Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

Một thoáng Sài Gòn.



* Cuối 1978 mình vào Sài Gòn. Ấn tượng không quên từ ga xe lửa Bình Triệu về trung tâm  là đường xá rộng thênh, đèn xe sáng loè, khác nhiều so với con phố hẹp, tĩnh lặng, chỉ có xe đạp, đèn điện lờ mờ ở Hà Nội. Vợ chồng người lái taxi nhiệt tình giới thiệu Sài Gòn cho hai bố con. Sự chân thành, cởi mở, không hề tỏ ra cao đạo của họ trước một "kẻ nhà quê" khiến mình đỡ mặc cảm. Cho tới hôm nay mình vẫn mang ấn tượng ban đầu tốt đẹp ấy với người Sài Gòn.

Từ ga Bình Triệu vào trung tâm được ngồi trên chiếc Renault như thế này.

Khi mình vào Sài Gòn thì không còn mùi thuốc súng nhưng một vài dấu hiệu của cuộc chiến vẫn lẩn khuất đâu đó.



Hồi mới vào mình ở ngay tại nơi làm việc của cha: Công ty rau hoa quả ở đường Nguyễn Văn Trỗi (nay là Lê Văn Sỹ), gần nhà thờ Đa Minh. Trước giải phóng toà nhà này nghe đâu thuộc về người Mỹ, trên nóc có sân bay trực thăng, ký hiệu H (helicopter) vẫn nguyên. 

Một thời gian sau mình chuyển sang một toà nhà khác  ở đường Phan Đình Phùng, gần cầu Kiệu, cạnh hẻm Cô Giang. Chủ toà nhà 4 lầu này trước 75 chắc rất giàu có vì nhà có nhiều phòng, nội thất, tiện nghi hiện đại. Họ đã bỏ lại tất cả để di tản những ngày 30/4.

Mình không phải là người đầu tiên ở căn nhà này khi chủ của nó vừa rời khỏi Sài Gòn. Trước đó, một đơn vị bộ đội từng ở đây. Những người lính trên rừng quen với tiếng bom tiếng súng có lẽ chưa hoà nhập được với cuộc sống thị thành. Chuyện rửa rau vào bồn rửa mặt hay co chân ngồi chổm hổm lên xí bệt vẫn còn dấu tích. Tệ hơn nữa là nhiều công tắc, ổ cắm bị tháo gỡ, tất cả bình nóng lạnh đều thiếu phần dây may so cấp nhiệt, còn máy giặt, máy điều hoà thì mất mô tơ.

Nếu ai từng ra ga Hàng Cỏ (Hà Nội) chứng kiến cảnh những anh bộ đội từ miền Nam trở về, chen lấn, xô đẩy, nhễ nhại mồ hôi vác trên đầu cái khung xe đạp, ba lô phía sau lòi ra cái đầu con búp bê mắt nhắm mắt mở…, thì có thể lý giải hành động tháo vài bộ phận của những tiện nghi sinh hoạt kể trên.

Mình, thằng Bá (em chị Lan quê Bến Tre), thằng Triệu (quê xã Hoa Nam, Đông Hưng, Thái Bình) có những ngày đáng nhớ ở căn nhà này. Có bận chúng tôi khám phá một căn phòng lớn ở lầu một, trèo lên nóc chiếc tủ kê sát bức tường dài, ngó xuống lục soát và lôi ra được vài thứ quân trang của lính VNCH. Những người có mặt trong căn nhà này đã dấu nó vào đó trong những ngày đầy âu lo của  4/1975.

Một hôm mình nhận được một lá thư gửi về từ Mỹ. Mình trùng tên với người nhận trên bì thư. Chắc chủ nhân hoặc thành viên nào đó trong ngôi nhà này cũng tên Phong. Tác giả lá thư kể về cuộc sống những ngày đầu qua Mỹ. Cha xem rồi sau đó huỷ đi luôn để tránh phiền phức. Thời đó cha nghe Lệ Thu, Hoàng Oanh… phải vặn nhỏ tí, đọc “Tiết nhơn quý chinh Đông, chinh Tây” cũng phải đợi lúc nửa đêm.

Sài Gòn cuối 1978 và đầu 1979 chưa sôi động và ồn ào như bây giờ. Sáng sớm, nghe rõ tiếng móng ngựa nện lóc cóc xuống đường, tiếng lục lạc leng keng của xe thổ mộ chở rau từ hướng Lăng Cha Cả dọc theo đường Lê Văn Sỹ vào trung tâm; tiếng xích lô máy đặc trưng phá tan bầu không khí tịch mịch để chào đón một ngày mới. Mình vẫn nhớ như in những căn biệt thự vô chủ cỏ mọc vào tận cửa, dây leo chẳng chịt lên tận ban công, chiếc xe Citroen cổ lốp xẹp lép, nằm phủ bụi trong ga-ra. Thời đó có xe ô tô cũng chẳng đào đâu ra xăng mà chạy. Xăng dầu bán theo tem phiếu. Xe đò tư nhân phải chạy bằng than củi, lửa rơi lả tả trên đường.



* Những năm đó có một thằng Bắc Kỳ lạc vào trong lớp khá hiếm. Hai chữ “Bắc Kỳ” luôn ẩn chứa trong nó sự hằn học, hiềm khích, miệt thị. Mình cũng chẳng hiểu sao ngay từ ngày đó, mấy thằng nhóc 12-13 tuổi mà trong đầu chúng đã hằn sâu sự hận thù với một thằng bé miền Bắc như mình đến vậy. Mình thì được gọi là Bắc Kỳ, mấy đứa con lai thì bị gọi Mỹ lai, mấy bạn người Hoa thì gọi là Ba Tàu. May sao, sau 40 năm, những từ miệt thị ấy cũng dần lui vào quá khứ.

Học 1 năm ở trường này sau đó sang Trường Chí Linh phía đằng sau

* Người lính VNCH đầu tiên mình được biết là anh bảo vệ ở cơ quan của cha. Anh hiền khô, chẳng thấy cáu giận bao giờ. Mỗi khi cô thủ quỹ đi ra kho bạc thì anh giắt khẩu K54 vào lưng đi theo bảo vệ. Hồi đó mình cứ tự hỏi sao là lính “nguỵ” mà cha vẫn giao súng, lại còn áp tải tiền.

Người thứ hai là bố của Đinh Hữu Chí, bạn cùng lớp. Bố Chí dân Bắc, theo công giáo, di cư 1954. Ông kể hồi đó phải bỏ vàng vào hũ mắm tôm để đem theo. Vào Nam,  đi quân dịch, chắc cũng chỉ là lính quèn nên sau 75 đi học tập cải tạo thời gian ngắn rồi về. Mình hay về nhà Chí nghịch chiếc đàn măng-đô-lin, xem ông tập Ai-ki-do bằng cây kiếm gỗ và nghe ông đố tiếng Anh. Nhớ mãi một lần đùa nghịch rách toạc đũng quần,  Chí lôi về nhà, bảo cởi ra rồi đem cho bà chị ở tiệm may gần đó may lại.

Năm 1982 cha xin về hưu trước tuổi vì không chịu nổi cảnh đấu đá, kèn cựa, tranh giành quyền lực giữa các phe (tập kết, trên rừng về, cánh hoạt động trong thành và dân Bắc biệt phái).  Mình theo cha ra Bắc và mất liên lạc với các bạn đã kể ở trên. Mấy năm trước có dịp vào Sài Gòn mò đến nhà Chí nhưng chủ nhà lắc đầu không biết, nghe hàng xóm nói cả gia đình đã định cư ở nước ngoài. Trường (thực ra là nhà dòng) mình học giờ mang tên Chí Linh, mà nhà thờ kế bên sao xây dựng kỳ quá! Chen chúc, ngột ngạt! Buồn so! Hồi ở Sài Gòn, bạn bè có thằng Chí thương mình nhất, hay đứng ra bảo vệ mình. Nó đai đen Thái Cực Đạo cơ mà. Chị Lan (có em là thằng Bá-Bến Tre) cũng theo chồng là anh Tuấn sang Mỹ. Còn thằng Triệu-Thái Bình (cái thằng mua cho cốc sương sáo nhất quyết không ăn, bảo tiết trâu) 35 năm rồi chưa gặp lại.     






0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ