Người quê-kẻ phố
Tôi có bản mặt rất nhà quê nên
khi ra chốn phố thị thường bị một vài người nhìn với vẻ mặt khinh khỉnh. Thoạt tiên cũng hơi khó chịu nhưng cũng tự an
ủi rằng sống ở ngoại thành (dù nay đã là quận) thì gương mặt nhà quê là
đúng rồi. Đến cố nghệ sỹ Văn Hiệp, sinh ra giữa phố cổ mà gương mặt
cũng rất quê đấy thôi.
Tự an ủi để khỏi tủi thân
chứ cái bộ dạng ngơ ngác, lớ nga lớ ngớ ở phố phường thì dân kẻ chợ xem thường
là phải. Họ xem thường vì người nhà quê có gì đáng nhìn: quần áo không
phải hàng hiệu, “cưỡi” trên “con” xe cũng chẳng sành điệu.
Hình như họ không cần để mắt thì đúng hơn? Nếu đúng thế thì tôi đã hiểu vì sao (có) người phố nanh nọc và chao chát thế, hay nhìn nhau bằng “ánh mắt mang hình viên đạn” thế, hay sắm bộ mặt bất cần, điệu cười nửa miệng khinh bạc, trịch thượng đến thế!
Đấy là họ lên gân, muốn “tỏ ra nguy hiểm” thôi.
Hình như họ không cần để mắt thì đúng hơn? Nếu đúng thế thì tôi đã hiểu vì sao (có) người phố nanh nọc và chao chát thế, hay nhìn nhau bằng “ánh mắt mang hình viên đạn” thế, hay sắm bộ mặt bất cần, điệu cười nửa miệng khinh bạc, trịch thượng đến thế!
Đấy là họ lên gân, muốn “tỏ ra nguy hiểm” thôi.
Họ sống trong một môi trường xô
bồ, bon chen, lừa lọc nên cần “mài sắc ý chí cảnh giác”. Đồng thời cũng phải ra
vẻ như thế để át vía, để dằn mặt kẻ lạ, để truyền đi thông điệp: “Không phải dân nhà quê
đâu. Đừng có mà bắt nạt!”
Cố nhiên không phải người phố nào cũng vậy. Thường là những người thiếu tự tin. Tệ nhất là chính một vài người quê ra phố ít bữa rồi học đòi. Cái cách làm dáng của lớp "người lai" này rất kệch cỡm, nhìn rất đáng thương.
Tôi tin những người ấy, nếu về quê, được đắm mình trong sự vồn vã mộc mạc chân thành thì hành vi của họ rồi cũng sẽ ăm ắp tình người, ánh nhìn của họ rồi cũng sẽ ấm áp lên nhiều cho mà xem.
Đôi khi hai từ “nhà quê” lại được
dùng để ám chỉ phong cách và việc làm thiếu văn minh, không chuyên nghiệp. Cho
dù không có mối liên hệ rõ ràng với người nhà quê hoặc vùng nông thôn, nhưng
khi chủ động chọn hai chữ ấy để biểu thị một ý niệm khác thì cũng bộc lộ một
thái độ miệt thị.
Cũng có một vài người phố ghẻ lạnh với
người quê, cho rằng người quê kém cỏi, lạc hậu, chẳng có gì đáng để mắt. Nhưng
lấy gì để xác nhận kẻ phố với dân quê? Nếu công nhận đình là thiết chế văn hóa
làng xã thì ở cái phố ăn chơi giữa trung tâm thủ đô - Hàng Hành - vẫn lù lù ra
đấy Đình Hàng Hành. Còn 36 phố phường Hà Nội là do dân quê tứ xứ vào bán hàng
rồi lập nên các phố “Hàng” như hôm nay. Làm gì phải vội xổ toẹt vào quá khứ của
chính mình? Đấy là hành vi tự tô vẽ cho bản thân nhưng rất thiếu nhân bản.
Có người không thích nhà quê
nhưng cái gì đẹp, ngon của quê họ đem lên thành phố hết: nhà quê (nhà
rường, nhà sàn, nhà cổ), gạo quê, gà vườn ở quê, rau sạch ở quê, gái quê… Rồi
dịp lễ tết, người phố kéo cả nhà về quê để hưởng cái không khí quê.
Khi lương thiện và sự
chân thành đã trở thành của hiếm, là “món” xa xỉ chốn thị thành thì người phố
thèm lắm một nụ cười, một lời mời, một câu chào mà đằng sau nó không ẩn chứa
bất kỳ một toan tính nào.
Xin mời người phố hãy về với người quê chúng tôi. Chúng tôi chỉ có củ sắn củ khoai nhưng mà là khoai
sạch, sắn sạch; chúng tôi sẽ mời đánh chén mà anh chị không phải đắn đo ngờ vực
về lòng chân thành; chúng tôi sẽ biếu quả trong vườn, cá dưới ao mà anh chị không cần
bận tâm suy nghĩ về sự vay - trả. Nhớ về nhé! Chúng tôi chờ!
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ