TẾT!
Năm ngoái vào blog HM thấy bên Mỹ
cũng tổ chức đón tết Nguyên Đán. Đại sứ quán VN ở đó cũng tổ chức tết cho Việt
kiều. Trên tấm phông trong buổi gặp mặt có ghi “Mừng đất nước phát triển”, cắm
bên cạnh là lá cờ Mỹ (chắc đối diện bên kia là cờ VN). Sao không ghi “Mừng
đảng, mừng xuân… như ở trong nước?
Năm nay vẫn những sự kiện ấy,
nhưng ở một khu phố người Việt, thay vì cờ đỏ sao vàng bên cạnh cờ Mỹ, là cờ ba
sọc của chế độ Sài Gòn. Anh HM “thở dài” ngẫm về con đường hòa giải phía trước.
Ở DC nhiều gia đình cũng gói bánh
chưng, nhìn ảnh thấy thiếu lạt và lá dong, hai thứ làm nên màu sắc và hương vị
đặc trưng. Bánh chưng mỗi cái một kiểu. Trong khi đó, ở ta, nhiều gia đình ghé
siêu thị mua cho nhanh. Ở DC có
chị cố mặc cho kỳ được chiếc áo dài dân tộc cho dù trời lạnh dưới 0 độ, cho dù
cơ thể đã trở nên quá đẫy đà. Quê hương với họ là cái gì đó sâu đậm lắm?
Có người nói, ở xa, người ta nhớ
quê nên làm vậy, còn trong nước thì cần gì.
Vâng, cái tết cổ truyền cứ thế
phai nhạt dần theo lối sống gấp gáp của thị trường. Chuyện nhỏ này cũng thấy
thấm thía việc đâu đó người ta phải trả giá cho tăng trưởng nóng. Rủng rẻng đồng tiền trong túi thì vợi
bớt văn hóa trong đầu. Chuyện đó đang ở ngay đây chứ đâu xa.
Mối quan hệ hàng xóm láng giềng
và thân tộc đang ngày một lỏng lẻo. Chẳng biết các cụ xưa có tiên đoán được
điều này hay không mà “nghĩ” ra tết.
Ngày tết là ngày đoàn tụ. Nó là chất keo dính và là sợi dây thắt chặt hơn mối
quan hệ họ hàng làng xóm. Vậy mà bây giờ nó đang bị đánh phá dữ dội.
Người ta ngại đi đến nhà nhau sớm
mùng 1 vì sợ dông, người ta ngại mừng tuổi. Mừng tuổi theo mỹ tục thì sợ bị chê
ít, còn nhiều thì không phải ai cũng có.
Món ăn cũng chẳng phải chế biến nhiều nên ít phải vào bếp, không đụng
dao thớt, chỉ việc lôi trong tủ lạnh ra chế biến. Cũng vì ít đi, ít làm nên ăn
uống ngày tết chẳng thấy ngon. Ngày vui, vì thế, với nhiều người thành mệt mỏi,
chán chường.
Tết vui ở không khí chộn rộn, háo
hức của công việc chuẩn bị. Tết rõ nhất khi cô gái bán hoa đêm 30 cuống cuồng
đạp xe về nhà sau khi bán nốt bó hoa đêm cuối năm; tết rõ nhất ở chuyến xe cuối
cùng hối hả rời bến cho khách kịp giao thừa bên gia đình; tết thật là tết ở cái
nhẫn nại lắc người của cô lao công lia chổi quét đi rác rưởi phố phường trước
thời khắc chuyển giao năm cũ …
Những năm 90 theo thuyền chợ dọc
Sông Đà tôi có viết “Chợ đón chợ đi”.
“Chợ đón” hay “chợ đi” đều như hội, đều có cái háo hức, chộn rộn của kẻ đợi
người chờ. Nhưng với tết thì tết đến
vui hơn tết đi. Thế nên mùng 1 tết
cho ta cảm giác chống chếnh, hụt hẫng như kẻ ham tình sau phút bốc đồng giao
hoan chợt nghĩ về mái ấm. Ai đó ít nhiều thấy cô độc và hoang vắng. Ngẫm lại
thấy trên đời này cái gì đến quá dễ dàng đều rất nhạt nhẽo, vô vị.
Nói gì thì nói, tết, với mỗi
người, đều có sự lưu luyến. Nếu mất đi sự lưu luyến ấy thì tết mất sự thiêng
liêng. Vì thế, người ta nói tết Việt là tết của hoài niệm cũng có phần
đúng.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ