Sự khác biệt .
Đọc trên Lao động thấy bài “Rong ruổi cùng xe ôm là cháu nội Vua Thành
Thái” bỗng dưng tôi muốn có một vài so sánh cung cách phục vụ giữa hai miền
Nam - Bắc.
Đọc bài viết trên người ta thấy
sự giản dị, mộc mạc, chân thực rất đáng mến (và đáng trọng nữa) của anh Bảo
Tài. Anh kể về xuất thân hoàng tộc của
mình nhưng không vì thế mà tỏ ra huênh hoang, trái lại rất khiêm nhường, khiêm
nhường một cách thành thực chứ không vờ vĩnh để lấy điểm.
Tôi đồ rằng đó cũng là phong cách
ứng xử chung của những người phía Nam làm nghề chạy xe ôm.
Còn ở miền Bắc thì sao? Không dám
nói tất cả nhưng trường hợp dưới đây xuất hiện ở số đông.
Nếu trên đường đi, bạn bắt chuyện
với xe ôm ở miền Bắc thì dễ nhận được hai phong cách ứng xử trái ngược: than
vãn cuộc sống khổ cực, trớ trêu hoặc tô vẽ và đánh bóng hoàn cảnh của mình.
Ở trường hợp thứ nhất, bạn sẽ mủi
lòng thương cho số phận hẩm hiu mà cho anh ta thêm tiền, hoặc không hề phàn nàn
gì về số tiền anh ta yêu cầu, dẫu hơi cao, nhưng thôi, coi như làm phúc.
Ở trường hợp thứ hai, người lái
xe ôm sẽ đón tiếp bạn với một cái liếc xéo, bằng một sự chấp nhận miễn cưỡng
cùng cách nói chỏng lỏn, trịch thượng, ra cái điều ta đây không cần chở đâu,
ông đề nghị thì tôi phải đi thôi. Trên đường, họ không ngớt phàn nàn, ta thán
và tỏ ra bực dọc về đoạn đường ngoắt ngoéo, rồi lại than đêm hôm khuya khoắt, trời
nắng trời mưa; nếu bắt chuyện, bạn sẽ được nghe một bài huyênh hoang khoác lác
về cái gia đình rất “có điều kiện” của anh ta, rằng việc chạy xe ôm chỉ là phụ,
ra đường cho hiểu biết thêm xã hội chứ việc chính là đi câu rồi nhậu với chiến
hữu, chạy xe ôm cho vui chứ mấy đồng bạc lẻ nhằm nhò gì.
Mấy bữa nữa, có khi mấy ông này còn
khoe đi đánh gôn với các VIP không biết chừng.
Một biến dị khác của trường hợp “xịt
nước hoa vào hoàn cảnh” là bốc thơm những khách hàng ruột của mình, rằng họ hào phóng lắm, đi có cây số móc 50
ngàn dúi vào tay kèm theo cái nháy mắt, nói thôi đem về mua sữa cho con; hoặc, khỏi
trả lại tiền thừa, anh bồi dưỡng thêm để chú chữa bệnh cho cụ ở quê. Rồi sau đó
người lái xe ôm không ngớt lời ca tụng họ có lòng nhân ái, sống ở đời phải biết
tích đức, phải biết tán lộc như thế lộc mới vào…, còn phàm là cái bọn keo kiệt
thì,…ôi giời…, xởi lởi trời cho, ky bo trời lấy lại ấy mà!
Đến đây thì bạn có muốn làm người
có lòng nhân ái, đức độ không? Muốn thế thì ai lại đi kì kèo vài ba chục ngàn?
Nói thực tôi rất dị ứng với hai
trường hợp khôn lỏi điển hình trên vì cả hai đều nhằm đến một mục đích là “thò
tay” vào hầu bao của bạn để vòi thêm tiền.
Tôi đi xe ôm ở phía Nam cũng thấy
có chuyện xin thêm tiền, lấy đắt, nhưng chưa bao giờ thấy họ “văn vở” như câu
chuyện trên. Có thể tôi gặp may, và cũng có thể trình độ “làm văn” của xe ôm
phía Nam còn thấp?
Cách đây mấy hôm ngồi uống sinh
tố bên bờ sông Sài Gòn, ngắm nhìn cây cầu mới bắc qua bên Nhà Bè, ngồi mãi, lúc
tính tiền hết có mười mấy ngàn, còn đâu 1000 tiền thừa, tôi không lấy vì nghĩ
kiếm đồng lẻ ấy khó. Đã dắt xe xuống đường rồi mà chị chủ vẫn cho con chạy
theo, nói chú ơi tiền thối, tiền thối chú ơi.
Hôm sau ra Bắc, ăn bát bún cá,
cũng trả thừa 1000. Trả xong tôi lụi hụi trở ra lấy xe, vừa đi vừa cố nghe xem
có ai gọi “chú ơi tiền thối”, nhưng không hề.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ