Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

“Xa luân chiến” để …dạy con.

Dạy con học chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Hầu hết các ông bố bà mẹ đều đã có lần bị thất bại, phần vì kiến thức, nhưng phần nhiều là do phương pháp. Vì thế, nhiều người đã phải “cầu viện” tới gia sư hoặc cho con đi học thêm. Cũng là một giải pháp. Nhưng bài viết của nhà báo Thiệu Phong sau đây nêu ra một cách dạy con học khả thi hơn. Chúng ta cùng tham khảo.

Tôi đã từng tin và viết trên một tờ báo mạng rằng việc học của con cái, ở bậc tiểu học cho đến THCS, thậm chí cho tới hết phổ thông, thì cứ để chúng tự giác, không nên gò ép hoặc giám sát làm gì. Bởi tôi nghĩ, tất cả nhân tài trên trái đất này đều do tự giác, tự học mà nên. Bài báo sau khi đăng đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi, trong đó có một nhận xét ngắn gọn vỏn vẹn có 7 chữ : “Ông này chưa có con đi học”

Ý kiến khiến tôi giật mình, không hiểu người này sao đoán đúng thế. Sau này khi có con lớn, chúng đi học, tôi mới nhận thấy mình viết như thế là chưa hoàn toàn chính xác, hay nói đúng hơn, mình chẳng có thực tế gì cả, chỉ nói lý thuyết suông. Trên đời này người bình thường chiếm số đông, còn nhân tài thì hiếm hoi lắm.

Thực ra số trẻ tự giác cũng có nhưng không nhiều, phần đông các cháu mải chơi, hay lơ là, thiếu tập trung. Vì thế nếu không giám sát, kèm cặp sát sao thì việc học hành của các cháu khó có thể khẳng định là tốt được.

Tuy nhiên, nếu giám sát việc học hành quá chặt chẽ khiến các cháu bị áp lực tiêu cực thì cũng không tốt. Quát tháo, bực bội, chì chiết, thậm chí đánh con trong quá trình dạy bảo các cháu học lại càng cấm kị.

Việc này nói thì dễ, có thể ai cũng biết, nhưng thực hiện khó lắm! Bởi không phải bậc phụ huynh nào cũng là nhà sư phạm. Mỗi chúng ta, sau một ngày làm việc vất vả với đủ thứ chuyện bực mình ở công sở, ở ngoài đời, tối về lại phải bảo con học, thế mà mãi chúng không hiểu, không nhớ thì không nổi cáu, không phát khùng lên mới là lạ.

Người lớn hoàn toàn hiểu được lý do của sự nổi nóng ấy, nhưng thật không may, các con của chúng ta lại không thể biết được tại sao bố mẹ cáu giận đến vậy. Chúng cho rằng như thế là bất công, là vô lý. Tại sao lại buộc chúng phải nhớ, phải hiểu, phải biết những thứ phức tạp và khó như thế, nhất là ở lứa tuổi của chúng. Rõ ràng là bố mẹ áp đặt. Khi ấy, chúng sẽ phản ứng lại chúng ta như thế nào nhỉ? Chắc chắn các cháu sẽ ngồi đực ra đấy, đầu óc nghĩ lung tung trong khi bố mẹ mong muốn chúng phải nghĩ vào bài. Càng quát, càng cố bắt chúng hiểu thì chúng càng chẳng hiểu gì hết. Chúng chỉ chú ý vào những lời lẽ gắt gỏng, rồi khi có một ngón tay chí một phát như khoan vào đầu, thậm chí là một nhát củng như trời giáng, thì nước mắt chúng bắt đầu chan chứa. Lúc đó thì thôi nhé! Đừng bao giờ nghĩ tới việc bảo các cháu học tiếp.

Tôi cũng đã từng cáu giận vô lý như thế khi bảo con học bài để rồi thấy rất vô ích. Kết quả cuối cùng là chẳng được cái gì, mình thì phát rồ còn con thì đầu óc chắc cũng rối bời bời. Sau nhiều lần thất bại, tôi bàn với vợ xem có cách gì không, cuối cùng thấy kế “xa luân chiến” trong binh pháp Tôn Tử có vẻ hiệu quả. Tức là khi dạy học phải có cả bố và mẹ đứng lảng vảng bên cạnh. Một trong hai người trực tiếp bảo con học. Con hiểu bài thi khỏi phải bàn, nhưng nếu chưa hiểu, bảo mãi vẫn chưa hiểu, mà khi ấy máu đã bừng bừng dồn cả lên mặt, giọng run run và nói to hơn…, thì lúc đó, nên lui ra để người kia thế chỗ, tiếp tục cái công việc mà mình đang không còn khả năng kiểm soát được nữa. Các bậc phụ huynh cứ thử xem, chắc chắn sẽ thấy hiệu quả đến bất ngờ./.
Ngô Thiệu Phong

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Đừng coi con trẻ là trẻ con.

Nguyên nhân vụ tự tử của 3 học sinh đang được cơ quan chức năng xem xét. Nhưng cho dù với nguyên nhân gì đi nữa thì cũng không thừa khi nhắc lại mối quan hệ ứng xử giữa cha mẹ với con cái, thầy cô với học sinh, hay nói rộng ra, là giữa người lớn với trẻ con.

Chẳng biết từ khi nào, trong giới mày râu lưu hành câu thơ: Ra đường sợ nhất công nông / Về nhà sợ nhất vợ không nói gì.

Xem ra đấng lang quân nào biết “sợ” như thế có nghĩa còn có trách nhiệm với gia đình. Vợ “không nói gì” cũng sợ mà con cái trong gia đình không nói còn đáng sợ hơn.

Khi con cái không muốn tâm sự với bố mẹ thì tình hình đã ở mức báo động. Bởi khi đó cha mẹ sẽ không hiểu con nghĩ gì và sẽ làm gì, đến khi có chuyện xảy ra thì đã quá muộn. Việc cha mẹ không hiểu con cái sẽ dễ dẫn tới sự bế tắc, lúng túng hoặc cáu giận trong xử lý, đặc biệt với những người hay bị mất bình tĩnh.

Do đó việc thường xuyên trò chuyện cùng con, khơi gợi để con mạnh dạn kể lại những câu chuyện ở trường, dần dà tiến tới giúp các con bộc lộ những quan điểm như đồng tình - phản đối, yêu thương - căm giận, thích thú - chán nản…, là vô cùng cần thiết. Muốn vậy cần có sự chủ động từ phía phụ huynh. Trước tiên, cha mẹ sẵn sàng nêu chính kiến, quan điểm của bản thân và hỏi lại xem các con có nghĩ như vậy không, tại sao. Công việc này nên thực hiện thường xuyên ngay từ khi các con ở tuổi mẫu giáo cho tới khi trưởng thành.

Học sinh hôm nay rất khác so với học sinh ở thế hệ cha mẹ chúng, thầy cô của chúng. Trong khi đó nhiều người vẫn nhìn các con với con mắt của những người ở những thập kỷ trước, có nghĩa là không đặt mình vào vị trí của con, trong một bối cảnh xã hội đã hoàn toàn đổi khác. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những mâu thuẫn thế hệ.

Cái mà người lớn cho rằng đúng, rằng hay thì chưa chắc đã nhận được sự đồng tình của các con. Do đó đừng vội lấy cái quyền cha mẹ, thầy cô để buộc các em thực hiện một công việc nào đó. Hãy kiên nhẫn tìm hiểu xem tại sao chúng phản đối, tại sao chúng nghĩ như thế và cố gắng tìm kiếm sự đồng thuận để thực hiện công việc trên cơ sở thuyết phục là chính. Công việc này chẳng dễ dàng gì nhưng vô cùng cần thiết.

Thiết nghĩ, người lớn cũng không nên “coi” các em là trẻ nít, đặc biệt với những em đang ở lứa tuổi dậy thì. Có thể trong suy nghĩ của người lớn các em là trẻ con, và thực sự là như thế, nhưng trong cách ứng xử nên tỏ rõ sự bình đẳng và tôn trọng.

Từ chỗ bình đẳng và tôn trọng, cha mẹ sẽ làm bạn được với con; giáo viên sẽ thân thiện và cởi mở hơn với trò. Cũng từ đó các em mới đủ tự tin, và người lớn mới tạo ra sự tin cậy, để các em tâm sự, sẻ chia những khúc mắc và ẩn ức. Và cũng chỉ khi ấy, người lớn mới đủ dữ kiện, đủ cơ sở, để bằng vốn sống, kinh nghiệm và sự từng trải của mình, đưa ra các phương án giải tỏa mâu thuẫn cho các em./.

Ngô thiệu Phong

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

Trò trẻ con.

Mấy đứa thường gặp nhau ở quán cà phê trước giờ làm. Phóng viên là thế, cứ tụ tập đàn đúm trao đổi thông tin mà ra khối việc. Nghề này không quảng giao, không có hơi thở ấm nóng của cuộc sống thì khó mà viết.

Đã cà phê thì phải có thuốc lá. Mấy cái thứ tai hại đó chẳng ích gì cho sức khỏe nhưng nó tô điểm thêm cho cuộc đời. He he, ngụy biện tí.

Hắn bảo không nghiện, nhưng không hiểu sao hễ ngồi cà phê là có nhu cầu hút thuốc và thường tiện tay với thuốc của mình.

Hút chùa mãi cũng ngượng. Một hôm hắn lên phòng bảo nhượng lại cho cây thuốc. Mình hất hàm về phía tủ đối diện, trên đó có gần chục cây để sẵn.

Mấy hôm sau, vẫn ở quán cà phê ấy, lần đầu tiên hắn rút điếu thuốc trong bao của hắn, chỉ với tay mượn mình bao diêm. Hắn rít vài hơi cho đã rồi từ từ móc ví giọng khệnh khạng: Cây thuốc hôm trước bao tiền ông ơi? Mình biết thừa nhưng vẫn tay xua miệng nói, thôi, thôi, cây này biếu ông. Hắn đút tiền vào ví, lấy lưỡi đảo điếu thuốc chạy từ mép bên này sang mép bên kia, liếc mình tinh quái rồi cười he he.

Thằng cha này ngày nào cũng thò tay với thuốc của mình hút chi bằng biếu hắn còn được tiếng. Nghĩ vậy, mình cũng ngây ngô he he cười theo.

Hắn vẫn cắm mặt vào Ipad. Cả hội vẫn thế, chẳng có chuyện gì nói thì đọc báo. Lần này hắn phát ngôn trước: Tin biển Đông đây "có thể gác lại bất đồng, cùng khai thác trước khi giải quyết tranh chấp".

Cả hội lại nhao nhao tranh luận và phần thắng lúc nào cũng thuộc về hắn cho dù hắn sai mười mươi. Lý của hắn là lý cùn nhưng cả hội vẫn thấy có lý. Điên! Mình không cãi nổi hắn cũng bức xúc lắm. Bất giác mình nghĩ cái chuyện hút dầu ở biển Đông chẳng khác gì hút… thuốc chùa ở bàn cà phê này. Rõ ràng hắn vừa hút chùa của mình, rồi mình biếu hắn cả cây thuốc mà vẫn có cảm giác thanh thản, vẫn hoan hỉ và lại còn hàm ơn hắn. Điên thế không biết! Đúng là trò trẻ con./.

Ngô Thiệu Phong
.

Em chỉ muốn là em thôi!

Gửi Chồng của Vợ,

Cứ định bụng nói với anh điều này nhưng không sao nói được. Vợ chồng lấy nhau 16 năm rồi mà nhiều khi em vẫn thấy thẹn thùng như xưa.

Chuyện chẳng có gì, chỉ là cách gọi, cách đặt tên, thế thôi, vậy mà sao khó nói.

Anh biết thừa em sinh ra vốn người Giao Chỉ. Nếu có tục bó chân như người Trung Quốc thì guốc em đi vẫn cỡ 40 tròn. Lưng em anh thường trêu tốn vải, nhưng bù lại, anh ạ, còn đôi chân, nếu đi may quần thì em là người phụ nữ biết tiết kiệm vải nhất nhì Hà Nội.

Em biết điểm yếu của em. Anh cũng biết thế mà. Hồi chưa cưới, anh chả từng nói anh thương cái dáng tất tưởi, lật bật như vịt bầu của em là gì?

Như vậy là anh đã biết “sự thật phũ phàng”. Nhưng là người tinh tế nên mười mấy năm qua anh chẳng hề động vào nỗi đau hình thể ấy. Trái lại, anh còn rơi nước mắt khi em chửa vượt mặt, nhìn toàn thấy bụng chẳng thấy chân đâu mà vẫn cố len xe buýt đi làm.

Thế mà, thế mà hôm qua anh lại gọi em là “chân dài của anh ơi”. Nhìn sâu trong mắt anh, em biết anh đùa, anh trêu em. Thế nhưng, thế nhưng, cũng trong sâu thẳm trái tim, vốn dĩ rất nhạy cảm của người phụ nữ, em mơ hồ đoán rằng, hình như trong anh đang có một sự so sánh nào đó về đôi chân.

Bây giờ em đố anh nhé: Trong vòng 10 giây, anh hãy nghĩ một điều bất kỳ trừ CHÂN DÀI?

Anh không làm được đúng không? Đấy! CHÂN DÀI đã hiện hữu đâu đó trong tâm trí anh trước khi anh phát ngôn câu ấy với em.

Liệu em có suy diễn, áp đặt và khắt khe? Em không trả lời được và cũng chưa nên đi tìm câu trả lời lúc này vì em đang xúc động. Anh thường bảo, khi xúc động thì người ta không tỉnh táo và không khôn ngoan. Nhưng có điều này thì chắc chắn anh đồng ý với em: Chẳng lẽ sự hấp dẫn giới tính và giá trị của người phụ nữ chỉ được tinh giản vào mỗi đôi chân? Không bao giờ đúng không anh? Mặt khác, nếu đặt vấn đề như thế, thì sự hấp dẫn giới tính của người đàn ông đặt vào bộ phận nào, hả anh? Cái ý này không phải của em đâu nhá. Nhà văn Phạm Thị Hoài nói đấy anh ạ. Em sao đủ sức nghĩ để phát hiện ra điều đó. Chị ấy nói rằng báo chí suốt ngày rên lên với chân dài, chân dài chẳng qua là thái độ miệt thị người phụ nữ.

Còn em, em nghĩ rằng, những khái niệm chân dài, đại gia xuất hiện như một thứ mốt thời thượng hiện nay, về bản chất, đang báo động một sự lệch chuẩn trong xã hội. Dường như người ta đang rất lúng túng, loay hoay, thậm chí bế tắc trên hành trình đi tìm những chuẩn giá trị?

Em bình tĩnh nghĩ lại rồi. Gọi em chân dài, anh chỉ chòng ghẹo em thôi! Nhưng quả thực em không muốn anh nghĩ đơn giản như thế về đàn bà, nhất là về em. Em chỉ muốn là em thôi.

Vợ của Chồng.

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Trình diễn .

Đọc trên VOV.VN thấy chuyện phạt người đội mũ bảo hiểm rởm chợt cười phì. Cả nước phấn đấu trở thành “người tiêu dùng thông thái” mấy năm nay mà vẫn ăn thịt bẩn. Vì thế, nếu dự thảo phạt người đội mũ bảo hiểm rởm thành hiện thực thì tiến tới chắc phải phạt cả những ai mua phải thịt bẩn. Không à? Mũ có tem hợp chuẩn CR, thì thịt lợn cũng có dấu kiểm dịch thú y đấy thôi mà người dân vẫn phải mua thịt bẩn như thường.

Từ chuyện đội mũ rởm, phạt mũ rởm thấy trong một số lĩnh vực mình trình diễn nhiều quá. Đã trình diễn thì là hình thức, chiếu lệ, coi pháp luật chẳng ra gì.

Chuyện cái mũ mới xuất hiện đây thôi, nhưng căn nguyên cội rễ của nó được gom góm tích tụ lại từ nhiều câu chuyện khác nhan nhản trong xã hội.

Đẹp nhất, sang trọng nhất là văn hóa thế mà đùng cái người ta đến đóng biển “gia đình văn hóa” xanh lè trước cổng. Chiều đi làm về, chủ nhà ngã ngửa, chột dạ nhớ lại xem mấy hôm vừa rồi có đánh vợ, chửi con trận nào không. Chưa hết ngạc nhiên, chiều hôm sau, cũng giờ ấy đi làm về, lại thấy có thêm cái cọc sắt để cắm cờ.

Không thể ngửi được là chuyện treo đèn lồng. Mấy ông cán bộ đi tham quan thấy phố cổ Hội An với đặc trưng đèn lồng rất đẹp, thế là về hè nhau treo lấy được khắp các tuyến phố. Thôi thì có mấy cái nhà cổ như ở Đồng Văn (Hà Giang) treo còn hợp cảnh, một số thị trấn như Vĩnh Bảo (Hải Phòng) cũng đèn lồng đỏ thì chỉ thấy lố bịch. Đã vậy ở trong cái đèn lồng ấy lại dùng bóng compact sáng trắng, trông chẳng ra làm sao. Truyền thống là tinh hoa văn hóa tích tụ cả ngàn đời chứ đâu phải cứ thích là sáng tạo ra ngay được.

Hàng chục năm nay, cứ đến mục tin đâu đó khởi công là trên truyền hình mặc định xuất hiện hình ảnh cán bộ lãnh đạo cầm cái xẻng mới tinh, cuốn tua rua xanh đỏ như đạo cụ hát bội, xỉa xỉa vài xẻng cát. Đầu xuân, lãnh đạo đi chúc tết thì đương nhiên phải có màn trồng cây. Đơn vị đã chuẩn bị thì các đồng chí lãnh đạo tham gia thôi chứ thực ra nhìn cảnh ấy thấy hình thức, nghèo nàn và đơn điệu. Công bằng mà nói, những hình ảnh ấy là cú hích tạo động lực cho một phong trào nào đó trong thời chiến. Nó thực sự có tác dụng ở một giai đoạn nhất định nhưng “sứ mệnh lịch sử” xem ra đã hết từ lâu rồi.

Thi thoảng ở ta dấy lên một đợt trấn áp tội phạm, thanh tra vệ sinh thực phẩm… rất rầm rộ. Khách quan mà nói thì nó cũng có tác dụng (ít ra là ở trong đợt ra quân) vì sự xuất hiện thường xuyên của ngành chức năng, và tất nhiên, vì cả sự ồn ào đã giúp đánh động cho tội phạm. Chính bởi cái sự trình diễn ấy nên dẫu cho đã có hàng trăm đợt ra quân nhưng an ninh, trật tự vẫn chưa thực sự tốt, dân vẫn phải ăn bẩn như thường.

Hôm vừa rồi đọc báo thấy thành phố Quảng Châu, Trung Quốc đang cân nhắc việc cấm quan chức đọc diễn văn dài lê thê tại các cuộc họp. Giật mình thán phục và ngạc nhiên vì thấy láng giềng đã phát hiện và dám nói ra nhược điểm của mình. Bản chất của nó là thói trình diễn, thiên về hình thức mà nội dung là số không, hoặc nếu có thì cũng có một khoảng cách rất xa so với hiện thực. Trông người lại ngẫm đến ta. Đội cái mũ bảo hiểm rởm ngang nhiên chạy nhông nhông trên phố chắc cũng là đỉnh điểm của sự trình diễn rồi còn gì?


Ngô Thiệu Phong

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Rất cần tiếng nói của chị em .

Sau khi tham dự Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI, anh em phóng viên tâm sự: Giải lao, xin phỏng vấn thì đại biểu cứ đùn đẩy rồi bảo hỏi trưởng đoàn. Tôi an ủi anh em rằng Đại hội đã có quy chế trả lời phỏng vấn thì mình nên tuân thủ. Tuy nhiên, anh em vẫn ẫm ức nói, gặp được trưởng đoàn thì trưởng đoàn bảo chưa có ý kiến của Trung ương hội. Rồi anh em hỏi ngược lại tôi: Giả thử bây giờ muốn hỏi cuộc sống của gia đình anh, công việc làm ăn phát triển kinh tế của anh thì cũng đi tìm trưởng đoàn à?

Tôi giật mình thấy anh em nói cũng có lý. Đành rằng quy chế phát ngôn Hội đề ra như thế thì phải chấp hành, nhưng cũng nên linh hoạt. Câu hỏi nào không thuộc phạm vi, thẩm quyền trả lời của thành viên trong đoàn thì hãy từ chối. Còn nội dung nào có thể trả lời được thì nên để chị em hợp tác cùng phóng viên.

Trao đổi việc này với một đồng nghiệp lớn tuổi, chị cười phá, nói ông hay thật, biết cái gì thuộc phạm vi, thẩm quyền của mình? Ông biết thừa, trong những hoàn cảnh như vậy, cứ là cấm tiệt, cấm tiệt…cho nó lành, hiểu chưa?

Nghe đồng nghiệp nói, tôi cứ ớ ra. Lạ nhỉ! Đi dự Đại hội toàn thành phần ưu tú, nâng lên đặt xuống, sàng đi lọc lại mãi mới cử ra được hơn 900 nữ đại biểu chính thức của cả nước. Lẽ nào những người tiên tiến ấy lại không biết cái gì thuộc thẩm quyền phát ngôn của mình. Tôi không tin! Quyết không tin!

Ban Tuyên giáo (của Trung Ương Hội Phụ nữ) nói với báo chí họ thắt chặt quyền phát ngôn như thế là để tạo điều kiện cho phóng viên dễ tác nghiệp, đỡ mất thời gian đi tìm đúng người cần phỏng vấn.

Ban Tuyên giáo làm được đúng như thế thì cũng tốt, nhưng nhiều khi cái sự truyền đạt từ trung ương xuống các đoàn chưa rõ ràng, không nhanh chóng, hoặc cũng có đại biểu vì ngại báo chí mà vin vào cái cớ ấy để chối từ nên anh em phóng viên cứ phải chạy táo tác, rất vất vả mà không hiệu quả.

Cứ như những gì nêu trong Báo cáo tổng kết thì 5 năm qua Hội Phụ nữ làm được bao nhiêu việc ích lợi, thiết thực cho bản thân người phụ nữ, cho gia đình và xã hội. Báo chí cần nêu những điển hình ấy. Một quốc gia văn minh là quốc gia ưu tiên cho phụ nữ phát triển. Ngược lại, ở đâu phụ nữ giỏi giang thì đất nước tiến xa. Phụ nữ Việt Nam giỏi giang lắm chứ. Những tiếng nói hồn hậu chất phác, những ý kiến chân thành mộc mạc của họ sẽ là niềm tin, là điểm tựa, là chỗ dựa tinh thần cho triệu triệu phụ nữ trên khắp đất nước này thì đâu dễ ai có thể đại diện nói dăm ba câu mà thay thế được?


Ngô Thiệu Phong

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

Tào lao chuyện…nữ.

Thú thật một lần nữa tiếng Tàu tôi chẳng biết. Nhưng trò đời không biết hay ti toe nên lại lạm bàn về chữ NỮ.

Theo nguyên tắc viết chữ Hán thì phải ngang rồi mới xổ, chấm rồi mới hất, phẩy rồi mới mác. Thế nhưng duy nhất chữ NỮ lại xổ trước ngang sau. Phụ nữ luôn bất quy tắc?

Do vậy, hiểu được phụ nữ chẳng dễ. Vợ chồng sống tới đầu bạc răng long, giúp nhau từ việc đi vệ sinh…, nhưng chưa ai dám cả quyết hiểu nửa kia của mình. Đấng mày râu nào mà dại dột cao giọng nói biết rồi biết rồi có khi chị em lại mủm mỉm cười thầm nghĩ “ thằng bé 60 này sao mà ngây thơ thế”.

Nói vụng mấy bà chút, hình như ba chữ NỮ ghép lại thì thành chữ GIAN? Thảo nào người ta cứ nói xấu chị em là có hai người đàn bà với một con vịt thì thành cái chợ. Ngoa ngoắt thế không biết!

Nói thế thôi nhưng chị em hay lắm nhé, cái chữ NỮ ấy nếu có bộ MIÊN chụp lên, tức là có hình ảnh cái mái nhà (ở trên) che chở cho bộ NỮ (ở dưới), thì lại chuyển ngay thành AN.

Người hay trêu ghẹo chị em thì bảo các bà cứ phải “cho vào khuôn khổ” thì mới yên. Người khác lại nêu nhận xét, mái ấm phải có bàn tay phụ nữ thì mới an.

Tôi thì nghiêng về ý kiến thứ hai hơn vì tôi thuộc tuýp típ - phờ - nờ (TYPN). Chẳng thế à? Người Việt ta dù chịu ảnh hưởng Khổng – Nho, trọng nam khinh nữ, nhưng cái tư tưởng ấy khi vào Việt Nam thì đã ít nhiều thay đổi.

Người Việt ta thường gọi vợ là “nhà”, đây là nhà tôi. Coi vợ như nhà thì chắc chỉ có đàn ông Việt? Vợ cũng tôn trọng chồng và giới thiệu với khách, đây là nhà em. Điều đó không chỉ có ý nói rằng chị em là người làm nên mái ấm gia đình mà còn phải có cả vợ lẫn chồng thì mái ấm ấy mới toàn vẹn. Rất bình đẳng! Thế mà có em gái nào đó khơi khơi nói không lấy chồng Việt, dại thế!

Chuyện đời thực là vậy, trong lĩnh vực tâm linh thì khỏi nói. Trên thế giới, từ thời kỳ thị tộc mẫu hệ, yếu tố nữ trong tín ngưỡng đã xuất hiện, nhưng đến thời phong kiến khắt khe thì yếu tố này dần mất đi, nhất là khi các tôn giáo độc thần ra đời. Tuy nhiên ở Việt Nam thì khác, việc thờ nữ thần, thờ Mẫu vẫn tồn tại và phát triển xuyên thời gian. Đâu đâu cũng có nơi thờ nữ thần: Phật Bà, Thánh Mẫu, Chúa Kho, Chúa Liễu, Chúa Đen, Chúa Xứ... Thôi! Không kể nữa, kể nữa có khi các nam thần phát ghen nổi đóa mà quật phát chết tươi thì toi, he he. Chỉ chốt lại câu này là đủ: Phúc đức tại mẫu.

Trân trọng và đánh giá đúng vai trò phụ nữ nên trong dân gian ta đã gán mọi thứ tốt đẹp cho chị em. Dính vào chữ nếp (tính nữ) thì cái gì cũng ngon: ngô nếp, đậu nếp, gạo nếp... Cái gì liên quan đến CÁI đều quan trọng: cột cái, sông cái (sông mẹ), đũa cái và cả…ngón cái nữa. Vì thế khi người ta giơ ngón cái ra là tượng trưng cho điều gì đó rất thành công, rất OK. Còn nhiều cái Cái nữa nhưng xin phép không kể hết vì sợ anh em du lịch sang Thái chuyển giới tính hết thì…cũng toi.

Mấy chuyện tầm phào gọi là chút quà tặng và chúc chị em nhân Ngày 8/3.

Ngô Thiệu Phong