Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

Xin hỏi bộ trưởng.



Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời đại biểu quốc hội nhiều vấn đề, nhưng có 3 nội dung thấy vẫn còn băn khoăn.   

Đổi mới thi tốt nghiệp.
Thực ra đổi mới cách ra đề thi không hề mới. Trong cuộc cải cách GD vừa rồi cũng cố gắng thực hiện nhưng vẫn còn vướng ở nhiều khâu.

Nếu lấy việc thi cử làm đột phá khẩu, là tiếng súng khai hỏa để “đổi mới cơ bản, toàn diện GD” thì cũng nên cân nhắc, bởi như thế đồng nghĩa với việc chấp nhận nền giáo dục ứng thí, thừa nhận quan điểm “thi sao học vậy”, lấy kiểm tra đánh giá để thay đổi việc dạy và học.

Có một vấn đề đặt ra là khoa học đánh giá trong nhà trường ở ta phát triển tới đâu? Nếu để nó quy định trở lại việc dạy và học (cái gì và như thế nào) thì sẽ ra sao nhỉ? Mặt khác, khi chấp nhận “thi sao học vậy” thì có mâu thuẫn với yêu cầu GD toàn diện? Bởi không phải học cái gì cũng có kỳ thi để đánh giá.

E rằng với “căn bản và toàn diện” mà chỉ đặt vấn đề lấy đổi mới thi cử làm “quả đấm thép” xem ra chưa thuyết phục được xã hội.

Bệnh thành tích:
Bệnh thành tích gian dối trong GD không phải lỗi của riêng ngành GD mà của cả chính quyền địa phương. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói “Chúng tôi đã loại bỏ các quy định đánh giá giáo viên, cơ sở giáo dục dựa vào thành tích học tập của học sinh” thì xem ra chưa được chuẩn lắm.

Đơn cử 1 ví dụ: Để một trường đạt chuẩn quốc gia, ngành GD đưa ra 5 tiêu chí, trong đó 2 tiêu chí đầu tiên là tỷ lệ lưu ban và bỏ học hàng năm lần lượt không quá 5% và 1%. Thứ đến là học lực và hạnh kiểm với các tỷ lệ giỏi, khá, yếu kém rất cụ thể, chi tiết bằng con số. Thưa bộ trưởng, cái này không gọi là “đánh giá dựa vào thành tích” thì gọi là cái gì?

72.000 sinh viên thất nghiệp:
Bộ trưởng cho biết nguyên nhân dân tới tình trạng thất nghiệp là thành lập mới và nâng cấp quá nhiều trường ĐH không đủ điều kiện giảng dạy, dẫn tới việc tuyển sinh, đào tạo dễ dãi, sinh viên ra trường yếu; rồi cung - cầu không gặp nhau; ở phổ thông thì hướng nghiệp yếu, phân luồng vẫn tắc… 

Việc mở ồ ạt trường ĐH suy cho cùng thì trách nhiệm còn thuộc về những người tiền nhiệm. Song, là người kế nhiệm, lại biết rất rõ thực trạng này, Bộ trưởng phải có giải pháp chứ. Sao lại để mãi tới tháng 3 vừa rồi, khi có QĐ 37 của Thủ tướng mới dừng thành lập mới các trường ĐH. Trách nhiệm quản lý nhà nước về GD và đào tạo là tham mưu cho chính phủ, hoặc chí ít Bộ cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát; thẩm định chặt chẽ hồ sơ các trường thành lập mới hoặc xin “nâng đời”.

Còn nhớ hồi địa phương đua nhau mở đại học, họ cứ lấy tỷ lệ sinh viên/vạn dân ở Thái Lan ra để so sánh, để làm cơ sở đòi phải thêm nhiều trường?! Thật buồn cười! Sao không so sánh số doanh nghiệp Thái và Việt Nam xem họ chênh với ta cỡ nào. Thất nghiệp ở chỗ đấy chứ ở đâu. Không phải là Bộ GD-ĐT không biết điều này, nhưng khi quyền lực đã được trao vào tay thì khó buông lắm, bởi quyền lực và quyền lợi đôi lúc song hành.




0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ