Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Đơn thân khó gần?


Người đơn thân (không có vợ/ chồng/con cái) thường bị cho là khó tính. Điều đó đúng không? Vì sao?

Không phải nhà tâm lí nên tôi chỉ có một vài kiến giải thông qua trực giác, chắc còn thiển cận, bà con đại xá.

Ai từng trải qua thăng trầm của cuộc sống, nếm đủ các cung bậc hạnh phúc và khổ đau của đời người thì người đó thường sống rất tĩnh tâm, có chiều sâu, có bản lĩnh và đặc biệt là rất hiểu, rất dễ tha thứ, rất dễ cảm thông với mọi người.

Phải chăng vì lẽ đó mà nhiều người, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng rất muốn trải nghiệm một hoàn cảnh khác, một vị thế khác, một hoạt động khác… để lắng nghe cơ thể mình, suy nghĩ của mình, cảm giác của mình  như thế nào.

Một người đơn thân chưa một lần vượt cạn sao biết đau đẻ thế nào. Họ cũng chưa một lần được nghe tiếng con mình đẻ ra oe oe khóc, chưa phải hì hụi đêm hôm chăm sóc con ốm… thì khó lòng hiểu hết hạnh phúc và nỗi vất vả của  người làm mẹ.

Người đơn thân sống khỏe vì không bị ràng buộc bởi các mối quan hệ bên nội bên ngoại, anh chị em bên chồng, bên vợ… Trong khi đó, bình thường, chúng ta phải vất vả xử lý thật tinh tế các mối quan hệ này. Chính vì thế chuyện “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” không hiếm. Song, hầu hết điều chỉnh được, đều kìm cái TÔI để được cái TA chung lớn hơn, đấy là hạnh phúc gia đình. Trải qua những mâu thuẫn như thế (chính xác là giải quyết mâu thuẫn), tính cách mỗi người sẽ phát triển theo hướng biết dung hòa và sẻ chia.

Người có gia đình thường phải di chuyển tới một địa bàn khác để sinh sống. Nếu là nữ thì về nhà chồng, còn  nam thì ra ở riêng. Chuyển sang một không gian sống khác, họ phải làm quen với những mối quan hệ cộng đồng mới. Đây cũng là một bài tập giúp cho tư duy, thái độ và hành vi ứng xử của họ linh hoạt, uyển chuyển hơn. Họ dễ dàng hòa nhập với cái chung để sống. Còn người đơn thân ít có sự dịch chuyển về không gian sống, mà nếu có thì sự dịch chuyển ấy cũng không tạo ra nhiều sự cọ xát trong các mối quan hệ. Tách biệt với cộng đồng hoặc thiếu va đập với những mối quan hệ xã hội chằng chịt dễ khiến con người phát triển không hoàn chỉnh.

Sống tách rời xã hội và gia đình tạo cho con người một đời sống tinh thần nghèo nàn. Lĩnh vực tinh thần ở đây không phải ti vi, ca nhạc, đọc báo, chơi thể thao… mà quan trọng hơn, là những mối quan hệ chằng chịt, phức tạp với gia đình và xã hội.

Phải chăng quan trọng như thế nên một trong những "thiên chức" của GD là xã hội hóa con người để người đó biết cách sống trong một xã hội cụ thể. Nó cũng tương đồng với một trong 4 trụ cột GD mà UNESCO đưa ra. Đấy là HỌC ĐỂ CÙNG CHUNG SỐNG.

“Biết cách sống trong một xã hội” hay biết cách “cùng chung sống” rất cần thiết trong cuộc đời mỗi người. Thành công hay thất bại trong sự nghiệp một phần cũng có nguyên do ở chỗ này.

Hầu hết người đơn thân nhận thức được “những khác biệt”, những thiệt thòi của bản thân nên cố gắng điều chỉnh để sống chan hòa. Song cũng còn một số khó gần. Có lẽ một phần do thiếu những trải nghiệm phong phú trong đời sống tinh thần nên họ thiếu sự cảm thông?  Bất kể ai, nếu không biết buồn cái buồn của người khác, vui cái vui của người khác thì cũng chẳng ai vui buồn cùng mình, từ đó sự cô đơn xuất hiện.

Thiếu tiếng con trẻ hay bàn tay người đàn ông, đàn bà không đáng sợ bằng để tuột mất sự gần gũi của mọi người xung quanh. Bởi vì lúc đó cô đơn đã "chuyển sang giai đoạn cuối" để trở thành cô độc.


   

           




0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ