Rất cần tiếng nói của chị em .
Sau khi tham dự Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI, anh em phóng viên tâm sự: Giải lao, xin phỏng vấn thì đại biểu cứ đùn đẩy rồi bảo hỏi trưởng đoàn. Tôi an ủi anh em rằng Đại hội đã có quy chế trả lời phỏng vấn thì mình nên tuân thủ. Tuy nhiên, anh em vẫn ẫm ức nói, gặp được trưởng đoàn thì trưởng đoàn bảo chưa có ý kiến của Trung ương hội. Rồi anh em hỏi ngược lại tôi: Giả thử bây giờ muốn hỏi cuộc sống của gia đình anh, công việc làm ăn phát triển kinh tế của anh thì cũng đi tìm trưởng đoàn à?
Tôi giật mình thấy anh em nói cũng có lý. Đành rằng quy chế phát ngôn Hội đề ra như thế thì phải chấp hành, nhưng cũng nên linh hoạt. Câu hỏi nào không thuộc phạm vi, thẩm quyền trả lời của thành viên trong đoàn thì hãy từ chối. Còn nội dung nào có thể trả lời được thì nên để chị em hợp tác cùng phóng viên.
Trao đổi việc này với một đồng nghiệp lớn tuổi, chị cười phá, nói ông hay thật, biết cái gì thuộc phạm vi, thẩm quyền của mình? Ông biết thừa, trong những hoàn cảnh như vậy, cứ là cấm tiệt, cấm tiệt…cho nó lành, hiểu chưa?
Nghe đồng nghiệp nói, tôi cứ ớ ra. Lạ nhỉ! Đi dự Đại hội toàn thành phần ưu tú, nâng lên đặt xuống, sàng đi lọc lại mãi mới cử ra được hơn 900 nữ đại biểu chính thức của cả nước. Lẽ nào những người tiên tiến ấy lại không biết cái gì thuộc thẩm quyền phát ngôn của mình. Tôi không tin! Quyết không tin!
Ban Tuyên giáo (của Trung Ương Hội Phụ nữ) nói với báo chí họ thắt chặt quyền phát ngôn như thế là để tạo điều kiện cho phóng viên dễ tác nghiệp, đỡ mất thời gian đi tìm đúng người cần phỏng vấn.
Ban Tuyên giáo làm được đúng như thế thì cũng tốt, nhưng nhiều khi cái sự truyền đạt từ trung ương xuống các đoàn chưa rõ ràng, không nhanh chóng, hoặc cũng có đại biểu vì ngại báo chí mà vin vào cái cớ ấy để chối từ nên anh em phóng viên cứ phải chạy táo tác, rất vất vả mà không hiệu quả.
Cứ như những gì nêu trong Báo cáo tổng kết thì 5 năm qua Hội Phụ nữ làm được bao nhiêu việc ích lợi, thiết thực cho bản thân người phụ nữ, cho gia đình và xã hội. Báo chí cần nêu những điển hình ấy. Một quốc gia văn minh là quốc gia ưu tiên cho phụ nữ phát triển. Ngược lại, ở đâu phụ nữ giỏi giang thì đất nước tiến xa. Phụ nữ Việt Nam giỏi giang lắm chứ. Những tiếng nói hồn hậu chất phác, những ý kiến chân thành mộc mạc của họ sẽ là niềm tin, là điểm tựa, là chỗ dựa tinh thần cho triệu triệu phụ nữ trên khắp đất nước này thì đâu dễ ai có thể đại diện nói dăm ba câu mà thay thế được?
Ngô Thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ