Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Chuyện đánh nhau thời học sinh.



Mình thuộc dạng lẻo khoẻo nên “không dám ra gió”. Rất thích xem đấm bốc nhưng chưa dám đấm nhau lần nào. Làng mình là Xóm Lò, làng nhỏ không có trường nên cấp I phải sang học ở làng Thanh Am. Nhớ một lần tan học,  ti toe theo mấy anh lớn đi xem đánh nhau. Hào hứng, khí thế lắm! Nhưng khi chợt thấy mấy đứa đi đầu dừng lại chực chạy thì mình đã tay xếch quần, tay ôm cặp cắm đầu chạy, sách vở rơi tong tong. Mình biết nhưng sợ không dám dừng lại nhặt. Mũi rãi mồ hôi ròng ròng còn chẳng kịp lau nữa là dừng lại nhặt. Mấy đứa chạy sau thấy thế cười rũ, vừa nhặt hộ, vừa gọi với: Phong ơi! Bọn nó quay về rồi. Dừng lại đi!

Lên cấp III mình cũng chẳng đỡ nhút nhát hơn là mấy. Cũng mấy bận đi học võ cho ý chí kiên cường nhưng được vài hôm mình mẩy ê ẩm lại thôi. Được cái hồi đó Trường Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) thuộc diện trường giỏi, ngoan, nên ít học sinh hư. 

Trong lớp, mình thể hiện tinh thần quốc tế vô sản, cho bọn có máu mặt chép bài nên chúng nể mình lắm. Còn bọn con gái thì mê tít, có đứa còn xung phong về nhà giặt quần áo hộ.

Thế nhưng có thằng lớp bên cạnh, “chó cậy gần nhà”, rất hung hăng. Một lần mình đang ngồi trong lớp, nó đứng ngoài cửa sổ thò tay vào giật áo mình cười rồi hét toáng lên: “A, thằng cận, thằng cận” (đầu những năm 80, học sinh bị cận ít lắm, cả trường mỗi mình bị). Cả lớp dồn mắt nhìn mình lo sợ và thương hại. Lúc đó bực nhất là mấy thằng có máu mặt trong lớp không dám lên tiếng can thiệp, bảo vệ mình. Đúng là không có bạn bè, kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là tối thượng. Chắc chúng sợ liên lụy.

Mình hết sức kiềm chế, chủ trương là kiên trì giải quyết thông qua đối thoại, bằng biện pháp hòa bình để giữ ổn định và quan hệ hữu nghị giữa hai…thằng học sinh.

Thế nhưng thằng mất dạy kia không chịu buông tha. Mình ở cái thân phận con chuột nhắt đang bị mèo vờn qua vờn lại, bị tung hứng để tiêu khiển.

Điên tiết không chịu nổi, sẵn cái búa trong ngăn bàn (hồi đó học sinh khối 11 phải đi đóng thùng hàng ở xưởng bao bì chỗ đầu cầu Long Biên) mình rút phắt ra, nhắm vào tay thằng chó phang một nhát.

Phúc tổ 3 đời nhà nó (và 4 đời nhà mình)! Nó rụt tay lại quá nhanh nên trượt, làm vỡ tan viên gạch.

Cuối giờ nó chờ sẵn mình ở cửa. Mình vừa nhô ra nó lao ngay vào… Nhưng mình biết trước nên đã “đưa vụ việc ra Liên Hiệp Quốc, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế” nên có mấy đầu gấu cỡ bự ập vào ngay...  He he, sau vụ đó nó cũng nể mình.

Chuyện thật 100% . Anh em nào học lớp thầy Đào Công Vĩnh chủ nhiệm ( 83-87) chứng thực giúp.

Thói thường, tâm lý người bị ức hiếp thường không vững vàng, ổn định như kẻ chủ động bắt nạt, gây hấn. Người bị ức hiếp thường lép vế và rất dễ bị tổn thương, dễ cùng quẫn thiếu kiểm soát, dễ bật dậy phản ứng một cách bản năng. Trong khi kẻ ỷ vào sức mạnh vượt trội đi ức hiếp thì luôn ở thế trên cơ, tâm lý thoải mái, thậm chí có cái hưng  phấn của kẻ có sức mạnh.

Thế mới phục anh em đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông nhẫn nhịn rất giỏi. Nhưng cũng không biết khả năng kiềm chế và sự nhẫn nhịn chịu đựng được đến lúc nào.


 

  

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ