Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

SỨC MẠNH VIỆT NAM.

Nếu TQ không kéo dàn khoan HD-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của VN thì tháng 5/2014 này sẽ tiếp tục ghi một dấu mốc trong lịch sử giữ nước của dân tộc VN với bá quyền phương Bắc.

Suy nghĩ thường trực trong đầu  90 triệu dân Việt những ngày này là VN đối phó ra sao với mộng bành trướng nham hiểm của Bắc Kinh - một quốc gia có sức mạnh quân sự và kinh tế đáng gờm trên thế giới.

Nhiều người chẳng giấu nổi bức xúc, sẵn sàng “sát thát”, “hy sinh”, “đánh tới giọt máu cuối cùng” vì lãnh thổ thiêng liêng. Có kẻ lại muốn chứng tỏ sự bình tĩnh và am tường bằng cách chê trách thái độ “nóng nảy” ấy. Xét cho cùng, nhìn ở một phương diện nào đó, tinh thần dám hy sinh ấy chính là hạt ngọc của dân tộc VN, là sức mạnh khủng khiếp mà kẻ thù từng run sợ.

Chắc chắn không phải dân tộc nào cũng đồng lòng xả thân để bảo vệ tổ quốc khỏi ngoại xâm như dân tộc Việt Nam.

Thời còn học tiểu học, bảo tàng đầu tiên tôi được cha dẫn đi thăm là Nhà trưng bày tội ác Mỹ Ngụy ở Sài Gòn (nay đổi tên thành Bảo tàng chứng tích chiến tranh). Trẻ nít vốn dĩ "thích" xe tăng, máy bay…, tôi cũng không ngoại lệ, nhưng ở đó hiện vật gây ấn tượng nhất với tôi lại là “chuồng cọp”. Tôi không hiểu làm sao Việt Cộng lại có thể sống sót, thậm chí đào thoát, khi ở trong cái chuồng cọp khủng khiếp ấy.



 Liệt sỹ Bế Văn Đàn
Rồi gần đây đọc các tài liệu về nhà tù Phú Quốc, Côn Đảo…, biết những chiến sỹ cách mạng bị bẻ răng bằng kìm, đục bánh chè, đóng đinh vào đầu, cho rắn chui vào chỗ kín… mà rùng mình tự hỏi: Không biết họ có sức mạnh gì để vượt qua những đòn tra khảo bạo tàn như thế.

Sức mạnh ấy chỉ có thể xuất phát từ tinh thần. Đó là sức mạnh của chính nghĩa bảo vệ non sông. Sức mạnh ấy kẻ đi xâm lược không có nên không bao giờ hiểu nổi và chúng khiếp sợ cũng là điều dễ hiểu.

Hôm nay, ở biển Đông, nếu điều xấu nhất  (chúng ta chẳng hề muốn) xảy ra,  thì những người con đất Việt luôn tiềm tàng sức mạnh của người lính bảo vệ bờ cõi của tiên tổ. Sức mạnh ấy dễ dàng vượt qua mọi thử thách, mọi đớn đau của thể xác để chiến thắng và làm kẻ thù kinh hãi.

Sẽ có bạn hoài nghi cho rằng “thời buổi chiến tranh công nghệ cao, phi tiếp xúc…,  ngồi đó mà mài cái tinh thần ra để mong chiến thắng.”

Điều các bạn lo lắng là có cơ sở. Tinh thần và ý chí chỉ là động lực, là chất xúc tác khiến cho mọi hoạt động trở nên thăng hoa, sáng tạo, mạnh mẽ đến phi thường. Song vẫn cần có vũ khí đủ mạnh.

Những năm đánh Pháp, Mỹ, tương quan về vũ khí giữa ta và đối thủ chênh lệch gấp nhiều lần, vậy mà ta vẫn thắng! Còn hôm nay khoảng cách ấy đã được rút ngắn đáng kể. Có thể cuộc chiến, nếu diễn ra, sẽ rất khác xưa, nhưng vũ khí hiện đại cỡ nào cũng có điểm yếu. Trong khi đó người Việt càng trong gian khó càng “ló cái khôn”. Những “cái khôn” ấy, những sức mạnh lạ kỳ ấy chỉ xuất hiện trong thực tiễn nguy nan. Chẳng khoa học nào giải thích được một Ngô Thị Tuyển vác 2 hòm đạn 98 kg, gấp 2 lần trọng lượng cơ thể mà vẫn băng băng trong mưa bom bão đạn. Đấy! Cái sức mạnh ý chí và tinh thần khiến ta làm được những điều phi thường như thế.     



Chị Tuyển
Ta không có tàu sân bay Liêu Ninh, không có tàu ngầm hạt nhân, không có đông quân nhiều đạn. Nhưng vũ khí trong tác chiến bảo vệ, phòng ngự có một số tính năng khác với vũ khí tấn công. Điều này những nhà quân sự của chúng ta thuộc nằm lòng. Do đó, bất lợi thế về số lượng và sự tân tiến của vũ khí khí tài không còn là vấn đề được đưa lên hàng đầu nữa.

Nhân dân thế giới luôn ủng hộ lương tri và chính nghĩa. Không ai đi cổ vũ cho bọn xâm lăng ngạo ngược, nhất là phe diều hâu ở Trung Nam Hải luôn ôm mộng bá quyền.

Người lính đi xâm lược không bao giờ có được sức mạnh tinh thần và ý chí như một người lính vệ quốc. Thời buổi thông tin hầu như không còn bị bưng bít, giới hạn. Những kẻ đi xâm lược ấy chắc chắn sẽ chùn bước, dao động khi biết được lẽ phải thuộc về ai.

Mỗi khi đất nước có ngoại xâm, người Việt sẵn sàng vứt bỏ những bon chen, toan tính; tạm gác lại những xích mích, thù hằn để cùng nhìn về một hướng, tạo nên sức mạnh đoàn kết của con cháu Lạc Hồng. Sức mạnh Việt Nam là ở đó, ở trong từng người dân của 54 dân tộc anh em sống trên dải đất hình chữ S này.       
 


      

                

 

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ