Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

“Xa luân chiến” để …dạy con.

Dạy con học chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Hầu hết các ông bố bà mẹ đều đã có lần bị thất bại, phần vì kiến thức, nhưng phần nhiều là do phương pháp. Vì thế, nhiều người đã phải “cầu viện” tới gia sư hoặc cho con đi học thêm. Cũng là một giải pháp. Nhưng bài viết của nhà báo Thiệu Phong sau đây nêu ra một cách dạy con học khả thi hơn. Chúng ta cùng tham khảo.

Tôi đã từng tin và viết trên một tờ báo mạng rằng việc học của con cái, ở bậc tiểu học cho đến THCS, thậm chí cho tới hết phổ thông, thì cứ để chúng tự giác, không nên gò ép hoặc giám sát làm gì. Bởi tôi nghĩ, tất cả nhân tài trên trái đất này đều do tự giác, tự học mà nên. Bài báo sau khi đăng đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi, trong đó có một nhận xét ngắn gọn vỏn vẹn có 7 chữ : “Ông này chưa có con đi học”

Ý kiến khiến tôi giật mình, không hiểu người này sao đoán đúng thế. Sau này khi có con lớn, chúng đi học, tôi mới nhận thấy mình viết như thế là chưa hoàn toàn chính xác, hay nói đúng hơn, mình chẳng có thực tế gì cả, chỉ nói lý thuyết suông. Trên đời này người bình thường chiếm số đông, còn nhân tài thì hiếm hoi lắm.

Thực ra số trẻ tự giác cũng có nhưng không nhiều, phần đông các cháu mải chơi, hay lơ là, thiếu tập trung. Vì thế nếu không giám sát, kèm cặp sát sao thì việc học hành của các cháu khó có thể khẳng định là tốt được.

Tuy nhiên, nếu giám sát việc học hành quá chặt chẽ khiến các cháu bị áp lực tiêu cực thì cũng không tốt. Quát tháo, bực bội, chì chiết, thậm chí đánh con trong quá trình dạy bảo các cháu học lại càng cấm kị.

Việc này nói thì dễ, có thể ai cũng biết, nhưng thực hiện khó lắm! Bởi không phải bậc phụ huynh nào cũng là nhà sư phạm. Mỗi chúng ta, sau một ngày làm việc vất vả với đủ thứ chuyện bực mình ở công sở, ở ngoài đời, tối về lại phải bảo con học, thế mà mãi chúng không hiểu, không nhớ thì không nổi cáu, không phát khùng lên mới là lạ.

Người lớn hoàn toàn hiểu được lý do của sự nổi nóng ấy, nhưng thật không may, các con của chúng ta lại không thể biết được tại sao bố mẹ cáu giận đến vậy. Chúng cho rằng như thế là bất công, là vô lý. Tại sao lại buộc chúng phải nhớ, phải hiểu, phải biết những thứ phức tạp và khó như thế, nhất là ở lứa tuổi của chúng. Rõ ràng là bố mẹ áp đặt. Khi ấy, chúng sẽ phản ứng lại chúng ta như thế nào nhỉ? Chắc chắn các cháu sẽ ngồi đực ra đấy, đầu óc nghĩ lung tung trong khi bố mẹ mong muốn chúng phải nghĩ vào bài. Càng quát, càng cố bắt chúng hiểu thì chúng càng chẳng hiểu gì hết. Chúng chỉ chú ý vào những lời lẽ gắt gỏng, rồi khi có một ngón tay chí một phát như khoan vào đầu, thậm chí là một nhát củng như trời giáng, thì nước mắt chúng bắt đầu chan chứa. Lúc đó thì thôi nhé! Đừng bao giờ nghĩ tới việc bảo các cháu học tiếp.

Tôi cũng đã từng cáu giận vô lý như thế khi bảo con học bài để rồi thấy rất vô ích. Kết quả cuối cùng là chẳng được cái gì, mình thì phát rồ còn con thì đầu óc chắc cũng rối bời bời. Sau nhiều lần thất bại, tôi bàn với vợ xem có cách gì không, cuối cùng thấy kế “xa luân chiến” trong binh pháp Tôn Tử có vẻ hiệu quả. Tức là khi dạy học phải có cả bố và mẹ đứng lảng vảng bên cạnh. Một trong hai người trực tiếp bảo con học. Con hiểu bài thi khỏi phải bàn, nhưng nếu chưa hiểu, bảo mãi vẫn chưa hiểu, mà khi ấy máu đã bừng bừng dồn cả lên mặt, giọng run run và nói to hơn…, thì lúc đó, nên lui ra để người kia thế chỗ, tiếp tục cái công việc mà mình đang không còn khả năng kiểm soát được nữa. Các bậc phụ huynh cứ thử xem, chắc chắn sẽ thấy hiệu quả đến bất ngờ./.
Ngô Thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ