Thứ Ba, 12 tháng 11, 2019

Đến Quỳnh Nhai



Thực ra khi thường trú trên Tây Bắc năm 1998 tôi vẫn chưa có dịp vào Quỳnh Nhai. Một hai năm sau gì đó mới cùng Nhật Minh, Tuấn (dân thổ địa) thuê con U – oát ngật ngưỡng bò vào.
Bữa đó phù sa dồn về, phà Pá Uôn không chạy được nên mấy anh em tắc ở đó. Loanh quanh thế nào buổi tối được ông chủ phà thết bữa tuý luý, hình như lòng lợn, lại được ngủ nhờ qua đêm.
Ngày đó Pá Uôn nghiện nhiều lắm! Rầm rập mua bán hút xách cả đêm. Thanh niên choai choai phê thuốc đứng lim dim như cò ngủ. Chả thấy ai bắt. Ngược sông vào huyện, đám tàu khai thác vàng, với đủ mặt giang hồ thảo khấu, ngày đêm gào thét cày xới lòng sông.
Giờ Quỳnh Nhai khác rồi! Huyện mới cách cầu Pa Uôn vài cây số, huyện cũ đã chìm nghỉm dưới lòng hồ. Những người ưa hoài niệm như tôi trở lại Quỳnh Nhai đều mong một lần trở về chốn cũ-huyện cũ, để lặng lẽ ngồi trên mặt sông bao la nghĩ về những kỷ niệm đang ngủ yên dưới kia, dưới sâu hàng chục mét nước.
Những mỏm núi cao ngất ngày xưa giờ nước dâng biến thành những hòn đảo đẹp mê hồn! Chả ai nghĩ Quỳnh Nhai làm được cả nước mắm và sống khoẻ nhờ thuỷ sản. Cá sông Đà đang âm thầm theo thương lái chở thẳng đến các bàn tiệc của các đại gia, các doanh nhân và những người sành ăn dưới xuôi. Họ thưởng thức và rỉ tai nhau “cá sông Đà”.
Thực thà mà nói du lịch, trong đó có ẩm thực ở Quỳnh Nhai còn thô mộc. Sẽ không có sự tinh tươm và tiện nghi như resort nhưng bù lại ở đây bạn sẽ nếm được nắng, ngửi được gió, sờ được sương và ngất ngây với những nụ cười, câu nói hồn hậu chất phác của người dân bản.
Khi men rượu vừa say, khi tâm đầu ý hợp, bạn có thể đứng ở một khoảng cách vừa đủ để mân mê chiếc tai piêu trên đầu em gái Thái; bạn có thể hỏi bà con trong bản đủ chuyện mà không bị nghi ngờ là... kẻ xấu, bạn có thể “lạc bước” vào bất cứ nhà nào cũng đều được đón chào trọng thị, bạn không sợ bị cân điêu, không lo lừa lọc...
Quỳnh Nhai cũng như một vài vùng ở Tây Bắc hiện chưa có khách sạn 5 sao nhưng tình người trên cả 5 sao, những điều nhân bản như thế đã hoá thạch ở nhiều nơi. Quỳnh Nhai và một số bản làng Tây Bắc vẫn vẹn nguyên bạn nhé!
Anh Cường chủ tịch, anh Thu bí thư..., những người đắm đuối và sống chết với vùng đất cứ gặp mình là say sưa kể về những dự định trong tương lai. Chuyện lớn chả dám bàn, chỉ mong các anh làm gì thì làm, cứ phải giữ cái chất người, cái phong cảnh riêng Tây Bắc mới được!
Ai muốn trở về với thiên nhiên, với sự thanh khiết, tinh khôi, trong trẻo thì lên ngay đi, kẻo sau lại tiếc!

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2019

Lại nằm dưới

Cô gái trẻ (ảnh) sau cú rướn để leo lên giường chợt nhận ra điều gì đó bèn hoảng hốt ngồi thụp xuống ôm váy, chăm chăm nhìn vào mình cười rinh rích, nói thôi anh ơi, hay cho em nằm dưới đi...i...i..!

Lêu lêu

Hồi nhỏ đám trẻ nít ở miền Bắc thường có trò lêu lêu. Giả dụ có đứa khóc nhè thì cả đám lêu lêu cho nó ngượng. Mấy đứa mặc quần thủng đít, rốn lồi hay thò lò mũi xanh cũng hay bị lêu lêu.

Thực ra chả có trò gì để chọc cười nên đành mua vui trên nỗi khổ hoặc khiếm khuyết của bè bạn, giờ nghĩ lại thấy chả ra thế nào. Cười cợt nhau để làm gì chứ!



Cứ lêu lêu nhau vậy thôi chứ thằng to mồm lêu lêu nhất sờ xuống đít cũng thủng lỗ chỗ chứ chả hơn gì.

Lớn lên chút, lêu lêu vẫn còn nhưng có một vài biến dị, giễu cợt được thể hiện bằng những cách khác kín đáo hơn, như một cái bĩu môi, một tiếng xì, một cái liếc xéo, một cái cười nửa miệng…

Những tưởng lêu lêu chỉ có ở thời con nít, nào ngờ ở chốn cao cao nào đó, nơi một người có quyền hỏi và người kia có trách nhiệm trả lời cho bá tánh biết, vẫn thấy... lêu lêu.

Không phải ngẫu nhiên mà báo chí giật cái "lêu lêu" ra làm tít.

Rêu nướng của người Thái

Lúc chiều tối tập thể dục về thấy gói này treo ở cửa. Vỏ lá dong bên ngoài bị nướng cháy đoán ngay là rêu, mở ra chuẩn luôn.


Món rêu đá giờ ở Tây Bắc cũng hiếm rồi! Lần đầu tiên (97-98) mình ăn món này ở nhà chị Hoàng Piến, vợ anh Lò Xa Mạc, lái xe (anh Hoàng Cầu , Hoàng Khải còn nhớ?). Giờ hiếm bởi lấy và làm được chút rêu cực lắm!
Nghe nói rêu này chỉ sống được ở những chỗ suối chảy xiết, có nhiều cuội đá, đặc biệt nước phải trong và sạch, bẩn là chúng không mọc được hoặc chết ngay. Rồi khâu giặt rêu cho khỏi sạn cát mới kỳ công.
Rêu không phải món người xuôi ai cũng ăn được. Người nào hợp sẽ thấy ngon. Chưa có nghiên cứu nào về dinh dưỡng nhưng mình đoán lượng protein và vi chất trong rêu rất nhiều.
Làm cái nghiên cứu biết đâu nó lại trở thành thực phẩm cho phi hành gia hoặc các lực lượng đặc biệt tinh nhuệ🤓.
Có túm be bé bằng nắm đấm này mà phải đi một chặng dài, từ Sốp Cộp, một huyện giáp biên với Lào để ra Sơn La đấy!
Thôi, tối nay ăn một nửa, nửa còn lại để dành sáng mai ăn sáng với cơm nguội😆.

Anh Nguyễn Văn Tưởng- Tưởng trầm

Mình chơi, tiếp xúc với nhiều người có niềm say mê cháy bỏng, như chơi và sưu tầm đồ cồ, âm thanh, xe, đồng hồ, cây cảnh... nhưng người say mê trầm hương thì trước nay biết mỗi anh Nguyễn Văn Tưởng, đồng nghiệp cũ.




Giống như nhiều người đam mê khác, anh có thể nói cả ngày về trầm, chuyện gỉ chuyện gi chuyện gì đi nữa thì cuối cùng vẫn quay về trầm. Lúc có tí rượu thăng hoa anh say sưa mê mẩn nói về trầm như lên đồng, với tất cả lòng thành kính và thiêng liêng, còn người nghe cuốn vào câu chuyện như bị thôi miên. Anh nói các chuyện khác không hay nhưng kể về trầm thì có sức hút ghê gớm! Trong câu chuyện phảng phất sự huyền diệu khó lý giải và cắt nghĩa...

 



Mình thì mù tịt về trầm, nghe anh nói 10 chắc chỉ tiếp thu được 1-2. Hôm nay tiết đầu đông se lạnh, nghĩ mãi mới quyết định mở hai lần khóa ở cái tủ chè cổ, rón rén lấy ra hộp trầm anh tặng nhân dịp ghé Khánh Hòa chơi cách đây mấy năm.

Đốt lên một nén! Nhẹ nhàng thả vào chiếc hộp xinh xinh. Mùi hương thơm dìu dịu, ngọt, thanh khiết bay lên, tỏa ra; cái hương thơm được chắt ra từ máu, từ bản năng sinh tồn của loài thảo mộc vừa đủ quý phái để không nhàm chán, không kiêu sa để thành xa lạ; ngả người trên ghế, nhấp ngụm cà phê, con người ta như thong dong trở lại, suy nghĩ tích cực hơn, cảm giác không còn vướng bận, xua tan đi những xô bồ bon chen nơi trần tục...

Thành công luôn tìm đến với những người biết đam mê, dành cả cuộc đời cho nó. Nói câu này có lẽ thừa vì anh giờ này đã rất thành công, thành đạt, thành danh. Viết vài lời để cảm ơn món quà quý anh tặng cách đây mấy năm!

Anh Khải



Giờ túc tắc kể chuyện anh Hoàng Khải. Anh nghỉ hưu được tháng rồi, nhưng tôi nói với anh thời gian này cứ lên cơ quan chơi, cứ vào phòng bật đèn pha nước lên mạng như chưa về hưu vậy. Mời nhưng anh bận, chả mấy khi lên được.


Anh Khải có cả kho tiếu lâm, chỉ anh kể mới hay, người khác kể không hay. Nhưng chuyện người khác kể về anh cũng vui nhộn chả kém.

Chả là anh cao lớn, đẹp trai, rượu uống không biết say, lại dí dỏm có duyên nên đám đàn ông trong cơ quan từ già đến trẻ đều ghen tị. Mỗi khi rượu phê phê anh nghiêng nghiêng đầu, cung kính nâng chén trước ngực le ve đến bên người đẹp, thẽ thọt “anh muốn làm con dế dưới chân em”. Cử chỉ và hành vi đều nằm trong phạm vi vui đùa có giới hạn nên các em, dù trẻ hay già, dù đoan chính hay lẳng lơ, đều lấy đó làm hân hoan chứ không liên hệ sang phạm trù đạo đức.

Ấy vậy nhưng trên các cung đường Tây bắc vừa xa vừa mệt nên chuyên đông chuyện tây cuối cùng vẫn quay về chuyện …ấy.

Hiền lái xe chỉ vào một quán ven đường, bên vách núi, vô cùng thơ mộng, hỏi anh Khải ơi anh có nhớ quán này không. Nói xong Hiền cười khặc khặc khặc!

Bữa đó con xe đã “mỏi”, cái bụng người trên xe đã đói, một điểm nghỉ rộng rãi bí hiểm và nên thơ bên bìa rừng còn gì hơn? Hiền còn phải giữ sức cho chặng đường dài, đồng thời biết thân biết phận “cám đâu đến mõm lợn sề” nên ngồi ngoài hút thuốc vặt chờ anh Khải.

Chưa hết tuần trà thì một sơn nữ đi ra, Hiền hỏi thế nào, em ngửa cổ lắc lắc đầu, tay vòng ra sau túm lại mái tóc chọ gọn, khuôn ngực vồng lên sau lớp áo cóm mong manh nhưng Hiền kiên quyết không nhìn😎. Rút cái cặp đang ngậm trong miệng để búi lại mái tóc, với vẹn nguyên sự chân thực và hồn nhiên của một sơn nữ, em nói: - Trông anh í thế nhưng mà rất hợp tác 😜. (Hiền kể, chắc bịa?)

Còn chuyện này cứ dọc đường lên Điện Biên là anh chị em lôi ra kể. Hình như đó là cuộc giao ban báo chí các cơ quan dọc QL 6. Điện Biên đăng cai hoành tráng, có cả văn công, đốt lửa trại ở hồ Pá Khoang. Gì chứ uống với chị em văn nghệ sỹ phải hết mình.

Tối anh Khải ngủ cùng một anh nữa. Nói ngủ chứ báo chí văn nghệ sỹ gặp nhau vui chết đi được, sao ngủ!

Sáng mọi người truy: - Tối qua hai anh đi đâu? Anh Khải trợn mắt trương gân cổ, nói ơ ơ, tao ngủ cả đêm còn thằng kia đi đâu tao không biết! Mọi người đi gặp “thằng kia”, “thằng kia” lại trợn mắt, nói ơ ơ tao ngủ cả đêm còn thằng Khải đi đâu tao không biết 🤣.

Chuyện phiếm để quên đi nỗi cực nhọc và hiểm nguy của đường dài miền núi thôi bà con ạ! Anh Khải từ lâu đã được coi là vô hại, hiểu theo nghĩa nào cũng đúng. Đó cũng là lý do khiến mọi người mến anh! Trông hùng hổ thế thôi nhưng súng ống hỏng lâu rồi! Chả thế mà mỗi lần vui chị em dọa đòi đè ghiến ra kiểm tra là anh í chạy!

Ảnh: Sinh nhật cuối cùng ở cơ quan.

Viết thêm về sự học của người Nghệ Tĩnh nhân vụ 39 người chết


Cách đây gần hai chục năm tôi vào Nghệ An viết bài "Tiếng trống khuyến học". Thời đó một số nơi ở Nghệ An cứ 19 giờ là thôn xóm đánh trống nhắc nhở con em ngồi vào bàn học, nhắc nhở cha mẹ tắt đài, vô tuyến để khỏi ảnh hưởng tới con. Nhiều xóm tịch không một tiếng đài hay TV, chỉ còn tiếng trẻ học bài.
Học! Chỉ có học là con đường thoát nghèo duy nhất ở vùng đất nhọc nhằn này.
Hôm làm việc ở Anh Sơn nghe bà con kể có ông bố cứ sáng sớm thúc các con dậy chạy tập thể dục quanh làng. Bố chạy trước con chạy sau, vừa chạy vừa hô theo nhịp bước chân và nhịp thở:
Học!/ Học!/ Học!/ Học thật giỏi!/ Học thật giỏi để rời khỏi đất này!
Học!/ Học!/ Học thật giỏi!/ Học thật giỏi để rời khỏi đất này!
Quyết tâm ghê gớm☹️!
Tôi có nhiều bạn người Nghệ An, Thanh Hoá. Tôi khâm phục sự chịu khổ, chịu khó của họ! Hầu hết các bạn tôi đều thành danh ở đất thủ đô. Sự có mặt của họ là động lực cho những người sở tại như tôi nỗ lực phấn đấu...
Tôi luôn thích thú và khâm phục sự ra đi, sự thay đổi, nhưng sự ra đi là để làm ăn chính đáng, để tốt hơn. Và lúc trở về, nếu không năng động và sáng láng hơn thì vẫn phải vẹn nguyên sự lương thiện và tử tế của người dân quê.
Giờ sự học chật vật hơn! Tốt nghiệp đại học chưa hẳn đã có việc làm. Có lẽ vì thế mà họ, vốn luôn cháy bỏng ước vọng vươn lên, âm ỉ một khát khao thay đổi, đã chuyển hướng, xoay trục tìm những cách khác để thoát nghèo, trong đó có…sự ra đi.
Việc họ đánh cược sinh mệnh, chơi một ván bài tất tay cho cuộc ra đi sống còn chắc chắn sẽ khiến những nhà quản trị xã hội, những người làm chính sách phải thực sự lưu tâm.

Tuyệt đối và tương đối

- Con tuyệt đối không lao xe từ trong ngõ ra!
- Con tuyệt đối không ăn uống bất cứ thứ gì của người lạ!
- Con tuyệt đối nhớ khoá càng xe khi bước vào cửa hàng!
- Con tuyệt đối không khoác túi trên vai (trong có điện thoại thoại và tiền) lúc đi xe máy!
- Con tuyệt đối không đi song song sát hông xe container!
- Con tuyệt đối nhớ sang đường phải quan sát cả phía sau!
- ...!
Mình nói tuyệt đối nhưng chúng nó chỉ nghe... tương đối 😢



Sao cứ phải hỏi ông chủ?

Hôm rồi cầm thanh inox ra cửa hàng thuê cắt thành vài đoạn. Vừa tới cửa thấy ông thợ mặc đồ bảo hộ lem luốc khẩu trang kín mít lầm lũi đi ra. Phía trong có ông to béo mặc áo may ô thong dong ngồi uống trà.
Mình hỏi em ơi ông chủ đâu thì thấy nó gườm gườm lục bục câu gì đó qua khẩu trang.
Tưởng nghe chưa thủng mình lại hỏi "em ơi ông chủ đâu". Vừa dứt lời nó trật khẩu trang hất hàm trừng mắt nói gằn rất nhỏ trong cổ họng: - Sao cứ phải hỏi ông chủ?
Vốn không thuộc phe diều hâu nên mình dịu giọng phân bua, nói vào nhà thì phải hỏi chủ chứ em.
Có lẽ nó cũng chả nghĩ ra được cái gì để "mắng" mình thêm nên lừ lừ cầm thanh sắt đi cắt.
Về nhà mình nghĩ mãi xem sai ở đâu, khuyết điểm chỗ nào mà khiến cần lao phẫn nộ đến vậy. Nghĩ miết cuối cùng thì vỗ trán à lên một tiếng: Một lỗi cực kỳ nghiêm trọng, cơ bản, là cơ sở cho nhận thức đúng đắn. Ở ta ai chả làm chủ mà lại đi hỏi ngớ ngẩn thế?!😂

Viết nhân 39 người Việt vượt biên bị chết

Biết gì nói nấy

1. Cách đây chừng 7-8 năm gì đó tôi đi taxi từ Sân bay Tân Sơn Nhất về Q.4 , lái xe là một người Nghệ An. Không nhớ chính xác nhưng chắc câu chuyện bắt đầu từ lưu lạc mưu sinh nên chủ đề bỗng vượt ra ngoài biên giới.

Anh kể quê anh ( không nhớ huyện) người trẻ đi làm ăn tứ xứ, từ gần nhất như Lào, Thái đến xa hơn như các nước châu Âu. Anh kể tỉ mỷ về đường dây chạy sang các nước này với độ tin tưởng và tín nhiệm rất cao. Điều đó chứng tỏ việc đưa người đi trót lọt và công việc làm ăn của người được đưa sang thuận lợi.

Máu nghề nổi lên định bụng làm cái điều tra nhưng rồi không phải lĩnh vực mình theo dõi, lại được cơ quan điều động đi chỗ này chỗ kia nên bỏ qua rồi quên mất.

2. Hôm đi tàu điện từ chỗ ở ra trung tâm Berlin để mua sắm tình cờ thấy mái tóc đen, dáng vẻ lam lũ, đoán là người Việt nên tôi lại gần vờ hỏi đường bằng tiếng Việt. Hoá ra người Việt thật. Cậu bạn trẻ ấy nói giọng Nghệ Tĩnh. Hỏi nhập quốc tịch chưa bạn í lắc đầu, mặt buồn buồn nói vừa sang, làm phụ bếp hay chạy bàn gì đó. Sang lậu! Một vài người nói ở Berlin giờ người Việt trẻ nhan nhản. Họ mới sang.

3. Bạn tôi có chị ruột sống bên Đức đã lâu, chị có quốc tịch Đức. Bạn sang cùng chị làm nhà hàng. Một lần bị cảnh sát lùa về VN vì thiếu tiêu chuẩn gì đó. Sau bạn lại quyết tâm thi/sát hạch ở Đại sứ quán Đức tại VN để tìm cơ hội sang tiếp. Giờ thì bạn tôi đang ở bên đó và có nhiều hy vọng an cư lạc nghiệp.

Với những người Việt ra đi rồi lâm nạn, tôi nghĩ chúng ta không nên dùng con mắt của mình phán xét là dại dột, ngu ngốc hay đặt câu hỏi "ở nhà cũng đủ ăn, làm gì phải đi đâu." Mỗi người có một cách sống, một quan niệm về cuộc đời. Không cổ xuý cho các cuộc ra đi bất hợp pháp nhưng tôi chả bao giờ dám nghĩ họ ngốc!

Lại xây khu nghỉ dưỡng tâm linh ở Lũng Cú

Thấy báo chí nêu có cái dự án tâm linh-nghỉ dưỡng gì đó ở Lũng Cú bèn lục lại đống ảnh xưa.

Hình ảnh mờ mịt bên dưới là cái thằng tôi, đứng dưới chân Cột cờ Lũng Cú, thời chưa xây lớn như bây giờ.


Hồi đó Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, vẫn đang kiêm Bộ trưởng thì phải, thăm Hà Giang nên mình bám càng, đi "hút" tiếng🤣!

Mải mê "hút" tiếng, rồi mắt trước mắt sau lo đuổi theo bác Nhân nên quên cái chân micro Sony "hơi bị" xịn ở cái nhà tôn dưới chân cột cờ, nơi các anh biên phòng báo cáo tình hình, tiếc đứt ruột!

Mấy anh biên phòng có tặng bác Nhân lá cờ 54 m vuông (9x6) rách bươm. Nghe kể cứ treo cờ vài hôm là gió xé rách tè le vì nằm ở độ cao hơn 1400m so với mực nước biển.

Đây là lần đầu bác ấy lên Lũng Cú-Hà Giang, chi tiết tặng cờ rách lại không được báo trước (chắc chủ nhà muốn bất ngờ) nên dù thật quý hoá và ý nghĩa nhưng bác í hơi lúng túng, ngỡ ngàng.

Bác Nhân xúc động bảo về sẽ đề nghị các nhà máy dệt chế ra loại vải bền hơn để các anh biên phòng đỡ phải thay liên tục, vất vả! Chả biết giờ có chưa?

Lúc đánh xe lên cột cờ, mình đi con lăng-cu -zơ, cậu lái xe của Bộ GD chưa quen đường núi thấy mõm xe nhô mẹ nó ra ngoài vực giật mình phanh cái hự, phải làm tiếp đỏ nữa mới thoát cua tay áo. Sợ đái ra quần!

Từ Lũng Cú về tỉnh, mình khôn hồn nhảy lên con xe "đểu" của văn phòng uỷ ban. Anh lái xe nói nhắm mắt vẫn nhớ từng cái ổ gà. Mình rụt rè quay sang khe khẽ nói anh ơi em không cần anh nhớ đâu, đừng nhắm😂 !

Anh kể trước là lính lái xe, đoạn này quá quen! Chả thế mà anh đi con cá mập mười mấy chỗ vẫn chạy phe phé bám đít con Camry V8 xuất Mỹ hai ống xả như hai bắp chuối cực xịn của Phó Thủ tướng.

Bây giờ nói về mấy cái dự án tâm linh nghỉ dưỡng. Mà không nói cụ thể cái nào đâu nha vì mình vừa hèn vừa đếch có thông tin giề! Chỉ nói chung thế này thôi!

Đừng đánh tráo khái niệm! Đừng rửa tiền! Đừng buôn thần bán thánh! Đừng trục lợi thần linh! Đừng tung hoả mù! Đừng lừa phỉnh dân nghèo ít học!

Nếu cái thẳng giẻ rách như tôi mà có mấy va -li đô la như ông nào đó, bảo đầu tư cái gì sinh lời mà bền vững, thì tôi cũng làm cái khu du lịch -nghỉ dưỡng- tâm linh, một mô hình "liên cơ, liên hợp" lý tưởng để kiếm xèng!

Cứ đặt mấy ông phật và vài ba bát hương ở đó, sáng ngủ dậy ngáp hai cái, vươn vai hai cái, đi đái một bãi, rắm nổ một phát.... rồi ra mở hòm công đức là có tiền!

Lời thì rõ rồi! Khi phận người mong manh người ta thường hướng về đức tin. Bền vững thì đúng rồi! Ai dám động vào mấy ông sư ông phật; ai dám bạo tay dỡ toà bảo tháp? Chả thể chế chính trị nào làm thế!

Không đả phá và báng bổ! Không bao giờ! Nhưng hãy đặt đình chùa miếu mạo ở đúng vị trí thiêng liêng vốn có của nó!




Em nằm dưới

Hôm nay bước lên xe thì thấy một em nằm co ro ở giường mình. Đang ú ớ ngạc nhiên định hỏi nhà xe xem có xếp nhầm chỗ không thì em chớp chớp mắt, nói đúng giường anh đấy! Em thử nằm xem có khác gì không mà thấy lần nào đi anh cũng chọn giường này.

Nói xong cố ấy nhỏm dậy chỉ tay lên giường phía trên, nói giường em đây, số 2 tầng dưới, còn anh lần nào cũng tầng dưới số 3.

Thấy cô ta có vẻ thân thiện, hơi xinh xinh dễ mến nên được thể mình khoe kiến thức vật lí tí, nói đi xe, em coi 4 bánh xe là bốn đỉnh của một hình chữ nhật, điểm cắt của đường chéo (nối 4 đỉnh) chính là vị trí ít sóc nhất, êm ái nhất. Mình chỉ tay sang giường bên cạnh, nói nó đây này, nhưng không có chỗ dựa chân nên anh nằm đây, cạnh thành xe, cũng ổn.

Chả biết cô ấy có nghe không nhưng thấy mắt môi chớp chớp, nói thế hả anh, thế hả anh, rồi cười khe khẽ, nói nằm dưới êm hơn à anh, nằm dưới thích hơn hả anh🤪.




Mình sướng! Chả khác gì mèo Tom được bơm, được phỉnh, mũi to như quả cà chua, mắt đảo khắp lượt xem có ai trên xe ngóc dậy hóng không nhưng xe chưa có ai ngoài mình và cô ấy.

Rồi mình cảnh giác, hỏi sao em biết anh thường đặt giường này. Cô ấy bảo tuyến Sơn La- Gia Lâm có mỗi một xe chạy, 10 hôm em gặp anh 9. Lần nào cũng tầng dưới số 3. Hay hôm nay anh cho em thử nằm dưới xem có khác không, anh lên trên đi. Nói xong cô nàng quay đi cười khúc khích.

Chị em nói thế nỡ nào! Mai lại là 20/10 nữa chứ! Mình bảo được em à, nhưng phải nói anh biết em làm gì mà cuối tuần hay đi tuyến này. Cô ấy lại cười khúc khích, nói được, nhưng anh phải giúp em cơ!
- Được!
- Cho em nằm dưới!
- Được!
Mình nói chắc như đinh đóng cột! Nam nhi đại trượng phu có cái chỗ nằm hẹp hòi gì!

Đột nhiên tiếng cười vụt tắt, mặt thoáng buồn, quay vội ra ngoài cửa xe, cô ấy nói:
- Em về Bệnh viên Tâm Anh... chữa vô sinh.

Thứ trưởng bị ...rơi

Phóng viên theo dõi lĩnh vực GD hầu như ai cũng biết cái căng tin ở tầng 8, Bộ GD-ĐT, nơi thứ trưởng Lê Hải An rơi xuống, tử vong. Đây là toà nhà được xây dựng thêm sau này.

Chả biết giờ thế nào chứ thời tôi, khi còn theo dõi mảng GD, ăn uống ở đây không hấp dẫn lắm! Đám phóng viên lên đây chém gió trong lúc chờ săn phỏng vấn, họp hành... thôi. Khách trong Bộ cũng lèo tèo. Trước chỉ ăn uống bên trong. Chắc giờ khách đông, nhiều người thích riêng tư, hút thuốc... nên mở rộng ra cả hành lang (như hình)



Nhìn cái dây vàng khoanh cái nơi anh ra đi oan nghiệt quá! Đấy là vị trí được cho là anh bị rơi xuống. Tôi không theo dõi mảng GD lâu rồi nhưng nhiều đồng nghiệp kể rất quý tính cách và tài năng của anh An. Rồi lại biết thận phụ của anh chính là nhà giáo Lê Hải Châu, tên tuổi tôi nhớ như in vì ông là tác giả của nhiều bộ sách luyện toán dành cho thế hệ 6x như tôi.

Gọi điện hỏi, một đồng nghiệp cho hay anh mới mua điện thoại Iphone 11, sáng đứng ở ngoài hành lang gọi bị rơi nên trèo ra lấy rồi trượt chân. Ấy là bạn tôi cũng nghe người khác kể thôi chứ không chứng kiến.

Rơi hay không thì nhìn hành lang và các gờ tường là biết! Hỏi nhà mạng thời điểm đó có cuộc gọi nào (đến/đi) ở số máy của anh thì ra ngay!

Thầy Lê Viết Khuyến bảo vướng thanh gỗ trong khi lan can quá thấp nên ngã nhào xuống. Nhưng trong hình thì lan can đâu có thấp?

Rồi công an cũng sớm thông tin chính xác nguyên nhân. Anh ra đi khi còn quá trẻ (1971), khi sự nghiệp và tương lai phía trước đang rộng mở! Xin chia buồn cùng gia đình!

Chú ý ai đẹo khẩu trang

Nhân vụ cướp tiệm vàng ở Quảng Ninh thấy cần nói về cái khẩu trang.
Giờ bụi mịn PM 2.5 bủa vây khắp chốn nên ai cũng đeo khẩu trang. Một số người trước đây cười cợt bạn mình "đóng bỉm" nay cũng phải nghĩ lại.
Trị an không tốt nên camera ở mọi nơi. Kẻ xấu cũng chờn nhưng nhờ có cái khẩu trang và mũ bảo hiểm (đang trở thành phổ biến) nên chúng hy vọng có thể che giấu thân phận, vô hiệu hóa camera an ninh.
Lại nhớ hồi mình học thêm thầy Thái Bá Tân buổi tối, thầy cực ghét đứa nào đeo khẩu trang vào lớp. Trò chuyện cùng thầy mà quên gỡ khẩu trang là thầy đuổi thẳng cổ.
Để ý thấy các vụ cướp ngân hàng và tiệm vàng kẻ xấu đều đeo khẩu trang, đội mũ xùm xụp hòng bịt mắt camera. Bởi thế trộm nghĩ ở những nơi dễ bị cướp "viếng thăm" nên có quy định cởi bỏ khẩu trang, kính râm và mũ trước khi bước vào bên trong. Vào nhà hà cớ gì phải đội mũ, mang khẩu trang?
Ai không chấp hành thì ngay từ vòng ngoài bảo vệ sẽ nhắc nhở. Nếu có ý đồ xấu chống đối, chống cự, bảo vệ sẽ khống chế. Điều này tạo cơ hội cho bên trong có đủ thời gian báo động và đối phó.
Còn sau này, hết bài, chúng sử dụng mặt nạ silicon như các phim hành động thì... kêu tui đến tui làm security guard cho😎

Chụp ở Quỳnh Nhai

Nhà mình đấy! Lợp bằng những tấm gỗ pơ mu dầy. Các nhà bảo vệ môi trường đừng vội khinh bỉ vì gỗ này khai thác từ thời ông nội, giờ cấm rồi, mà cũng chẳng còn🤣.



Ở đơn sơ vậy thôi nhưng không có bụi mịn PM 2.5, se se lạnh, trời trong vắt, đi cả ngày chả sợ bị thụt két. Khoẻ!

Panorama trên Mã Pì Lèng

Toà nhà Mã Pì Lèng Panorama chìa răng ra sông Nho Quế (ảnh) đã được các nhà khoa học, các chuyên gia nói khá đầy đủ. Ở đó có ba ý lớn:
1- Mã Pì Lèng Panorama là công trình chưa có giấy phép xây dựng.
2- Xem lại Luật Di sản nếu chưa chặt chẽ thì bổ sung để xử lý những vấn đề tương tự trong lai.
3- Tất cả đều kiến nghị phá dỡ.
Nhiều người cho rằng nên giữ nguyên công trình “vì có ích cho người dân” (?!)
Rõ ràng những ai muốn check-in, selfie … thì có nơi thuận tiện như thế để chụp, để tạo dáng cũng tiện. Tuy nhiên cần rạch ròi lợi ích của một nhóm người và lợi ích cho nhiều người, lợi ích cục bộ và lợi ích toàn bộ.
Nếu chúng ta suy nghĩ và nhắm tới những mục đích, những giá trị lớn hơn, rộng hơn ở khu vực này thì tin rằng chả ai chấp nhận để một công trình như thế tồn tại.