Luật…để giỡn chơi?
Quy định quảng cáo dược phẩm trên đài phát
thanh truyền hình phải thông tin đầy đủ, ở đó không thể thiếu cảnh báo: “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”,
hoặc với thực phẩm chức năng: “Sản phẩm
này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; với
sữa thì “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho
sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ”.
Tuy nhiên quảng cáo vài giây trên đài rất
nhiều tiền nên những cảnh báo nói trên được người ta dùng kỹ thuật xử lý sao
cho ngắn nhất. Chính vì thế người nghe, người xem phải chịu đựng mớ âm thanh
hối hả, hấp tấp, lộn xộn, léo nhéo như bị rối băng thời xưa.
Cái kiểu làm chiếu lệ, làm cốt cho có, cốt để
lách luật như thế chứng tỏ người ta chẳng coi quy định, luật lệ là cái đinh gì.
Nó như một sự nhạo báng, một thái độ cợt nhả không thèm đếm xỉa đến luật pháp. Thái
độ ấy lại được chính cơ quan nhà nước thoả hiệp, tiếp tay, tức là chấp nhận
phát trên đài để “thượng đế” thưởng thức thứ âm thanh dị dạng, ma quái. Hàng ngày, hàng giờ người dân phải
chịu đựng nó, và chịu đừng nhiều năm nay rồi nhưng cơ quan hữu trách vẫn coi
như không có chuyện gì. Đừng nói người dân “không thích thì tắt đi” bởi chính
người dân chứ không ai khác đang phải oằn lưng làm việc để trả lương cho “đầy tớ”.
Họ có quyền được biết thông tin chính xác - đầy đủ - rõ ràng.
Trong khi đó cái không cần thiết
phải rõ ràng như hình ảnh mấy cô “chân dài” bán dâm vừa bị bắt thì lại được một
số báo vồ lấy và tới tấp đăng ảnh (không xoá mờ), danh tính cũng bị phơi ra mà
chẳng cần phải viết tắt hoặc đổi tên.
Sự việc này tức khắc bị dư luận
phản ứng. Trên báo người ta bàn bạc rất xôm. Nào là quyền bất khả xâm phạm về đời
sống riêng tư đã được quy định trong Hiến pháp 2013; nào là bán dâm không phải
là tội nên không được đăng tên tuổi, hình ảnh của người mua bán dâm; nào là bán
dâm là vi phạm hành chính, theo quy định phải công bố tên tuổi về nơi cư trú và
nơi làm việc, vì thế công khai trên báo là chuyện bình thường...
Ông bà ta dạy hành xử phải có tình có lý. Lý ở đây có hiểu là lẽ phải, là luật, còn tình là đạo đức.
Đạo đức và dư luận xã hội sẽ điều chỉnh những hành vi luật lệ không chạm tới được.
Đạo đức khiến người ta hành động tự giác còn quy định buộc người ta tuân thủ
trên cơ sở cưỡng bách. Nếu như tự giác thuộc về các hoạt động tự thân thì cưỡng
bách làm nảy sinh hành vi đối phó.
Phải làm mờ ảnh khi đăng báo thì
người ta cũng xoá mờ nhưng lại vừa đủ để nhận dạng; quy định không được ghi rõ
Đặng Thị Tèo thì người ta ghi là Đặng T.T, công tác tại… (Bố khỉ! Thế thì ai chẳng
biết).
Trong khi chất lượng văn bản quy
phạm pháp luật còn thấp, nếu không có những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp lên
tiếng thì những thủ thuật lách luật đại loại như thế còn nhan nhản. Chính vì thế
mà ngành nghề nào cũng cần có đạo đức. Có đạo đức nghề nghiệp người
ta mới hành xử nhân văn, có trách nhiệm, trên tinh thần tự giác. Còn thiếu những
chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thì con người thừa sức lách được mọi quy định. Khi
đó luật chỉ là thứ giỡn chơi, một trò game thử sức ma lanh.
Một cán bộ cấp cao ngành kiểm
sát đã về hưu chia sẻ trên facebook rằng Ngân hàng thế giới nhận xét Việt Nam là nước xây dựng pháp luật giỏi nhất
thế giới nhưng cũng là nước thực thi pháp luật kém nhất thế giới. Chẳng phải
ngẫu nhiên mà vị cán bộ cao cấp này đưa ra chủ đề này và đề nghị mọi người bình
luận.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ