Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Nhân 17/2 nói về đi Trung Quốc.





Tôi, lần đầu tiên “xuất ngoại” là sang Trung Quốc, năm 1998, hồi còn thường trú ở Sơn La. Đi công tác Điện Biên, lên Ma Lù Thàng (nay thuộc Lai Châu), nhân tiện mấy anh biên phòng ở cửa khẩu tiểu ngạch dẫn qua cầu (quên tên) sang bên “nước bạn” chơi. Đầu cầu bên kia là chốt gác của lính Trung Quốc, biên phòng ta giơ tay ra hiệu xin qua và họ gật đầu. Cả đoàn bước vào đất nước Trung Hoa vĩ đại. Hôm đó đi với mấy chị Hội Phụ nữ huyện Phong Thổ (Điện Biên), vẫn còn cái ảnh chụp với chị em ở trên cầu cửa khẩu.

Ấn tượng là cái gì của nước “bạn” cũng to. Cái điếu ục nghé miệng vào hút thì che mất nửa khuôn mặt, que kem to cỡ 3 ngón tay xếp lại, bát phở như cái chậu con. Nói chung ăn uống không ngon vì đấy là khu vực hẻo lánh của Vân Nam - Trung Quốc.

Nói là hẻo lánh nhưng họ xây dựng đồ sộ, hoành tráng và ra dáng “người lớn” lắm. Lúc trở về, nhìn cái cửa khẩu bên mình bé tin hin, đúng là đi vào rừng.      

Lên mấy bản vùng cao (Zào San, Tông Qua Lìn, Sì Là Lầu) cạnh đấy vẫn thấy có người vác súng kíp đứng vẩn vơ, hỏi làm gì, bảo tao canh trâu bò bên kia nó tràn sang phá hoa màu.

Hết thời gian biệt phái ở thường trú Sơn La, 1999 tôi về Hà Nội làm việc, mấy năm sau lại có dịp đi Cao Bằng. Cái máu đi, khám phá và viết lại nổi lên, tôi xin phép ở lại Bảo Lạc thêm mấy ngày .

Cái đêm vừa lên Cao Bằng, tôi gọi Trọng (Báo Cao Bằng) để nhậu. Trong cuộc nhậu nghe ai đó loáng thoáng nói có gần 100 khẩu trên Lũng Cò – Bảo Lạc sống không biết mình là dân nước nào mấy năm trời. Dù đã rất say nhưng tôi nhớ ngay chi tiết ấy.

 Ảnh : mạng

Lên Lũng Cò thì chỉ có thể đi với biên phòng Cốc Pàng. Chỉ huy đồn ra chiều lưỡng lự khi tôi đề cập chuyện lên Lũng Cò. Cuối cùng họ cũng chiều  vì xưa nay có nhà báo nào dám đặt chân tới nơi rừng rú ấy đâu.

Chỉ huy đồn Cốc Pàng cử một sỹ quan và hai chiến sỹ đi cùng. Con đường dốc ngược vô cùng hiểm trở, trượt chân là khó tìm nổi xác. Lũng Cò là đỉnh một ngọn núi đá lớn, một “đặc sản” của Hà Giang trên đất Cao Bằng. Thực ra thì vị trí tôi đang tới nằm ở ngã ba, một bên xã Sơn Vĩ - Mèo Vạc- Hà Giang, bên này Bảo Lạc - Cao Bằng, còn bên kia là Trung Quốc.

 (Đồn Cốc Pàng. Hồi mình đến những dãy nhà này đang xây. Sau tháp canh là phía Trung Quốc. Lũng Cò phía sau đấy, bên tay phải)  Ảnh: mạng

Lính biên phòng nói họ chỉ đi 3 tiếng là từ đồn tới Lũng Cò, thế mà mình đi mất nửa ngày. Đấy là máy ảnh, máy ghi âm và vật dụng cá nhân đều do anh em vác hộ.      

Càng gần Lũng Cò anh em càng thận trọng và tỏ vẻ căng thẳng. Nhìn thấy đầu lọc thuốc lá, anh sỹ quan yêu cầu cả toán dừng lại, nhặt lên chăm chú nhìn rồi lại quan sát xung quanh.

Anh nói lính biên phòng Trung Quốc khi tuần biên thường đi qua bản Lũng Cò trên đất Việt Nam. Có thể đi theo đường ấy thì họ đỡ phải leo trèo hiểm trở hơn chăng? Tôi không biết, chỉ thấy anh em nói là nếu nhỡ gặp thì cố tránh, để họ đi qua ta đi tiếp?!

Cứ đi một đoạn tôi lại thấy có một phiến (mỏm) đá được mài phẳng, mỗi chiều chừng 20 phân, trên đó có ghi những con số và vài ba chữ Tàu. Cách ghi chú sắc nét, chuyên nghiệp, có thể là vị trí, tọa độ…?  Kỷ luật quân đội khiến anh em rất kiệm lời nên tôi không dám tò mò “khai thác” nhưng rõ ràng có điều gì đó rất bất thường.

Chỉ tiếc là quá mệt, máy ảnh lại do chiến sỹ vác hộ nên không nghĩ nổi chụp vài kiểu ảnh ghi lại những dấu hiệu đáng ngờ và rất mờ ám kia.

Nhờ có anh em biên phòng Cốc Pàng, chuyến đi đó rất được việc, nhưng cú cái là mình đi trên đất VN mà cứ thập thà thập thò. Bây giờ có bạn nào làm báo đi và tìm hiểu lại xem tình hình thế nào. Khó khăn và nguy hiểm đấy!

(Còn nữa )      

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ