Ngẫm ngợi chuyện Tết.
Tết có nghĩa là tiết. Tết
Nguyên đán là ngày mở đầu cho tiết xuân. Đây là lúc nông nhàn, việc thu hoạch
đã xong, người Việt làm lễ hội cúng thần thánh, tạ ơn cho cây cối tốt tươi, vui
chơi sau những tháng ngày vất vả bên ruộng đồng.
Một cộng đồng có truyền thống làm
nông nghiệp với nền văn minh lúa nước đậm đà như Việt Nam thì chẳng có cách giải thích
nào về tết thỏa đáng hơn. Tết Việt, vì
thế, sâu sắc và giàu ý nghĩa!
Tết xưa
Tết, bên cạnh cái bồn chồn háo
hức là cái sự lo, ai cũng lo, nhưng không có tết còn… lo hơn!
Cuộc sống bận rộn với mưu sinh
khiến cho chúng ta liên hệ và ràng buộc với nhau ngày càng lỏng lẻo. Vì thế,
Tết như sợi dây bền chắc hiếm hoi níu giữ mọi người, níu giữ quá khứ với hiện
tại.
Người ta nói gia đình là tế bào của
xã hội với cái ý tập thể các gia đình ngẫu nhiên thành xã hội. Nói như vậy là
nói tắt thôi chứ từng gia đình riêng lẻ rời rạc sao thành xã hội? Mối liên hệ
giữa gia đình, giữa con người với con người mới hình thành nên xã hội.
Phố ngày Tết
Cái mối liên hệ ấy đang bị đe dọa
vì cuộc sống với sức hút mãnh liệt của đồng tiền, của sự bươn chải vật lộn mưu
sinh.
Bằng một cú kích chuột, dù ở cách
xa nửa vòng trái đất, chúng ta vẫn dễ dàng giao tiếp với nhau. Công nghệ thách
thức không gian, thách thức cả những mối quan hệ bền chặt bấy lâu nay. Cuộc
sống đang được số hóa cũng là một nguy cơ khiến các mối liên hệ trở nên lỏng
lẻo? Người ta bảo Internet giúp ta có đông bạn bè nhưng ít người thân có lẽ vì
thế.
Giáp tết, bến xe nào cũng đông
nghẹt. Bên cạnh nỗi buồn về giao thông còn úi xùi, chưa thuận tiện thì cũng
phải mừng vì người Việt, dù tha phương cầu thực, ngày tết vẫn về với gia đình. Tết
Việt là tết sum vầy, tết sum họp là vậy.
(Cửa hàng bách hóa. Khuôn mặt chị bán hàng rất "bao cấp")
Tết để đón một năm mới, là hướng
tới tương lai, nhưng để ý mà xem, tết Việt hóa ra là tết của hoài niệm, mà hoài
niệm ai, cái gì nếu không phải là truyền thống, là các bậc tiền nhân tiên tổ?
Tết mọi người khuyên nhau không nhắc lại chuyện cũ, nhưng đố ai trong cái thời
khắc chuyển giao thiêng liêng ấy mà không ngược về những cái tết xưa, tưởng nhớ
các bậc sinh thành.
Tết là lúc nào nhỉ? Là khi hương
trầm nhà ai đó cúng sớm thoảng thoảng bay; là lúc chợ đêm 30 thoáng chốc đã đìu hiu, người
người hối hả về cho kịp giao thừa, đường phố chợt thưa vắng; là lúc tiếng pháo
chẳng đủ kiên nhẫn chờ phút giao canh
đành đì đùng nổ. Người ta nói Tết Việt vui trong cái rối bời của chuẩn bị lo
toan, trong cái tâm trạng chộn rộn, đợi chờ là vì vậy.
Tết bản chất là một lễ hội, nhưng
khác và đặc biệt hơn hàng ngàn lễ hội truyền thống ở yếu tố “hướng nội” nhiều
hơn “hướng ngoại”. Tết Việt là tết của gia đình. Thứ tự đi chúc tết được ưu
tiên cho gia đình, họ hàng rồi mới tới láng giềng, bè bạn. Mồng Một Tết
Cha/mồng Hai Tết Mẹ/mồng Ba Tết Thầy. Yếu tố “hướng ngoại”- trẩy hội chơi xuân
có lẽ phải chính thức bắt đầu từ giêng hai.
Một anh bạn nói tết Việt có nguồn
gốc và gắn liền với sinh hoạt nông nghiệp. Vậy mai đây cuộc sống công nghiệp ào
đến, nông nghiệp thu lại, chẳng biết tết có còn không? Câu hỏi vu vơ mà cắc cớ.
Cuộc sống không chỉ biết chấp
nhận sự đa dạng mà còn phải tôn trọng nó. Câu hỏi của anh bạn nhắc tôi nhớ tới
bộ phim hài
“Thượng đế cũng phải cười”, của Jamie Uys, công chiếu
những năm 90.
Chỉ một lon coca-cola, biểu tượng
cho thế giới văn minh, ném xuống từ máy bay khi bay ngang qua sa mạc Kalahari
đã đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của một bộ tộc ở đó. Bộ phim hài mang thông
điệp: Đừng can thiệp thô bạo vào văn hóa.
Tết là văn hóa. Nghe đâu có cả Công ước quốc tế về bảo vệ và phát huy sự
đa dạng của các hình thức biểu đạt văn hóa. Chẳng rõ cái công ước ấy viết gì
nhưng bảo vệ sự đa dạng về văn hóa quan trọng chẳng kém bảo vệ đa dạng sinh
học. Môi trường tự nhiên chết thì con người khó sống, còn môi trường văn hóa bị
xâm lăng và thủ tiêu thì một dân tộc cũng chẳng còn. Cả hai có gì khác nhau đâu?
Chúng ta đang đứng trước làn sóng toàn cầu hóa về văn hóa, nhưng toàn
cầu hóa văn hóa không tạo ra một nền văn hóa toàn cầu. Nó chỉ giúp làm nổi bật
những khác biệt (bản sắc) và để sự khác biệt đó được chấp nhận rộng rãi.
Toàn cầu hóa, trong đó có văn
hóa, là xu hướng có thực, nhưng bản chất của nó là tìm kiếm những điều kiện cần
thiết cho những tương tác tương đối cân bằng và công bằng giữa các nền văn hóa
để nó chung sống hòa bình mà không tiêu diệt lẫn nhau. Chỉ có nhất thể hóa văn
hóa mới dẫn đến sự ra đời của một
nền văn hóa toàn cầu. Đấy mới là mối nguy. Cả thế giới này bước ra đường ai
cũng mặc comple, đi giày đen bóng lộn, ăn bánh mì và cùng chào Hello đâu phải
là hay. Tôi vỗ vai anh bạn, nói cứ vui vẻ ăn tết Quý Tỵ đi! Làm sao mất tết
được mà lo?
Ngô Thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ