồng Xuân Center. Vừa bước chân xuống mình thấy một người đàn ông trung niên, lông mày dài rậm, đeo cái máy ảnh  trước ngực đứng chờ. Mọi người bảo đấy là anh Huy Thắng, một trong những người quản lý ở Đồng Xuân - Berlin. 


Anh Thắng dẫn đi xem các ha-lơ (nhà) trong chợ. Vừa đi anh vừa giới thiệu, chốc chốc lại vọt lên trước rồi quay lại bắn hàng loạt shot ảnh. Thân thủ lanh lẹ vô cùng! Chẳng biết anh chụp làm gì mà chụp nhiều thế?  Anh nhớ như in từng con số, từng mét vuông nhà. Trong phần giới thiệu anh cũng thường xuyên nhắc tới cái tên Nguyễn Văn Hiền, người đã khai sinh ra chợ Đồng Xuân, người có công cải tạo bãi đất chết ngập ngụa hoá chất độc hại của nhà máy điện than thành khu thương mại sầm uất.



Hoa chuối ở Đồng Xuân

Anh Thắng nói về Đồng Xuân như thuộc lòng từ lâu. Vừa đi anh vừa chỉ gian hàng này của người Pakistan, gian kia của người Thổ, đây là shop của cháu một vị tướng tá to to bên VN. Hàng nhập hàng xuất anh nhớ đến tận số lẻ. Đại loại là sau bài giới thiệu dài dài dài của anh thì người ta thấy nổi lên mấy ý rất đáng tự hào, rằng khu này đã đóng thuế cho nước Đức rất chi là nhiều, là nơi tạo công ăn việc làm cho nhiều người Việt, là trung tâm buôn bán có tiếng tăm ở Berlin và lan sang cả một vài nước lân cận, là niềm tự hào của cộng đồng người Việt, các ki-ốt trong chợ rất đắt giá, chỉ cần sang tay là có ngay vài trăm ngàn euro; hàng hoá bảo rằng xịn thì không dám nhưng cũng chẳng xấu, chủ yếu của Tầu.  Người Đức biết ơn người Việt vì đã dũng cảm dọn cái đống thổ tả này  để nó lột xác thành chợ như hôm nay...


Nhìn vào tiệm nail và làm đầu mình thấy khá đông dân tóc vàng. Chắc họ mê sự khéo léo của thợ VN và giá cả bình dân, chứ nói thật nhiều tiệm trông cứ tối tối, thâm thấp  thế nào í? Đôi lúc mình chợt liên tưởng đến cái chợ cửa khẩu Lào Cai.

Và một điều nữa khá ảm ảnh là những khuôn mặt mệt mỏi, bơ phờ của hầu hết người làm việc ở đây, cho dù bãi xe hơi ngoài kia toàn xe sang, cho dù một ngày họ kiếm được gấp hàng trăm lần hàng ngàn lần ở Việt Nam. Họ đang vắt kiệt sức để kiếm tiền, kiếm tiền một cách đích thực. Họ say mê kiếm tiền một cách không hề giấu giếm.  Chắc 24 giờ của không ít người ở đây cũng phải gắn chặt với cái chợ này. Enjoy và Relax rất có thể là hai từ xa lạ. Berlin lung linh ngoài  kia rất có thể là một thế giới khác cho dù trong túi họ rủng rỉnh tiền. Họ chấp nhận đánh đổi cuộc đời mình để có một cuộc sống tương lai tươi sáng hơn cho  con cháu? Một sự đánh đổi đẫm mỗ hôi và nước mắt?


Mình mới tới đây 2 lần, chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, nên có cảm nhận rất chủ quan. Mình thấy chợ Đồng Xuân (ở Berlin) rất là…Đồng Xuân. Vào đây người Việt cứ tưởng đang ở Việt Nam, có cái gì đó gần gũi thân quen ghê lắm! Ngửi cái, nhìn cái, nghe cái...thấy liền!


Gian hàng thịt cuối ngày thứ 2 (thứ 3 là ngày nghỉ chợ)

Mình rất tự hào với người Việt ở Đồng Xuân – Berlin! Chắc hiếm có nơi nào mà người Việt lại có thể lấn lướt và đẩy lui người Hoa trong việc kinh doanh như ở đây, nhưng giá như nó gọn ghẽ, sạch sẽ hơn, bớt luộm thuộm đi một tí thì  tuyệt vời.

Dẫu có doanh số rất cao (theo lời anh Thắng) nhưng nhìn tổng thể Đồng Xuân vẫn có cái gì đó thiếu quy củ và bài bản. Đồng Xuân- Berlin: Giầu thì có thể rất giàu nhưng sang thì mình không dám chắc. Đồng Xuân có thể nhộn nhịp bán mua, nhưng để trở thành chốn sang chảnh cho người ta chơi (như các trung tâm thương mại lớn khác của bọn mũi lõ ở Berlin) thì cũng còn phải nỗ lực nhiều. Hay triết lí kinh doanh ở Dong Xuan như thế? Cái này mình cũng chả biết nữa ! Thôi chỉ nói những suy nghĩ rất thực của lòng mình


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ