Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Bực mình lại viết về láng giềng.






Mình đã định thôi không viết tiếp các mẩu chuyện lặt vặt về Trung Quốc nữa vì nó nhạy cảm. Thế nhưng khi biết một nhà hàng ở Bắc Kinh treo cái bảng hiệu không phục vụ người Nhật, Philipin, Việt Nam và… chó thì mình thấy cần phải viết.

( Cái bảng này ở một quán hàng tại Bắc Kinh đề không phục vụ người Nhật, Việt Nam , Philippin và  chó)

Mình chính thức  đi Trung Quốc có một lần nhưng được nghe kể thì khá nhiều.

Không kể các đoàn đi tour, các đoàn làm việc của VN sang được TQ tiếp đón vô cùng chu đáo. Người đồng cấp bên họ sẵn sàng lao ra xách va li từ xe vào khách sạn cho bạn mà chẳng chút nề hà, không hề do dự hay miễn cưỡng. Tuy nhiên, nhìn kỹ vào ánh mắt của họ thì thi thoảng thấy lóe lên sự bỡn cợt và trịch thượng. 

 Mình (đeo kính) ở Dương Sóc - Nam Ninh đấy! Có biết chữ mẹ nào đâu, chủ yếu liếc con tóc vàng.

Chú Huy Dung, sếp cũ của mình đi Trung Quốc kể chuyến bay về VN bị chậm, cả đoàn đang ngồi chờ thì bạn lại đột ngột xuất hiện cho dù trước đó đã thắm thiết ôm hôn từ biệt. Họ nói nghe tin chuyến bay chậm nên mua đồ ăn vào cho đoàn. Họ chân tình khuyên không nên ăn cơm trong sân bay, đắt lại không ngon. Láng giềng làm thế hỏi ai không xúc động.  

Vì một lý do nào đó mà cấp trên của láng giềng (cấp có thể cao hơn của đoàn VN) không ra dự được bữa ăn sáng hoặc chào đón bạn ở sân bay thì họ sẽ xin lỗi rất nhiều lần và trình bày lý do một cách thuyết phục.

Khác với phương Tây và có thể khác trong quan điểm của bạn, Trung Quốc đã tiếp khách thì không có khái niệm tiết kiệm. Với họ đồ ăn cứ phải thừa mứa, ê hề đến mức ăn không nổi thì mới gọi là trọng khách, đãi khách.

Bạn đừng bao giờ vì tiếc của giời mà hỏi chi phí hết bao nhiêu. Họ sẽ không nói, thậm chí còn tỏ vẻ khó chịu. Cứ thoải mái ăn chơi đi! Chẳng thế mà thời ông hoàng Xi-Ha-Nuc tị nạn ở đấy, láng giềng xây cho cả một cung điện chẳng khác gì hoàng gia bên Căm – pốt.

Ăn uống ở bên Tàu thì khỏi nói. Bữa nào cũng ăn món mới thì có lẽ phải ở đó cả tháng may ra mới biết hết được. Đấy là đoán vậy, mình mới được ăn vài chục món thôi, hi hi.

Trong bữa ăn, láng giềng luôn biết khéo léo lồng cái văn hóa ẩm thực, văn hóa địa phương (nơi đến) vào để món ăn thêm ý nghĩa. Thực ra là một cách khéo léo để tuyên truyền lịch sử đồ sộ của mình, để khuất phục đối phương về văn hóa. Cái này không có gì mới. Nó là một phần của ngoại giao văn hóa. Song cái đáng phục láng giềng ở chỗ họ "quán triệt sâu sắc" tới mọi cấp của họ và thực hiện rất nghiêm, rất nhất quán.

Việc một ông chủ cửa hàng ở Bắc Kinh treo cái biển sặc mùi chủ nghĩa dân tộc cực đoan kia, tôi nghĩ chỉ là phút bồng bột cá nhân của một “thằng bé” 60 tuổi ấu trĩ về chính trị thôi. Thực tế láng giềng khôn khéo, thâm sâu và bài bản lắm! Họ muốn khi chưa phải động binh thì thiên hạ đã bị khuất phục bằng chính nền văn hóa Trung Hoa đồ sộ; họ muốn sau khi ngang qua Vạn Lý Trường Thành, ai đó “yếu bóng vía” phải khiếp nhược mà thần phục. Đấy mới là cái láng giềng muốn chứ không phải ba cái dòng chữ bậy bạ trẻ ranh kia./.

   
Đây là tấm biển "cấm chó và người Trung Quốc" trong bộ phim Tinh võ môn. Trong phim, tấm biển này được treo ở Thượng Hải và công viên Hoàng Phố. Diễn viên Lý Tiểu Long trong vai Trần Trân đã tung cước đá vỡ tấm biển này để thể hiện tinh thần bất khuất của người TQ. Thế mà hôm nay lão chủ quán ở Bắc Kinh lại diễn lại trò xưa của bọn thực dân kỳ thị?!     
   

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Thử lý giải thói quen khạc nhổ của người Việt.





Mình ái ngại và đắn đo khi suy nghĩ và viết về thói quen xấu này của người Việt mình. Nhưng cũng chính vì xấu hổ nên thử tìm nguyên nhân để mọi người cùng tham gia, ngõ hầu giảm được tí nào hay tí nấy. Bài viết hơi thô, mong mọi người thông cảm!

Muốn nghe tiếng khạc nhổ thì cứ vào nhà vệ sinh. Một người đẩy cửa bước vào, thì y như rằng, bên dưới thò tay kéo khóa, bên trên miệng bắt đầu khoạc rồi nhổ phì phì.

                                                                 Bịt mũi thở bằng mồm?!

Tôi đồ rằng vì trước đây, thành phố tồn tại hố xí thùng; nông thôn sống cùng hai ngăn đổ tro đổ trấu hoặc cầu tõm, rất bẩn nên cứ vào đấy là người ta lợm giọng, buồn nôn, buộc phải nhổ một phát.

Ngày nào cũng thế lâu dần thành phản xạ có điều kiện.  Tức là cứ vào hố xí, nhìn thấy hố xí (điều kiện) là người ta có phản xạ nhổ.

Cho tới hôm nay, dù vào nhà vệ sinh ở khách sạn 5 sao thơm phức, thì đứa trẻ ngồi hố xí thùng hôm nào, có thể nay đã quyền cao chức trọng, thì vẫn khạc và nhổ một phát cho hết đống nước bọt đang dồn ứ trong mồm.   

Một lý giải nữa cho việc này là môi trường ở ta ô nhiễm nên nhiều người bị viêm xoang viêm họng mạn, đôi lúc trái gió trở giời là lại muốn nhổ. Nhà vệ sinh công cộng ở phố đâu có sẵn nên đành nhổ bậy nhổ liều.

Mình học sinh học dốt lắm những vẫn nhớ học thuyết về phản xạ của Páp-lop. Chỉ băn khoăn mỗi cái là nhìn thấy miếng dồi chó chúng ta tứa nước miếng, nhưng nhìn thấy bãi phân chó nhiều người cũng ứa nước bọt? Sao kỳ dzậy ta!  Thế mà bảo cơ thể là một bộ máy hoàn hảo. Phét!    

Chị em thì ít nhổ bậy hơn. Có lẽ là do sự hãnh diện về giới tính nên chị em kiềm chế được, không hoặc ít nhổ nên chưa thể hình thành phản xạ. Ơn trời! 

Nói như thế thì việc khạc nhổ vẻ như có dấu ấn của quá khứ. Vậy thế hệ sinh sau hố xí thùng và cầu tõm liệu còn khạc nhổ bừa bãi? Chịu. Chỉ hy vọng đây là “bệnh” không di truyền.

       

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Thám báo Tầu.





Những ai sống trong những ngày 17/2/ 1979 hẳn biết rõ lời ca và giai điệu thúc giục lòng người của bài hát ngày nào cũng phát trên Đài TNVN: 

"Quân xâm lược bành trướng dã man, đã giày xéo mảnh đất tiền phương, lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương…”

Những ngày này mình muốn nghe lại bài hát quá! Càng muốn nghe thêm phát biểu của nhạc sỹ Phạm Tuyên khi viết ca khúc trên. 

Chắc có nhưng mình không nghe Đài thường xuyên nên không biết đấy thôi. Lúc nào hỏi bạn Hưng trống của mình ở VOV3 vậy.

Nói chuyện đánh Tàu lại nhớ ông anh mình, lính Vị Xuyên, trên chốt hẳn hoi,  nhưng đi những năm 80 nên chỉ “ăn” pháo của láng giềng thôi. Một anh khác cạnh nhà, tên Trường, nhập ngũ cùng đợt anh mình thì ở Cao Bằng. Cả hai ông anh giải ngũ mà không sứt mẻ tí gì, may!

Anh Trường kể hồi đóng quân ở Trùng Khánh, nhớ nhà quá nên mấy ông lính Gia Lâm bèn nghĩ kế đi rình bắt thám báo nộp lên trên để được thưởng phép.


                                                                Lính Tầu bị ta bắt (ảnh: mạng)

                                                         Lính ta bị Tầu bắt (ảnh : mạng)

Cả hội gồm 3 ông xách 3 khẩu AK đi quá vào nước “bạn” vĩ đại một tí, chọn  chỗ con suối cạn nằm phục.

Cầu được ước thấy, chẳng bao lâu một tên mặc thường phục xuất hiện, lò dò xuống suối lấy nước. Ba ông nhảy xổ ra, ra hiệu đầu hàng.

Tên mặc thường phục giật mình nhưng ngay lập tức chuyển về thế thủ, đưa đôi mắt lươn híp tịt quan sát ba ông tướng nhà ta. Vài ba giây trôi qua, vẫn đứng nguyên tư thế như vậy nhưng từ thế thủ hắn chuyển trọng tâm thấp hơn một chút rồi hít một hơi dài.

Ba ông anh thấy thế chột dạ, nghĩ thằng này biết luyện khí thế chắc võ công thuộc loại thượng thừa đây.

Tên mặc thường phục nhè nhẹ thở ra rồi bắt đầu sàng (tức là múa quyền, kiểu như múa xe đài ở hội vật vậy).  Chính xác hơn là giống các cụ hôm nay luyện Thái Cực Quyền 24 thức ở Hồ Hoàn Kiếm.              

Mấy ông nhà ta từ thế thượng phong giờ bỗng lúng túng nhìn nhau, không cha nào dám xông vào trói. Xưa ở làng cứ thấy nói võ Tàu là nhất mà?! Nó thụi cho một quả về 3 ngày sau mới chết nên nay… sợ ?!

Mình hỏi sao không bắn, anh Trường trợn mắt nói ngu, lộ chạy thế đéo nào kịp. Mình hỏi sao không đâm lê, anh Trường lại trợn mắt nói nhỡ nó chết thì còn làm ăn đéo gì, bắt nộp để thưởng phép thì phải còn sống chứ.
   
Nói thế thôi chứ có lẽ mấy bố nhà ta sợ. Tên mặc thường phục chắc cũng đoán thế nên nó cứ sàng qua sàng lại. Cuối cùng mấy ông anh nháy mắt hè nhau chạy một mạch về chốt. Thám báo không bắt được lại được phen sợ vãi.

Mình hỏi thế cái thằng đấy có đúng thám báo không? Anh Trường cười khà khà, nói đéo biết, chắc là dân, nhưng nếu dân thì cũng là dân binh.

Chuyện này cứ nhậu là anh Trường kể. Chuyện tào lao nên mình cũng chẳng quan tâm tới tính xác thực. Chỉ ngẫm mãi cái chi tiết tên “thám báo” nó chỉ sàng qua sàng lại mà ba ông anh súng ống đầy mình lại… sợ?

(Còn tiếp)  

Nhân 17/2 nói về đi Trung Quốc.





Tôi, lần đầu tiên “xuất ngoại” là sang Trung Quốc, năm 1998, hồi còn thường trú ở Sơn La. Đi công tác Điện Biên, lên Ma Lù Thàng (nay thuộc Lai Châu), nhân tiện mấy anh biên phòng ở cửa khẩu tiểu ngạch dẫn qua cầu (quên tên) sang bên “nước bạn” chơi. Đầu cầu bên kia là chốt gác của lính Trung Quốc, biên phòng ta giơ tay ra hiệu xin qua và họ gật đầu. Cả đoàn bước vào đất nước Trung Hoa vĩ đại. Hôm đó đi với mấy chị Hội Phụ nữ huyện Phong Thổ (Điện Biên), vẫn còn cái ảnh chụp với chị em ở trên cầu cửa khẩu.

Ấn tượng là cái gì của nước “bạn” cũng to. Cái điếu ục nghé miệng vào hút thì che mất nửa khuôn mặt, que kem to cỡ 3 ngón tay xếp lại, bát phở như cái chậu con. Nói chung ăn uống không ngon vì đấy là khu vực hẻo lánh của Vân Nam - Trung Quốc.

Nói là hẻo lánh nhưng họ xây dựng đồ sộ, hoành tráng và ra dáng “người lớn” lắm. Lúc trở về, nhìn cái cửa khẩu bên mình bé tin hin, đúng là đi vào rừng.      

Lên mấy bản vùng cao (Zào San, Tông Qua Lìn, Sì Là Lầu) cạnh đấy vẫn thấy có người vác súng kíp đứng vẩn vơ, hỏi làm gì, bảo tao canh trâu bò bên kia nó tràn sang phá hoa màu.

Hết thời gian biệt phái ở thường trú Sơn La, 1999 tôi về Hà Nội làm việc, mấy năm sau lại có dịp đi Cao Bằng. Cái máu đi, khám phá và viết lại nổi lên, tôi xin phép ở lại Bảo Lạc thêm mấy ngày .

Cái đêm vừa lên Cao Bằng, tôi gọi Trọng (Báo Cao Bằng) để nhậu. Trong cuộc nhậu nghe ai đó loáng thoáng nói có gần 100 khẩu trên Lũng Cò – Bảo Lạc sống không biết mình là dân nước nào mấy năm trời. Dù đã rất say nhưng tôi nhớ ngay chi tiết ấy.

 Ảnh : mạng

Lên Lũng Cò thì chỉ có thể đi với biên phòng Cốc Pàng. Chỉ huy đồn ra chiều lưỡng lự khi tôi đề cập chuyện lên Lũng Cò. Cuối cùng họ cũng chiều  vì xưa nay có nhà báo nào dám đặt chân tới nơi rừng rú ấy đâu.

Chỉ huy đồn Cốc Pàng cử một sỹ quan và hai chiến sỹ đi cùng. Con đường dốc ngược vô cùng hiểm trở, trượt chân là khó tìm nổi xác. Lũng Cò là đỉnh một ngọn núi đá lớn, một “đặc sản” của Hà Giang trên đất Cao Bằng. Thực ra thì vị trí tôi đang tới nằm ở ngã ba, một bên xã Sơn Vĩ - Mèo Vạc- Hà Giang, bên này Bảo Lạc - Cao Bằng, còn bên kia là Trung Quốc.

 (Đồn Cốc Pàng. Hồi mình đến những dãy nhà này đang xây. Sau tháp canh là phía Trung Quốc. Lũng Cò phía sau đấy, bên tay phải)  Ảnh: mạng

Lính biên phòng nói họ chỉ đi 3 tiếng là từ đồn tới Lũng Cò, thế mà mình đi mất nửa ngày. Đấy là máy ảnh, máy ghi âm và vật dụng cá nhân đều do anh em vác hộ.      

Càng gần Lũng Cò anh em càng thận trọng và tỏ vẻ căng thẳng. Nhìn thấy đầu lọc thuốc lá, anh sỹ quan yêu cầu cả toán dừng lại, nhặt lên chăm chú nhìn rồi lại quan sát xung quanh.

Anh nói lính biên phòng Trung Quốc khi tuần biên thường đi qua bản Lũng Cò trên đất Việt Nam. Có thể đi theo đường ấy thì họ đỡ phải leo trèo hiểm trở hơn chăng? Tôi không biết, chỉ thấy anh em nói là nếu nhỡ gặp thì cố tránh, để họ đi qua ta đi tiếp?!

Cứ đi một đoạn tôi lại thấy có một phiến (mỏm) đá được mài phẳng, mỗi chiều chừng 20 phân, trên đó có ghi những con số và vài ba chữ Tàu. Cách ghi chú sắc nét, chuyên nghiệp, có thể là vị trí, tọa độ…?  Kỷ luật quân đội khiến anh em rất kiệm lời nên tôi không dám tò mò “khai thác” nhưng rõ ràng có điều gì đó rất bất thường.

Chỉ tiếc là quá mệt, máy ảnh lại do chiến sỹ vác hộ nên không nghĩ nổi chụp vài kiểu ảnh ghi lại những dấu hiệu đáng ngờ và rất mờ ám kia.

Nhờ có anh em biên phòng Cốc Pàng, chuyến đi đó rất được việc, nhưng cú cái là mình đi trên đất VN mà cứ thập thà thập thò. Bây giờ có bạn nào làm báo đi và tìm hiểu lại xem tình hình thế nào. Khó khăn và nguy hiểm đấy!

(Còn nữa )      

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

Ngẫm ngợi chuyện Tết.





Tết có nghĩa là tiết. Tết Nguyên đán là ngày mở đầu cho tiết xuân. Đây là lúc nông nhàn, việc thu hoạch đã xong, người Việt làm lễ hội cúng thần thánh, tạ ơn cho cây cối tốt tươi, vui chơi sau những tháng ngày vất vả bên ruộng đồng.

Một cộng đồng có truyền thống làm nông nghiệp với nền văn minh lúa nước đậm đà như Việt Nam thì chẳng có cách giải thích nào về tết  thỏa đáng hơn. Tết Việt, vì thế, sâu sắc và giàu ý nghĩa!

                                                                              Tết xưa

Tết, bên cạnh cái bồn chồn háo hức là cái sự lo, ai cũng lo, nhưng không có tết còn… lo hơn!

Cuộc sống bận rộn với mưu sinh khiến cho chúng ta liên hệ và ràng buộc với nhau ngày càng lỏng lẻo. Vì thế, Tết như sợi dây bền chắc hiếm hoi níu giữ mọi người, níu giữ quá khứ với hiện tại.

Người ta nói gia đình là tế bào của xã hội với cái ý tập thể các gia đình ngẫu nhiên thành xã hội. Nói như vậy là nói tắt thôi chứ từng gia đình riêng lẻ rời rạc sao thành xã hội? Mối liên hệ giữa gia đình, giữa con người với con người mới hình thành nên xã hội.
                                                                      Phố ngày Tết
Cái mối liên hệ ấy đang bị đe dọa vì cuộc sống với sức hút mãnh liệt của đồng tiền, của sự bươn chải vật lộn mưu sinh.

Bằng một cú kích chuột, dù ở cách xa nửa vòng trái đất, chúng ta vẫn dễ dàng giao tiếp với nhau. Công nghệ thách thức không gian, thách thức cả những mối quan hệ bền chặt bấy lâu nay. Cuộc sống đang được số hóa cũng là một nguy cơ khiến các mối liên hệ trở nên lỏng lẻo? Người ta bảo Internet giúp ta có đông bạn bè nhưng ít người thân có lẽ vì thế.   

Giáp tết, bến xe nào cũng đông nghẹt. Bên cạnh nỗi buồn về giao thông còn úi xùi, chưa thuận tiện thì cũng phải mừng vì người Việt, dù tha phương cầu thực, ngày tết vẫn về với gia đình. Tết Việt là tết sum vầy, tết sum họp là vậy.
                                    (Cửa hàng bách hóa. Khuôn mặt chị bán hàng rất "bao cấp") 

Tết để đón một năm mới, là hướng tới tương lai, nhưng để ý mà xem, tết Việt hóa ra là tết của hoài niệm, mà hoài niệm ai, cái gì nếu không phải là truyền thống, là các bậc tiền nhân tiên tổ? Tết mọi người khuyên nhau không nhắc lại chuyện cũ, nhưng đố ai trong cái thời khắc chuyển giao thiêng liêng ấy mà không ngược về những cái tết xưa, tưởng nhớ các bậc sinh thành.

Tết là lúc nào nhỉ? Là khi hương trầm nhà ai đó cúng sớm thoảng thoảng bay;  là lúc chợ đêm 30 thoáng chốc đã đìu hiu, người người hối hả về cho kịp giao thừa, đường phố chợt thưa vắng; là lúc tiếng pháo chẳng đủ kiên nhẫn chờ  phút giao canh đành đì đùng nổ. Người ta nói Tết Việt vui trong cái rối bời của chuẩn bị lo toan, trong cái tâm trạng chộn rộn, đợi chờ là vì vậy.       

Tết bản chất là một lễ hội, nhưng khác và đặc biệt hơn hàng ngàn lễ hội truyền thống ở yếu tố “hướng nội” nhiều hơn “hướng ngoại”. Tết Việt là tết của gia đình. Thứ tự đi chúc tết được ưu tiên cho gia đình, họ hàng rồi mới tới láng giềng, bè bạn. Mồng Một Tết Cha/mồng Hai Tết Mẹ/mồng Ba Tết Thầy. Yếu tố “hướng ngoại”- trẩy hội chơi xuân có lẽ phải chính thức bắt đầu từ giêng hai.  

Một anh bạn nói tết Việt có nguồn gốc và gắn liền với sinh hoạt nông nghiệp. Vậy mai đây cuộc sống công nghiệp ào đến, nông nghiệp thu lại, chẳng biết tết có còn không? Câu hỏi vu vơ mà cắc cớ.

Cuộc sống không chỉ biết chấp nhận sự đa dạng mà còn phải tôn trọng nó. Câu hỏi của anh bạn nhắc tôi nhớ tới bộ phim hài “Thượng đế cũng phải cười”, của Jamie Uys, công chiếu những năm 90.

Chỉ một lon coca-cola, biểu tượng cho thế giới văn minh, ném xuống từ máy bay khi bay ngang qua sa mạc Kalahari đã đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của một bộ tộc ở đó. Bộ phim hài mang thông điệp: Đừng can thiệp thô bạo vào văn hóa.

Tết là văn hóa. Nghe đâu có cả Công ước quốc tế về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các hình thức biểu đạt văn hóa. Chẳng rõ cái công ước ấy viết gì nhưng bảo vệ sự đa dạng về văn hóa quan trọng chẳng kém bảo vệ đa dạng sinh học. Môi trường tự nhiên chết thì con người khó sống, còn môi trường văn hóa bị xâm lăng và thủ tiêu thì một dân tộc cũng chẳng còn. Cả hai có gì khác nhau đâu?

Chúng ta đang đứng trước làn sóng toàn cầu hóa về văn hóa, nhưng toàn cầu hóa văn hóa không tạo ra một nền văn hóa toàn cầu. Nó chỉ giúp làm nổi bật những khác biệt (bản sắc) và để sự khác biệt đó được chấp nhận rộng rãi.

Toàn cầu hóa, trong đó có văn hóa, là xu hướng có thực, nhưng bản chất của nó là tìm kiếm những điều kiện cần thiết cho những tương tác tương đối cân bằng và công bằng giữa các nền văn hóa để nó chung sống hòa bình mà không tiêu diệt lẫn nhau. Chỉ có nhất thể hóa văn hóa mới dẫn đến sự ra đời của một nền văn hóa toàn cầu. Đấy mới là mối nguy. Cả thế giới này bước ra đường ai cũng mặc comple, đi giày đen bóng lộn, ăn bánh mì và cùng chào Hello đâu phải là hay. Tôi vỗ vai anh bạn, nói cứ vui vẻ ăn tết Quý Tỵ đi! Làm sao mất tết được mà lo? 

Ngô Thiệu Phong
     

Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

TẾT!





Năm ngoái vào blog HM thấy bên Mỹ cũng tổ chức đón tết Nguyên Đán. Đại sứ quán VN ở đó cũng tổ chức tết cho Việt kiều. Trên tấm phông trong buổi gặp mặt có ghi “Mừng đất nước phát triển”, cắm bên cạnh là lá cờ Mỹ (chắc đối diện bên kia là cờ VN). Sao không ghi “Mừng đảng, mừng xuân… như ở trong nước?

Năm nay vẫn những sự kiện ấy, nhưng ở một khu phố người Việt, thay vì cờ đỏ sao vàng bên cạnh cờ Mỹ, là cờ ba sọc của chế độ Sài Gòn. Anh HM “thở dài” ngẫm về con đường hòa giải phía trước.
   
Ở DC nhiều gia đình cũng gói bánh chưng, nhìn ảnh thấy thiếu lạt và lá dong, hai thứ làm nên màu sắc và hương vị đặc trưng. Bánh chưng mỗi cái một kiểu. Trong khi đó, ở ta, nhiều gia đình ghé siêu thị mua cho nhanh.    DC  có chị cố mặc cho kỳ được chiếc áo dài dân tộc cho dù trời lạnh dưới 0 độ, cho dù cơ thể đã trở nên quá đẫy đà. Quê hương với họ là cái gì đó sâu đậm lắm?

Có người nói, ở xa, người ta nhớ quê nên làm vậy, còn trong nước thì cần gì.

Vâng, cái tết cổ truyền cứ thế phai nhạt dần theo lối sống gấp gáp của thị trường. Chuyện nhỏ này cũng thấy thấm thía việc đâu đó người ta phải trả giá cho tăng trưởng nóng.  Rủng rẻng đồng tiền trong túi thì vợi bớt  văn hóa trong đầu.  Chuyện đó đang ở ngay đây chứ đâu xa.

Mối quan hệ hàng xóm láng giềng và thân tộc đang ngày một lỏng lẻo. Chẳng biết các cụ xưa có tiên đoán được điều này hay không mà “nghĩ” ra  tết. Ngày tết là ngày đoàn tụ. Nó là chất keo dính và là sợi dây thắt chặt hơn mối quan hệ họ hàng làng xóm. Vậy mà bây giờ nó đang bị đánh phá dữ dội.


Người ta ngại đi đến nhà nhau sớm mùng 1 vì sợ dông, người ta ngại mừng tuổi. Mừng tuổi theo mỹ tục thì sợ bị chê ít, còn nhiều thì không phải ai cũng có.  Món ăn cũng chẳng phải chế biến nhiều nên ít phải vào bếp, không đụng dao thớt, chỉ việc lôi trong tủ lạnh ra chế biến. Cũng vì ít đi, ít làm nên ăn uống ngày tết chẳng thấy ngon. Ngày vui, vì thế, với nhiều người thành mệt mỏi, chán chường.            

Tết vui ở không khí chộn rộn, háo hức của công việc chuẩn bị. Tết rõ nhất khi cô gái bán hoa đêm 30 cuống cuồng đạp xe về nhà sau khi bán nốt bó hoa đêm cuối năm; tết rõ nhất ở chuyến xe cuối cùng hối hả rời bến cho khách kịp giao thừa bên gia đình; tết thật là tết ở cái nhẫn nại lắc người của cô lao công lia chổi quét đi rác rưởi phố phường trước thời khắc chuyển giao năm cũ … 

Những năm 90 theo thuyền chợ dọc Sông Đà tôi có viết  “Chợ đón chợ đi”. “Chợ đón” hay “chợ đi” đều như hội, đều có cái háo hức, chộn rộn của kẻ đợi người chờ. Nhưng với tết thì tết đến vui hơn tết đi. Thế nên mùng 1 tết cho ta cảm giác chống chếnh, hụt hẫng như kẻ ham tình sau phút bốc đồng giao hoan chợt nghĩ về mái ấm. Ai đó ít nhiều thấy cô độc và hoang vắng. Ngẫm lại thấy trên đời này cái gì đến quá dễ dàng đều rất nhạt nhẽo, vô vị.

Nói gì thì nói, tết, với mỗi người, đều có sự lưu luyến. Nếu mất đi sự lưu luyến ấy thì tết mất sự thiêng liêng. Vì thế, người ta nói tết Việt là tết của hoài niệm cũng có phần đúng.