Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Đá thiêng và tinh đá


Đọc báo thấy có bài về 3 hòn đá thiêng ở Kontum. Hòn thứ nhất đem lại sự may mắn. Đàn chó săn cứ đến chỗ hòn đá là châu đầu vào sủa, không chịu đi. Cực chẳng đã, đoàn người đi săn phải đem hòn đá theo. Hễ có hòn đá bên mình thì bắt được nhiều thú.

Hòn đá thứ hai biết đẻ. Cứ vài mùa rẫy lại thấy bên cạnh “nảy” ra một đá con. Hòn đá biết đẻ này cũng mang lại may mắn. Dân chúng đặt nó trong một cái chòi để thờ cúng.
Ảnh : Báo Thanh niên

Hòn thứ 3 phát ra ánh sáng kỳ ảo trong đêm. Đạo tặc rắp tâm đánh cắp nhưng không được, chúng bèn đập vỡ. Bị vỡ, ánh sáng tắt lịm.

Những nơi văn minh còn le lói và thấp thoáng thì cuộc sống còn hoang sơ. Thành công hay thất bại đều tìm được lời giải thích nhuốm màu huyền thoại, tâm linh từ hòn đá đầu bản tới cái cây cổ thụ ven rừng. Người ta thỏa mãn với cách lý giải ấy, câu trả lời ấy, và nương tựa vào nó như một đức tin khó phai mờ. 

Một nơi khác cách xa 3 hòn đá thiêng chừng 2000 cây số, ở đó có những chiếc cối đá giã bèo, giã gạo; những con lăn đá nằm lăn lóc lạnh lẽo nơi cầu ao, bờ rào bờ dậu. Những chiếc cối đá bị thủng, con lăn đá nhẵn bóng, chứng tích sống động của một thời lam lũ.


Tôi từng có suy nghĩ là sẽ thu thập những chiếc cối đá và con lăn ấy rồi chú thích “tiểu sử” như của nhà ai, có từ bao giờ, đã qua mấy đời, vì sao bị thủng bị mẻ… Sau đó thiết kế thành ngôi nhà có bức tường bằng cối đá và con lăn đá.

Rồi một ngày kia, con cháu sẽ đến ngắm nghía chiếc cối đá của bậc tiền nhân, sờ tay vào những vết sứt sẹo của thời binh đao loạn lạc, xoa tay lên vết nhẵn thín thấm đẫm mồ hôi, nước mắt trên đá để nhớ tới công lao tiên tổ. Mỗi chiếc cối, mỗi con lăn sẽ kể một câu chuyện lịch sử như cổ tích của ông bà.


Vì sao lại có thái độ tẩy chay và thù địch với một vật dụng quen thuộc, gắn bó với nhà nông như thế ? Người thì bảo để vướng víu chật nhà, kẻ lại nói “có tinh đá”, phải đem bỏ đi xa.

Những câu chuyện mang dáng dấp huyền sử về đá thiêng của người Xê Đăng, Rơ Mâm tạo ra sức mạnh tinh thần để vượt qua gian khó và hiểm nguy, làm cuộc sống thêm thi vị, nhưng nhìn ở một góc khác lại thấy tủi phận cho sự bất lực của con người. Đấy là lúc con người không tự tin vào những hành động của bản thân, che dấu, lấp liếm và ngụy biện cho thất bại của mình.

Còn những chiếc cối đá và con lăn đá đã được đẽo gọt thành hình hài của một vật dụng thiết yếu? Phải chăng hôm nay chúng không còn giá trị sử dụng và thực sự đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của một thời nên không còn chỗ đứng? Có thể vậy! Và cũng có khi người ta không muốn trong nhà có một vật dụng khơi gợi quá khứ cực khổ bần hàn. Nếu quả đúng như thế thì cái sự nghèo nó ám ảnh ghê thậ! 1/4 dân số nơi này đã bị chết đói vào năm 1945 cơ mà!

Chẳng ai muốn níu giữ cái nghèo, nhưng nó nên hiện hữu với tư cách biểu tượng để nhắc nhớ con cháu phải vươn lên, phải nhớ công lao của ông bà chú bác.

Những giá trị về mặt tinh thần như thế không phải người dân nơi đây không biết, nhưng cuộc mưu sinh trĩu nặng đôi vai, họ chẳng thèm nghĩ xa hơn chuyện cơm áo gạo tiền.

Dù được đặt trang trọng trong chòi, được người ta tôn kính hay bị thất sủng lăn lóc bên vệ đường, thì bên trong cái vỏ bọc tâm linh và dị đoan của hai vật vô tri ấy chỉ thấy sự lạc hậu và lam lũ của người nông dân. 




0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ