Kỷ lục và sự háo danh
Cách đây mấy năm dư luận từng cười ra nước mắt với kỷ lục gánh nước 40 năm của cụ ông Nguyễn Đường. Vừa rồi mình có thăm lại Đền Đô (Đình Bảng -Bắc Ninh), lại giật mình với tấm biển công nhận: Đền có nhiều người biết đến nhất?!
Không biết người ta đo đếm khảo sát như thế nào để cho ra kết luận: Đền có nhiều người biết đến nhất, mà không phải là Đền Hùng, nơi thờ các vua Hùng có công dựng nước, tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Hỏi "GS Gúc -gồ" thì được biết Đền Hùng có nhiều kỷ lục lắm rồi, đâu gần 20 cái, từ Ngôi đền thờ vua Hùng lớn nhất đến Chiếc bánh khoái lớn nhất :V
Điều mình quan tâm hơn cả là vì sao các cá nhân, tổ chức lại si mê những cái kỷ lục như thế. Riêng trường hợp cụ Nguyễn Đường thì chắc cụ chả thiết tha gì đâu, nhưng họ ấn vào tay cụ, đẹo kỷ lục vào cổ cụ, bảo cụ mặc áo vét đứng chụp ảnh... thì cụ làm theo thôi.
Kỷ lục gánh nước bền vững 40 năm như của cụ Nguyễn Đang là dạng kỷ lục hiếu kỳ, kỷ lục để câu view. Nếu nó choàng vào cổ một cá nhân, một tổ chức "hoành tráng" nào khác thì nó trở thành kỷ lục để PR, đánh bóng tên tuổi, khuếch trương thanh thế, xịt dầu thơm cho đơn vị mình... Ranh giới này rất mong manh.
Chi phí cho những tấm biển kỷ lục ấy như thế nào không quan trọng bằng việc tấm biển này chứa thông tin, mà nhiều thông tin lại cần chuẩn chỉnh. Học sinh cứ nhìn vào tấm biển kỷ lục kia mà viết trong các bài thi của mình, rằng Đền Đô nhiều người biết đến nhất liệu có ổn?
Từ đâu và từ bao giờ dân Việt lại khát kỷ lục đến mức như thế? Người ta đi tìm (và đón nhận) kỷ lục hồn nhiên, mê muội hay đầy toan tính? Nó có phải là hệ lụy của một giai đoạn tôn sùng danh hiệu, đắm đuối, hoang tưởng với những cái nhất, và bây giờ thì dễ dàng sinh sôi trong bối cảnh nhiều giá trị đang bị đảo lộn?
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ