Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Trình diễn .

Đọc trên VOV.VN thấy chuyện phạt người đội mũ bảo hiểm rởm chợt cười phì. Cả nước phấn đấu trở thành “người tiêu dùng thông thái” mấy năm nay mà vẫn ăn thịt bẩn. Vì thế, nếu dự thảo phạt người đội mũ bảo hiểm rởm thành hiện thực thì tiến tới chắc phải phạt cả những ai mua phải thịt bẩn. Không à? Mũ có tem hợp chuẩn CR, thì thịt lợn cũng có dấu kiểm dịch thú y đấy thôi mà người dân vẫn phải mua thịt bẩn như thường.

Từ chuyện đội mũ rởm, phạt mũ rởm thấy trong một số lĩnh vực mình trình diễn nhiều quá. Đã trình diễn thì là hình thức, chiếu lệ, coi pháp luật chẳng ra gì.

Chuyện cái mũ mới xuất hiện đây thôi, nhưng căn nguyên cội rễ của nó được gom góm tích tụ lại từ nhiều câu chuyện khác nhan nhản trong xã hội.

Đẹp nhất, sang trọng nhất là văn hóa thế mà đùng cái người ta đến đóng biển “gia đình văn hóa” xanh lè trước cổng. Chiều đi làm về, chủ nhà ngã ngửa, chột dạ nhớ lại xem mấy hôm vừa rồi có đánh vợ, chửi con trận nào không. Chưa hết ngạc nhiên, chiều hôm sau, cũng giờ ấy đi làm về, lại thấy có thêm cái cọc sắt để cắm cờ.

Không thể ngửi được là chuyện treo đèn lồng. Mấy ông cán bộ đi tham quan thấy phố cổ Hội An với đặc trưng đèn lồng rất đẹp, thế là về hè nhau treo lấy được khắp các tuyến phố. Thôi thì có mấy cái nhà cổ như ở Đồng Văn (Hà Giang) treo còn hợp cảnh, một số thị trấn như Vĩnh Bảo (Hải Phòng) cũng đèn lồng đỏ thì chỉ thấy lố bịch. Đã vậy ở trong cái đèn lồng ấy lại dùng bóng compact sáng trắng, trông chẳng ra làm sao. Truyền thống là tinh hoa văn hóa tích tụ cả ngàn đời chứ đâu phải cứ thích là sáng tạo ra ngay được.

Hàng chục năm nay, cứ đến mục tin đâu đó khởi công là trên truyền hình mặc định xuất hiện hình ảnh cán bộ lãnh đạo cầm cái xẻng mới tinh, cuốn tua rua xanh đỏ như đạo cụ hát bội, xỉa xỉa vài xẻng cát. Đầu xuân, lãnh đạo đi chúc tết thì đương nhiên phải có màn trồng cây. Đơn vị đã chuẩn bị thì các đồng chí lãnh đạo tham gia thôi chứ thực ra nhìn cảnh ấy thấy hình thức, nghèo nàn và đơn điệu. Công bằng mà nói, những hình ảnh ấy là cú hích tạo động lực cho một phong trào nào đó trong thời chiến. Nó thực sự có tác dụng ở một giai đoạn nhất định nhưng “sứ mệnh lịch sử” xem ra đã hết từ lâu rồi.

Thi thoảng ở ta dấy lên một đợt trấn áp tội phạm, thanh tra vệ sinh thực phẩm… rất rầm rộ. Khách quan mà nói thì nó cũng có tác dụng (ít ra là ở trong đợt ra quân) vì sự xuất hiện thường xuyên của ngành chức năng, và tất nhiên, vì cả sự ồn ào đã giúp đánh động cho tội phạm. Chính bởi cái sự trình diễn ấy nên dẫu cho đã có hàng trăm đợt ra quân nhưng an ninh, trật tự vẫn chưa thực sự tốt, dân vẫn phải ăn bẩn như thường.

Hôm vừa rồi đọc báo thấy thành phố Quảng Châu, Trung Quốc đang cân nhắc việc cấm quan chức đọc diễn văn dài lê thê tại các cuộc họp. Giật mình thán phục và ngạc nhiên vì thấy láng giềng đã phát hiện và dám nói ra nhược điểm của mình. Bản chất của nó là thói trình diễn, thiên về hình thức mà nội dung là số không, hoặc nếu có thì cũng có một khoảng cách rất xa so với hiện thực. Trông người lại ngẫm đến ta. Đội cái mũ bảo hiểm rởm ngang nhiên chạy nhông nhông trên phố chắc cũng là đỉnh điểm của sự trình diễn rồi còn gì?


Ngô Thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ