Lại cấm bolero ?
Mình một nốt nhạc bẻ đôi cũng không rành nhưng thích nhạc và thích nghe hát. Nói vậy để các cụ đại xá khi đánh trống qua cửa nhà sấm, nói một tí về hát hò, nhân đang râm ran chuyện cấm đoán gì đó mấy bài hát trước1975.
Những năm 80 đi lại giữa Sài Gòn và Hà Nội chủ yếu là tàu hỏa, 3 ngày 3 đêm. Hồi đó có khá nhiều thương phế binh của chế độ cũ hát rong trên tàu. Chỉ với hai cái thìa hoặc vừa hát vừa gõ bo, họ thể hiện bài Màu tím hoa sim cực phiêu, nghe muốn trào nước mắt. Khi đó mình đinh ninh nhạc phẩm này của mấy anh lính VNCH, oán hờn các anh bộ đội abcd gì đó. Ai dè sau này mới hay nó được phổ nhạc bài thơ của Hữu Loan, một Việt Minh chính hiệu, viết – khóc cho người vợ xinh đẹp của mình khi nàng bị…chết đuối. Bối cảnh câu chuyện (để trở thành đề tài cho bài thơ bất hủ) ở Nông Cống – Thanh Hóa chứ chẳng đâu xa.
Thế hệ 6x chúng mình khi nghe bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” với những giai điệu tha thiết, da diết : “Mùa hoa lêkima nở/Quê ta miền đất đỏ/Sông núi vẫn nhớ tên người anh hùng/Đã chết cho đời sau...” xúc động lắm! Nhưng nhiều người cho rằng nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn khi sáng tác bài này chưa nhìn thấy cây lêkima (mà ngoài Bắc gọi là cây trứng gà) bao giờ. Nếu nhìn thấy hoa của nó, chưa chắc ông đã sáng tác như thế. Vì nếu khen hoa lêkima là thơm ngát để cài lên tóc, thì chắc chỉ có người dở hơi mới làm vậy, vì mùi của nó hơi bị … thối.
Nhạc sỹ Châu Kỳ & Che Linh
Lại nói tới hoa với lá! Trong bài thơ Lá diêu bông của thi sỹ Hoàng Cầm cũng vậy.
"Chị bảo
Đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng
Đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng
Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày
Đâu phải lá diêu bông ..."
Chị chau mày
Đâu phải lá diêu bông ..."
Diêu bông là cái lá do cụ Cầm tưởng tượng ra, là một thủ pháp nghệ thuật. Giờ bảo đi tìm lá diêu bông mới lấy làm chồng thì các chàng chào thua. Hoặc nàng muốn ở vậy suốt đời?
Hơn một năm thường trú ở Tây Bắc mình có cơ hội đi hết các con đèo dẫn tới thung lũng lòng chảo Điện Biên Phủ lịch sử, nơi tướng Đờ-Cát (Christian de Castries) thất thủ trước sự tài ba của tướng Giáp. Rồi sau này đọc lại hồi ký của một số nhà văn nhà thơ thấy bẩu cái đận “56 ngày đêm” ông Tố Hữu ở tận đâu đâu, chưa biết đèo Pha Đin, Lũng Lô ra răng, nhưng ông tưởng tượng ra một bức tranh vô cùng hoành tráng: Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ /Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát…( Hoan hô chiến sĩ Điện Biên).
Cơ quan thường trú VOV Đồng Bằng Sông Cửu Long ở ngay cạnh Công viên Lưu Hữu Phước (Cần Thơ). Hồi mình thường trú ở đây hay lang thang ra chốn này, chả làm gì, vừa đi vừa mủm mỉm cười nghĩ : Ông nhạc sỹ này Việt Cộng gộc thế mà lại có bài Sinh Viên Hành Khúc (La Marche des Étudiants) được VNCH sử dụng làm quốc ca. Cho dù bài này được sáng tác năm 1940, khi NS Lưu Hữu Phước đang là học sinh ở Sài Gòn, nhưng 8 năm sau chính phủ Nguyễn Văn Xuân, và mãi về sau này, khi Lưu Hữu Phước đã là người của phía bên kia, chính phủ VNCH vẫn chấp nhận nó là quốc ca thì kể cũng hơi bị…liều!
Kể mấy chuyện linh tinh, chẳng đâu vào đâu để thấy thơ ca nhạc họa và nghệ thuật mà cứ rành rẽ thì kể cũng hơi bị khó, nhỉ? Mình thì mình vẫn thích nhạc vàng, nhạc sến thôi!
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ