Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

Đất nước ơi lãng phí đến bao giờ?






Hà Nội tháo gỡ hai cầu vượt cho người đi bộ để xây cầu vượt. Cây cầu dành cho người đi bộ mới “sống” được 5 năm đã phải di dời.

Phí quá! Mỗi cây cầu tiêu tốn ngót nghét chục tỷ. Lãnh đạo ngành giao thông vận tải Hà Nội nói “không gọi là lãng phí vì vẫn sử dụng được”. Thế nhưng ông này kể riêng cái móng đã mất vài tỷ.

Vài tỷ mà không gọi là lãng phí? Quy ra bò không biết bao nhiêu con. Nay chuyển sang chỗ khác cộng thêm vài trăm triệu tiền công nữa chắc cũng chẳng là cái đinh gì?        

Lại nhớ ngành bưu chính viên thông đã đầu tư không biết bao nhiêu tiền để khai thác điện thoại thẻ, cột dựng khắp cả nước, đúng lúc điện thoại di động ra ầm ầm, điện thoại thẻ chết yểu, nay thành chỗ để người và chó đi…tè.
Thôi thì kỹ thuật, công nghệ phát triển hàng ngày, không lường hết cũng dễ cảm thông. Đằng này mới xây đã phá lại còn ngụy biện “vì nhu cầu khác lớn hơn”. Sao các bác không thấy cái “nhu cầu” ấy từ khi lập quy hoạch nhỉ?

Khi lập kế hoạch này chiến lược kia thì tầm nhìn xa vời vợi. Hóa ra “tầm nhìn” toàn trên giấy?

Có người phàn nàn về “văn hóa kế thừa”,“tư duy nhiệm kỳ”, “năng lực công chức”…, tôi bán tín bán nghi, nhưng qua câu chuyện đập phá trên có lẽ cũng phải nghĩ lại.

Nếu có cuộc thi đào đường và đập phá có lẽ nước ta dành quán quân thế giới. Nghĩ mà xót! Hồi tôi còn bé, rơi có vài hạt cơm xuống chiếu mà bố bắt nhặt bỏ lại vào bát cho kỳ hết, mẹ nói, mỗi hạt cơm là một giọt mồ hôi của bố mẹ đấy! 

Thầy giáo tôi kể, hồi còn là sinh viên đại học, nhà trường thưởng cho lớp nửa hộp sữa bò. Bốn mươi sinh viên không biết chia làm sao, cuối cùng đành pha loãng rồi dùng xi lanh hút “tiêm” vào miệng từng người.

Chẳng biết thầy có tếu không nhưng tôi tin là thực, vì khi kể chuyện này, một đồng nghiệp bĩu môi, xì cái, nói tưởng gì, thời bao cấp cả phòng nơi bố anh làm việc được phân một cuộn len to như quả bóng nhựa. Nâng niu cuộn len trên tay mà người nọ nhìn người kia, cuối cùng “nghị quyết” là tở ra chia đều, mỗi người được một cuộn bằng quả chanh.

Kỷ niệm một thời đói khổ vẫn nguyên đấy thế mà nhiều người chóng quên, lãng phí vô tội vạ. Dự án sắm sanh thì cũng vì những quy định tưởng chặt nhưng hóa cứng nhắc, rồi phết phẩy này nọ mà lãng phí, thất thoát không biết bao nhiêu.

Đất nước đang lúc khó khăn thế mà các vị công bộc ngồi đấy dự tính xây vài chục rạp chiếu phim, xây bảo tàng nghìn tỷ…bằng tiền ngân sách. Thật hết biết!  

Ngóng sang các nước mà thèm cái cung cách của người ta. 2011, Ý bị vỡ nợ, kinh tế khó khăn, mùa giáng sinh năm ấy, bà Bộ trưởng Lao động đã lên ti vi nói rằng quà chỉ dành cho trẻ thay vì trước đây người lớn đều được.

Nước Mỹ giàu có vậy nhưng dân Mỹ sẵn sàng chờ đợi, xếp hàng từ sớm tinh mơ để mua hàng giảm giá.

Cuối những năm 90, tôi đi dọc sông Đà nhìn những cái chợ mái tôn đỏ rực bên bờ sông không một bóng người, thuyền buôn cũng chẳng ghé qua, mà tiếc. Nhà nước ưu ái xây chợ cho dân di vén nhưng không cần biết đặt chỗ nào cho phù hợp. Đến hôm nay câu chuyện lặp lại với những siêu thị hoành tráng ở các thành phố lớn. Văn minh thương mại rất cần, nhưng văn hóa chợ của một cộng đồng cũng phải xem xét chứ đừng xổ toẹt.
      
Báo Thanh niên vừa có bài “Làng chơi ngông”, kể về 40 nóc nhà người Xê Đăng vừa có tiền đền bù đất nên ùn ùn sắm xe hơi, ngồi nhà hát karaoke và nhậu nhẹt vô tội vạ. Có nên trách người dân không khi mà đây đó Nhà nước vẫn còn phung phí những đồng tiền do chính họ làm ra?

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ