Tiệm người Hoa.
Mình
có thói quen (ai bảo xấu cũng được) rất thích ăn quà vặt. Vì thế hay lùng sục tới
các quán ăn, lê la đầu đường xó chợ cùng mấy chị buôn thúng bán mẹt. Trong số
các tiệm ăn thì tiệm người Hoa để lại ấn tượng nhiều nhất.
Phố Hàng Buồm - Hà
Nội giờ vẫn còn cửa hiệu bán thịt lợn quay mà mua lúc nào cũng phải xếp hàng. Cái
quán sủi cảo-vằn thắn ở phố Huế, chỗ chợ Hôm, nghe đâu cũng là người Hoa. Anh
Xuân Bách (sếp cũ) dẫn mình tới đó lần đầu tiên. Ở đó mình nhớ mãi một ông già lòng
khòng chống gậy đi ra đi vào quan sát xem bát mì của khách có thiếu cái gì
không, đũa trong ống đã cắm đúng chiều chưa, lọ tương ớt, lát chanh để chỗ
nào…
Ở Cần
Thơ vẫn còn một số quán người Hoa, khá đông là người Tiều (Triều Châu-Trung Quốc).
Quán mì vịt tiềm, hủ tiếu bò kho ở hẻm 72 đường Phan Đình Phùng là một quán
ngon. Mình thi thoảng ăn sáng ở đây. Cái hẻm nhỏ xíu nhà cửa lúp xúp dài độ 100m này hình như toàn người
Hoa thì phải.
Tiệm mì vịt tiềm ở hẻm 72
Ấy
là đoán vậy vì mình thấy nhà người hoa (không phải tầng lớp đại đại gia) thường thấp
thấp, tối tối, nằm lẩn khuất, khép mình, ẩn dật… cho dù họ chỉ chọn những nơi
trung tâm, sầm uất, thuận lợi việc buôn bán để sinh sống. Có một chi tiết thú vị
là ở Cần Thơ thấy hầu như nhà người Hoa nào cũng treo ảnh Bác Hồ.
Hồi
còn nhỏ mình sống ở Sài Gòn, chung lớp với một cậu bạn người Hoa nhà bán phở
hay hủ tiếu gì đó mắt híp như hai sợi chỉ, nhưng cao lớn trắng hồng mũm mĩm. Cuối
những năm 70 đói khổ đang lên cao trào mà có được “bé khoẻ bé đẹp” như thế hiếm
lắm. Ngồi cạnh nó lúc nào cũng thấy bốc ra toàn mùi phở, thèm rỏ dãi.
Mình
ở trong toà nhà 5 tầng ở gần cầu Kiệu, kế bên là một cái ngách hẹp, trên lợp
tôn, ngày ngày thấy một bà già và 1 thằng con nít chui ra chui vào thì đoán đấy
là cái nhà. Thấy bà quát cháu bằng Hoa ngữ thì biết là người Trung Quốc. Thi
thoảng mình tò mò ngó vào thấy tối om, chẳng có đồ đạc gì ra hồn. Đùng cái có tin gia đình bên ấy vượt biên. Đó
là những năm 80 của thế kỷ trước.
Người
Hoa buôn bán giỏi và tích luỹ cực tốt nhưng hiếm khi để lộ cho người khác biết
mình giàu. Nhiều lúc cứ nghĩ phải chăng sự tạm bợ của nhiều gia đình người Hoa
xuất phát từ tập quán du cư, không chịu (và có thể là chưa tin tưởng) để gắn bó
dài lâu với một mảnh đất nào đó chăng?
Thế giới có 7 tỷ dân thì trong
đó Trung Quốc có 1 tỷ 3, đất nước lại rộng mênh mông, đủ các vùng khí hậu và thổ
nhưỡng; nhiều sắc dân, nhiều nét văn hoá đặc thù nên món ăn phong phú đa dạng
không có gì lạ.
Họ
di cư sang Việt Nam đem theo những món ăn truyền thống ấy. Quán ăn ngon giờ chẳng
hiếm, tây tàu đủ cả nhưng quán người Hoa có chất lượng khá ổn định. Nếu như một
số hàng quán khác bữa ngon bữa dở, thì dù ở thời điểm nào, quán người Hoa cũng
cố gắng phục vụ tốt nhất.
Tiệm mì ở đường Đề Thám- Cần Thơ
Mình
có mua một chiếc xe đạp leo núi ở tiệm chú T, người Tiều, đường Phan Đình
Phùng, Cần Thơ. Mua xong mấy anh trong CLB xe đạp bảo đắt. Môt hôm mình ra tiệm
chú T, vờ bảo, chú ơi có cái chân chống xịn không, cái chân chống kia tồi quá.
Chú ngồi thừ, bóp chán cố nhớ, nói cái xe nào nhỉ, không thể thế được. Cái xe
giá cỡ đó thì tôi không bao giờ lắp đồ rởm. Trông vẻ mặt bận tâm, ái ngại pha
chút cả quyết, mình tin chú không làm bậy. Mình biết họ chẳng bao giờ bán rẻ,
nhưng cũng không nói đồ giả thành thật, xấu bảo tốt. Mình vẫn tin là như vậy.
Nhân
nói tới cách hành xử của mấy ông chủ tiệm người Hoa lại nhớ tới Khưu Đức Hải. Hải
hơn 30, chắc thuộc thế hệ người Hoa thứ 4 thứ 5 sinh ra ở Việt Nam, đang làm chủ
1 tiệm đồ ăn Nhật, chủ 1 quán cà phê nhạc accoustic mà đích thân Hải là nhạc
công. Một hôm nghe tin trình diễn tứ tấu (guitare-violin-piano-acordion) mình đặt
bàn trước, nhưng đến muộn nên không còn chỗ để xe, phải quay về. Biết chuyện
này qua một người quen của mình, hôm sau Hải gọi điện, nói rất lấy làm tiếc và
mong thông cảm. Mình và ông chủ quán cà phê tên Hải ấy chưa từng biết nhau.
Bây
giờ cứ nói tới “hàng Tàu”, “người Trung Quốc” là vụt hiện ra trong đầu cái gì
đó chất lượng rất tồi, cần phải cảnh giác. Mình cũng có tâm lý như vậy. Song ở
đâu không biết chứ những hàng quán người Hoa đã sống lâu năm ở Việt Nam mà ta gọi
là người Việt gốc Hoa thì vẫn đáng tin cậy.
Thời
ông cha ông họ vượt biển tị nạn trên mảnh đất Việt Nam này, dù có thời điểm lên
tới hàng ngàn người, nhưng vẫn là thiểu số so với người bản địa. Cuộc sống ở mảnh
đất xa lạ không hề dễ dàng. Ông cha họ đã nỗ lực lấy cái ngon và làm ăn uy tín để
mưu sinh nơi xứ người. Đến nay xem ra họ vẫn giữ được điều căn bản ấy phải
không các bạn?
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ