Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Thi tốt nghiệp: Vẫn thế thôi!



Năm nào cũng vậy, trước kỳ thi tốt nghiệp báo chí lại “nóng” lên. Nơi này loan tin một quyết định, một quy chế mới; chỗ kia đăng phát biểu của giới chức có tránh nhiệm.

Năm nay cũng có một điểm mới đáng kể là cho phép thí sinh đem thiết bị vào phòng thi.

Tôi đem câu chuyện này kể với hiệu trưởng một trường THPT tôi chơi rất thân, ông hiệu trưởng nheo nheo mắt cười, nói vẫn thế thôi rồi chuyển sang đề tài khác.

Câu “vẫn thế thôi” lửng lơ đầy ẩn ý nhưng đại khái là chẳng có gì thay đổi, đừng kỳ vọng.


Tiêu cực thi cử nếu không ngồi trong phòng thi, tài thánh cũng chẳng phát hiện. Biết điều đó, và thấm thía những vụ thanh tra thi bị “việt vị”, nên Bộ kiên quyết cho học sinh làm “giám thị” trước nhiều ý kiến không đồng tình từ phía dư luận, thậm chí giáo viên.

Quy chế đã ban hành, kỳ thi bắt đầu nay mai nên khỏi bàn thêm, nhưng việc địa phương nào đó yêu cầu thí sinh đăng ký thiết bị trước khi vào phòng thi được xem như điển hình của giải pháp ngăn chặn từ xa.

Tôi đồ rằng còn nhiều biện pháp thuộc dạng phi văn bản khác mà mục đích răn đe để thủ tiêu ý chí chống tiêu cực nhiều hơn là ngăn chặn gian lận phát sinh từ chính những thiết bị này. 

Khi nói về nhận định có phần chủ quan trên, vị hiệu trưởng, bạn tôi, vẫn nheo mắt hóm hỉnh, nói thì cũng là câu chuyện an toàn cả thôi. Thế rồi tiếng cười khà khà vô tư lự của ông tiếp tục lái câu chuyện sang chủ đề khác.

Việc địa phương có ý định kiểm soát các thiết bị trước kỳ thi để thực hiện cái gọi là “an toàn” ấy chứng tỏ chủ trương của Bộ chưa nhận được sự đồng thuận 100%. Khi không có sự thống nhất cao thì cũng chẳng có gì đảm bảo việc thực hiện sẽ rốt ráo và nghiêm túc.

Những quy định về thi cử ban hành thời gian qua được xem như nhưng những giải pháp tình thế bất đắc dĩ, ít nhiều cũng có tác dụng, nhất là để cho xã hội thấy ngành giáo dục cũng đang “đau đầu” và lưu tâm tới gian lận trong các kỳ thi.

Thực ra cái động lực khiến thí sinh (và kể cả một số hội đồng thi) gian lận nó luôn mạnh mẽ hơn bất kỳ một giải pháp ngăn chặn nào được đưa ra từ xưa tới nay.

Chưa kể tới những vấn đề còn tranh cãi mang tính học thuật như lựa chọn môn thi, phân luồng, sự nghiêm túc trong các kỳ kiểm tra học kỳ, ý nghĩa và tính thiết thực của kỳ thi…, nói chung là khoa học đánh giá, thì cái động lực mạnh mẽ nhất khiến cho thí sinh, và nhiều người trong chúng ta nữa, tặc lưỡi với gian lận thi cử, là sự chấp nhận của xã hội với những sản phẩm nhân lực kém chất lượng.


Chừng nào xã hội còn những mảnh đất màu mỡ béo bở cho nhưng kẻ có bằng mà không có học thì khi đó đừng nói tới việc chống gian lận một cách bền vững.

Lúc đó báo chí có hỏi giới chức về kỳ thi chắc vẫn nhận được câu “an toàn và nghiêm túc” quen thuộc. Những người thiệt lòng có tâm với sự học như ông bạn hiệu trưởng của tôi thì nói “vẫn thế thôi”; những ông giáo già ở địa phương, dẫu đau lòng trước điều tai nghe mắt thấy, nhưng vốn dĩ mang bản tính cầu an của nghề giáo, lại thấm thía sự bất lực của bản thân và đồng nghiệp trong công cuộc chống tiêu cực sẽ lảy một câu Kiều như thế này: Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh/ Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng./.        













   

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ