Cổng chào và hố xí
Cổng chào được báo chí nói nhiều khi người ta dự định xây cho Hà Nội một cái thật hoành tráng nhân 1000 năm Thăng Long.
Câu chuyện đã lắng dịu khi ý kiến
đúng đắn của dư luận được tiếp thu. Tuy nhiên gần đây lại thấy xuất hiện nhiều
cổng chào tính thẩm mỹ rất thấp, chi phí xây dựng chắc không hề nhỏ.
Phong trào xây dựng nông thôn mới
cũng là cái cớ để người ta đắm chìm hơn vào cơn mê sảng dựng cổng chào. Xã có
cổng chào, làng cũng có cổng chào. Về một số xã, huyện ở tỉnh TB sẽ thấy những
chiếc cổng chào đơn điệu, lạnh lẽo, vô hồn, được hàn từ tuýp nước dựng lên trên
một số con đường dẫn vào làng, xã. Hình như chính quyền ở đó cộng thêm cái cổng
chào vào các tiêu chí của nông thôn mới?
Ảnh: Người Hà Giang ( chỉ có tính chất minh họa)
Ý nghĩa thực dụng của cổng chào là để xác định ranh giới, giúp người ta biết đã đặt chân đến một vùng đất nào đó, một địa giới hành chính nào đó.
Với mục đích như thế thì có rất
nhiều giải pháp chứ không nhất thiết là phải
cổng chào, phải rập khuôn y chang một kiểu. Và có cổng chào hay không
cũng phải phụ thuộc vào kinh tế của địa phương chứ đừng đua đòi.
Ảnh Hiệu Minh
Đừng bao giờ đem cái cái cổng
làng của ông cha cùng một mớ mỹ từ như “truyền thống”, “bản sắc”, “dân tộc”… ra
để viện dẫn cho việc xây cổng chào. Cổng làng xưa, ngoài tác dụng định danh, giữ an ninh trật tự, nó
còn đậm đặc ý nghĩa văn hóa, các nhà nghiên cứu đã nói nhiều. Còn cổng chào bây
giờ phần lớn chỉ là biểu tượng có tính thời sự, thuần túy chỉ là cái biển hiệu
côi cút cùng những khẩu hiệu quen thuộc.
Tôi đã được xem ảnh chiếc cổng
chào bằng tre nứa rất thô sơ trong những ngày đầu hòa bình ở miền Bắc. Thời đó,
nhằm động viên khuyến khích tinh thần sản xuất, thi đua…, người dân dựng cổng
chào để tạo khí thế, để tự hào khẳng
định chủ quyền, một hành động dễ hiểu của những người dân mất nước vừa bước ra
từ bóng đêm nô lệ.
Nếu các nhà kiến trúc đem so sánh
chiếc cổng chào thời đó với hôm nay thì sẽ thất vọng vì nó chỉ to hơn và làm
bằng nhiều chất liệu hơn mà thôi. Chỉ là câu chuyện của cái cổng chào nhưng nó
thể hiện quá trình phát triển tư duy người quản lý. Nửa thế kỷ nhưng sự biến
chuyển chỉ là to hơn và bóng bẩy hơn, có rất ít sự sáng tạo, thể hiện rõ tư duy
rập khuôn, sao chép mà không tự nghĩ ra được cái gì đặc sắc cho chính mảnh đất
của mình.
Bill Gate đã bỏ lại phía sau công
việc sản xuất phần mềm để đem tiền sang tận Phi Châu cho những ai chế tạo thành
công chiếc hố xí không cần xả nước. Việc làm này không phải vì công nghệ thông
tin đã là quá khứ mà Bill Gate nhận thức được rằng nhà xí thiết thực, nhân văn
và bền vững hơn. Ôi, mong sao nhà quản lý của ta, trước khi quyết định thò túi
dân lấy tiền để dựng cổng chào, tư duy được một phần như thế!
Ai cũng biết khi giải ngân cái
cổng chào thì thể nào có người cũng rủng rỉnh tiền tiêu. Đó là một trong những
lý do khiến người ta đâm đầu vào. Ngoài ra nó còn được tung hô, được hà hơi
tiếp sức bởi những kẻ mê muội chuộc hình thức.
Tôi luôn có cảm giác là phía sau
cái cổng chào (xây dựng một cách lố bịch, phí phạm) kia tuyền là người “có IQ
cao”, và bu quanh họ là “những người dân hạnh phúc nhất thế giới”?!
Thật đau khổ, ở cái xứ sở đại
tiện nhiều nơi vẫn dùng que mà “vung tay quá trán”. Vĩ đại không đồng nghĩa với
kích thước, nhưng với kẻ vĩ cuồng thì vĩ đại nhất thiết phải to! Cổng chào
trưng ra trước bàn dân thiên hạ mới hoành tráng thơm tho, chứ ai lại đi khoe
cái nhà tiêu không dùng nước của Bill Gate…Thối lắm! Không ngửi được!
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ